Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.833.997
Hôm qua:1.722
Hôm nay:1.925

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Bàn về phân cấp, phân quyền trong tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

08:25 | 18/08/2023 259

Nguyễn Đoàn Đoan Trang

                           Khoa Nhà nước và Pháp luật

TÓM TẮT:

Thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương được xác định theo hình thức phân quyền, phân cấp. Vậy, phân quyền, phân cấp là gì? được thực hiện giữa cấp nào với cấp nào? Phân quyền, phân cấp để làm gì? Những nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp rồi thì cơ quan phân quyền, phân cấp có phải chịu trách nhiệm hay không?... là những vấn đề được đặt ra và phân tích trong bài viết.

Đặt vấn đề

Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp tại Việt Nam được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hình thức phân quyền, phân cấp. Tuy nhiên hiểu như thế nào là phân quyền, phân cấp thì còn có nhiều cách luận giải khác nhau. Bài viết đi vào phân tích làm rõ sự khác biệt giữa phân cấp, phân quyền trong quản lý chính quyền địa phương nhằm đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp theo đúng thẩm quyền được phân định.

1. Cơ sở pháp lý về phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam

Trong tổ chức và hoạt động của một nhà nước, ở mức độ khác nhau đều có sự phân cấp, phân quyền. Nhà nước càng hiện đại thì phân cấp, phân quyền càng hoàn thiện

Hiến pháp 2013 đã hiến định vấn đề phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước trung ương và chính quyền địa phương tại Khoản 2, Điều 112 như sau: "Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương". Như vậy, mỗi cấp chính quyền ở trung ương và địa phương được phân định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam, nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của chính phủ đươc xác định tại Khoản 4 Điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định: “Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương”. Vấn đề phân cấp, phân quyền và uỷ quyền trong tổ chức chính quyền địa phương đã được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.

Phân cấp?

Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019 không quy định thế nào là phân cấp mà chỉ quy định tại Điều 13:

(1) Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

(2) Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp;

(3) Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện v tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp. (Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương 2019)

(4) Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.

Như vậy có thể hiểu phân cấp là việc giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên cho cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên một cách thường xuyên, liên tục. Phân cấp có các đặc điểm sau: (1) Về hình thức biểu hiện: việc phân cấp phải được thể hiện dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp chứ không phải được thể hiện dưới dạng văn bản hành chính thông thường; (2)Về căn cứ: phân cấp phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương đó là các điều kiện cụ thể về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện khác; (3)Về cơ chế chịu trách nhiệm: cơ quan nhà nước cấp dưới chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được phân cấp; đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; (4)Về cơ chế kiểm tra: cơ quan nhà nước cấp trên được quyền kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã phân cấp; (5)Về cơ chế phân cấp liên tục: cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc chính quyền địa phương được quyền tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho cấp dưới nhưng phải có ý kiến của cơ quan nhà nước cấp trên.

Như vậy việc phân cấp mặc dù đã giao nhiệm vụ, quyền hạn nhưng vẫn thể hiện sự phụ thuộc giữa cơ quan nhà nước cấp dưới vào cơ quan nhà nước cấp trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Phân quyền?

Một trong những xu hướng cải cách hành chính theo mô hình quản lý công mới được đưa ra ở các nước OECD vào những năm 1970 là đẩy mạnh phân quyền. Đẩy mạnh phân quyền tức là chính phủ trung ương chuyển giao nhiều hơn các quyền hạn, trách nhiệm, thẩm quyền cho các cấp chính quyền địa phương trong việc chủ động giải quyết các công việc của địa phương và được tự chủ trong quản lý và sử dụng các nguồn lực được phân bổ trong phạm vi thẩm quyền của họ.

Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019 không định nghĩa thế nào là phân quyền mà chỉ quy định tại Điều 12:

(1) Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác

(2) Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

(3) Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.

(4) Các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phù hợp với các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định tại Luật này.

Như vậy phân quyền là giao quyền định đoạn đối với những vấn đề đã phân cấp nhằm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ quan nhà nước cấp dưới. Đặc điểm của phân quyền là: (1) vấn đề phân quyền phải được quy định trong Luật và vì vậy chỉ có Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quy định nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; (2) chính quyền địa phương có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; (3) cơ quan nhà nước cấp trên chỉ kiểm tra, thanh tra tính hợp hiến và hợp pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền.

 

2. Một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong thực hiện phân cấp và phân quyền trong tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.

Phân cấp gắn với phân quyền là một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn phân cấp, phân quyền trong quản lý hành chính nhà nước còn tồn tại nhiều vấn đề cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

Theo Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thì: Thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và hội nhập quốc tế. Việc thực hiện phân cấp nhiệm vụ phải căn cứ vào khả năng tự cân đối ngân sách, điều kiện phát triển của các địa phương

Do chưa mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương nên nhiều công việc cơ quan chính quyền địa phương có khả năng giải quyết nhưng không có quyền giải quyết, các cơ quan cấp trên không có khả năng giải quyết hiệu quả nhưng lại có quyền giải quyết, dẫn đến nhiều công việc ùn tắc, chậm trễ, kém hiệu quả. Mâu thuẫn này đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương chưa thật hợp lý, thiếu nhất quán, chưa đáp ứng được xu thế phát triển, chưa xác định được việc gì giao cho cấp nào thực hiện thì hiệu quả hơn. Mặc dù đã xác định được lĩnh vực tập trung phân cấp, nhưng trên thực tế mới đang trong giai đoạn triển khai bước đầu. Một số vấn đề phân quyền rồi nhưng thực tế vẫn tồn tại cơ chế "xin - cho" trong nền hành chính.

Trong giai đoạn hiện nay để phân định thẩm quyền hợp lý cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ cấu tổ chức của các cấp chính quyền địa phương; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo hướng một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp trên cơ sở các định hướng của Chính phủ; tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

KẾT LUẬN

          Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là xu hướng đặt ra trong mô hình quản lý công mới hướng tới xây dựng một nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong một thế giới đang chuyển đổi. Chính vì vậy, nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa trong giai đoạn sắp tới là vấn đề hệ trọng để hướng tới một nền hành chính hội nhập./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp 2013.

2. Luật tổ chức chính phủ 2015.

3. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.

4. Luật sửa đổi bổ sung Luật tổ chức chính phủ và luật tổ chức chính quyền địa phương 2019.

5. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Phần Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, Nxb. Chính trị quốc gia, 2018.

6. Nguyễn Hữu Hải, Cải cách hành chính nhà nước - Lý luận và thực tiễn, Nxb.Chính trị quốc gia, 2016.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: