Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.832.192
Hôm qua:1.722
Hôm nay:1.347

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Văn hoá và ứng xử với văn hoá trong đời sống xã hội hôm nay

19:50 | 17/08/2023 389

ThS. Phan Thị Mỹ Dung

Trong các lĩnh vực đời sống xã hội, văn hoá được biết đến khá sớm, bắt nguồn từ thuật ngữ Latinh (Cultura) để chỉ những hoạt động kinh tế trong giai đoạn sơ khai của lịch sử loài người. Đó là hoạt động gieo trồng, cấy hái và sau này, trong ngôn ngữ phương Tây Cultura được biểu đạt là “culture”- có nghĩa là văn hoá . Ở phương Đông, chiết tự theo lối Hán- Việt thì “văn hoá” bao hàm nghĩa của 2 từ ghép, trong đó: “văn” là đẹp, văn còn có nghĩa là “nghe”- sự thấu hiểu, thấu cảm; “hoá” là sự/ quá trình biến đổi. Như vậy, cả phương Đông và phương Tây, văn hoá hàm nghĩa là quá trình, tạo tác của con người nhằm cải biến thực tại, làm biến đổi đời sống tự nhiên và xã hội theo quan niệm của “cái đẹp”. Khi nhìn nhận về hoạt động thực tiễn, Mác cũng cho rằng: Con người luôn có khuynh hướng nhào nặn hiện thực theo quy luật của “cái đẹp”. Cho đến nay dù có trên 400 định nghĩa về văn hoá song cách tiếp cận khái niệm văn hoá của Unesco, cũng như chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều thống nhất ở điểm: Toàn bộ những hoạt động lao động, sáng tạo của con người trên phương diện vật chất và tinh thần đạt tới 3 giá trị trụ cột: CHÂN- THIỆN- MỸ, đều là văn hoá. Như vậy “văn hoá” hình thành và ngày càng được bồi đắp qua sự phát triển của của con người và xã hội.

Cách tiếp cận văn hoá như trên giúp chúng ta có thái độ đúng đắn và ứng xử hợp lý hơn với văn hoá trong xã hội hiện nay:

Thứ nhất, văn hoá hình thành qua hoạt động lao động cải biến tự nhiên và xã hội của con người theo tiêu chuẩn của “cái đẹp”. Với cơ chế thẩm thấu, các gía trị Chân- Thiện- Mỹ tích tụ theo thời gian tạo nên văn hoá của một cộng đồng, quốc gia dân tộc. Chỉ có thông qua hoạt động sáng tạo, lao động sản xuất, học tập, làm việc,…của mỗi cá nhân, cộng đồng mà văn hoá dần định hình. Không thể có được văn hoá bằng sự cấy ghép, lai tạp các yếu tố ngoại lai với bản địa một cách cơ học, làm việc theo kiểu “ăn xổi”, mà nó bao hàm sự vun trồng, chăm bón như trong nghĩa đen của danh từ Culture. Đây chính là hàm nghĩa sâu xa của văn hoá. Theo C.Mác, để văn hoá ra đời cũng chính là quá trình con người sản xuất và tái sản xuất ra bản thân mình với tư cách là một thực thể xã hội- con người văn hoá. Vì vậy, trong giao lưu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế- xã hội đem lại cuộc sống hoà bình, ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân cũng chính là quá trình xây dựng, bồi đắp văn hoá cá nhân và cộng đồng quốc gia dân tộc.

Thứ hai, ở đâu có con người tham gia vào quá trình lao động sản xuất, cải biến tự nhiên- xã hội và chính mình thì ở đó manh nha mầm mống văn hoá. Cũng có nghĩa rằng nơi nào con người còn khổ đau, cái xấu cái ác hoành hành,… thì nơi đó có sự đứt gãy hoặc xung đột văn hoá. Là một khái niệm có nội hàm vô cùng rộng lớn, văn hoá ôm trong mình nó cả “văn minh” (thường để chỉ sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, như: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp,..) và “văn hiến” (thiên về những giá trị tinh thần, thể hiện ở sự tiến bộ trong phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống, hệ tư tưởng tiến bộ, khoa học, nghệ thuật,…). Theo Immannuel Kant- một triết gia có ảnh hưởng đến Kỷ nguyên Khai sáng sự khác biệt giữa văn hoá và văn minh ở yếu tố này: Ý niệm về đạo đức thuộc về văn hóa. Còn việc sử dụng ý niệm văn hóa chỉ vì danh vọng về tao nhã bề ngoài thì chỉ tạo ra văn minh mà thôi! Cách tiếp cận về văn hoá có sự khu biệt nhất định với “văn minh” như trên giúp chúng ta dễ dàng phân định khi nhìn nhận, xem xét một quốc gia, dân tộc hay thậm chí một cá nhân, tổ chức đã đạt tới trình độ văn minh hay văn hoá chưa. Có “văn minh cao” không đồng nghĩa với có văn hoá nếu trong tư tưởng và hành động thực tiễn con người thiếu hụt 1 trong 3 giá trị trụ cột CHÂN- THIỆN- MỸ. Có thể nhận định một quốc gia dân tộc là “văn minh bậc nhất nhân loại” nếu dựa trên những thành tựu về khoa học công nghệ, kỹ thuật họ đạt tới. Song điều đó chưa đủ để xếp hạng dân tộc, quốc gia này là “văn hoá cao” hay dân tộc quốc gia khác là “văn hoá thấp”! Ví như năng lượng hạt nhân là do con người sáng tạo ra nhưng mãi mãi cũng chỉ là sản phẩm của “nền văn minh công nghiệp” nếu hướng vào mục tiêu chế tạo vũ khí huỷ diệt con người, đi ngược lại với giá trị nhân văn, tiến bộ của nhân loại. Văn hoá thẩm thấu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hoá trong buôn bán, hợp tác làm nên giá trị của các chủ thể kinh doanh quyết định doanh số, thắng thua của doanh nghiệp, đó là văn hoá kinh doanh; trong ứng xử của cán bộ viên chức và cơ quan công quyền tạo nên văn hoá công sở, trên từng lĩnh vực hoạt động cá nhân và xã hội: có văn hoá giao thông, văn hoá ẩm thực, văn hoá giao tiếp,…   

Xây dựng văn hoá thực chất là tạo ra môi trường, điều kiện để giải phóng toàn diện Đức- Trí- Thể- Mỹ- vốn là các lực lượng bản chất người của con người. Để đạt được kết quả trong xây dựng văn hoá lấy phát triển con người làm mục tiêu và phát triển con người là động lực của việc định hình, bồi đắp, vun trồng các giá trị văn hoá, trước hết cần bắt đầu từ nhận thức của mỗi cá nhân về văn hoá và vai trò của văn hoá trong sự tồn tại và trưởng thành của mình. Cách tiếp cận khái niệm văn hoá và lựa chọn lối hành xử với văn hoá trong đời sống xã hội vì thế luôn thu hút sự quan tâm của mọi cá nhân và cộng đồng quốc gia, dân tộc, nhân loại trên hành trình phát triển của mình.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: