Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.825.904
Hôm qua:704
Hôm nay:657

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Giới thiệu sách, tác phẩm

Tác phẩm: Bàn về khế ước xã hội (Du Contrat Social)

08:47 | 18/09/2023 1121

TÁC PHẨM: BÀN VỀ KHẾ ƯỚC XÃ HỘI (DU CONTRAT SOCIAL)

TÁC GIẢ: JEAN – JACQUES ROUSSEAU

NGƯỜI DỊCH: HOÀNG THANH ĐẠM

 

PHẦN MỞ ĐẦU

I. Bàn về Khế ước xã hội (Du Contrat social)

Đây là tác phẩm quan trọng nhất của nhà tư tưởng khai sáng Jean Jacques Rousseau, có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình cách mạng dân chủ tư sản Pháp thế kỷ XVIII (1789 -1794); những tư tưởng của tác phẩm còn có ý nghĩa to lớn và sức ảnh hưởng cho đến tận ngày hôm nay.

Ý đồ của tác giả là muốn tìm một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Theo ông, nhà nước phải được tổ chức cai trị bằng một “Khế ước xã hội”, trong đó mọi thành viên kết hợp với nhau thành một lực lượng chung, được điều khiển bằng một động cơ chung, một ý chí chung. “Khế ước xã hội” tất nhiên bao hàm điều ràng buộc với cá nhân, nhưng mỗi thành viên, trong khi khép mình vào tập thể, vận dụng sức mạnh của tập thể, vẫn được tự do đầy đủ.

Tác phẩm đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau và xuất bản nhiều lần. Bản dịch “Bàn về Khế ước xã hội” của dịch giả Hoàng Thanh Đạm được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp là bản dịch đầy đủ đầu tiên. Bản dịch này được Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu năm 1992.

Do nhu cầu của người đọc, tác phẩm này được tái bản và giới thiệu với đọc giả vào tháng 4-2006, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội. Tác phẩm cũng góp phần mở rộng việc nghiên cứu luật pháp trong thời kỳ đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng ở nước ta

II. Lời bạch của người dịch

Từ những năm 30, thời phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tôi đã nghe các bậc đàn anh nói đến Công ước xã hội, sách của Jean Jacques Rousseau. Được biết sau này Bác Hồ gọi sách này là “Dân ước luận” và Nguyễn An Ninh, lãnh tụ phong trào Dân chủ đầu thế kỷ XX dịch là “Dân ước”. Gần đây nhiều người dịch “Contrat social” là “Khế ước xã hội”.

Năm 1982, tôi đọc “Contrat social” và thấy rằng đây là một tác phẩm vĩ đại, mở đường dẫn tới cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789. Do đó tôi bắt tay vào dịch tác phẩm này với tất cả sự say mê và cố gắng của mình.

Khi đọc sách thấy hay, nhưng bắt tay vào dịch mới thấy thật là khó. Văn chương của J.J.Rousseau uyên thâm, uẩn súc. Cách lập luận của ông theo phương pháp lôgich Descartes, rành rọt, hiển nhiên, nhưng tư duy ông bao quát nhiều ý niệm, soi vào nhiều khía cạnh của vấn đề, lại phải khéo léo trình bày những quan điểm đối nghịch với chính thống đương thời. Trong các chương có nhiều câu rất dài, nếu câu nệ theo đúng chấm phẩy của tác giả mà dịch ra tiếng Việt thì sẽ rất rối rắm. Do đó, khi dịch phải tách ra nhiều đoạn một cách linh hoạt thì mới diễn dịch được hết ý lớn, nhỏ của tác giả.

Vui sướng biết bao khi mình nắm bắt hết được những ý tứ và tư tưởng sâu xa trong “Khế ước xã hội” của J.J.Rousseau.

Tháng 12-1982, tôi dịch xong toàn bộ tác phẩm, sửa đi sửa lại hoàn chỉnh, nhưng vẫn hồi hộp, chưa tự tin ở trình độ của mình, chỉ muốn tìm những đàn anh về Pháp văn và luật học nhờ hiệu đính giúp. Nhưng nhiều người đã từ chối, vì chưa có nhà xuất bản nào nhận in thì ít ai có thể làm công việc không công cho một tác phẩm nặng nề như thế.

May sao, cụ Tham Huấn, một vị cử nhân luật, và anh Phan Ngọc – một người bạn rất giỏi của tôi đã giúp đọc soát lại bản dịch và có nhận xét: “Về nội dung thì không có chỗ nào sai sót, nhưng cách dịch thì có thể một số người chưa đồng tình”. Do đó tôi cứ giữ công trình dịch thuật của mình mà chưa đưa cho một nhà xuất bản nào.

Năm 1990, anh Nguyễn Thành, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng cách mạng Việt Nam thông tin cho tôi biết hiện nay còn có một bản dịch “Contrat social” khác của Nguyễn An Ninh do người con của ông là Nguyễn An Tĩnh bảo quản. Vừa đúng lúc anh Tĩnh ra Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông. Tôi mừng rỡ đưa bản dịch của tôi cho anh xem và xin đối chiếu thì mới biết rằng Nguyễn An Ninh chỉ phỏng dịch có một chương đầu, khoảng 10 trang đánh máy. Cuối đoạn dịch tác giả có chia sẻ mong muốn có người tiếp tục thực hiện công việc của ông. Do đó, tôi đã làm tiếp công việc này.

Năm 1992, lần đầu tiên, bản dịch trọn bộ “Du Contrat social” được nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Tôi phấn khởi nghe nhiều bạn đọc nhận xét rằng người dịch cố gắng nhiều để Việt hóa cách chuyển tải từ Pháp văn sang Việt văn. Tuy vậy, rà soát lại bản in tôi thấy còn nhiều lỗi nhỏ. Mặt khác, tôi cũng phát hiện đôi chỗ dịch chưa thật sát nghĩa, hoặc còn sót ý, cần được bổ chính.

Trong lần tái bản này, tôi thấy cần bổ sung một số tư liệu về cuộc đời, tính cách và các tác phẩm chính của J.J.Rousseau để bạn đọc nắm vững biên niên tiểu sử, trình tự phát triển tư tưởng và những quảng đời thăng trầm của ông.

Do đó, trước khi đọc thẳng vào tác phẩm, xin hãy đọc “J.J.Rousseau – Cuộc đời và tác phẩm và bài viết của tôi: “Nghiên cứu khế ước xã hội” để dễ nắm vấn đề khi đọc tác phẩm “khó gặm” này. (Hoàng Thanh Đạm)

 

PHẦN NỘI DUNG

I. Jean Jacques Rousseau – Cuộc đời và tác phẩm

1. J.J.Rousseau sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 trong một gia đình thợ thủ công ở Geneve. Mới sinh ra được 9 ngày thì mẹ mất. Mười năm tuổi thơ của ông được cha là Isac Rousseau nuôi nấng, dạy dỗ, cho đọc nhiều sách truyện lý thú.

Năm 1722, ông Issac rời Geneve đi kiếm sống ở miền xa, J.J.Rousseau được gửi ở nhà ông chú, đến 15 tuổi được cho đi học nghề chạm khắc. Nhưng cậu bé luôn cảm thấy cuộc sống tù túng, bàn thân bị coi khinh, bạc đãi nên đã tìm cách trốn khỏi thành Geneve khi cậu ta mới 16 tuổi.

Trên đường lưu lạc kiếm sống và mưu tìm sự nghiệp, từ 1728 – 1741, ông sống ở nhiều nơi trên đất Pháp và Italia. Về nghề nghiệp, có lúc ông làm thư ký sở địa chính, nhiều năm làm nghề chép nhạc thuê, có lúc làm gia sư… ở đâu ông cũng gặp điều trái ý và nhận thấy xã hội thượng lưu Pháp xa lạ với chính anh, xa lạ với cuộc sống của nhân dân lao động mà anh yêu mến. Vì ổn định cuộc sống, có lúc anh đã phải từ bỏ đạo tin lành của mình, làm tín đồ của đạo Giatô theo ý muốn của người đỡ đầu. Chỉ có thời gian ngắn ông sống với bà quý tộc De Varen là được thương yêu và giữ lại những kỷ niệm êm đềm.

Trong quãng đời lưu lạc và lập chí, ông luôn tự học bằng cách tìm đọc các sách khoa học, văn học, triết học, âm nhạc nên đã có trình độ khá cao và hình thành nên tư duy triết học, xã hội học, văn học của mình. Khoảng năm 1740 – 1741, ông bắt đầu ghi chép những điều suy nghĩ tản mạn của mình. (Ở đây chúng ta học Rousseau tinh thần tự học, bất chấp cuộc sống khó khăn như thế nào).

2. Sự nghiệp sáng tác

 Sự nghiệp sáng tác của ông thực sự bắt đầu trong thời kỳ 1742-1756, khi ông chuyển tới sống ở Pari.

Năm 1742, tác phẩm đầu tay của ông là bản “Kiến nghị lập bản ký âm kiểu mới cho âm nhạc” đệ trình lên Viện hàn lâm khoa học. Tác phẩm này không được hội đồng giám định thông qua vì phương pháp ghi âm mới của ông rắc rối hơn cách ghi nốt nhạc đương thời.

Năm 1743, để kiếm sống, ông làm thư ký riêng cho viên Đại sứ Pháp tại Vinise. Qua công việc ông hiểu thêm về chính trị, nhưng ông không chịu nổi cách đối xử keo kiệt của viên đại sứ này nên ông xin thôi việc.

Năm 1745, ông có tình yêu đôi lứa với cô gái nghèo khổ Therèse Levasseaur. Tình vợ chồng duy trì cho đến trọn đời, như ông ghi trong tập hồi ký: “Therèse là niềm an ủi duy nhất và có thực Trời ban cho tôi trong cảnh cùng khổ, và chỉ riêng niềm an ủi ấy đã giúp tôi chịu đựng được cuộc đời”.

Năm 1746, ông làm thư ký riêng cho bà Dupin, đồng thời ông vẫn làm nghề chép nhạc thuê để kiếm sống. Thời gian này ông có liên hệ với Diderot và một số bạn trong nhóm chủ trương biên soạn Từ điển bách khoa nhằm truyền bá kiến thức khoa học và tư tưởng tự do, bình dẳng, chống phong kiến, chống giáo hội đương thời.

 Năm 1749, Rousseau được biết Viện Hàn Lâm khoa học Dijonra đề thi “Việc chấn hưng khoa học và nghệ thuật có góp phần làm cho phong tục thuần khiết không?”, Ông quyết định viết bài dự thi.

Năm 1750, bài thi của ông “Luận về khoa học và nghệ thuật” được Viện Hàn lâm trao giải thưởng. Diderot tuy có một đôi điểm cho là Rousseau quá khích, vẫn tích cực thu xếp cho xuất bản luận văn này.

Nhưng ngay sau đó, tác giả bị giới quý tộc công kích, lên tiếng chê bai bản luận văn này của ông, trong khi đông đảo bạn đọc rất hoan nghênh tác giả. Rousseau không hề dao động, ông viết thư trả lời các đối thủ của mình, vạch rõ sự xa hoa đồi trụy của giới quý tộc là phản khoa học, phản nghệ thuật.

Năm 1752, ông viết hai vở nhạc kịch. Vở “Người thầy bói trong làng” được trình diễn cho vua Louis XV xem nhưng tác giả lại lẫn tránh không có mặt trong buổi diễn. Đến tháng 12 năm đó, vở kịch “Chàng Narcisse hay là người tình của chính mình” được trình diễn tại nhà hát quốc gia.

Năm 1753, Viện Hàn lâm lại ra đề thi mới: “Nguồn gốc bất bình đẳng giữa người với người là gì? Nó có phù hợp với luật tự nhiên hay không?”. Ông quyết định tham gia cuộc thi với luận văn “Về nguồn gốc bất bình đẳng”, ông trực diện phê phán chế độ tư hữu tài sản.

Năm 1754 – 1755, với luận văn “Về nguồn gốc bất bình đẳng”, ông bước vào cuộc đấu tranh chính trị. Vì vậy, bài thi của ông chẳng những không được thưởng mà bị loại ra, không chấm. Biết được sự kiện này, ông gửi bản thảo sang Hà Lan nhờ nhà xuất bản Michel Ray ấn hành. Cuốn sách ra mắt công chúng Hà Lan tháng 6 – 1755, ít lâu sau xuất hiện ở các cửa hàng sách Paris, lọt qua lưới kiểm duyệt của cục cảnh sát văn hoá, lập tức giới thượng lưu Paris lên tiếng công kích. Bị công kích ở Paris, ông đi một chuyến du lịch về quê hương Geneve, ông cho in tác phẩm này với lời tựa đàng hoàng và đề tặng nền Cộng hoà Geneve. Tại đây ông lấy lại tư cách công dân Geneve và khôi phục tín ngưỡng gốc của mình là đạo Tin Lành.

Năm 1756, Rousseau sống ẩn dật ở một vùng hẻo lánh phía bắc Paris. Ông cư trú trong ngôi nhà nhỏ đã bỏ hoang của một ẩn sĩ thời xưa. Tại đây ông bắt tay chuẩn bị viết cuốn tiểu thuyết dài với nhân vật chính là nàng July.

Cùng năm, mâu thuẫn xảy ra giữa Rousseau với Vontaire nhân vụ động đất ở thủ đô Tây Ban Nha làm chết rất nhiều người. Các triết gia phản động bào chữa cho Chúa trời, còn Vontaire thì công kích chúa trời làm nên thảm hoạ này bằng một bài thơ dài 250 câu. Rousseau viết thư phản đối Vontaire, nói rõ mọi đau khổ trên đời đều do người và chế độ bất công làm ra, việc gì cứ phải đỗ lỗi cho Chúa.

Năm 1757, Rousseau có quan hệ tình cảm với Bá tước phu nhân  Houdetot. Tình cảm này gợi lên cảm hứng cho ông để xây dựng nhân vật tiểu thuyết “July hay là nàng Héloise mới”.

Cũng năm này phát sinh mâu thuẫn giữa Rousseau với các bạn của ông, vì họ không đồng tình với việc ông rời Paris và sống đơn độc ở Ecmitage. Khuyên can không được, họ đã viết bài lên báo, khéo léo và gián tiếp phê phán thái độ một con người ghét đời, kiêu kỳ và cô độc. Do đó, Rousseau viết thư trả lời đốp chát, tình bạn tan vỡ…

Năm 1761 – 1762, trong hai năm này, ông hoàn thành ba tác phẩm lớn: Tiểu thuyết “July hay là nàng Héloise” và tiểu thuyết “Êmin hay bàn về giáo dục” là hai công trình văn nghệ, mỗi cuốn dày trên dưới 1000 trang; Tác phẩm thứ ba “Bàn về khế ước xã hội”, là luận văn chính trị xã hội, chỉ trên 150 trang, nhưng lại là một công trình có ý nghĩa lịch sử rất lớn.

Luận văn “Bàn về khế ước xã hộixuất bản tháng 4-1762, khi ấy ông 50 tuổi. Với luận văn này, Rousseau nêu cao tư tưởng tự do: “Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người”… “Nếu tìm xem điều gì tốt nhất cho tất cả mọi người và đỉnh cao nhất của hệ thống lập pháp là cái gì, ta có thể quy vào hai mục tiêu: Tự do và bình đẳng. Do đó, cộng đồng quốc gia cần có một khế ước xã hội…”.

 Rousseau đã dự kiến sách này khó mà xuất bản ở Pháp, nên ông gửi bản thảo sang Nhà xuất bản Ray ở Amsterdam để in. Nhưng Malesherbes đã đánh hơi được, ra lệnh không cho sách này nhập vào đất Pháp. Sau đó là ra lệnh truy lùng tác giả. Nhiều bạn bè báo tin chẳng lành này cho ông và khuyên ông nên thoát thân. Ông vẫn bình tĩnh và cứng cỏi, nghĩ rằng không cần phải trốn tránh. Chỉ đến khi một vị công tước và phu nhân báo tin chắc chắn đã có mật lệnh sẽ bắt ông vào 7 giờ sáng ngày 9/6/1762 và khuyên ông nên tránh ngay đi để còn lo sự nghiệp, lúc ấy Rousseau mới rời khỏi Paris và nước Pháp

3. Những năm sống lưu vong 1762 – 1770

Năm 1762, ở Geneve, chính quyền và giáo hội đốt hai cốn sách Émile hay bàn về giáo dục và Khế ước xã hội của Rousseau, khi ông đang ẩn náu ở Verdon rồi chuyển sang Motier là hai địa phương nhỏ trong vùng  lãnh địa Thụy sĩ thuộc quyền vua Phổ.

Năm 1763 – 1764, có người đồng hương là Tronchin viết cuốn sách Những bức thư từ đồng ruộng nhằm công kích ông. Rousseau đã viết những bức thư từ trên núi để đập lại đối thủ. (ở đây ta có thể thấy Rousseau là người rất chính trực, thẳng thắng).

Năm 1765, tại Motier, các giáo sĩ xui dân chúng công kích Rousseau. Có ngày họ ném gạch đá vào nơi ở của vợ chồng ông. Các nhà cầm quyền thì khuyên ông nên rời đi nơi khác vì họ không thể đảm bảo an toàn cho ông.

Trong hai năm 1764 – 1765, ông tập trung viết cuốn hồi ký Những điều tự bạch.

Năm 1766, Rousseau được nhà triết học Hume tạo điều kiện để đi cùng sang Anh. Nhưng tại đây ông vẫn phiền muộn, nhất là ông hoài nghi cách đối xử có ý đồ xấu của Hume trên bước đường lưu vong của mình.

Năm 1768, ông quay trở lại đất Pháp, ở Lyon, rồi ở Grenoble, ở Chambery và dừng lại ở Buorgoin gần biên giới Pháp – Ý. Ông sống ẩn náu đến năm 1769 mới dời về Paris.

 4. Những năm cuối đời

Tháng 6-1769, ông chuyển đến Paris, sống ở một đường phố nhỏ. Lúc này việc truy bắt nhà văn, nhà tư tưởng Rousseau không gay gắt như trước nữa, ông thường đến quán cà phê Nhiếp Chính. Nhân dân trong vùng biết tiếng ông, trầm trồ bảo nhau tìm đến quán cà phê để xem mặt một con người đã dám lên tiếng bênh vực dân nghèo.

Năm 1770, Rousseau thường gặp những người quen thân, đọc cho họ nghe những đoạn hồi ký “Tự bạch” mà ông vừa viết xong. Nhưng chỉ được ít lâu, sở cảnh sát gọi ông lên, cấm không được đọc tiếp.

Năm 1771, ông viết xong tập Nhận định về chính phủ Ba Lan theo đề nghị của một nhà quý tộc Ba Lan. Luận văn này bàn đến nhiều vấn đề tổ chức nhà nước, xây dựng kinh tế quốc dân, đảm bảo bình đẳng tự do và giáo dục phổ cập tinh thần yêu nước trong nhân dân.

Năm 1772 – 1773, Rousseau viết Đối thoại mở đầu bằng tiêu đề: “Rousseau – người phán xét Jean Jacques” nhằm thanh minh cho thiên hạ và người đời sau hiểu rõ con người thực của ông và tâm địa của những kẻ làm hại ông.

Năm 1775, Rousseau gói chặt tập Đối thoại, đem vào nhà thờ Đức Bà, xin đặt lên bàn thờ mẹ Maria, nhưng không được. Ông thề từ nay không đến nhà thờ nữa.

Năm 1776, ông bắt đầu viết tập ký sự Những điều mơ mộng của một người lãng du cô đơn, nhằm nói lên tâm sự của mình và những suy nghĩ về tương lai.

Năm 1777, Rousseau ngày càng ốm yếu, nhưng ông vẫn tiếp tục viết Những câu chuyện lãng du và những điều mơ mộng của mình.

Năm 1778, ông viết xong những chương cuối của tập ký sự Những điều mơ mộng…

Ngày 20 tháng 05 năm 1778, gia đình Rousseau dời sang Ermenonville thuộc quận Óise, tại đây, ngày 2-7-1778, nhà văn, nhà tư tưởng khai sáng của nước Pháp trút hơi thở cuối cùng bên cạnh người vợ chung thủy Therèse trong nhà ông bà de Giardin. Giữa năm này, ngày 28 tháng 05 năm 1778, Vontaire cũng qua đời, trước Rousseau 5 tuần lễ. Rousseau được chôn tại hòn đảo Dương Liễu heo hút; còn tang lễ Vontaire ở Paris thì rất trọng thể.

II. Bố cục của tác phẩm

Ngoài phần mở đầu (Lời giới thiệu, lời bạch của người dịch, tác giả và tác phẩm…), phần phụ lục, tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” được chia làm 4 quyển, gồm 48 chương, trên dưới sáu vạn chữ.

(Điều đặc biệt là mỗi chương trong tác phẩm này không giống nhau về độ dài: Có những chương chỉ dài 9 dòng – như chương 9, quyển thứ tư; hoặc dài một vài trang sách; nhưng cũng có chương dài đến 15 trang sách – như chương 4, chương 8 của quyển thứ tư).

1. Quyển thứ nhất (9 chương):

Chương 1: Chủ đề quyển thứ nhất

Chương 2: Các xã hội đầu tiên

Chương 3: Quyền của kẻ mạnh

Chương 4: Nô lệ

Chương 5: Cần luôn luôn trở lại với công ước (convention) đầu tiên

Chương 6: Công ước (Pacte) xã hội

Chương 7: Quyền lực tối cao

Chương 8: Trạng thái dân sự

Chương 9: Lĩnh vực thực tế

2. Quyển thứ hai (12 chương):

Chương 1: Chủ quyền tối cao là không thể từ bỏ

Chương 2: Chủ quyền tối cao là không thể phân chia

Chương 3: Nếu ý chí chung có thể nhầm lẫn

Chương 4: Giới hạn của quyền lực tối cao

Chương 5: Quyền sinh tử

Chương 6: Bàn về luật

Chương 7: Bàn về người lập pháp

Chương 8: Dân chúng

Chương 9: Tiếp theo

Chương 10: Tiếp theo

Chương 11: Các hệ thống lập pháp khác nhau

Chương 12: Phân loại các luật

3. Quyển thứ ba (18 chương):

Chương 1: Chính phủ nói chung

Chương 2: Nguyên tắc cấu tạo các hình thức chính phủ

Chương 3: Phân loại chính phủ

Chương 4: Chính phủ dân chủ

Chương 5: Chính phủ quý tộc

Chương 6: Chính phủ quân chủ

Chương 7: Những hình thức chính phủ hỗn hợp

Chương 8: Không phải hình thức chính phủ nào cũng thích hợp với mọi quốc gia

Chương 9: Dấu hiệu của một chính phủ tốt

Chương 10: Chính phủ lạm quyền và thoái hóa

Chương 11: Cơ thể chính trị suy vong

Chương 12: Duy trì quyền uy tối cao như thế nào?

Chương 13: Tiếp theo

Chương 14: Tiếp theo

Chương 15: Đại biểu hoặc đại diện

Chương 16: Việc thành lập chính phủ không phải là khoán ước

Chương 17: Việc thành lập chính phủ

Chương 18: Biện pháp ngăn ngừa những vụ chính phủ cướp quyền

4. Quyển thứ tư (9 chương):

Chương 1: Ý chí chung là không thể phá hủy

Chương 2: Những lá phiếu

Chương 3: Các cuộc bầu cử

Chương 4: Các cuộc đại hội toàn dân La Mã

Chương 5: Bàn về cơ quan tư pháp

Chương 6: Chế độ độc tài

Chương 7: Chức quan tư pháp

Chương 8: Tôn giáo dân sự

Chương 9: Kết luận

III. Nội dung tác phẩm

Có những cuốn sách khi tác giả của nó còn sống thì bị cấm đoán, truy nã, nhưng tư tưởng của sách thì tạo ra sự chuyển biến lớn trong xã hội và đã trở thành di sản quý báu cho nhiều thế hệ mai sau: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Mác, Ăngghen ra đời năm 1848, cũng như Khế ước xã hội của J.J. Rousseau ra đời năm 1762 thuộc về loại sách như thế. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản dẫn tới Công xã Pari 1871 và Cách mạng Tháng 10 Nga 1917; còn Khế ước xã hội cùng với một số tác phẩm của Montesquieu, Vontaire, Diderot… dẫn tới Đại cách mạng Pháp 1789-1794.

Trong 5 năm sôi sục của cách mạng dân chủ tư sản Pháp từ 1789-1794, tư tưởng vĩ đại của Khế ước xã hội được các nhà lãnh đạo khởi nghĩa năm 1789 nhắc đi nhắc lại nhiều lần như những định lý của xã hội. Người ta coi cuốn sách như một thứ “Kinh Coran” của cách mạng dân chủ.

1. Về tên gọi

“Khế ước xã hội” là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài “Bàn về Khế ước xã hội hay là Các nguyên tắc về quyền chính trị”.

2. Về lai lịch cuốn sách

Tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng hơn mà trước kia tôi đã tiến hành nhưng chưa lượng sức mình, nên phải bỏ đi từ lâu. Đoạn rút ra ở đây là đoạn khá nhất mà tôi có thể yên tâm trình bày với công chúng. Những phần khác không còn nữa”.

3. Về mục đích cuốn sách

Tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không có luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, Rousseau muốn gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.

4. Nội dung chính của tác phẩm “Bàn về Khế ước xã hội”

Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ, được chia làm bốn quyển:

*QUYỂN THỨ NHẤT gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập “Công ước xã hội”.

Nhận xét đầu tiên của Rousseau về con người và xã hội là: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”.

Nhìn vào khối người đông đảo trong xã hội, Rousseau nói: “Khi nhân dân bị áp bức mà họ cứ phục tùng, thế cũng là phải thôi. Nhưng nếu họ hất bỏ được cái áp bức đi thì còn hay hơn nữa, vì thế là họ giành lại tự do mà họ vẫn có quyền được hưởng”.

 Rousseau đặt vấn đề cần phải có một khế ước (contrat) hay một công ước (pacte) xã hội khi con người đã thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên như các động vật khác để trở thành con người dân sự trong xã hội. Đối với người cai trị, ông nhận định: “Bao giờ cũng có sự khác biệt lớn giữa việc thống trị nhiều người với việc quản lý một xã hội. Bao nhiêu người hầu hạ một người, đó chỉ là nô lệ với chủ nô, chứ không phải một tổ hợp xã hội. Bởi vì trong đó không có phúc lợi chung mà cũng không có cơ thể chính trị. Con người cưỡi cổ nhân dân đó, dù là thống trị một nửa thế giới cũng chỉ là một cá nhân. Quyền lợi của hắn tách rời với mọi người, luôn luôn chỉ là quyền lợi riêng tư mà thôi. Một khi hắn chết, vương quốc của hắn cũng bị tan rã như cây sồi bị thiêu hủy, đổ gục thành đống tro tàn”.

 Và ông khẳng định: “Phương pháp duy nhất để con người tự bảo vệ là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực lượng chung, được điều khiển bằng một động cơ chung, khiến cho mọi người đều bình đẳng một cách hài hòa”. Tìm ra một hình thức liên kết với nhau để dùng sức mạnh chung mà bảo vệ mỗi thành viên: Mỗi thành viên, trong khi khép mình vào tập thể, dùng sức mạnh tập thể, vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo bản thân mình. Đó là vấn đề cơ bản mà khế ước xã hội đề ra cách giải quyết. Các điều khoản của khế ước xã hội sẽ quy vào một điểm duy nhất là: Mỗi thành viên từ bỏ quyền riêng của mình để gộp hết vào quyền chung. Ai ai cũng như vậy cả, không ngoại trừ một người nào. Cho nên sẽ không ai muốn cho một người khác phải thiệt thòi trong khi tham gia công ước xã hội.

Vậy thực chất của công ước xã hội có thể quy vào một công thức sau đây: Mỗi người đặt mình và quyền lực của mình dưới sự điều khiển tối cao của ý chí chung, và chúng ta tiếp nhận mỗi thành viên như một bộ phận không thể tách rời của toàn thể.

Lật lại vấn đề, Rousseau viết: “Thật ra mỗi cá nhân có thể có ý chí riêng không giống hoặc trái với ý chí chung. Lợi ích riêng tư có thể nói với anh ta không như tiếng nói của lợi ích chung”. Cho nên thường có những người “hưởng quyền công dân mà không muốn làm nghĩa vụ thần dân. Thái độ bất công đó của cá nhân nếu phát triển mãi ra thì sẽ dẫn tới sự suy đồi của cơ thể chính trị”. Vì vậy, “muốn cho công ước xã hội không thành một công ước suông, thì nó phải bao hàm điều ràng buộc với cá nhân”.

Tham gia vào công ước xã hội mà phải chịu ràng buộc thì cá nhân có bị thiệt thòi không? Tác giả đáp: “Từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái dân sự, con người trải qua một chuyển biến lớn lao. Đó là thời điểm dứt anh ta ra khỏi giới động vật ngu muội để vĩnh viễn trở thành loài thông minh, thành một con người”. “Hãy hạch toán lại sự hơn thiệt này một cách dễ hiểu hơn: Với khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do thiên nhiên và cái quyền nhỏ nhoi được làm những điều muốn làm và chỉ làm được với sức lực hạn chế của một mình; nhưng mặt khác, con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái gì mà anh ta có được. Trong trạng thái dân sự, con người còn có quyền tự do tinh thần khiến anh ta trở thành người chủ thật sự của chính mình; vì rằng làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, và tuân theo quy tắc tự mình đặt ra là tự do”.

Để kết thúc quyển thứ nhất, Rousseau viết: “Tôi kết thúc chương này và quyển thứ nhất này bằng một điều nhận xét làm nền móng cho cả hệ thống xã hội; đó là: Công ước cơ bản không phá bỏ sự bình đẳng tự nhiên, nó xây dựng sự bình đẳng tinh thần và hợp pháp để thay thế cái mà thiên nhiên đã làm cho con người không bình đẳng về thể lực. Trên phương diện công ước và pháp quyền, con người tuy không đồng đều nhau về thân thể và trí tuệ vẫn hoàn toàn bình đẳng như nhau”.

*QUYỂN THỨ HAI gồm 12 chương, chủ yếu bàn về VẤN ĐỀ LẬP PHÁPCƠ QUAN QUYỀN LỰC TỐI CAO

Qua hai chương đầu, tác giả bàn về ý chí chung của toàn dân, chủ quyền tối cao, cơ quan quyền lực tối cao trong một nước.

“Chỉ có ý chí chung là có thể điều khiển các lực lượng nhà nước nhằm phục vụ lợi ích chung. Nếu như xã hội lập ra vì có mâu thuẫn giữa các lợi ích riêng, thì một khi các lợi ích riêng được hài hòa, xã hội mới có thể tồn tại. Trong các lợi ích khác nhau vẫn có một cái chung tạo thành mối liên quan xã hội. Do đó chỉ có dựa trên lợi ích chung mới có thể cai quản được xã hội. “Chủ quyền tối cao là nhằm thực hiện ý chí chung. Cơ quan quyền lực tối cao phải là một con người tập thể”.

 Ý chí chung là của toàn thể dân chúng, được công bố lên sẽ là một hành động của chủ quyền tối cao. Đó tức là luật. Trong một đoạn chú thích, tác giả nói rõ thêm: “Muốn cho một ý chí trở thành ý chí chung, không nhất thiết lúc nào cũng phải tuyệt đối trăm người như một, nhưng điều cần thiết là mỗi tiếng nói đều được đếm xỉa tới. Nếu gạt bỏ một tiếng nói nào thì tính chất chung sẽ bị thương tổn”.

Vậy thì ý chí chung có thể bị nhằm lẫn không? Rousseau luận giải: “Nếu dân chúng không được thông tin đầy đủ, khi họ luận giải vấn đề, dù cho là không ai trao đổi riêng với ai, thì qua rất nhiều sự khác biệt nhỏ vẫn cứ dẫn tới được ý chí chung, kết quả sẽ luôn luôn tốt đẹp. Nhưng nếu có nhóm nhỏ dựa dẫm vào tập thể lớn để thi thố âm mưu, thì kết quả sẽ ít gần với ý chí chung hơn. Cuối cùng, nếu có một nhóm phình to ra, trùm lên tất cả các nhóm khác, lúc đó sẽ không còn ý chí chung nữa, mà ý kiến quyết định sẽ chỉ là ý chí riêng”. (Giống như lợi ích nhóm vậy).

Vậy ĐIỀU KHOẢN VỀ QUYỀN LỰC TỐI CAO là gì? Đó không phải là một bản công ước giữa cấp trên với cấp dưới mà là công ước giữa CƠ THỂ VỚI TƯ CHI. (Ở đây, quyền lực giống như cơ thể với tứ chi của cùng một con người, chúng có mối liên quan mật thiết). Công ước này luôn luôn là chính đáng, hợp lý và hữu ích. Nó được đảm bảo bằng lực lượng công chúng và quyền năng tối cao nên luôn vững chắc. “Chừng nào các công dân chỉ phục tùng những công ước như vậy thì họ chẳng phải cúi đầu tuân lệnh riêng một người nào, mà chỉ tuân theo ý chí của mình mà thôi”. Trái lại, nếu như chấp nhận một sự thiên vị, hoặc phân biệt đối xử, thì trong khi chấp hành khế ước, xã hội sẽ không có một sự hy sinh chân thật nào của cá nhân”.

Tác giả dành một chương quan trọng để Bàn về luật: Luật bao giờ cũng là tổng quát chung cho mọi người. Luật coi tất cả thần dân là một cơ thể trừu tượng hóa các hành động. “Luật là sự thống nhất cái tổng thể của ý chí với tổng thể của đối tượng”.

Tác giả “Bàn về người lập pháp”: “Muốn tìm ra một quy tắc xã hội tốt nhất thích hợp với quốc gia thì phải có một trí tuệ ưu việt. Trí tuệ ấy thấy rõ mọi ham muốn của con người mà không thiên về một ham muốn nào … Trí tuệ ấy xây dựng một sự nghiệp cao cả, lâu dài, có thể phải làm trong một thế kỷ và hưởng thụ trong thế kỷ tiếp theo sau”. Và lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể của một quốc gia có thể đạt tới”.

Ở đây, Rousseau đánh giá rất cao vai trò của “cơ quan lập pháp”. Theo tôi thì đây là tư tưởng đúng đắn, tiến bộ. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, La Mã đến cuối thời cực thịnh thì bắt đầu trao cả quyền lập pháp và quyền cai trị vào tay một số người, từ đó nảy sinh tệ nạn độc đoán chuyên quyền, và nhà nước La Mã bắt đầu bước vào thời kỳ suy vong”. (Cơ sở phân quyền)

Vậy điều kiện quyết định để xây dựng một dân tộc là gì? Rousseau chỉ ra: “con người phải được hưởng hòa bình và phồn vinh”. Không có điều kiện quyết định ấy thì mọi điều kiện khác như lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên phong phú cũng đều vô nghĩa. (Tư tưởng nhân văn, vì con người).

Sau khi luận giải các vấn đề trên, Rousseau nêu bật một tư tưởng vĩ đại: “Nếu tìm xem điều tốt nhất cho tất cả mọi người và đỉnh cao nhất của hệ thống lập pháp là cái gì, ta sẽ thấy có thể quy gọn vào hai mục tiêu: TỰ DO VÀ BÌNH ĐẲNG.

Tự do. Vì cá nhân mất tự do bao nhiêu thì cơ thể quốc gia bị giảm sức lực bấy nhiêu.

Bình đẳng. Vì không có bình đẳng thì không thể nào có tự do được”.(Tư tưởng rất tân tiến)

Cuối cùng, tác giả dành một chương để bàn việc “phân loại các luật”.

Luật cơ bản, hay luật chính trị để điều chỉnh mối quan hệ chung của toàn xã hội.

Luật dân sự, giải quyết các quan hệ giữa các thành viên xã hội với nhau.

Luật hình sự, giải quyết quan hệ giữa con người với luật pháp, có ý nghĩa là sự trừng phạt của mọi người đối với kẻ vi phạm luật.

Nhưng, ngoài ba thứ luật thành văn nói trên, còn có một thứ luật pháp quan trọng hơn cả, tức là phong tục tập quán và dư luận nhân dân. Ông nói thêm: “Luật này không khắc vào bảng đồng bia đá mà khắc vào lòng dân, tạo nên Hiến pháp chân chính của quốc gia”. “Khi ba loại luật trên đã già cõi hoặc tắt ngấm thì luật này lại thắp cho nó sáng lên, hoặc bổ sung, thay thế nó”.

*QUYỂN THỨ BA gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề CƠ QUAN HÀNH PHÁP – CHÍNH PHỦ

Rousseau dùng một hình ảnh ví von để nói về vấn đề này: Cơ thể chính trị cũng như con người, muốn làm được việc phải có hai động lực: Một là ý chí, hai là sức mạnh. Ông luận giải thêm: Không có ý chí thì sẽ không xảy ra hành động, nhưng không có sức mạnh thì hành động sẽ không đạt kết quả. TRONG MỘT NƯỚC, Ý CHÍ CỦA TOÀN DÂN THỂ HIỆN Ở CƠ QUAN LẬP PHÁP, TỨC LÀ CƠ QUAN QUYỀN LỰC TỐI CAO; CÒN SỨC MẠNH QUỐC GIA THỂ HIỆN Ở CƠ QUAN HÀNH PHÁP, TỨC LÀ CHÍNH PHỦ.

Vậy chính phủ là gì? Chính phủ là một cơ thể trung gian giữa các thần dân với cơ quan quyền lực tối cao, để hai bên tương ứng với nhau, thi hành các luật, giữ gìn quyền tự do dân sự cũng như tự do chính trị.

Với cách nhìn của Rousseau: “Lực tổng quát của Chính phủ là lực của quốc gia”. Chính phủ mạnh thể hiện ở chỗ quốc gia mạnh, chứ không phải xây dựng bộ máy cho đông người. “Quan lại càng đông, chính phủ càng yếu. Đây là một phương châm cơ bản”. Ông giải thích thêm: “Chắc chắn công tác càng giao cho nhiều người thì càng chậm xong, làm ăn quá thận trọng thì khó phát tài vì bỏ qua mất cơ hội, và bàn cãi nhiều thì thường hỏng việc”.

Rousseau “phân loại chính phủ”: Ông nêu ra ba loại chính phủ:

Thứ nhất: Chính phủ dân chủ.

Chính phủ dân chủ là một cấu trúc bảo đảm cho người dân được tham gia trực tiếp vào nhiều nhất công việc quản lý quốc gia. Rousseau cho rằng đây là một loại hình lý tưởng.

Thứ hai: Chính phủ quý tộc.

Theo Rousseau, tốt nhất là tổ chức theo cách bầu chọn các nhà quý tộc cầm quyền, chứ không nên theo cách cha truyền con nối: “Trật tự tốt nhất và hợp tự nhiên nhất trong chính phủ quý tộc là để CÁC NGƯỜI THÔNG THÁI cai trị dân chúng. Ta có thể tin chắc rằng họ cai trị là vì lợi ích dân chúng chứ không phải vì lợi ích bản thân họ”. Ở đây ta thấy, lợi ích của người dân được ông đặt lên hàng đầu. Đây cũng có thể xem là một tư tưởng tiến bộ.

Thứ ba: Chính phủ quân chủ.

Chính phủ quân chủ được Rousseau miêu tả một cách tế nhị: “ Nhà vật lý Archimede lặng lẽ ngồi trên bờ nhẹ nhàng kéo chiếc thuyền lớn theo chiều sóng vỗ; đó là hình ảnh một vị hoàng đế ngồi trong cung điện khéo léo cai quản quốc gia rộng lớn của ông; làm cho tất cả đều chuyển động trong khi bản thân ông ta dường như đứng im”. Mặt khác, tác giả vạch ra nhược điểm của chế độ quân chủ: “Muốn chuyên chế mà được việc thì biện pháp hay nhất là làm cho dân chúng yêu vua. Phương châm này thật đẹp và đúng; tiếc thay, trong các triều đình người ta thường chế giễu và bất chấp phương châm này”. Ông nói thêm: “Khuyết điểm chủ yếu và tất yếu  của một chính phủ quân chủ khiến nó thua hẳn chế độ dân chủ là không bao giờ tiếng nói cộng đồng của nhân dân được đưa tới hàng tối cao. Ở hàng tối cao này, đáng lẽ phải có những người học vấn, tài năng, thì thường những kẻ quấy rối, thạo lừa đảo, khéo âm mưu. Chúng chỉ là những tài năng nhỏ mọn; một khi giành được địa vị, chúng sẽ bộc lộ trước nhân dân những điều xuẩn ngốc”. Cho nên “hiếm thấy một người cầm đầu chính phủ cộng hòa mà lại ngốc nghếch, cũng như hiếm thấy một ông quan xứng đáng trong triều đình nhà vua”. “Nhìn chung, người ta thấy rằng, trong một triều đình thường lắm mưu ma chước quỷ, mà trong một nghị viện thì lắm trí thông minh”.

Vậy DẤU HIỆU CỦA MỘT CHÍNH PHỦ TỐT là gì? Tất nhiên là sự đảm bảo hòa bình và phồn vinh cho dân chúng. Ông phân tích: “Mục đích cuối cùng của một tập thể chính trị là sự bảo tồn và phát triển của các thành viên tập thể ấy. Vậy dấu hiệu chính xác nhất của sự bảo toàn và phát triển ấy là gì? Chính là số lượng và mật độ dân cư. Một chính phủ không dùng đến biện pháp ngoại lai, không di dân các nơi khác đến, không đi chinh phục thuộc địa, mà dân trong nước ngày càng đông đúc, thì nhất định phải là một chính phủ tốt. Một chính phủ mà để dân ngày càng hao mòn, suy nhược, số dân ngày càng giảm sút, đó là chính phủ tồi tệ nhất”.

 Ở đây chúng ta thấy tư tưởng nhân văn hiện diện trong vài câu rất ngắn này của tác giả:  Nói gì thì nói, làm gì thì làm nhưng điều quan trọng nhất để đánh giá chính phủ là tốt hay xấu chính là ở nơi quyền lợi mà nhân dân được hưởng. Nhân dân chính là chủ thể để chính phủ phục vụ, để thụ hưởng những thành quả của chính phủ đó.

Tư tưởng này của J.J.Rousseau gần với S.L.Môngtexkiơ: “Bổn phận của nhà nước là làm cho mọi công dân có cuộc sống đảm bảo, có cơm ăn áo mặc đầy đủ, cách sống không hại đến sức khỏe”. Có nghĩa là, nhà nước phải thực hiện tốt chức năng và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo cho người dân có cuộc sống no đủ, được chăm lo về sức khỏe, loại trừ những cực đoan bất công tư hữu, đảm bảo cho công dân các phương tiện sống.

Ông còn khẳng định thêm: Hành động vì lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng được ông xem là một trong những tiêu chuẩn, chuẩn mực, phẩm hạnh của đạo đức chính trị. Ông viết: “Đạo đức chính trị là tình yêu luật pháp và tình yêu Tổ quốc. Tình yêu ấy đòi hỏi phải luôn đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân”. Bên cạnh đảm bảo cho công dân có cuộc sống no đủ, nhà nước phải đảm bảo cho công dân có được tự do và bình đẳng. Tư tưởng này của S.L Môngtexkiơ làm chúng ta phải suy ngẫm…

Điều quan tâm lớn của J.J.Rousseau là “Chính phủ lạm quyền và thoái hóa” Ông cho rằng khuynh hướng chung của chính phủ hiện nay là làm trái với quyền lực tối cao của nhân dân.

Và tác giả bàn đến “Biện pháp ngăn chặn chính phủ cướp quyền”. Ông phân tích: “Điều khoản lập chính phủ không phải là một khế ước mà chỉ là một đạo luật. Những người được ủy thác nắm quyền hành pháp không phải là ông chủ của nhân dân mà chỉ là những công chức. Dân chúng có thể cất nhắc hay bãi miễm họ”. (Cán bộ là công bộc của nhân dân).

Còn theo S.L.Môngtexkiơ: “Những người nắm quyền đều có thiên hướng lạm quyền. Đây là một nguy cơ của Nhà nước. Khi nắm quyền lực, bất cứ người nào cũng có thiên hướng lạm dụng nó, và người đó còn đi theo hướng ấy, cho tới lúc đạt tới giới hạn”. Và, để tránh lạm dụng quyền lực, bảo vệ tự do của người dân, cần phải tổ chức sao cho: “Quyền hành ngăn chặn quyền hành”. Ông giải thích tiếp: Thể chế chính trị tự do là thể chế chính trị mà trong đó quyền lực tối cao được phân làm ba quyền. Đó là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ba quyền lực này cân bằng nhau.

*QUYỂN THỨ TƯ gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề “cơ quan tư pháp”.

Trước hết, tác giả dành 4 chương đầu để làm rõ một nguyên lý: “Ý chí chung của toàn dân là không thể phá hủy”.

Vậy thì cái gì sẽ bảo đảm cho ý chí chung của toàn dân luôn được vững chắc và sớm phục hồi một khi bị lép vế? Tác giả nói lên quyết định của những lá phiếu, các cuộc bầu cử, và những cuộc Hội nghị toàn dân.

“Ngoài những hình thức bảo đảm dân chủ như trên, còn phải có một cơ chế thật hiệu lực, đó là cơ quan tư pháp”. Tác giả dành hai chương để nói về vấn đề này. Tư pháp là một cơ quan đặc biệt không tham dự vào bất cứ một bộ phận nào. “Cơ quan này đặt mỗi bộ phận vào đúng vị trí của nó, làm mối dây liên lạc và yếu tố trung gian giữa chính phủ với nhân dân, hoặc giữa chính phủ với cơ quan quyền lực tối cao, hoặc giữa cả ba bộ phận ấy khi cần thiết”. “Đó là cơ quan bảo tồn các luật và quyền lập pháp. Có khi nó bảo vệ quyền lợi tối cao của nhân dân như các Hộ dân quan La Mã từng làm… “Cơ quan tư pháp không được có một chút quyền lập pháp hay hành pháp nào, nhưng chính mà do đó nó có quyền cao hơn cả. Nó là cơ quan thiêng liêng nhất và được coi trọng nhất, vì nó bảo vệ luật, mà luật là do cơ quan quyền lực tối cao ban hành và do chính phủ chấp hành”.

Tác giả giải thích thêm: Cơ quan tư pháp được điều hòa một cách thông minh sẽ là chỗ dựa vững chắc cho một thể chế tốt… Cơ quan tư pháp sẽ hóa thành kẻ lộng quyền khi nó chiếm lấy quyền hành pháp, mà chính ra nó chỉ là kẻ điều hòa. Cơ quan tư pháp cũng sẽ lộng quyền nếu nó đứng ra ban bố pháp luật, mà chính ra nó chỉ là kẻ bảo vệ. Cơ quan tư pháp bị suy yếu cũng như chính phủ bị suy yếu. Muốn ngăn ngừa cho một cơ quan có ý nghĩa trọng đại như cơ quan tư pháp khỏi bị thoán đạt, chỉ có cách là đừng để cho nó trở thành thường trực mãi mãi, mà phải quy định thời hạn cho nó. Thời hạn này không nên quá dài, để thói lạm dụng không kịp hình thành, nên có luật quy định thời hạn vừa phải cho cơ quan tư pháp. Tôi thấy biện pháp trên đây không trở ngại gì cả; vì cơ quan tư pháp không tham dự gì vào thể chế, nên có thể cắt bỏ mà không làm cho thể chế bị xộc xệch. Biện pháp này lại có hiệu quả bởi vì một pháp quan mới được bầu ra theo luật pháp thì phải dựa vào luật mà làm chứ không được làm theo người pháp quan trước đó. Quan điểm này của Rousseau làm chúng ta phải suy ngẫm.

Vấn đề cuối cùng được tác giả bàn đến là vấn đề “tôn giáo dân sự”. Ở đây  ông nêu lên một số suy nghĩ độc lập của mình về mối quan hệ giữa tôn giáo với cơ thể chính trị: “Loài người thoạt đầu chưa có vua mà cũng chưa có chính thể. Vua của họ là thần thánh, chính thể của nó là chính thể thần quyền… Phải qua một thời gian lâu dài con người mới chịu chấp nhận một kẻ đồng loại làm ông chủ của mình… đồng thời người ta đặt lên mỗi đầu dân tộc một ông trời, và có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu ông trời… Từ đó có tranh chấp thần giáo và tranh chấp dân sự”. Ngay trong chiến tranh thành Troie: “Không phải con người đi đánh nhau vì thần thánh như bản trường ca Homere đã kể, mà chính là thần thánh đi đánh nhau vì con người”.

 

PHẦN KẾT LUẬN

Ôn lại cuộc đời Rousseau, ta thấy phần lớn thời gian ông sống trong nghèo khó. Với tinh thần độc lập suy nghĩ, ông ôm ấp lý tưởng tự do, bình đẳng và dành hết thời gian cho những áng văn chương bênh vực tự do, bình đẳng. Nhờ tài năng mà ông được nổi tiếng, ông được một số gia đình quý tộc ở Paris cũng như các địa phương đón nhận và giúp đỡ với tinh thần tôn trọng và ưu ái; nhưng không vì thế mà ông chịu sống phụ thuộc vào họ. Mỗi khi gặp sự đối xử thiếu tế nhị, ông liền bỏ đi, tìm cuộc sống độc lập, tự do cho mình.

Xuất thân ở Geneve, có truyền thống Cộng hòa, không như chính thể quân chủ chuyên chế ở Pháp, nên Rousseau rất yêu quê hương của mình. Ông viết trong Khế ước xã hội: “Sung sướng biết bao mỗi lần tôi suy tư về các nền cai trị quốc gia và tìm thấy những lý do mới để yêu nền cai trị của xứ mình”. Tuy vậy, khi nhà cầm quyền Geneve đốt sách của ông và có người đồng hương viết sách công kích ông thì ông đã thẳng thừng từ bỏ danh hiệu công dân Geneve của mình.

Là người bảo vệ tự do, dân chủ, ông trở thành bạn thân của nhóm Bách khoa toàn thư; nhưng với tính cách độc lập, ngay thẳng, ông không ngại tranh luận với Alambert, Diderot, Grimm với lời lẽ căng thẳng, đến mức như chia tay nhau hẳn. Người đời sau gọi các ông là những người bạn thù địch.

Cũng phải nói rằng, trong quan điểm văn hóa chính trị, Rousseau có phần cực đoan, mang tính chất tiểu tư sản nông thôn hơn là tính thị dân hiện đại. Trong bối cảnh đương thời, những người bạn của ông trong nhóm Bách khoa toàn thư phản ánh đúng nhu cầu thực tại hơn ông. Đó cũng là một nhược điểm lớn của một nhà tư tưởng lớn như Rousseau.

Tuy vậy, nhân dân Pháp và cả các học giả, các nhà cách mạng Pháp vẫn đánh giá ông rất cao sau khi ông qua đời. Rousseau cũng như Vontaire, Diderot đều được coi là những nhà tiền đạo tư tưởng đưa tới cuộc Đại cách mạng Pháp 1789.

Năm 1790, trong những ngày cách mạng sôi nổi, nhân dân Paris rước tượng bán thân J.J.Rousseau trên các đường phố.

Năm 1791, đường phố Platrière, nơi Rousseau cư trú  từ 1769 được đổi tên là đường Jean Jacques Rousseau. Hội nghị Quốc ước quyết định dành một khoản trợ cấp thường xuyên cho bà quả phụ Therèse Rousseau.

Năm 1792, Đại hội đồng Cộng hòa Geneve quyết định hủy bỏ các lệnh theo dõi, trừng phạt J.J.Rousseau từ hồi 1762.

Có thể thấy Rousseau trải qua những thăng trầm cả một đời người. Tư tưởng của ông – tư tưởng lớn – tư tưởng khai sáng, luôn đứng về phía dân chúng, bênh vực cho thân phận dân nghèo khổ… tuy nhiên cuộc đời ông, cho đến những ngày cuối đời và thời gian sau đó cũng còn chịu quá nhiều thiệt thòi. Như trên đã đề cặp đến, ông và Vontaire (về sau đều được coi là những nhà tiền đạo dẫn tới đại Cách mạng Pháp 1789) qua đời cùng năm 1778, nhưng Rousseau thì được chôn tại hòn đảo Dương Liễu heo hút, còn tang lễ Vontaire ở Paris thì rất long trọng.

Người Việt Nam có câu “Khổ tận cam lai”, và đối với Rousseau điều ấy cũng đúng. Ngày 9-11-1794 (tức 16 năm sau ngày Rousseau mất), nhân dân Pháp rước di hài J.J.Rousseau từ đảo Dương Liễu vào điện Pathéon, nơi chôn cất các danh nhân đã làm rạng rỡ nước Pháp. Trong ngày này ở thủ đô Paris cũng như Lyon và nhiều thành phố đều có lễ hội tôn vinh nhà văn - nhà tư tưởng lớn J.J.Rousseau. Có lẽ, điều này hơi muộn màng một chút đối với một nhà tư tưởng lớn như ông. Tuy nhiên đó cũng là một sự đền đáp, một sự ghi nhận đáng trân trọng của nhân dân Pháp nói riêng và nhân loại nói chung đối với Rousseau.

Những người yêu J.J.Rousseau và đã đọc Khế ước xã hội thường nói: Đọc Khế ước xã hội thật là mệt. Vì căn chương của tác giả vừa uyên thâm, vừa uẩn súc; cách lập luận của ông dựa vào phương pháp logic kiểu Descartes, rành rọt, hiển nhiên, nhưng đồng thời bao quát nhiều ý niệm, soi vào nhiều góc cạnh của vấn đề, lại phải trình bày rất khéo léo những quan điểm đối nghịch với chính thống đương thời. Bài luận văn có những câu dài tới 10 dòng, phải tách nhỏ ra một cách linh hoạt thì mới diễn dịch được tư duy của tác giả. Nhưng thật là một niềm vui lớn cho người nghiên cứu khi nắm bắt được những ý lớn và khái quát được tư tưởng vĩ đại của Rousseau trong Khế ước xã hội.

Những tư tưởng của Khế ước xã hội đã lay động bao lớp người không thỏa hiệp với chế độ quân chủ chuyên chế thời ấy. Đã 257 năm trôi qua, kể từ ngày Khế ước xã hội ra đời (4-1762) mà luồng sáng do tác phẩm rọi ra vẫn còn ánh lên trước mắt chúng ta ngày nay./.

(Người thực hiện: ThS. Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Khoa LLCS)

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: