Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.796.114
Hôm qua:1.174
Hôm nay:711

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Những Vấn Đề Pháp Lý Đặt Ra Khi Thực Hiện Quy Định Về Chuyển Đổi Giới Tính

11:55 | 13/12/2022 638

Trần Hữu Minh

                                                          Khoa Nhà Nước và Pháp Luật

 

Tóm tắt: Lần đầu tiên ở nước ta vấn đề chuyển đổi giới tính được luật hóa tại điều 37 Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên quy định việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật dân sự 2015 chỉ mang tính nguyên tắc, định hướng. Để tạo hành lang pháp lý cụ thể cho cá nhân thực hiện quyền nhân thân này thì cần phải ban hành các văn bản luật cụ thể hóa việc chuyển đổi giới tính. Bài viết đề cập đến các vấn đề pháp lý khi triển khai thực hiện việc chuyển đổi giới tính trong thực tiễn cuộc sống.

 

1. Đặt vấn đề

Ngày 24/11/2015, Quốc Hội đã thông qua Bộ Luật Dân sự 2015 với tất cả 689 điều. Theo đó, tại điều 37 Bộ luật dân sự 2015 với tiêu đề “chuyển đổi giới tính”, quy định: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Như vậy lần đầu tiên ở nước ta việc chuyển đổi giới tính được quy định trong Bộ luật dân sự đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền nhân thân của cá nhân về chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên Điều 37 Bộ luật dân sự 2015 quy định việc chuyển đổi giới tính mang tính nguyên tắc theo hướng ghi nhận khả năng chuyển đổi giới tính nhưng với điều kiện “thực hiện theo quy định của luật”. Điều này có nghĩa là để thực hiện quyền nhân thân này của cá nhân cần phải ban hành các quy định bằng văn bản luật để cụ thể việc chuyển đổi giới tính. Do đó bài viết phân tích các vấn đề pháp lý đặt ra khi triển khai thực hiện việc chuyển đổi giới tính theo điều 37 Bộ luật dân sự 2015.

2. Các vấn đề pháp lý đặt ra khi thực hiện việc chuyển đổi giới tính

Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản luật nào được ban hành để quy định cụ thể việc chuyển đổi giới tính đã gây ra không ít khó khăn cho các chủ thể trong việc thực hiện. Do đó, trong thời gian tới khi ban hành luật chuyển đổi giới tính để cụ thể hóa quyền nhân thân này của cá nhân cần phải quy định cụ thể một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cá nhân bao nhiêu tuổi thì được chuyển đổi giới tính?

Điều 37 Bộ luật dân sự 2015 không đề cập tới tuổi của người chuyển đổi giới tính mà chỉ dùng từ “cá nhân”. Do vậy, khi xây dựng dự thảo luật chuyển đổi giới tính cần quy định độ tuổi tối thiểu để được chuyển đổi giới tính. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định độ tuổi của người chuyển đổi giới tính là người “đã thành niên”. Ở Việt Nam “người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên” và người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Bộ luật dân sự 2015). Chuyển đổi giới tính là một vấn đề có ý nghĩa lớn về mặt thể chất, tinh thần cũng như ảnh hưởng sâu rộng đến các quyền và nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của một người. Người được chuyển đổi giới tính phải nhận thức được yêu cầu cũng như hậu quả pháp lý nếu yêu cầu chuyển đổi giới tính được chấp thuận. Do vậy để được chuyển đổi giới tính thì cá nhân phải đạt đến một độ tuổi nhất định và theo tôi luật chuyển đổi giới tính chỉ nên chấp thuận cho chuyển đổi giới tính đối với người đã thành niên.

Thứ hai, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi giới tính có cần phải phẫu thuật cơ quan sinh dục (từ nam sang nữ hay ngược lại) không ?

Về vấn đề này pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng đã có nhiều quy định khác nhau. Có quốc gia quy định chuyển đổi giới tính theo hướng chỉ cần thay đổi trên giấy tờ pháp lý về hộ tịch nhưng cũng có quốc gia yêu cầu để được thay đổi trong giấy tờ hộ tịch về giới tính thì cá nhân đó phải trải qua một cuộc phẫu thuật cơ quan sinh dục (từ nam qua nữ hay ngược lại). Vậy ở nước ta nên quy định như thế nào về vấn đề này? Nếu chúng ta theo hướng chấp nhận cho chuyển đổi giới tính trên giấy tờ mà không cần phẫu thuật cơ quan sinh dục thì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý sau này. Chẳng hạn, một người trên giấy tờ là nam nhưng cơ quan sinh dục lại là nữ và khi người này bị nam hãm hiếp thì có thể xác định được hành vi đó là hiếp dâm không? Cũng trường hợp trên, người này liệu có thể đăng ký kết hôn với một người nữ không ? v.v. Từ đó, tôi cho rằng chỉ nên ghi nhận việc chuyển đổi giới tính sau khi cá nhân đã tiến hành phẫu thuật cơ quan sinh dục (từ nam sang nữ hay ngược lại). Quy định như vậy để các chủ thể trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi giới tính cần phải lường trước được những khó khăn về chi phí, thời gian và sức khỏe, tránh được các hiện tượng chuyển đổi giới tính theo trào lưu, phong trào của các bạn trẻ hiện nay và bảo đảm được sự thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật.

Thứ ba, cá nhân được chuyển đổi giới tính một lần hay nhiều lần

Trong trường hợp một người đã chuyển đổi giới tính thì có được chuyển đổi giới tính lại hay không? Đây là vấn đề mà dự thảo luật chuyển đổi giới tính cần phải tiên liệu trước và đưa vào luật để lường trước hết mọi khả năng có thể xảy ra khi cá nhân thực hiện việc chuyển đổi giới tính. Chuyển đổi giới tính là việc hệ trọng trong cuộc đời của cá nhân. Vì vậy, khi đưa ra quyết định chuyển đổi giới tính nó phải là kết quả của quá trình cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo, cẩn trọng của cá nhân. Do đó, để tránh những xung đột về mặt pháp lý và bất ổn về mặt xã hội khi cá nhân thực hiện việc chuyển đổi giới tính nhiều lần thì theo tôi không nên ủng hộ cho việc chuyển đổi giới tính nhiều lần và vấn đề này cần được quy định cụ thể trong luật chuyển đổi giới tính.

Thứ tư, cá nhân đã kết hôn nay thực hiện việc chuyển đổi giới tính thì quan hệ hôn nhân đó được giải quyết như thế nào?

Pháp luật hôn nhân và gia đình ở nước ta quy định hôn nhân là hôn nhân giữa nam và nữ. Ở Việt Nam không chấp nhận hôn nhân đồng tính (cùng là nam hay cùng là nữ) về mặt pháp lý nên trong luật chuyển đổi giới tính cần quy định cụ thể vấn đề này nếu không sẽ dẫn đến trường hợp là tồn tại hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Do đó để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định về hôn nhân thì luật chuyển đổi giới tính trong tương lai khi được ban hành cần quy định theo hướng cá nhân đã kết hôn nhưng sau đó lại có nhu cầu chuyển đổi giới tính thì quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt từ thời điểm việc chuyển đổi giới tính được nhà nước công nhận trong các giấy tờ về hộ tịch.

Thứ năm, cá nhân đã chuyển đổi giới tính hợp pháp thì các giấy tờ tùy thân sẽ được thay đổi như thế nào?

Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch”. Tuy nhiên, pháp luật về hộ tịch quy định hộ tịch chỉ là một phần những giấy tờ liên quan đến cá nhân. Trong khi đó có nhiều loại giấy tờ khác không phải là hộ tịch nhưng lại quy định về giới tính như hộ chiếu. Ở đây nếu quy định chỉ cho cá nhân thay đổi các giấy tờ tùy thân liên quan đến hộ tịch thì người đã chuyển đổi giới tính hợp pháp sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống liên quan đến các giấy tờ nhân thân. Vì vậy, luật chuyển đổi giới tính cần quy định theo hướng cho phép cá nhân đã chuyển đổi giới tính hợp pháp được thay đổi tất cả các loại giấy tờ nhân thân có liên quan về giới tính chứ không chỉ giới hạn ở các giấy tờ về hộ tịch.

3. Kết luận

Với việc thông qua Bộ luật dân sự 2015 quy định về chuyển đổi giới tính, Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại Châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân đối với những người đã chuyển đổi giới tính hợp pháp. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi giới tính thật sự trở thành một trong những quyền nhân thân của cá nhân thì trong thời gian tới cần sớm ban hành luật chuyển đổi giới tính để tạo ra hành lang pháp lý cụ thể để cá nhân thực hiện được quyền nhân thân này.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật dân sự 2015
  2. Bộ luật hình sự 2015
  3. Luật hôn nhân và gia đình 2014

     4. Luật hộ tịch 2014

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: