Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.826.256
Hôm qua:704
Hôm nay:657

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

NGHỀ GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỚI HÌNH THỨC HỌC TẬP TRỰC TUYẾN

14:56 | 11/07/2022 632

ThS. Phan Thị Mỹ Dung

Trưởng khoa Xây dựng Đảng

 

Sau các đợt dịch bùng phát kể từ năm 2020 đến nay, nhân loại đang chuyển từ tư duy “xoá sạch kẻ giấu mặt thầm lặng”Covid-19 sang vừa “phòng” vừa “chống” vừa “chung sống”. Từ điển Tiếng Việt sẽ phải bổ sung cụm từ “bình thường mới” để diễn đạt trạng thái xã hội sau bùng dịch. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại hầu hết các quốc gia đều đặt ra mục tiêu kép. Khẩu trang và “5K” dần trở thành tập quán sống của cá nhân khi tham gia vào cộng đồng xã hội ở bất kỳ đâu, trong mọi hoạt động. Dịch bệnh đã làm thay đổi cách con người ta sinh hoạt, làm việc và học tập. Hình thức học tập trực tuyến được lựa chọn tại hầu khắp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên thế giới và ở Việt Nam. Hình thức học tập này đã và đang phát huy tác dụng rất lớn trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn hết sức phức tạp và khó đoán định như hiện nay.

Giảng dạy lý luận chính trị của Đảng cũng trong xu thế chung đó. Những ưu điểm của hình thức học tập này mang lại cho cả người dạy, người học và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng là điều không phải bàn thêm. Tuy nhiên trên thực tế, để học tập lý luận chính trị áp dụng hình thức trực tuyến thực sự có hiệu quả, cần tính đến nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác:

- Sự đồng bộ về các thiết bị, chất lượng đường truyền, các phần mềm ứng dụng. Hiện nay, một số phần mềm chỉ mới hỗ trợ liên kết âm thanh, hình ảnh,…còn nhiều tính năng cần thiết khác chưa được thiết kế. Một phần lý do là người dùng (cả giáo viên và học viên) chưa thông thạo trong khai thác, sử dụng và phần lớn khác là thiếu các tính năng quan trọng để đảm bảo sự tương tác, kết nối thường xuyên, liên tục giữa người dạy, người học. Bất cập này có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng quản lý giáo dục đào tạo.

- Kiến thức tâm lý học giáo dục được áp dụng trong hệ thống trường lớp ở các bậc học, ngành học từ trước đến nay chỉ mới xây dựng trên nền tảng hình thức dạy-học trực tiếp, có phấn trắng, bảng đen, mặt đối mặt,…Vì thế, sự thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến có tác động rất lớn đến hoạt động dạy. Điều dễ nhận thấy trước tiên làngười dạy chưa đượctrang bị kiến thức tâm lý học giáo dục ứng dụng trong hình thức dạy- học trực tuyến. Do đó họ chưa thể phát huy hết sở trường, vốn kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được cho học viên. Trong giảng dạy lý luận chính trị, điều này sẽ gây ra những tác động rất lớn đến hiệu quả giờ giảng.

- Ngoài nội dung khoa học, lý luận thì bục giảng, phấn trắng, bảng đen và cả tác phong, trang phục chỉnh tề của người thầy khi lên lớp cũng là yếu tố quan trọng tác động vào tình cảm, thái độ học tập của học viên. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của học viên vào nội dung khoa học và tư tưởng, tình cảm họthể hiện trong bài giảng. Giáo viên không chỉ là người giảng mà còn là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Tuy nhiên, trong giảng dạy trực tuyến, những yếu tố này thu gọnmột cách ước lệtrên màn hình thiết bị máy tính, giọng nói truyền giảng của giáo viên cũng gián tiếp qua mic không truyền tải hết âm hưởng sắc thái biểu cảm. Tính tuyên truyền, thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị vì thế mà rất khó để đạt tới hiệu qủa. Tính tương tác ở giờ học trực tuyến hầu như chỉ giới hạn trong hình thức hỏi- đáp mà trên thực tế vì nhiều lý do khách quan, việc thực hiện cũng rất khó thường xuyên và có khi bị rơ ra (dotrục trặc kỹ thuật, âm thanh chất lượng đường truyền,…) không ăn nhịp với mạch bài giảng. Hiệu ứng lan toả vì thế mà giảm sút, khó đạt tới trọn vẹn tính tư tưởng, tính chiến đấu trong nội dung bài giảng.

- Đặc thù các môn học lý luận chính trị thiên về tư duy logic, có tính khái quát rất cao đòi hỏi học viên phải hết sức tập trung. Trong lúc đó, ở hình thức trực tuyến, học viên vừa nghe vừa nhìn vào thiết bị điện tử (màn hình máy tính, điện thoại, máy tính bảng…), rất nhiều tác động trên thiết bị (các hiệu ứng,màu sắc, tạp âm,…) phần nào làm giảm bớt sự chú ý của học viên vào nội dung bài giảng.

- Đối tượng học viên trường chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phường xã,… vừa học vừa tham gia giải quyết công việc nên rất khó toàn tâm toàn ý tham gia vào nội dung bài giảng. Do đặc điểm đối tượng như vậy nên địa điểm học trực tuyến nói chung khá linh động, không gian học tập mở (có thể ở trong hoặc bên ngoài hội trường, phòng làm việc, thậm chí đang di chuyển, hoặc đang tham gia một hoạt động khác với nhiều cá nhân khác. Những tác động của ngoại cảnh đó cũng gây nhiễu, ít nhiều chi phối sự tập trung của học viên.

- Thời lượng một buổi học thường ngắn, chừng 90-120 phút bao gồm cả giải lao giữa buổi. Điều này hoàn toàn phù hợp khoa học Tâm lý, thời gian để người học tập trung chú ý không quá 40-45 phút. Tuy nhiên so với dung lượng một buổi học trực tiếp thì áp lực thời gian ngắn như thế buộc giáo viên phải thiết kế bài giảng hết sức súc tích, chắt lọc thông tin, cô đọng kiến thức. Khi trình bày phải lựa chọn ngôn ngữ sao cho ngắn gọn, khúc chiết truyền tải đầy đủ ý nghĩa, bao quát được nội dung đạt tới mục tiêu bài học.

- Công tác quản lý học viên cũng gặp khó khăn nhất định trong điểm danh, nắm sĩ số vì thể mục tiêu rèn luyện tinh thần, thái độ học tập của học viên gần như rất khó để đạt tới hiệu quả như mong muốn.

Mặc dù vậy,việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ số, những giá trị lớn lao và hữu ích mà thức học tập trực tuyến mang lại cho nhân loại trong xã hội văn minh, hiện đại hiện nay là không thể phủ nhận. Trong bối cảnh giãn cách xã hội gần như là sự lựa chọn duy nhất thì tuỳ vào đặc điểm môn học, loại hình đào tạo, tính chất đặc thù ngành nghề để áp dụng các mức độ trực tuyến khác nhau. Đây là vấn đề hết sức cần thiết đối với cơ sở đào tạo.

Thực hiện Công văn số 494-CV/HVCTQG ngày 13/5/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến  tại các trường Chính trị cấp tỉnh, Ban giám hiệu trường Chính trị Thành phố Đà nẵng ra Quyết định số 212 -QĐ/TCT ngày 02/8/2021 ban hành Quy định về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại trường. Trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép, không chờ đợi xã hội quay lại trạng thái “Zero Covid-19”, vậy cần phải làm gì để giảng dạy lý luận chính trị bằng hình thức trực tuyến mang lại hiệu quả?

Thứ nhất, cần hiện đại hoá cơ sở vật chất thiết bị, xây dựng phần mềm giảng dạy thông minh khắc phục bớt những bất cập như nói trên của hình thức học tập trực tuyến.

Thứ hai, thực hiện nghiêm quy định về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại trường Chính trị Thành phố.

Thứ ba, áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra, thanh tra giáo dục nhằm rèn luyện, đẩy mạnh phong trào thi đua khen thưởng nhằm nâng cao ý thức, tinh thần tích cực tự giác học tập của học viên.

Thứ tư, đổi mới nội dung chương trình theo hướng thiết thực, trọng tâm, bám sát vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Nội dung chương trình đảm bảo tính khoa học, khả thi và tính ứng dụng cao đáp ứng được nhu cầu người học: xem việc học tập là mục đích tự thân. Có như vậy họ mới chủ động tìm kiếm các biện pháp để tiếp cận nội dung thông tin bài giảng, tích cực học tập.Đây là giải pháp có tính căn cơ, lâu dài, liên quan đến nhiều chủ thể lãnh đạo, quản lý giáo dục đào tạo lý luận chính trị các cấp.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng các khâu: học, thi, đánh giá rèn luyện, chuyên cần đối với học viên.

Cuối cùng, phát huy cao nhất trách nhiệm giảng viên trong xây dựng nội dung bài học sinh động, thiết kế bài giảng súc tích, sáng tạo trong lựa chọn phương thức truyền thụ. Giáo án xây dựng theo hình thức mô đun, mỗi nội dung gồm bao nhiêu mô đun kiến thức, xác định thời lượng từng mô đun. Đặc biệt xây dựng phương án truyền thụ nội dung bài giảng phù hợp với đặc thù từng đơn vị kiến thức nhỏ nhất trên từng mô đun. Từ đó lựa chọn phương pháp giảng phù hợp. Giảng viên là người vừa tổ chức, vừa theo dõi và cân chỉnh nội dung - phương pháp trong suốt quá trình lên lớp đảm bảolôi cuốn học viên. Đây là giải pháp quan trọng nhất nếu duy trì được sẽ giúp khắc phục những bất cập do các yếu tố khách quan, chủ quan mang lại. Nhằm có thể khắc phục ảnh hưởng không thuận do những yếu tố khách quan chủ quan nói trên đem lại, người thầy cần đặc biệt tâm huyết  đối với nghề của mình. Dù với hình thức dạy nào, có nhiệt huyết nghề nghiệp cháy bỏng thì tự giảng viên sẽ tìm ra cách kết nối tốt nhất với học viên qua mỗi giờ giảng trên lớp. Nói như nhà bác học vĩ đại của nhân loại-Albert Einstein (1879–1955) khi ông giảng dạy ở nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ: “ ... Khi tôi giảng, tôi tạo điều kiện để sinh viên có thể dạy tôi” với hàm ý: điều quan trọng và cần thiết là mỗi giảng viên tự mình trang bị phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học viên./.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: