Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.300
Hôm qua:705
Hôm nay:36

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Từ bình đẳng giới đến bình đẳng các dân tộc ở Việt Nam, bức tranh có nhiều gam màu sáng

20:18 | 08/10/2017 2115

TỪ BÌNH ĐẲNG GIỚI ĐẾN BÌNH ĐẲNG CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM,

BỨC TRANH CÓ NHIỀU GAM MÀU SÁNG

Người thực hiện: Trương Thị Điệp
Khoa Nhà nước và Pháp luật

Có thể nói, mục tiêu bình đẳng giới hiện là mối lưu tâm hàng đầu của các quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Ngay từ thời điểm năm 1955, Liên hợp quốc đã thống nhất quan điểm và thông qua Chương trình hành động giới, lồng ghép giới tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ, lần thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc); vào năm 1979 tiếp tục thông qua Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và mục tiêu thiên niên kỷ thứ ba cũng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã quyết định đặt ra nhiều ngày lễ quốc tế, nhiều sự kiện trọng đại vì mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điều này cho thấy sự ưu tiên đặc biệt của cộng đồng quốc tế về vấn đề bình đẳng giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định. Cụ thể, trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Hiến pháp năm 1946, tại Điều 9 đã đề cập thẳng đến quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di chúc, Người cũng trăn trở về vai trò và vị trí của người phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Và vấn đề này đã được thể chế hóa thành các văn bản Luật như Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hay ban hành các chương trình hành động như: Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020... để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ. Nhiều dự án đã triển khai thiết lập các mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng rất thành công ở Huế, Hải Phòng, Ninh Bình… Ở Đà Nẵng, việc ra đời và duy trì các câu lạc bộ “cha mẹ học sinh phòng, chống bạo lực gia đình” tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu và “nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” tại xã Hòa Phong, Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.Trên cơ sở đó, phải nói rằng không có nhiều quốc gia mà hoạt động, biện pháp thực hiện bình đẳng giới được đưa thành chương trình hoạt động cụ thể ở từng tỉnh, thành, địa phương và đạt được nhiều thành tựu như ở Việt Nam.

Nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Và tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng. Điển hình: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên. Cụ thể: từ 3% ở Quốc hội khóa I tăng lên 24,4% ở khóa VIII (2011 - 2016) và tỷ lệ này là 26,72% ở khóa XIV(2016 - 2021).

Bên cạnh thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị thì bình đẳng giới trong lao động cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động đạt tới con số 26,3 triệu người, chiếm 48,4% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; và với trên 200 nghìn doanh nghiệp có nữ giới tham gia thành lập, chiếm 28,5% tổng số doanh nghiệp của cả nước không phải là con số nhỏ. Những con số này có thể nói lên nhiều điều nhưng sẽ trở nên sinh động hơn, ý nghĩa hơn nếu nhìn ra thế giới xung quanh. Tại 100 quốc gia, pháp luật công khai loại trừ phụ nữ ra khỏi một số công việc vì lí do giới tính, và tại 18 quốc gia, phụ nữ phải có sự chấp thuận của chồng mới có thể đi làm.

Trong Báo cáo phát triển con người 2016, với tiêu đề “phát triển con người cho tất cả mọi người”, được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc công bố tại Hà Nội sáng ngày 26/4/2017, Việt Nam với chỉ số bất bình đẳng giới là 0.337, xếp thứ 71/195 quốc gia, vùng lãnh thổ, tiếp tục nằm trong ba nước có thứ hạng tốt nhất tương ứng với chỉ số bất bình đẳng thấp nhất trong các nước ASEAN. Với thành tựu này, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao và được xếp vào nhóm nước có thành tựu bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Sẽ là thiếu sót nếu đề cập đến bình đẳng giới mà không đề cập đến bình đẳng các dân tộc. Đây cũng là yếu tố mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ đường lối chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta. Chúng vu cáo Việt Nam thực hiện chính sách kỳ thị dân tộc. Chúng vu cáo Việt Nam thực hiện chính sách “xua đuổi, cướp đất” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; không cho đồng bào Mông được thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo của mình; kỳ thị, phân biệt đối xử đối với đồng bào Khơ-me, Chăm... Những sự kiện bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2004, với khẩu hiệu “đuổi người Kinh về đồng bằng”, “thành lập nhà nước Đề -ga”; ở Mường Nhé (Điện Biên) với yêu sách đòi thành lập nhà nước Mông năm 2011 là những ví dụ điển hình nhất.

Nhưng nói đến kỳ thị dân tộc thì phải nói đó là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc. Họ mới những người đầu tiên gieo mầm tư tưởng “mẫu quốc” với “thuộc địa”,“hạ đẳng”, “man di” với “thượng đẳng”. Hình ảnh kinh điển về chiếc labour được thiết kế riêng biệt cho người da đen rất nhỏ, không có vòi, cáu bẩn và  labour dành cho người da trắng rộng rãi, sạch sẽ, có vòi… ; hay chế độ phân chủng Jim Crow đủ cho thấy vấn nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ trong lịch sử nặng nề đến thế nào; và hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn cho tới ngày nay khi các vụ việc như đánh đập, bỏ tù người da đen bị phát giác. Nói như thế để thấy rằng vấn nạn kỳ thị chủng tộc hiện diện ở mọi nơi nhưng ở nước ta không có lằn ranh giữa các dân tộc anh em. Có chăng đó là nhận thức sai lệch của một bộ phận nhỏ người dân, còn Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định các dân tộc Việt Nam là đại gia đình.

Điều này được thể hiện xuyên suốt từ Cương lĩnh Chính trị năm 1930 của Đảng ta đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong  thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đều nhất quán: “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển”.

Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 ghi nhận: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung”.

Và trong thực tiễn đời sống chính trị - xã hội, quyền bình đẳng các dân tộc trên đất nước Việt Nam không chỉ được ghi nhận trong chủ trương, đường lối của Đảng; được Nhà nước thể chế hóa trên các văn bản quy phạm pháp luật mà còn thể hiện rất rõ trong thực tiễn. Cụ thể như sau:

Trên lĩnh vực chính trị, mọi công dân không phân biệt thành phần dân tộc đều được tham gia bầu cử và ứng cử. Bên cạnh đó, tỷ lệ đại biểu quốc hội là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được duy trì ở mức cao. Điển hình: Quốc hội khóa VI chiếm 17,26% với 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số trong tổng số 498 đại biểu; khóa VII với 87/493 đại biểu, chiếm tỷ lệ 17,65%. Và hiện nay, con số này là 86/494 đại biểu, đạt 17,41%.

Bên cạnh đó, công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số vẫn được tạo điều kiện tham gia bộ máy nhà nước. Điều dễ thấy nhất là có rất nhiều chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước hiện nay do cán bộ người dân tộc thiểu số đảm nhiệm.

Trên lĩnh vực kinh tế: Hơn ai hết, chúng ta nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng dân tộc thiểu số qua rất nhiều chính sách ưu đãi, nhiều chương trình đã và đang mang lại lợi ích thiết thực như Chương trình 135 phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng sâu vùng xa, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số...

Trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục: Đồng bào dân tộc thiểu số có quyền dùng tiếng nói, chữ viết riêng; được tạo điều kiện để giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc mình…

Vậy, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa hiếu, đoàn kết. Và tuyệt nhiên không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số; cho dù đó là dân tộc có dân số đông hàng triệu, hàng vạn người như Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ - me hay dân tộc chỉ vỏn vẹn vài trăm người như Brâu, Rơ măm.

Như thế, có thể thấy rằng bình đẳng giới, bình đẳng các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Và những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng về giới, đặc biệt là bình đẳng các dân tộc đã mang lại nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được rõ ràng, không thể phủ nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhưng cần khẳng định một lần nữa: phân biệt về giới, về dân tộc, chủng tộc, sắc tộc là vấn nạn tồn tại ở mọi quốc gia và đây không phải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Bình đẳng giới, bình đẳng các dân tộc trở thành mục tiêu chung của các quốc gia nói riêng, của cộng đồng quốc tế nói chung; và để đạt được mục tiêu này không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình lâu dài.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: