Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.835.033
Hôm qua:1.925
Hôm nay:564

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Đấu tranh bảo vệ căn cứ K20 trong kháng chiến chống Mỹ (1965-1968)

17:09 | 24/10/2023 172

TS. Trần Thúy Hiền

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện chủ trương của Trung ương là:“Phải hết sức xây dựng căn cứ địa thành những bàn đạp vững chắc và lâu dài của cách mạng”[1], đồng thời xây dựng căn cứ cho quân giải phóng và tạo điều kiện tốt cho hoạt động của lực lượng cách mạng thành phố trong bối cảnh Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, tại Đà Nẵng, từ cuối năm 1964, Quận ủy Quận III quyết định xây dựng khối Đa Mặn thành một “lõm chính trị” lấy mật danh là căn cứ K20. Đây là khu căn cứ với địa hình chủ yếu là đồng ruộng và sông, lạch, có diện tích khoảng 3 km², bao gồm các thôn xóm Đa Phước, Nước Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa với khoảng 2000 dân. K20 trở thành địa bàn quan trọng phục vụ cho xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ngay trong lòng địch. Tại K20, Quận ủy Quận III và nhân dân tổ chức đào hầm bí mật, xây dựng một hệ thống hầm chằng chịt trong làng để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tính từ năm 1964 đến 1975, người dân Đa Mặn đã đào được 124 căn hầm bí mật trong tổng số 175 hầm trên địa bàn phường Bắc Mỹ An lúc bấy giờ. Hệ thống hầm bí mật ở K20 chính là biểu tượng của lòng dân, là trận địa cách mạng ngay trong lòng đất. Hầu như gia đình nào ở đây cũng có hầm bí mật. Cơ sở hầm bí mật nhà thờ Bà Nhiêu là nơi các đồng chí lãnh đạo như: Nguyễn Hữu Nì (Bí thư Quận III), Nguyễn Duy Hưng (Thành uỷ viên), Hồ Nghinh (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà), Trần Thận (Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà)... thường xuyên về đây ẩn trú và hoạt động chỉ đạo phong trào. Trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cơ sở này không hề bị lộ. Nhờ làm công tác chính trị tư tưởng nên trong nội bộ nhân dân K20 đã thực hiện được chủ trương của Khu ủy V là “Tích cực thanh khiết nội bộ nhân dân trong các vùng căn cứ, vùng ta làm chủ ở nông thôn đồng bằng”[2]. Cho dù địch kìm kẹp, khủng bố dã man nhưng 100% hộ gia đình ở đây đều trung thành với cách mạng. Ngay trong ấp chiến lược Xóm Mới, ta vẫn xây dựng được cơ sở mật. Ở các làng Mỹ Thị, Đa Mỹ, Nước Mặn, Xóm Cát... tuy bên ngoài có tổ chức chính quyền địch quản lý, nhưng bên trong ta đã xây dựng được tổ chức Đảng, thành lập các tiểu đội du kích, các đoàn thể quần chúng. Phong trào đóng góp nuôi quân, đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, vận chuyển và cất giấu vũ khí được nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Có những gia đình như nhà anh Mật (Xóm Đồng), bà Nguyễn Thị Hải... địch khui được hầm bí mật, bắt cả gia đình tra tấn đánh đập, tù đầy hết sức dã man nhưng vẫn kiên trung bất khuất không khai báo với địch điều gì.

Bên cạnh hầm bí mật, K20 còn có hệ thống 150 công sự mật được xây dựng kiên cố. Với hệ thống hầm bí mật, công sự mật và một thế trận lòng dân hết sức vững mạnh, căn cứ K20 đã đứng vững ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, trực tiếp đối đầu với một khu căn cứ liên hợp quân sự khổng lồ của Mỹ - chính quyền Sài Gòn.

Nhằm tiêu diệt tận gốc lực lượng cách mạng và cơ quan đầu não kháng chiến của ta ở K20, tháng 10 năm 1965, kẻ địch điên cuồng bắn phá Chùa Khuê Bắc và tổ chức cày ủi san bằng, biến nơi đây thành vành đai trắng. Chúng sử dụng “súng cối bắn xối xả vào chùa, làm sụp ngôi chùa Khuê Bắc, chặt đầu tượng Phật, xé cờ và ảnh tượng Phật, phá hoại tài sản trong chùa, khủng bố, đánh đập đồng bào Phật giáo”[3]

Để ngăn chặn những hành động tội ác của kẻ địch, đồng thời phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương:

“- Khẩn trương tổ chức mittinh tất cả đồng bào Phật giáo, có cả đồng bào lương tham dự để tố cáo tội ác giặc Mỹ sát hại đồng bào Phật giáo, phá hoại chùa Khuê Bắc và các chùa chiền khác, xem đây là một Phật nạn lớn.

 - Giáo dục quần chúng lương và Phật giáo, tổ chức đội ngũ chuẩn bị sẵn sàng để nổ ra một cuộc đấu tranh lớn tại thành phố để phối hợp với đồng bào Đà Nẵng dưới hình thức mang theo cờ Phật với khẩu hiệu: Đòi trừng trị thủ phạm đã chặt đầu tượng Phật, phá chùa Khuê Bắc, đòi đảm bảo tự do tín ngưỡng ” [4]

Từ sự chỉ đạo của Đặc Khu uỷ, chi bộ Đa Mặn đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đổ ra đường chặn xe địch, đấu tranh không cho địch cày ủi làng xóm. Đồng thời dưới danh nghĩa Phật tử, nhân dân cùng đạo hữu trực tiếp tố cáo tội ác phá chùa của  Mỹ - Chính quyền Sài Gòn, gửi đơn khiếu nại đến Thị trưởng Đà Nẵng, cử người đi gặp Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh Vùng I chiến thuật đòi bồi thường thiệt hại. Khi địch đưa xe đến cày ủi, nhiều chị em phụ nữ K20 đã dũng cảm chặn đầu xe địch, buộc chúng phải lui xe.

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, cuối cùng Nguyễn Chánh Thi phải xin lỗi nhân dân và cho xây lại chùa Khuê Bắc. 

Cuộc đấu tranh chống địch bắn phá chùa Khuê Bắc giành được thắng lợi. Tuy nhiên, kẻ thù vẫn không từ bỏ âm mưu lập vành đai trắng ở đây. Những ngày sau đó,  địch tiếp tục dùng hàng chục xe cày ủi cùng với sự yểm trợ của lính thiết giáp M113, tiến hành san phẳng khối phố Đa Mặn. Cuộc đấu tranh của nhân dân lại diễn ra quyết liệt, một số đảng viên và quần chúng nằm chặn xích xe ủi của địch, số khác thông qua thông dịch viên dùng lý lẽ nói cho nói lính Mỹ hiểu nhân dân sẵn sàng chết trên ruộng lúa của họ. Lính Mỹ muốn cày ủi ruộng đồng thì hãy bắn giết dân trước. Phá lúa, phá ruộng là giết dân. Ai cũng có cha mẹ, anh chị em, vợ con xóm làng, đồng ruộng... Nhiều mẹ, nhiều chị và các em thiếu nhi nhảy lên xe địch, ôm chặt những tên lái xe, không cho chúng lái xe đi. Cuối cùng bọn Mỹ đã phải nhượng bộ. Khu căn cứ của ta được giữ vững.

Sau tết Mậu Thân 1968, kẻ địch tìm mọi cách chống phá phong trào cách mạng, âm mưu biến K20 thành vùng trắng, ngăn chặn không cho ta vận chuyển vũ khí, đưa lực lượng vào nội thành. Dù vậy, phong trào đấu tranh của quần chúng vẫn diễn ra quyết liệt. Mùa hè  năm 1968, một lần nữa, Mỹ - Chính quyền Sài Gòn lại hung hăng cho xe đến cày ủi nhằm san lấp sông Cổ Cò và đồng ruộng Nước Mặn. Nhân dân nơi đây, đặc biệt là lực lượng phụ nữ trong đó có các mẹ, các chị như mẹ Phạm Thị Mua, chị Phạm Thị Cầm [5] đã đứng ra cản đầu xe địch, ném cát vào tên lái xe khiến cho chúng không thể nào thực hiện được việc cày ủi.

Tóm lại, trong giai đoạn 1965-1968, mặc dù kẻ địch đánh phá ác liệt nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của các cấp ủy Đảng ở Đà Nẵng, với những hình thức đấu tranh linh hoạt, phù hợp và tinh thần chiến đấu hết sức ngoan cường của các lực lượng vũ trang và nhân dân, tổ chức đảng và nhân dân K20 không những đã bảo vệ vững chắc khu căn cứ lõm mà còn góp phần tạo thế đứng vững vàng, chủ động, đảm bảo tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong giai đoạn cách mạng mới. Quá trình đấu tranh bảo vệ căn cứ K20 cũng để lại những bài học kinh nghiệm quý cho các cấp ủy Đảng trong việc tổ chức, chỉ đạo đấu tranh, dựa vào nhân dân, khơi dậy và phát huy lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Đây cũng chính là nguồn sức mạnh to lớn để quân dân K20 vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ an toàn nơi đứng chân các đồng chí lãnh đạo đồng thời góp phần tạo thế và lực mới cho một giai đoạn chiến đấu mới, giai đoạn đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ ” của đế quốc Mỹ.


[1]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2002, tr 160-161.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2003, tr 947-948.

[3] Đặc Khu ủy Quảng Đà, Chỉ thị “Về việc phát động đồng bào Phật giáo đấu tranh chống Mỹ phá chùa Khuê Bắc và các chùa chiền khác”, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng, 1965, Ký hiệu: 97- II-i.

[4] Đặc Khu ủy Quảng Đà, Chỉ thị “Về việc phát động đồng bào Phật giáo đấu tranh chống Mỹ phá chùa Khuê Bắc và các chùa chiền khác”, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng, 1965, Ký hiệu: 97- II-i.

[5] Đảng Cộng Sản Việt Nam - Đảng bộ hai phường Mỹ An và Khuê Mỹ, Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng đảng bộ phường Bắc Mỹ An (1930-2005),Đà Nẵng, 2010, tr.155.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: