Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.823.529
Hôm qua:751
Hôm nay:366

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh - cả cuộc đời vì nước, vì dân và việc học tập đức tính nêu gương của người trong mỗi cán bộ, đảng viên

08:44 | 13/06/2023 215

Thạc sĩ: Nguyễn Thị Kim Oanh

                                                                Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Tóm tắt: Nhân dịp kỷ niệm 112 năm, ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, việc nghiên cứu về hành trình mà Người đã trải qua là một việc nên làm thường xuyên để tỏ lòng kính yêu và biết ơn đối với lãnh tụ. Qua đó, góp phần học và làm theo đức tính nêu gương trong mỗi cán bộ, đảng viên theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.

1. Hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng của đức hy sinh vì nghĩa lớn.

“Từ Làng Sen có một người trai chí lớn; Mang lý tưởng cách mạng giải phóng quê hương; Ra đi tìm khắp bốn phương; Đường đi cho cả dân tộc; Dặm trường mà xông pha...”. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp tháng 6 về, những câu hát trong ca khúc “Từ Làng Sen” của nhạc sĩ Phạm Tuyên lại vang lên nhắc chúng ta nhớ về một sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với địa danh Bến cảng Nhà Rồng. Nơi cách đây 112 năm trước, vào ngày 05/6/1911, trên con tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), người thanh niên Nguyễn Tất Thành với cái tên Văn Ba đã rời Tổ quốc ra đi, bắt đầu một hành trình cứu nước, cứu dân.

 Người thanh niên ấy ra đi cứu nước lúc mới 21 tuổi khi chứng kiến dân tộc, quê hương chìm trong bóng đêm nô lệ, cuộc sống của người dân hết sức điêu tàn, các phong trào yêu nước lần lượt bị thất bại. Khoảnh khắc đó đã để lại dấu ấn khó phai và sự xúc động mãnh liệt trong nhiều thế hệ người Việt Nam, kể cả các thế hệ mai sau. Thật là cảm động khi nghe lời tâm sự sau đây của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn “… Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa; Khi quê hương còn chìm nổi, Người đã lên tàu đi xa; Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa; Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt, bước chân Bác đặt chốn này…”.

Hành trình ấy kéo dài đến 30 năm. Người đã đi qua gần 30 nước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi để rồi sau đó đã mang về ánh sáng tự do cho dân tộc Việt Nam. Trong những năm tháng gian lao ấy, Người chỉ nung nấu một ý chí lớn cùng với quyết tâm cháy bỏng đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Nhưng cho dù có nghiên cứu bao nhiêu tư liệu lịch sử về hành trình và cuộc đời của Người, chúng ta cũng không thể hiểu hết được những gì mà Bác đã nghĩ, đã làm cho dân tộc ta. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, là: “Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ; Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Người đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ ở trời Tây. Đó là “gió rét thành Ba Lê; sương mù thành Luân Đôn”, nhưng chỉ cần “Một viên gạch hồng”, Bác có thể chống lại cả một mùa băng giá. Người cũng đã phải từng làm rất nhiều nghề để tự kiếm sống. Một câu hỏi thường trực trong tâm trí của Người, đó là: ngày mai dân ta sẽ sống sao đây? sông Hồng chảy về đâu? và lịch sử sẽ ra sao?

Người đã tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, khảo cứu, trải nghiệm thực tiễn ở nhiều châu lục, nhiều quốc gia. Và điều gì đến sẽ phải đến. Tháng 7 năm 1920, Hồ Chí Minh đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, mốc đánh dấu Người đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc. Giây phút đó Người rất xúc động, và “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin; Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp; Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc; Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”

Những năm tháng ở trời Âu, Người đã tán thành Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Những hoạt động của Người ở châu Á những năm 20 của thế kỷ XX có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Người đã thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”; xuất bản tờ báo “Thanh niên”; cho xuất bản tác phẩm “Đường Cách mệnh” năm 1927; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam,. Đầu năm 1941, Người về nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam. Từ đây, lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bước sang một trang mới: hình thành đường lối chiến tranh nhân dân; xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện khó khăn, ngay cả trong học thuyết Mác - Lênin cũng chưa chỉ ra; về xây dựng Đảng, về xây dựng Nhà nước kiểu mới, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại …, những thắng lợi đó, công lao lớn thuộc về Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Trước khi về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại “Di chúc” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó gửi gắm những tinh hoa của tư tưởng, đạo đức, tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, lãnh tụ đã suốt đời phấn đấu, hy sinh cho Tổ quốc và nhân loại. Xin mượn lời của nhạc sĩ Thuận Yến trong một bài hát để nói về công lao của Người đối với lịch sử, non sông, đất nước ta: Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh; Bác đem mùa xuân về dâng hoa đẹp cho đời”.

Thế nhưng, gần đây các thế lực thù địch đã dựng lên những câu chuyện hoang đường về thân thế, đời tư, sự nghiệp, cống hiến của Người cùng với việc vẽ lên “chân dung” người cộng sản không có tình cảm, không có tình nghĩa gia đình, họ hàng, cha con, vợ chồng, anh em.... Chúng cáo buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh: du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam là một “sai lầm của lịch sử”; tìm mọi cách để phủ nhận công lao của Người với cách mạng Việt Nam.

Đối với Đảng và nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự hy sinh đó của Người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chuyến đi lịch sử của 112 năm về trước của Bác Hồ đã thay đổi vận mệnh của dân tộc ta: từ thân phận một dân tộc nô lệ thành một đất nước độc lập, tự do. Với thế giới, Người đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Hơn nữa, là người Việt Nam, chúng ta đều biết rằng: sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ thực sự được tỏa sáng khi Hồ Chí Minh đã vận dụng để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên những thắng lợi vẻ vang ở thế kỷ XX, không chỉ bạn bè quốc tế ghi nhận mà ngay cả kẻ thù cũng phải thừa nhận, đó là một thực tế không thể khác được.

Rõ ràng, cuộc đời của Người là một hành trình dài, nhưng chỉ có một mục tiêu là cứu nước, cứu dân. Người đã phải chấp nhận hy sinh tất cả. Hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc, gia đình, lợi ích riêng của cá nhân mình để đạt được mục tiêu ấy. Đó chẳng phải là một tấm gương điển hình để chúng ta học theo, làm theo, mặc dù vẫn biết rằng học theo thì dễ, nhưng làm theo Bác là rất khó nếu chúng ta không kiên định, không quyết tâm, ý chí không đủ lớn.

2. Học tập đức tính nêu gương của Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Đảng ta khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc. Tấm gương đạo đức của Người là “cẩm nang” để mỗi người dân Việt Nam nghiên cứu, học tập, làm theo.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với xã hội, với nhân dân là rất lớn, đòi hỏi Đảng phải đủ bản lĩnh, uy tín. Bản lĩnh và uy tín của Đảng cầm quyền phụ thuộc vào mỗi cá nhân, mỗi đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng viết: “Trước kia, người đảng viên cộng sản sống và hành động theo đạo lý: giàu sang không thể quyến rũ; nghèo khó không thể chuyển lay. Họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống gia đình êm ấm, hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, vui vẻ chết vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Và vì thế họ có uy tín lớn. Có thể nói đó là mẫu hình người cộng sản của giai đoạn trước. Còn trong giai đoạn hiện nay, mẫu hình người cộng sản thế nào?”[1]. Phải chăng, đảng viên phải là những người có thái độ đúng đắn, trung thành với lý tưởng cộng sản, không dao động trước bất kỳ khó khăn thử thách nào; phải là người có kiến thức, phải nỗ lực phấn đấu hết sức mình cống hiến cho cơ quan, tổ chức, địa phương, đất nước; có ý chí làm giàu cho đất nước, cho nhân dân trong đó có bản thân; là người có ý thức tổ chứ kỷ luật tốt, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng … làm được vậy, những đảng viên này sẽ là một tấm gương để quần chúng noi theo.

Nêu gương là một trong những phương pháp giáo dục đạo đức, giáo dục con người. Theo Bác, trong xã hội, tất cả mọi người ai cũng là chủ thể và cũng là đối tượng của giáo dục đạo đức. Vì vậy, bất cứ người nào cũng có thể và cần phải luôn nêu tấm gương về đạo đức, nhất là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Từ rất sớm, Hồ Chí  Minh từng dạy rằng “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[2].

Việc sử dụng tấm gương “người tốt, việc tốt” để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết thể hiện niềm tin của Hồ Chí Minh vào mỗi con người, tin vào công tác giáo dục đạo đức. Hiện nay, đại đa số cán bộ, đảng viên nói chung là tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích xã hội, tập thể và cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”[3]. Trong 10 năm (2012 - 2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã “khởi tố, điều tra 19.546 vụ với 33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ với 33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ với 30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra hơn 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế”[4]. Hậu quả là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, Nhà nước. Điều đó là sự thật đã và đang diễn ra, là hồi chuông đáng báo động.

Hơn lúc nào hết, hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào, dù chức vụ cao hay thấp, dù ở lứa tuổi nào cũng phải thấy hết trách nhiệm của mình, không ngừng tự rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng. Phải thấm nhuần sâu sắc và bền bỉ lời dạy của Bác Hồ: cán bộ càng cao càng phải gương mẫu. Đã từ lâu, V.I.Lênin từng nói rằng: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược cả nước Nga lên”[5]. Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ và chỉ dẫn của V.I.Lênin, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề sau đây trong việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thứ nhất: đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, hiệu quả. Tự phê bình và phê bình là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của bản thân; là vũ khí sắc bén để gột rửa mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu của việc nêu gương, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Hiện nay, việc đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình nên tập trung vào 3 nội dung chính: một là, về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống gắn với việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; hai là, về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; ba là, về quyền hạn, trách nhiệm của đảng viên.

Trong giai đoạn hiện nay, khi lợi ích của mỗi cá nhân trong xã hội và lợi ích của mỗi đảng viên ngày càng được tôn trọng và bảo đảm: “kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân - tập thể - toàn xã hội”[6], nhưng vấn đề là tổ chức đảng phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng: quyền lợi vật chất luôn gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Không như thế sẽ dễ dẫn đến “chủ nghĩa duy kinh tế” một cách tầm thường.

Những việc cần làm và có thể làm ngay là: “từng cán bộ, đảng viên tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ”[7]. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mỗi thành viên của tổ chức cần phải thực hiện đúng các yêu cầu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

Đối với người phê bình: Phải thật thà, thương yêu đồng chí để tự xét và xét đồng chí; giúp nhau sửa chữa, mang tính xây dựng.

Đối với người nhận phê bình: Phải có tinh thần cầu tiến, lắng nghe, tiếp thu; tránh ngăn cản quần chúng phê bình.

Phương pháp phê bình: rõ ràng; thiết thực; ngay thẳng; thành thật.

Thứ hai: mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng, nó trở thành nhu cầu như cơm ăn, nước uống, khí thở hàng ngày của mỗi người. Bác Hồ đã từng dạy rằng: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[8]. Như vậy, việc nêu gương tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thực chất là một quá trình tự soi, tự sửa, tự giác, tự nỗ lực để không ngừng hoàn thiện về nhân cách, phẩm chất cách mạng. Mỗi người phải tự xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực. Nếu chúng ta không có bản lĩnh, không hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân, chế độ, không kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không thường xuyên tự giáo dục rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính thì người cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước cám dỗ của lợi ích vật chất. Phương pháp tự giáo dục, tự rèn luyện cũng phải linh hoạt, năng động, sáng tạo. Bác Hồ từng nói “kế hoạch 10 thì biện pháp phải 100”, bởi có như vậy, người cán bộ, đảng viên mới thực sự được tôi luyện, mới đạt được mục tiêu, trở thành tấm gương để quần chúng noi theo, góp phần nâng cao hiệu quả “làm theo” đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ ba: cán bộ, đảng viên phải là người “nói đi đôi với làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem việc “nói đi đôi với làm” là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp nêu gương. Trong hoạt động thực tiễn, trong thực hành đạo đức công vụ, mỗi người cần học tập và “làm theo” Bác ở phương pháp làm việc: thận trọng, tỉ mỉ, giờ nào việc ấy, tinh thần trách nhiệm cao, việc ngày nào phải làm xong ngày đó. Đảng viên phải tránh xa căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động, không dám đột phá sáng tạo, không dám đương đầu với khó khăn thử thách, không dám chịu trách nhiệm hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đằng làm một nẻo”, thậm chí chỉ thụ động, ngồi chờ, ỷ lại. Những biểu hiện đó hoàn toàn trái với tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho việc “nêu gương” mất ý nghĩa, phản tác dụng trong giáo đục đạo đức, lối sống. Phải lấy hiệu quả công tác làm thước đo sự cống hiến, đóng góp của mỗi cán bộ, đảng viên. Mặt khác, những đảng viên xông xáo, năng động, trong công việc phải luôn được tuyên dương, khen thưởng kịp thời để tạo động lực cho họ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.

Tóm lại: việc nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và nhân dân ta và việc học, làm theo tấm gương đạo đức của Người trong mỗi cán bộ, đảng viên vẫn mãi là những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi. Không ngừng cố gắng, học hỏi, thực hành đạo đức cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi chúng ta. Để kết thúc bài viết, tôi xin trích lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như là lời răn dạy, nhắc nhở, mong muốn đối với mỗi cán bộ, đảng viên:

“Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương

Nếu là chim hãy là chim câu trắng

Nếu là đá hãy là đá kim cương

Nếu là người hãy là người cộng sản!”[9].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tập II.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5.   

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình trung cấp lý luận chính trị, Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, HN, 2021.

4. Nhiều tác giả: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2018.

5. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2023.

 

 


[1] . Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.513.

[2] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.672.

[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.

[4] . Nguồn: Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022.

[5] . V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.289.

[6] . Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.177.

[7] . Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.312.

[8] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.612.

 

 

[9] . Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.312.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: