Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.823.749
Hôm qua:751
Hôm nay:586

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

10:31 | 16/05/2023 233

                                                             Thạc sĩ: Nguyễn Thị Kim Oanh

                                                                Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Tóm tắt: Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa độc, lập tự chủ và hội nhập quốc tế là một quá trình. Căn cứ vào bối cảnh trong nước và thế giới, Đảng đã có những quan điểm, định hướng rất kịp thời. Bài viết sẽ làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản của mối quan hệ nói trên.

Từ khóa: Đổi mới; độc lập, tự chủ; hội nhập quốc tế.

1. Quá trình nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) là bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam: Đảng đề xướng đường lối đổi mới đất nước. Ngay thời điểm đó, Đảng sớm nhận thức được việc giữ gìn độc lập, tự chủ quốc gia nhưng phải tăng cường hội nhập với quốc tế. Đại hội VI khẳng định: “Tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữ vững độc lập tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, ra sức làm tròn nhiệm vụ dân tộc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân thế giới”[1].

Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, thế giới có những chuyển mình sâu sắc, các nước trên thế giới có xu hướng xích lại gần nhau hơn không phân biệt chế độ chính trị, dân tộc, đảng phái. Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội để bắt kịp hơi thở của thời đại. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 Đảng đặt ra yêu cầu phải “Gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”[2].

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021), Đảng ta xác định: “Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; nâng cao khả năng thích ứng năng động và linh hoạt xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với quan tâm chung, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử tại khu vực, trên tinh thần lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết”[3].

Rõ ràng, đứng trước mỗi giai đoạn phát triển, Đảng ta rất nhạy bén về chính trị và có những điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.

2. Vận dụng quan điểm toàn diện vào việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, chúng ta phải hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới. Không như vậy, chúng ta sẽ tụt hậu và không tận dụng được những thời cơ, cơ hội mà thế giới đem lại. Song, bất luận hoàn cảnh nào (nhất là những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng), chúng ta phải nhớ lời dạy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Dù thế giới có biến đổi nhanh, phức tạp, khó lường đến đâu thì chân lý đó, mục tiêu đó vẫn không hề thay đổi. Quan trọng là ở chỗ, tùy đối tác, đối tượng, tùy mức độ mà chúng ta có cách ứng phó, giải quyết linh hoạt, hiệu quả các quan hệ quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng nhận định về tình hình thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”[4].

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ucraina là những biến cố lớn xảy ra ngoài dự báo của nhiều nước trên thế giới. Theo nhiều nhà lý luận, ngoại giao và lãnh đạo các nước thì đây là 2 sự kiện chính trị lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.

Đối với Việt Nam, muốn giữ được độc lập và chủ quyền của dân tộc, tự chủ trong quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…nhất định trong chiến lược, chính sách đối ngoại với thế giới cần nắm vững quan điểm toàn diện: kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong đó dựa vào nội lực bên trong là chính, khơi dậy và phát huy cao độ tự lực tự cường dân tộc và tranh thủ, tận dụng tối đa sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực:

Về chính trị: độc lập, tự chủ về chính trị có nghĩa là tự mình xác lập, hoàn thiện và duy trì thể chế chính trị, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài; tự mình hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược mục tiêu phát triển của đất nước.

Về kinh tế: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả nhằm nâng cao vị thế đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, được xem là mục tiêu cao nhất.

Về văn hóa - xã hội: giữ gìn bản sắc, cội nguồn văn hóa dân tộc, nhất là việc giữ gìn những nét đặc sắc trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Bên cạnh đó, phải có chiến lược để quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ra bạn bè thế giới.

Về đối ngoại: độc lập, tự chủ trong đối ngoại và hội nhập quốc tế phải xuất phát và bảo vệ được lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Đại hội XIII của Đảng xác định giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa then chốt đối với hội nhập quốc tế. Chúng ta phải không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

3. Định hướng của Đảng nhằm giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Thực tiễn sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới đất nước cho thấy Đảng ta luôn có những quan điểm, chủ trương đúng đắn và sáng tạo về các vấn đề liên quan tới độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Tình hình quốc tế tiếp tục biến đổi theo hướng đa cực, đa trung tâm. Đại hội XIII nhận định “Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”[5].

Như vậy, tình hình thế giới và trong nước có cả khó khăn, thách thức, thuận lợi, thời cơ đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới, nhiều vấn đề mới phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nắm rõ các định hướng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập và tự chủ theo tinh thần Đại hội XIII như sau:

Thứ nhất, xác định rõ và luôn kiên định lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất trong quá trình hội nhập quốc tế. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc là giá trị cốt lõi trong quan hệ quốc tế.

Như vậy có thể hiểu: lợi ích quốc gia là hằng số, mọi vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại (bao gồm đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân) và hội nhập quốc tế phải được soi chiếu từ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

Thứ hai, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia về chính trị - đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Hiện nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 nước, có quan hệ kinh tế với 221 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế. Đây là cơ hội để chúng ta nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia và là yếu tố quyết định thành công của quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ ba, thực hiện nhất quán phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, lấy nguyên tắc của luật pháp quốc tế để xử lý quan hệ đối ngoại. Chủ động hội nhập gắn liền với chủ động phát hiện, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các nguy cơ đối với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước nhằm đưa Việt Nam phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Không ngừng nâng cao năng lực dự báo tình hình quốc tế và khu vực, phục vụ đắc lực yêu cầu bảo vệ, giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ an ninh quốc gia một cách tuyệt đối trong hội nhập quốc tế.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Hơn nữa phải biết phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh - sức mạnh của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:   

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tập II.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5.    

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình trung cấp lý luận chính trị, Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb lý luận chính trị, 2021.

4. Nguyễn Viết Thảo: Độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và cập nhật hóa mô hình xã hội chủ nghĩa ở Cuba, Nxb lý luận chính trị, 2020.

 

[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t.47, tr.443.

[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, t.60, tr.243.

[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.282.

[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105.

 

[5] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.107 – 108.

 

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: