Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.824.008
Hôm qua:751
Hôm nay:704

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) – cùng nhìn lại những giá trị vĩ đại trong di sản của Người

16:52 | 24/05/2023 312

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

                                                         Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

“Dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Người là tượng trưng cho tinh thần của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường và bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”[1]. Thật vậy! Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đời đời sống mãi và soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc. Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của vị lãnh tụ kính yêu, chúng ta cùng nhìn lại những ý nghĩa lớn lao trong di sản của Người, từ đó có giải pháp thiết thực nhân lên giá trị vĩ đại ấy.

Có thể hiểu, Di sản Hồ Chí Minh là sự tổng hợp toàn bộ hệ thống tư tưởng, thực tiễn hoạt động cách mạng và đạo đức, nhân cách mẫu mực của Người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và công hiến hết mình, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản đồ sộ, có ảnh hưởng quan trọng, tích cực tới mỗi người dân Việt Nam và trên thế giới đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Không thể dùng giấy mực nào, lời nói nào để diễn đạt toàn vẹn, đầy đủ hết giá trị của di sản ấy. Bài viết này chỉ xin đề cập đến những vấn đề cơ bản với mong muốn góp thêm một phần rất nhỏ vào sự tri ân, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Đối với dân tộc Việt Nam, di sản Hồ Chí Minh luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước, quyết định đến thắng lợi của cách mạng từ khi Đảng ra đời. Điều này thể hiện ở những công lao, cống hiến quan trọng của Người, đó là:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh nhận thức được tính khoa học, cách mạng của học thuyết Mác – Lênin; từ đó Người đã tin theo học thuyết chân chính ấy và lựa chọn con đường cách mạng vô sản – gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn đúng đắn này đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước của Việt Nam, mở ra bước phát triển để đưa cách mạng đi đến những thắng lợi.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự ra đời và lớn mạnh của Đảng gắn liền với vai trò của Hồ Chí Minh và hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nhờ có Bác, Đảng ta đã trở thành một đảng đạo đức, văn minh và là đội tiên phong vững vàng, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Về điều này, ngay từ rất sớm, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “dù ở ngoài nước hay trong nước, Người luôn săn sóc đến Đảng, rèn luyện Đảng thành một Đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân, lãnh đạo Đảng vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác”[2].

Xuất phát từ cơ sở đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã trân trọng ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình là: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động[3].

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ của nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á

Với công lao ấy, Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng dân tộc bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đưa nhân dân  Việt Nam từ thân phận nô lệ sang làm chủ một nước độc lập, tự do; đưa đất nước lên hàng các dân tộc tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và xây dựng một chế độ tiên tiến, bình đẳng và nhân văn.

Thứ tư, Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lỗi lạc đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, tư tưởng của Người mãi soi sáng và dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản của Người và có ý nghĩa to lớn với dân tộc Việt Nam như Đảng ta đã nhấn mạnh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”[4].

Trên thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở nền tảng cho đổi mới tư duy lý luận của Đảng, giúp Đảng hoạch định đường lối đổi mới đúng đắn tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986). Văn kiện Đảng nêu rõ nêu rõ: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[5].

Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin một cách phù hợp với điều kiện nước ta. Điều này làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh có tính khoa học và cách mạng, có ý nghĩa dân tộc và thời đại, là cống hiến to lớn của Người với dân tộc Việt Nam và lý luận cách mạng thế giới. Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ Gớt – Hôn đã ca ngợi: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và một nhà tư tưởng mácxít – lêninnít vĩ đại của thế giới… Cả loài người sẽ đời đời trân trọng và giữ gìn những cống hiến của Người vào kho tàng chủ nghĩa Mác”[6].

Thứ năm, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức, phong cách của người cách mạng và có sức lan tỏa kỳ diệu, tích cực trong nhân dân

Trong di sản Hồ Chí Minh, luôn có sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư duy và hành động, giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách. Cùng với giá trị lịch sử tầm cỡ của hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, Người còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, phong cách của người cách mạng và có sức lan tỏa kỳ diệu, tích cực trong nhân dân. Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn vẹn cho dân tộc mà quên đi hạnh phúc riêng của cá nhân, Người đã từng nói về vấn đề này: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó”[7].

Thật chủ quan nếu chỉ Hồ Chí Minh và nước ta nói về vấn đề này! Nhưng thực tiễn cho thấy, trên thế giới, nhiều học giả, nhiều vị nguyên thủ quốc gia đã ca ngợi về Hồ Chủ tịch . Đồng chí Phiđen Caxtơrô đã nhận xét: “Cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất… Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời dời bất diệt”[8].

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ và nhân dân. Vì lẽ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức cuộc vận động sâu rộng về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Bác và được hưởng ứng nhiệt thành. Xuyên suốt trong các văn bản của Đảng, Nhà nước đề quán triệt yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Với thế giới, không chỉ đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam, di sản Hồ Chí Minh còn có tầm ảnh hưởng quốc tế và được ghi nhận, đánh giá rất cao. Tiêu biểu là tại Kỳ họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa liên hợp quốc – UNESCO (diễn ra từ ngày 20/10 đến 31/11/1987) sau 7 giờ đồng hồ tranh cãi và thảo luận sôi nổi đã nhất trí vinh danh Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh là ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, DANH NHÂN VĂN HÓA KIỆT XUẤT, đồng thời ghi nhận: “Năm 1990 sẽ đánh dấu 100 kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Đây rõ ràng là sự ghi nhận chính đáng với cống hiến và giá trị di sản của Hồ Chí Minh, là niềm vui thật trọn vẹn của nước ta đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị lãnh tụ vĩ đại!

Di sản Hồ Chí Minh có ảnh hưởng to lớn và cổ vũ mạnh mẽ cho nhân loại tiến bộ như ông M.Átmét – Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á đã khẳng định: “Chỉ có rất ít nhân vật trong lịch sử trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[9].

Như vậy, di sản Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc đối với dân tộc Việt Nam và thế giới tiến bộ. Chúng ta cần phát huy giá trị của di sản ấy trong thời kỳ hiện nay. Để góp phần vào nhiệm vụ cao cả này, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, cần có sự quan tâm đầu tư và coi trọng công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh xứng với vị trí nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong thời gian tới, cần phải coi trọng việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh xứng với vị trí là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng và lý luận của toàn Đảng, toàn dân ta. Cần có sự quan tâm đầu tư của các cấp đối với các chuyên gia đầu ngành, đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh; tạo điều kiện để đội ngũ này nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, có niềm đam mê và cống hiến, tạo ra những công trình nghiên cứu lớn, chuyên sâu, có chất lượng và đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống.

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện để các nhà nghiên cứu nước ngoài và bạn bè thế giới có thể chia sẻ những quan điểm, thông tin, tư liệu và thực hiện những công trình nghiên cứu về tư tưởng, cuộc đời Hồ Chí Minh.

Hai là, phát triển và vận dụng sáng tạo di sản Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước trong giai đoạn hiện nay

Kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi chúng ta dựa trên nền tảng và định hướng cơ bản nhưng phải thường xuyên nghiên cứu, bổ sung để làm sâu sắc thêm, phải phát triển và vận dụng linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Đảng, về Nhà nước của dân, do dân, vì dân nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.

Điều này đúng với tinh thần nghiên cứu và vận dụng học thuyết Mác như Lênin đã nêu lên trước đây, đó là: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[10].

Ba là, tiếp tục triển khai học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh với những nội dung và hình thức phù hợp nhằm đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa

 Tiếp tục đưa những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong các trường học và tuyên truyền rộng rãi trong các cơ quan, các khu dân cư. Nội dung giảng dạy và tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng học tập, phải mang tính thực tiễn và có ý nghĩa thiết thực. Cần duy trì, phát huy những hình thức học tập hay, hiệu quả, đồng thời  thường xuyên tìm tòi, làm mới để hình thức học tập phong phú, đa dạng, dễ dàng đưa nội dung học tập thấm sâu vào nhận thức, trở thành tình cảm và hành động tích cực của người học.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần ở nước ta. Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018, của Ban Bí thư khóa XII “Vtiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bốn là, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái

Cần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bảo vệ tính khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp xuyên tạc bản chất đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Các cấp ủy cơ sở cần triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố và tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có thể thấy rằng, “Năm tháng sẽ đi qua, nhưng toàn nhân loại tiến bộ sẽ nhớ mãi tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[11]. Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất – Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – chúng ta một lần nữa ghi nhận, biết ơn và được thêm ý chí, sức mạnh để phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng tiến bộ bằng những hành động có ích nhất, thiết thực nhất./.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trường Chinh (1991): Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội.

[2].Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) , Nxb. Sự Thật, Hà Nội.

 [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

 [4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5]. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2010) – GS. Song Thành (chủ biên): Hồ Chí Minh -  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.4.

[7]. Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

 [8]. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch (1976), Nxb. Sự thật, Hà Nội.

 [9]. Một số bài viết đăng trên báo điện tử thuộc các Website chính thống.

 

[1] Trích: Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

[2] Trường Chinh (1991): Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, tr.13.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.25.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.4, tr.240.

[10] V.I. Lênin (2005): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 4, tr. 232.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: