Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.794.494
Hôm qua:1.221
Hôm nay:772

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Phép biện chứng - đóng góp to lớn của triết học Hegel đối với triết học Mác

10:36 | 26/04/2018 41705

Triết học cổ điển Đức là một trong ba tiền đề lý luận trực tiếp của sự hình thành triết học Mác. Nói đến nền triết học này không thể không nhắc đến Hegel. Triết học của ông (cùng với triết học của Phoiơbắc) đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác.

Hegel (1770 - 1831) là đại biểu vĩ đại nhất của triết học cổ điển Đức, đỉnh cao của triết học tư sản và của chủ nghĩa duy tâm thế kỷ XIX.

Nhiều lần, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nói rằng, trong sự phát triển trí tuệ của mình, hai ông đã chịu ơn các nhà triết học Đức, trong đó có Hegel: Nếu không có triết học Đức mở đường, đặc biệt là nếu không có triết học Hegel, thì chủ nghĩa xã hội khoa học Đức - chủ nghĩa xã hội khoa học duy nhất chưa hề có từ trước đến nay, sẽ không bao giờ được xây dựng nên. Hai ông đánh giá cao công lao của Hegel trong sự phê phán mạnh mẽ phương pháp siêu hình và đối lập nó với phương pháp biện chứng. Hegel đã từng coi phép biện chứng là linh hồn của mọi nhận thức chân lý khoa học. Tư tưởng này có ảnh hưởng sâu sắc đến C.Mác và Ph.Ăngghen. Theo lời của Gien-ni-Mác, hai ông ngay thời trẻ đã nắm vững đến mức hoàn thiện phương pháp biện chứng và dùng những hạt nhân cách mạng của phép biện chứng Hegel để luận giải cho những khát vọng dân chủ - cách mạng của mình.

Nội dung chính của triết học Hegel gồm ba bộ phận cấu thành: Logic học; triết học tự nhiên; triết học tinh thần. Trong đó, cái hạt nhân hợp lý - đóng góp to lớn nhất của ông đối với triết học nói chung và triết học Mác nói riêng là phép biện chứng và được thể hiện trong bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống triết học của Hegel: Đó là logic học.

Logic học phân tích ba phạm trù cơ bản là tồn tại, bản chất và khái niệm.Trong đó mỗi phạm trù lại bao hàm một số phạm trù khác. Tồn tại bao hàm chất, lượng, độ; Bản chất bao hàm căn cứ, thực tồn, hiện tượng, nội dung và hình thức, quan hệ, khả năng và hiện thực, tất nhiên và ngẫu nhiên, thực thể, tính nhân quả, tác động qua lại; khái niệm bao hàm các phạm trù khái niệm chủ quan, phán đoán, duy lý, khách thể, ý niệm.

Logic học được xem là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống Hegel, vì logic học trình bày ý niệm tuyệt đối ở tư cách là điểm xuất phát và nền tảng của toàn hệ thống. Theo ông, logic học mới phải khác về chất so với logic học hình thức cổ điển, phải đem lại cho triết học một phương pháp luận mới, là nền tảng của thế giới quan, giúp con người tìm ra chân lý.

Tư duy theo cách hiểu của Hegel là tư tưởng thuần túy, là tinh thần tuyệt đối và vì vậy, logic học là sự thể hiện của Chúa (tinh thần tuyệt đối xét ở góc độ tôn giáo đó là Chúa) trong bản chất vĩnh hằng của Chúa trước khi sáng tạo ra giới tự nhiên và thể hiện “cái tinh thần hữu hạn” - những con người cụ thể.

Về tồn tại: Được Hegel trình bày ở phần đầu của khoa học với ba chương chất, lượng, độ.

Theo ông, tồn tại là tính quy định thứ nhất của ý niệm tuyệt đối. Tồn tại ở đây không phải là thế giới vật chất cũng không phải là sự phản ánh thực tại vào đầu óc con người, mà là khái niệm trừu tượng của tồn tại, tức là tồn tại thuần túy. Tồn tại thuần túy là tồn tại không có tính quy định nào, không cần một tiền đề nào, không phải là sản phẩm của bất cứ sự trung gian nào nghĩa là đồng nhất với hư vô thuần túy.

Như vậy là khái niệm tồn tại thuần túy đã chứa đựng mâu thuẫn trong bản thân nó,vì nó bao hàm hai mặt đối lập là tồn tại và hư vô, và là sự thống nhất của tồn tại và hư vô. Do đó, mâu thuẫn mà nó vận động, và vận động tới mức nào đó thì dẫn đến sinh thành, tức là chuyển hóa thành một thứ tồn tại khác. Tồn tại khác này có tính quy định, không còn là tồn tại thuần túy hay hư vô nữa mà đã là một cái gì đó có “chất”; có “lượng” được thống nhất ở trong độ.

Như vậy, sự phát triển của ý niệm tuyệt đối trong tồn tại là sự thay đổi liên tục của chất – lượng – độ. Ở đó lượng biến thành chất và ngược lại, như một dự báo mọi cái đều nằm trong sinh thành, đều đang trở thành.

Theo Hegel, chất là cái quy định bên trong, lượng là tính quy định bên ngoài của tồn tại. Đó là sự thống nhất giữa chất và lượng trong tính quy định. Quá trình biến đổi từ lượng sang chất và ngược lại đã chứng tỏ quan niệm siêu hình cho rằng chất và lượng tồn tại độc lập với nhau là không đúng. Bởi vậy, độ phải hiểu là “các số lượng có tính chất lượng”. Theo Hegel, sự phát triển của ý niệm tuyệt đối là quá trình thống nhất liên tục và gián đoạn. Dựa vào thành tựu của khoa học đương thời, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa học – Hegel đã đưa ra khái niệm đường dây nút của độ để khẳng định trong quá trình phát triển sẽ xảy ra tình trạng sự tiệm tiến bị gián đoạn bởi những bước nhảy vọt.

Như vậy, việc Hegel phát hiện ra bước nhảy vọt trong quá trình phát triển không chỉ là kết quả được rút ra từ đầu óc thiên tài của ông mà cao hơn chính là sự phản ánh những biến cố cách mạng đã xảy ra ở một thời đại đầy biến động và bão táp.

Về bản chất:Ý niệm tuyệt đối khi đã đạt tới độ, thì nhận được một sự quy định mới, sâu sắc hơn và cụ thể hơn, đó là khái niệm bản chất. Học thuyết về bản chất được Hegel trình bày ở phần thứ hai của logic học.

Nếu gạt bỏ đi những yếu tố duy tâm thần bí thì trong học thuyết bản chất Hegel đã trình bày nhiều luận điểm quan trọng của tư tưởng biện chứng.

Nổi lên trên hết là tư tưởng của ông về mâu thuẫn. Theo Hegel, mâu thuẫn là nguồn gốc của vận động, là nguyên lý của phát triển. Ông khẳng định: Tất cả mọi vật đều có tính mâu thuẫn trong bản thân nó… Mâu thuẫn là nguồn gốc của tất cả vận động và của tất cả mọi sức sống…

Thông qua con đường phát triển của mâu thuẫn, Hegel đã làm toát lên ba nhận định quan trọng, đó là:

1. Mọi cái đều là sự thống nhất cụ thể của các mặt đối lập; Mâu thuẫn là bản chất của hiện tồn (vật, khái niệm, tư duy). Vì vậy, đồng nhất chính là sự khác nhau. Mâu thuẫn là quá trình thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập (Nội dung của quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập);

2. Việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác không gì khác hơn chỉ là quá trình tích lũy về mặt lượng để làm thay đổi về chất và ngược lại (Nội dung của quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất và ngược lại). Đó cũng chỉ là sự phủ định của cái mới đối với cái cũ, giai đoạn sau đối với giai đoạn trước để hình thành chất mới (Nội dung của quy luật phủ định của phủ định). Từ sự hiện diện của ba quy luật cơ bản này cho phép rút ra nhận định thứ ba:

3. Trong mọi giai đoạn phát triển của sự vật, của khái niệm không thể tách rời sự thống nhất hữu cơ của ba quy luật này.

Nếu như Kant đã phân biệt, tách biệt một cách rạch ròi giữa bản chất và hiện tượng để đi đến khẳng định bất khả tri, thì Hegel chứng minh rằng bản chất và hiện tượng liên hệ ràng buộc thống nhất lẫn nhau.

Từ mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng, Hegel đã khẳng định quy luật là tính bền vững, là sự thống nhất, là nhân tố khẳng định được bảo tồn giữa các hiện tượng. Do đó, quy luật là cái khẳng định trong sự trung giới của hiện tượng.

Học thuyết về bản chất của Hegel được khép lại bằng việc phân tích một cách biện chứng khái niệm hiện thực. Theo Hegel, khả năng và hiện thực tồn tại thống nhất với nhau, ở đó khả năng tồn tại trong xu thế chuyển thành hiện thực. Bên cạnh đó Hegel cũng đưa ra và phân tích nhiều khái niệm quan trọng khác như tất nhiên và ngẫu nhiên, nguyên nhân và kết quả, tác động qua lại… và ở bất cứ khái niệm, phạm trù nào, ông cũng có nhận định hợp lý cần được ghi nhận nhưng đòi hỏi cần phải được tiếp tục phát triển thêm, vì đó chỉ là nhận định của một nhà triết học duy tâm biện chứng khách quan.

Về khái niệm: Phần thứ ba trong logic học Hegel trình bày về khái niệm với tư cách là sự thống nhất của tồn tại và bản chất. Trong quá trình phát triển khái niệm có ba hình thức cơ bản là khái niệm chủ quan, khái niệm khách quan và ý niệm tuyệt đối.

 Có thể thấy rằng, triết học Hegel – mà đặc biệt là phép biện chứng đã được ông đề cặp đến trong logic học, chính là tiền đề trực tiếp đặc biệt quan trọng trong những tiền đề cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng. (Mác tiếp thu cái hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng của Hegel trên tinh thần phê phán và phát triển để xây dựng nên bộ Tư bản nội tiếng của mình).

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà triết học Cổ điển Đức đã trình bày phép biện chứng duy tâm của mình, mà cụ thể là:

Các nguyên lý triết học (nguyên lý phát triển, nguyên lý mối liên hệ phổ biến).

Các nguyên tắc hay phương pháp nhận thức biện chứng (nguyên tắc di từ hiện tượng đến bản chất; nguyên tắc đi từ trừu tượng đến cụ thể; nguyên tắc thống nhất giữa logic và lịch sử).

Các quy luật của phép biện chứng (quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến những biến đổi về chất và ngược lại; quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; quy luật phủ định của phủ định).

Các phạm trù triết học (Chất – lượng – độ, đồng nhất – khác nhau – đối lập – mâu thuẫn, bản chất - hiện tượng, nguyên nhân – kết quả, cái chung – cái riêng, nội dung – hình thức, tất yếu – ngẫu nhiên, khả năng – hiện thực).

Tất nhiên, triết học Mác không phải đơn thuần là sự tiếp tục triết học của Hegel về mặt lượng như người ta lầm tưởng. Mác không chỉ lột bỏ cái vỏ duy tâm của triết học Hegel mà còn sáng tạo ra một phương pháp duy vật chủ nghĩa mới, trên nền tảng của khoa học.

Về điều này, Mác đã giải thích rõ trong Tư Bản: Phương pháp biện chứng của tôi không những khác với phương pháp của Hegel về căn bản mà còn tuyệt đối ngược lại phương pháp ấy nữa. Đối với Hegel, quá trình của tư duy mà ông đã nhân cách hóa đi và gọi là quan niệm, là chúa sáng tạo ra thế giới hiện thực, giới hiện thực này chỉ là hình thức biểu hiện bên ngoài của quan niệm. Đối với tôi, ngược lại, quá trình tư duy chỉ là phản ánh của sự vận động thực tại được chuyển vào và đặt trong óc của con người.

Cho dù có những ý kiến đánh giá khác nhau về triết học Hegel song không thể phủ nhận được rằng cái có giá trị nhất và có sức sống mạnh mẽ nhất trong triết học của ông chính là phép biện chứng, mà thực chất đó là học thuyết về sự phát triển toàn diện với tư cách là sự vận động tiến tới và sự chuyển hoá về chất, với tư cách là sự đi lên theo thang bậc lôgíc có tuần tự về tính chất mâu thuẫn của sự phát triển bao gồm sự tương tác giữa các mặt đối lập, sự phủ định tồn tại hiện có và đồng thời là sự giữ lại cái tích cực từ quá khứ.

Nhân đây cần phải nhắc đến sự đánh giá của C. Mác đối với phép biện chứng của Hegel vì chính Mác không những đã chỉ phê phán một cách sâu sắc phép biện chứng của Hegel mà còn cải tạo phép biện chứng đó xây dựng nên phép biện chứng duy vật duy nhất và thực sự khoa học với mẫu mực tuyệt vời của nó là tác phẩm chủ yếu của ông - bộ “Tư bản”. C.Mác viết: Tính chất thần bí mà phép biện chứng đã mắc phải ở trong tay Hegel tuyệt nhiên không ngăn cản ông trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức những hình thái vận động chung của phép biện chứng ấy. Ở Hegel phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất. Chỉ cần dựng nó lại là sẽ phát hiện được cái hạt nhân hợp lý của nó…

Có thể thấy rằng, bất cứ một học thuyết nào cũng chịu ảnh hưởng của điều kiện lịch sử - xã hội của thời đại mình. Triết học Mác cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Với lịch sử hình thành và tồn tại cho đến ngày nay đã gần hai thế kỷ, có những vấn đề được trình bày từ thời Mác đến nay không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, cái bất biến với thời gian, mãi mãi đó chính là phép biện chứng mácxít. Nó được kế thừa và phát triển từ một đầu óc thiên tài – Hegel. Nhưng theo bản thân tôi, người phát kiến ra nó, tức Hegel còn vĩ đại hơn rất nhiều lần./.

GV. Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: