Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.828.567
Hôm qua:657
Hôm nay:610

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Một số điểm mới trong Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

09:01 | 18/09/2023 205

Ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế Quy định 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của Đảng đối với việc đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ.

Ngay trong trích yếu, Quy định 114-QĐ/TW đã thể hiện phạm vi, nội hàm rộng hơn, bao quát hơn Quy định 205-QĐ/TW. Cụ thể, Quy định này không chỉ đề cập đến kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền mà còn mở rộng biên độ đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng, tình hình hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh “chiến dịch đốt lò” và thực tiễn cho thấy công tác kiểm soát quyền lực không chỉ dừng lại ở hành vi chạy chức, chạy quyền, mà còn có nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực khác ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.

 

Bên cạnh đó, Quy định 114-QĐ/TW đã bổ sung phần giải thích thuật ngữ nhằm làm sáng tỏ, đem đến cách hiểu thống nhất về những thuật ngữ được sử dụng trong Quy định như: Quyền lực trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trách nhiệm, cơ quan liên quan trong công tác cán bộ, nhân sự, người có quan hệ gia đình. Đặc biệt, “người có quan hệ gia đình” được chỉ rõ đó là: vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột… Việc quy định chi tiết, rõ ràng như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thống nhất trong tiếp cận và trong quá trình triển khai thực hiện.

Quy định 114-QĐ/TW đã dành dung lượng của chương II để đề cập đến ba nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cụ thể là: Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; hành vi chạy chức, chạy quyền; và các hành vi tiêu cực khác.

Đối với hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, Quy định này đã chỉ rõ 8 nhóm hành vi cụ thể. Đặc biệt, đã bổ sung một số hành vi mới như: “Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; khi nhận đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, lúng túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền…”.

Hay với hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định 114-QĐ/TW đề cập đến 6 nhóm hành vi: “Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi…”. Đối chiếu với Quy định 205-QĐ/TW, Quy định 114-QĐ/TW đã điểm mặt, đặt tên những hành vi mới trong chạy chức, chạy quyền là: “Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi”.

Bên cạnh đó, các hành vi tiêu cực khác cũng được chỉ ra, điển hình như: “Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý…”.

Như vậy, thông qua những nội dung cụ thể trên, có thể khẳng định rằng Quy định 114-QĐ/TW đã tiếp tục kế thừa, bổ sung và nhạy bén nắm bắt, nhận diện những biểu hiện mới về tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Điều này giúp hoàn thiện quy định, bịt lỗ hổng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát quyền lực đối với công tác được xem là “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng.

Ngoài ra, Quy định số 114-QĐ/TW cũng đề cập đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Quy định chỉ rõ không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, Tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương. Những quy định này sẽ là biện pháp mạnh mẽ, khắc phục tình trạng “ngồi nhầm ghế”, bố trí người thân thiếu năng lực, đạo đức, điều kiện tiêu chuẩn vào vị trí trọng yếu, chủ chốt trong bộ máy vẫn còn tồn tại như hiện nay.

Như vậy, với những điểm mới bắt kịp yêu cầu thực tiễn, các hành vi vi phạm được chỉ điểm rõ ràng, cơ chế, giải pháp được quy định chặt chẽ thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của Đảng về đổi mới, tăng cường kỷ cương trong công tác cán bộ. Việc áp dụng Quy định này được kỳ vọng là phương thuốc hay giúp loại bỏ những nguy cơ, siết chặt kỷ luật nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị (2023), Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

2. Bộ Chính trị (2019), Quy định 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

                                                          Trương Thị Điệp

                                               Khoa Nhà nước và Pháp luật

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: