Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.824.111
Hôm qua:751
Hôm nay:704

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Vấn đề an ninh phi truyền thống và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc ứng phó với những tác động ở Việt Nam hiện nay

14:03 | 15/08/2023 4203

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

                                                         Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

An ninh phi truyền thống là vấn đề xuất hiện từ đầu thế kỷ XXI nhằm biểu thị sự biến đổi mới trong môi trường an ninh quốc tế. An ninh phi truyền thống ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thể hiện trách nhiệm một cách phù hợp, thiết thực nhằm ứng phó, chủ động phòng ngừa, đấu tranh giảm thiểu những tác hại do an ninh phi truyền thống gây ra.

  1. Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh phi truyền thống

Việc nghiên cứu an ninh phi truyền thống luôn phải được đặt trong mối liên hệ với vấn đề an ninh và an ninh quốc gia. Ở Việt Nam, điều này được quán triệt sâu sắc.

“An ninh” được hiểu là: “trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa sự tồn tại và phát triển bình thường của cá nhân, của tổ chức, của từng lĩnh vực hoạt động xã hội hoặc của toàn xã hội”[1]. “An ninh quốc gia” (an ninh truyền thống) là sự “ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”[2].

Về “An ninh phi truyền thống”, Đảng ta nhận thức từ rất sớm và thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17-12-1998, của Bộ Chính trị khóa VIII, cảnh báo và chỉ ra các yếu tố thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có an ninh phi truyền thống; tiếp đó, vấn đề này tiếp tục được nêu rõ trong nội dung các văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng.  

Cụ thể, Đảng cộng sản Việt Nam đã chính thức đưa vấn đề an ninh phi truyền thống vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (4-2011), trong đó có nêu như sau: “chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những dịch bệnh hiểm nghèo”[3]. Văn kiện Đại hội XII chỉ ra một số vấn đề của an ninh phi truyền thống là: “an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khửng bố”[4].

Từ quan điểm của Đảng tại Đại hội XII, các tác giả đồng chủ biên là Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông trong cuốn “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” đã định nghĩa: “An ninh phi truyền thống có thể hiểu là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, cả khu vực và toàn cầu[5].

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về nội dung, thách thức của an ninh phi truyền thống đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Văn kiện đại hội XIII của Đảng  nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp”[6]; “Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ”[7], từ đó, đề ra nhiệm vụ “sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống”[8]...

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức ngày càng đầy đủ, hoàn thiện cả về chủ thể, yếu tố, nội dung, tính chất, phạm vi và một số định hướng nhằm sẵn sàng ứng phó hiệu quả với tác hại của an ninh phi truyền thống.

2. Vị trí của an ninh phi truyền thống và những tác động ảnh hưởng đến Việt Nam hiện nay

Về vị trí của an ninh phi truyền thống, trong chiến lược an ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống có vị trí quan trọng. Điều này thể hiện ở hai phương diện cơ bản sau đây:

Một là, an ninh phi truyền thống là bộ chiến lược an ninh quốc gia, liên quan trực tiếp đến sự ổn định chính trị và phát triển của đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”[9].

Hai là, an ninh phi truyền thống là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong tình hình mới.

An ninh phi truyền thống có mối liên hệ chặt chẽ với an ninh truyền thống và có sự tác động mạnh mẽ đến an ninh quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa và sự chống phá của các thế lực phản động, của bọn tội phạm chính trị và các loại tội phạm mới, an ninh phi truyền thống trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Việt Nam. Văn kiện XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng…”[10].

Vị trí của an ninh phi truyền thống trong chiến lược an ninh quốc gia chủ yếu xuất phát từ những tác động của nó đến an ninh đất nước ta.

Về tác động của an ninh phi truyền thống đến an ninh quốc gia Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia

An ninh quốc gia Việt Nam hiện nay bị tác động rất nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt do xu thế toàn cầu hóa, biên giới cứng của các quốc gia có nguy cơ bị phá vỡ, biên giới mềm chưa thể tạo hàng rào an ninh hiệu quả (hệ thống luật pháp, ý thức tự bảo vệ của quốc gia…). Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta phải mở cửa tiếp thu những giá trị của nhân loại để phát triển, song phải chịu tác động trái chiều không mong muốn (tổn thất về kinh tế và nhiều lĩnh vực do tội phạm công nghệ cao gây ra; thông tin cá nhân, tập thể lộ, lọt ra ngoài gây hậu quả lớn đến an ninh quốc gia).

Thứ hai, ảnh hưởng đến thể chế chính trị

Giữ vững và kiên định thể chế chính trị là vấn đề cốt lõi trong bảo vệ an ninh của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, những thế lực thù địch càng quyết liệt chống phá nên các yếu tố của an ninh phi truyền thống tác động cực đoan và mạnh mẽ đến thể chế chính trị. Chúng ta vừa phải đối phó với những yêu cầu, khuyến nghị đòi đa nguyên, đa đảng, thực hiện xã hội dân sự của các lực lượng phản động; đồng thời, tích cực hội nhập quốc tế nhưng phải đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc.

Thứ ba, ảnh hưởng đến môi trường

Ảnh hưởng của các vấn đề môi trường đối với an ninh quốc gia Việt Nam chính là sự gặm nhấm quốc thổ lành mạnh, làm suy yếu năng lực phát triển bền vững của đất nước; gây hiệu ứng xuyên quốc gia về môi trường, dẫn đến xung đột quốc tế; khủng hoảng, cạn kiệt tài nguyên; xảy ra các cuộc chiến tranh để phân định, đoạt tài nguyên… Điều này có tác động rất lớn và gây khó khăn cho việc bảo vệ độc lập dân tộc, an ninh của đất nước.

Thứ tư, ảnh hưởng đến kinh tế

Kinh tế và an ninh quốc gia có mối biện chứng với nhau, nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi những yếu tố của an ninh phi truyền thống một cách trực tiếp trên những vấn đề: lợi ích kinh tế; chủ quyền kinh tế; định hướng phát triển kinh tế; thể chế kinh tế; tài chính, tiền tệ, hợp tác kinh tế thương mại quốc tế…

Đặc biệt, Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế chưa có nhiều kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm rửa tiền nên khó tránh khỏi những thủ đoạn của chúng, làm tổn thất tới nền kinh tế quốc gia.

Thứ năm, ảnh hưởng đến vấn đề dân tộc, tôn giáo và nền văn hóa

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và tôn giáo. Về dân tộc, người Kinh chiếm khoảng 87%, 53 dân tộc còn lại chiếm khoảng 13%; về tôn giáo: hiện có 16 tôn giáo và 43 tổ chức được công nhận tư cách pháp nhân, khoảng 27% dân số theo tôn giáo.

Các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn và dùng các yếu tố an ninh phi truyền thống, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động đòi li khai, phản động, bạo loạn chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc những chính sách của ta về dân tộc, tôn giáo gây ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết dân tộc, đến an ninh quốc gia.

Tóm lại, an ninh phi truyền thống có ảnh hưởng lớn đến tất cả các quốc gia, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức và nhà nước phải có nhận thức, giải pháp thích hợp để giảm thiểu những tác hại do an ninh phi truyền thống gây ra.

3.Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc ứng phó với những tác động của an ninh phi truyền thống ở nước ta hiện nay

Như đã đề cập, an ninh phi truyền thống có vị trí quan trọng và tác động mạnh mẽ, toàn diện đến an ninh quốc gia, đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, Đảng, Nhà nước phải có phương hướng, quyết sách đúng đắn; đồng thời, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thể hiện trách nhiệm một cách thiết thực nhằm ứng phó với những tác động của an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay. Dưới đây xin được khuyến nghị một số yêu cầu, giải pháp đòi hỏi cán bộ, đảng viên cần quán triệt thực hiện:

1- Nâng cao nhận thức về vấn đề an ninh phi truyền thống, về tầm quan trọng và những tác động của an ninh phi truyền thống hiện nay

Đội ngũ cán bộ, Đảng viên cần có và cần nâng cao nhận thức về vấn đề an ninh truyền thống, đó là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, cả khu vực và toàn cầu. An ninh phi truyền thống có vị trí quan trọng và tác động mạnh mẽ đến Tổ quốc trên nhiều mặt: ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến thể chế chính trị, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề dân tộc, tôn giáo và văn hóa.

Từ nhận thức đúng đắn về vấn đề an ninh phi truyền thống, về tầm quan trọng và những tác động của an ninh phi truyền thống hiện nay, cán bộ, đảng viên sẽ nhận diện được những yếu tố của an ninh phi truyền thống và tác hại của chúng, đồng thời biết cách đấu tranh, phòng tránh và giảm thiểu tác hại do những yếu tố này gây ra.

2- Không ngừng nâng cao trình độ năng lực, giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức cách mạng

Sự ảnh hưởng và tác hại của an ninh phi truyền thống sẽ không quá lớn, không gây nhiều khó khăn cho an ninh quốc gia và các lĩnh vực của đời sống nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở luôn giữ vững lập trường chính trị, bản lĩnh vững vàng, có trình độ năng lực cao, đạo đức trong sáng, lành mạnh. Với đội ngũ cán bộ, đảng viên hội đủ những yêu cầu, tố chất tốt như vậy sẽ củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, phát huy sức mạnh nội lực và ngoại lực, không có kẽ hở, mặt trái để các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, chống phá, gây mất đoàn kết dân tộc.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên ở mọi vị trí công tác và trong cuộc sống cần có trách nhiệm, việc làm cụ thể để không ngừng nâng cao trình độ năng lực, giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức cách mạng.

3- Am hiểu, nắm rõ, gương mẫu chấp hành những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền phổ biến đến nhân dân, chống lại những luận điệu xuyên tạc, phản động

Hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải am hiểu, nắm rõ, gương mẫu chấp hành những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; như thế mới tuyên truyền phổ biến đến nhân dân để dân hiểu và thực hiện. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận toàn xã hội trong việc phòng chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, có giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó, đấu tranh, giảm thiểu tác hại của an ninh phi truyền thống.

4- Chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa của an ninh phi truyền thống

Với nhận thức đúng đắn về vấn đề an ninh phi truyền thống, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu lên quan điểm: Kịp thời đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”[11].

Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và luôn chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa của an ninh phi truyền thống bằng những hành động cụ thể như: cán bộ các cơ quan, bộ ngành từ Trung ương đến địa phương cần chủ động nâng cấp hạ tầng cơ sở thông tin, tăng khả năng bảo mật các kho tư liệu quốc gia, giảm thiểu tối đa sự tổn thất do tội phạm công nghệ cao gây ra; dùng hình thức truyền thông để tác động đến xã hội, lồng ghép các biện pháp giáo dục để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về các yếu tố an ninh phi truyền thống và tác hại của nó, các giải pháp chủ động phòng chống, đấu tranh…

 Có thể nói rằng, với xu thế toàn cầu hóa sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, các yếu tố của an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, ảnh hưởng sâu sắc và gây những tác hại nặng nề đến an ninh mỗi quốc gia. Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế nên càng phải nhận thức thấu đáo về vấn đề an ninh phi truyền thống; đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm ứng phó, chủ động phòng ngừa, đấu tranh giảm thiểu những tác hại do an ninh phi truyền thống gây ra đối với đất nước trong giai đoạn hiện nay./.

 

TÀI LIỆU THAM HẢO

[1]. Ban Tuyên giáo Trung ương (2001): Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I.

 [4]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022): Giáo trình Quốc phòng và An ninh – Dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.

[5]. Tạ Ngọc Tấn, Phạm Thành Dung, Đoàn Minh Huấn (Đồng chủ biên) (2015): An ninh phi truyền thống  - Những vấn đề lý thuyết đến thực tiễn, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.

 

 


 

 

[1] Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam (2004), Nxb.Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.25

 

[2] Luật của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 32/2004/QH11 ngày 3-12-2004 về an ninh quốc gia, Điều 3.

 

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.69

 

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.72.

 

[5] Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên), (2016): Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.15.

 

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.106-107

 

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.208.

 

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.279

 

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.233.

 

[10]

 

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.281.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: