Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.823.072
Hôm qua:798
Hôm nay:751

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

18:40 | 03/08/2023 142

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

                                                         Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

- Tóm tắt bài viết: Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân có nhiều nội dung quan trọng và mang ý nghĩa sâu sắc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và vận dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đất nước và thế giới hiện nay.

- Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; vận dụng; Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia và toàn nhân loại. Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luận bàn nhiều nội dung đúng đắn và có giá trị về tôn giáo. Trong đó, quan điểm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa sâu sắc đối với dân tộc Việt Nam. Đảng ta đã kế thừa, vận dụng một cách sáng tạo vấn đề này, góp phần tạo nên thành công chung của sự nghiệp cách mạng hiện nay.

  1. Khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Hiện nay, tùy theo cách tiếp cận, có nhiều khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016  của Việt Nam: “tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng; tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”[1].

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thường được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật mỗi nước. Điều 24 Hiến pháp 2013 Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”[2].

Cần nhìn nhận rằng, tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã được công nhận về mặt pháp lý; có sự thống nhất với quan niệm chung, với công ước quốc tế về tôn giáo và quyền tự do tôn giáo.

2. Nội dung và ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Tín ngưỡng, tôn giáo là một bộ phận của đời sống xã hội và đóng góp to lớn vào thành công chung của cách mạng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này. Người có khoảng 365 bài viết, hành động, việc làm về tín ngưỡng, tôn giáo (trong đó có 209 việc làm và 156 bài viết). Tư tưởng Hồ Chí minh về tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện ở các nội dung cơ bản là: tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đoàn kết tôn giáo; phát huy giá trị của tôn giáo; chống lợi dụng tôn giáo và bài trừ mê tín dị đoan. Nội dung nào cũng đặc sắc và có giá trị cao, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chỉ tập trung làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở những vấn đề chính yếu là:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh quán triệt chủ nghĩa Mác – Lênin về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin trong giải quyết vấn đề tôn giáo. C.Mác đã chỉ rõ: “Đặc quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người”[3]. Quán triệt và vận dụng nguyên tắc này, Hồ Chí Minh luôn coi trọng và cố gắng đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Thứ hai, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân phải gắn bó với độc lập dân tộc

Theo Hồ Chí Minh, tự do tín ngưỡng, tôn giáo có mối quan hệ biện chứng với vận mệnh dân tộc, bởi lẽ nước có độc lập thì tôn giáo mới được tự do. Chỉ trong điều kiện một đất nước độc lập, hòa bình thì quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng mới được đảm bảo; do đó, muốn được tự do thì nhân dân cần tranh đấu, kiên quyết để bảo vệ nền độc lập ấy. Khi đất nước độc lập, quyền tự do về tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng phải được thỏa mãn; nếu không thực hiện được thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, nhân dân sẽ quay lưng với vận mệnh Tổ quốc.  Vì vậy, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là cơ sở thực hiện đại đoàn kết dân tộc, củng cố sức mạnh để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thứ ba, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân xuất phát từ lòng khoan dung, tôn trọng đức tin của mỗi người

Mỗi con người là một thực thể không giống nhau, ai cũng có sở trường, hoàn cảnh và đức tin riêng của mình. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng”[4]. Người còn nhấn mạnh một điều: “Tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật”[5], nhưng không phải vì sự khác nhau giữa duy tâm và duy vật mà bài trừ, chống đối nhau, trái lại, phải tôn trọng đức tin của mỗi người.

Thứ tư, tự do tín ngưỡng, tôn giáo có tính phổ quát và là một giá trị của nhân loại nên quyền ấy phải được đảm bảo về pháp lý

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của con người, nó mang tính phổ quát toàn thế giới và là giá trị tiến bộ của xã hội hiện đại vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Xác định được điều này, Hồ Chí Minh cho rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam và phải ghi nhận bằng pháp lý để quyền ấy được đảm bảo tốt nhất, không bị xâm phạm. Chính vì vậy, chỉ một ngày sau khi nước nhà được độc lập, phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đã đề ra sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó có việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết lương giáo. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”[6].

Đồng thời, để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo về mặt pháp lý, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo soạn thảo văn bản và ký ban hành Sắc lệnh số 234/SL (ngày 14/6/1945) về Vấn đề tôn giáo, trong đó quy định chi tiết, cụ thể quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nội dung của Sắc lệnh phù hợp với tinh thần chung của công pháp quốc tế hiện hành và được giáo dân đón nhận, ủng hộ nhiệt thành.

Thứ năm, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo muốn được hiện thực hóa phải có giải pháp đúng đắn

Theo Hồ Chí Minh, chỉ ghi nhận về lý thuyết thôi chưa đủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân muốn trở thành hiện thực cần phải có giải pháp đúng đắn, cụ thể.

Giải pháp đầu tiên là cả hệ thống chính trị - Đảng và Nhà nước giữ vai trò quan trọng nhất - phải quan tâm giải quyết vấn đề tôn giáo, chăm lo để đồng bào có đạo “phần xác được no ấm, phần hồn được thong dong”. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các cấp ủy phải thật sự quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo”[7]. Cùng với đó, cán bộ “phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”[8]; tránh xúc phạm đến đức tin của đồng bào có đạo.

Cùng với hệ thống chính trị, giáo dân phải tham gia tích cực vào kháng chiến, kiến quốc, phải sống tốt đời đẹp đạo để đất nước được độc lập, giàu mạnh, bản thân được ấm no và hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác –Lê nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và có ý nghĩa sâu sắc với dân tộc. Các quan điểm và chính sách, giải pháp đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với công pháp quốc tế, được đồng bào giáo dân ủng hộ và cống hiến hết mình vào thành công chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Đồng thờì, sự thống nhất giữa tư duy và hành động, nói với làm,  lý luận và thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là cơ sở quan trọng cho Đảng ta học tập, kế thừa để xây dựng, thực hiện chính sách đúng đắn về tôn giáo trong các giai đoạn cách mạng.

3. Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Nội dung và giá trị quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng một cách đúng đắn và mang lại những thành quả to lớn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Điều này được thể hiện dưới hai góc độ cơ bản sau:

Một là, trong việc xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo nói chung, về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng trong chủ trương, đường lối được thể chế hóa bằng pháp lý. Từ năm 1990 đến nay, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này đã được ban hành. Trong đó có các văn bản như: Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về Tăng cường Công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị định số 69-NĐ/HĐBT quy định về hoạt động hoạt động tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng (21/3/1991); Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI (18/6/2004); Hiến pháp năm 2013; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (30/12/2017)…

Đáng chú ý, để làm rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định một chương riêng (Chương II). Trong đó, Luật quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của cá nhân, của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chẳng hạn, “Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này”[9].

Những chủ trương, chính sách trên là sự nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời thể hiện sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, luôn điều chỉnh, bổ sung và ngày càng thông thoáng hơn nhằm phù hợp với công ước quốc tế, với tình hình thực tiễn.

Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân

Trên cơ sở những văn bản pháp lý quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được xây dựng và ban hành, việc lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện đồng bộ, kịp thời từ Trung ương đến cơ sở; đảm bảo những quyền lợi chính đáng của nhân dân, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia rất đa dạng về tôn giáo với 7,7/10 điểm, trong khi trung bình điểm đa dạng tôn giáo của thế giới chỉ 4,5/10 điểm. Tính đến năm 2022, nước ta có trên 95% đồng bào có tín ngưỡng, trên 26 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số), 16 tôn giáo và 43 tổ chức được công nhận tư cách pháp nhân với gần 60.000 chức sắc, 148.000 chức việc. Nhà nước đã cấp đất xây dựng các cơ sở tôn giáo, tạo mọi điều kiện để nhân dân thỏa mãn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp; phối hợp tổ chức các đại lễ tôn giáo, trong đó có nhiều sự kiện mang tính quốc tế như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK (đăng cai 3 lần), với trên 1000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam; phối hợp tổ chức hội thảo Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ”; Đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI...

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với pháp luật quốc tế và được nhân dân hưởng ứng cao. Đồng bào giáo dân, các chức sắc tôn giáo đã đoàn kết và đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam bằng những việc làm thiết thực như: kính Chúa, yêu nước; sống tốt đời đẹp đạo; giáo dân có lối sống văn minh, làm giàu chính đáng; giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn - nhất là thời gian dịch bệnh Covid-19 ở cao độ nguy hiểm…

Thực trạng trên đã góp phần đánh tan những luận điệu chống phá của các thế lực phản động lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc Luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cho rằng “tự do tôn giáo ở Việt Nam hết sức mơ hồ”, Đảng và Chính phủ “bóp nghẹt tôn giáo”, “tự do tôn giáo không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người”; kiến nghị đưa Việt Nam trở lại CPC (những quốc gia có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo)…

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa lớn lao với dân tộc và đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo, đúng đắn. Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ còn tồn tại lâu dài với xã hội. Theo đánh giá của Đại hội Đảng lần thứ XIII, tình hình hiện nay có những biến chuyển phức tạp, khó lường: “Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan… Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng…”[10]. Vì thế, trong thời gian tới, cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, đấu tranh thắng lợi với sự chống phá của các thế lực phản động; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và tạo thành công chung của sự nghiệp cách mạng./.

TÀI LIỆU THAM HẢO

[1]. Ban Tuyên giáo Trung ương (2001): Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1.

 [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I.

 [4]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022): Giáo trình Tôn giáo và Tín ngưỡng – Dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.13.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.14.

[8]. Quốc hội (28/11/2013): Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[9]. Quốc hội (18/11/2016): Luật số: 02/2016/QH14, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

 [10]. Một số bài viết đăng trên báo điện tử thuộc các Website chính thống.

 


[1] Quốc hội (18/11/2016): Luật số: 02/2016/QH14, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

[2] Quốc hội (28/11/2013): Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[3] C.Mác và Ph.Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.549.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.4, tr.169.

[5] Sđd, t.8, tr.200.

[6] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.4, tr.8.

[7] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.14, tr.102.

[8] Sđd, t.13, tr.454.

[9] Quốc hội (18/11/2016): Luật số: 02/2016/QH14, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.I, tr.105-106.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: