Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.821.319
Hôm qua:845
Hôm nay:798

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Quan điểm của Đảng về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh

15:12 | 29/06/2018 13164

(LLCT) - Kinh tế và quốc phòng, an ninh (QPAN) là 2 lĩnh vực hoạt động cơ bản trong quá trình thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từng mặt hoạt động kinh tế, QPAN có đặc điểm, yêu cầu riêng và tuân theo các quy luật vận động riêng, nhưng chúng có quan hệ biện chứng, hữu cơ trong một thể thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, cái này là điều kiện tồn tại và phát triển của cái kia. Tuy vậy, không phải cứ có kinh tế mạnh là có QPAN mạnh, hoặc cứ có QPAN mạnh thì có kinh tế mạnh, mà phải trên cơ sở kết hợp một cách hợp lý, hài hòa, hiệu quả giữa kinh tế với QPAN, sao cho các hoạt động kinh tế gắn kết hữu cơ với các hoạt động QPAN và ngược lại.

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (Ảnh: TTXVN)

1. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là một quy luật tất yếu

Dựng nước đi đôi với giữ nước là vấn đề có tính quy luật chung của mọi quốc gia, mọi chế độ xã hội Việt Nam, ý thức kết hợp kinh tế với QPAN, QPAN với kinh tế đã sớm được hình thành.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là quy luật phổ biến giữa kinh tế, QPAN có mối quan hệ biện chứng, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kinh tế với an ninh, kinh tế với quốc phòng và ngược lại, đó là mối quan hệ tác động qua lại, gắn bó hữu cơ với nhau. Trong mối quan hệ đó, kinh tế luôn giữ vai trò quyết định, là nhiệm vụ trung tâm, có tác động trực tiếp đến hoạt động QPAN; tạo cơ sở để củng cố QPAN.

Nhưng QPAN không chỉ phụ thuộc vào kinh tế mà cũng có tác động trở lại đối với kinh tế. Mặt tích cực là QPAN tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, là điều kiện để đảm bảo cho quá trình xây dựng phát triển kinh tế. Nhưng ngay trong hoạt động QPAN cũng hàm chứa yếu tố kinh tế là sự chi phí lớn về kinh tế, nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế. Vì vậy khi đầu tư cho QPAN cần phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, không cản trở hoặc hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Hoạt động QPAN cũng cần phải lưu ý tính lưỡng dụng, có khả năng phục vụ phát triển kinh tế, đời sống dân sinh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ QPAN trong thời bình, ở mức độ nhất định cũng có tác dụng kích thích kinh tế phát triển. Đầu tư cho QPAN, một mặt, đặt ra cho nền kinh tế phải sản xuất, hoặc thông qua quan hệ kinh tế đối ngoại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nó; mặt khác, sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm của nền kinh tế.

Thực tiễn lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng, dù là nước lớn hay nước nhỏ, kinh tế phát triển hay chưa phát triển, dù chế độ chính trị như thế nào thì mỗi quốc gia cũng đều quan tâm thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN. Các nước đều chú ý xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực từ nền kinh tế cho hoạt động QPAN.

Tuy nhiên, các nước khác nhau, với chế độ chính trị - xã hội khác nhau, điều kiện hoàn cảnh khác nhau thì sự kết hợp cũng có sự khác nhau về mục đích, nội dung, phương thức và kết quả. Ngay trong một nước, trong mỗi giai đoạn phát triển, sự kết hợp cũng khác nhau.

Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn luôn gắn liền với những cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập. Đứng trước nguy cơ thường xuyên có thể bị xâm lược, các triều đại phong kiến Việt Nam (đặc biệt từ thế kỷ X-XV) muốn tồn tại, đều phải dựa vào nhân dân, thực hiện chính sách gắn kinh tế với QPAN (có thể nói là quốc sách), với những bài học quý báu đó là chính sách “ngụ binh ư nông”(Nguyễn Trãi) nhằm “khoan thư sức dân”, “nước lấy dân làm gốc”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) Đảng ta đề ra chủ trương: kháng chiến, kiến quốc; vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp; xây dựng làng kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện ở mỗi miền. Ở miền Bắc, để bảo vệ chế độ XHCN và xây dựng hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc, với chủ trương: Trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế. Ở miền Nam, quân và dân ta kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa chân phương tại chỗ vững mạnh. Đây chính là một điều kiện cơ bản bảo đảm cho cách mạng nước ta đi đến thắng lợi.

Thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội (từ 1975 đến nay) kết hợp QPAN với kinh tế là một nội dung quan trọng trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và được triển khai trên quy mô rộng lớn, toàn diện hơn.

Từ năm 1986 đến nay, với tư duy mới về kinh tế và QPAN, việc kết hợp chặt chẽ QPAN với kinh tế trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, bộ, ban, ngành có bước chuyển biến cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều ngành, lĩnh vực và các công trình trọng điểm quốc gia đã kết hợp hiệu quả QPAN với kinh tế như: ngành đóng tàu; bưu chính viễn thông; giao thông vận tải; hoạt động đối ngoại; đường dây 500KW; đường Hồ Chí Minh; đường Đông Trường Sơn;...

2. Quan điểm của Đảng và luật pháp về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế

Kết hợp QPAN với kinh tế là quan điểm nhất quán, một nội dung quan trọng trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh phải toàn diện, cơ bản lâu dài ngay từ trong chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; trên từng địa bàn lãnh thổ, trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến các vùng, địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Đại hội XII nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và QPAN tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược...”.

Kết hợp kinh tế với QPAN được xem xét một cách toàn diện, cơ bản lâu dài trong mối liên hệ với các yếu tố khác như văn hóa, xã hội, đối ngoại, tín ngưỡng, tôn giáo,... để bảo đảm không cản trở hoặc gây thiệt hại đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Việc kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN trên các địa bàn lãnh thổ khác nhau cũng có nội dung, phương thức kết hợp cụ thể khác nhau, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa bàn lãnh thổ, đồng thời bảo đảm tính liên kết vùng, trong đó cần chú trọng những vùng, địa bàn chiến lược trọng yếu về QPAN như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thứ hai, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong quá trình kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.

Đại hội XII nhấn mạnh: “... Kết hợp chặt chẽ QPAN và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về QPAN. Xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân...”.

Trong việc kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN, phải coi trọng phát huy nội lực, tự lực, tự cường, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng của đất nước cho quá trình kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh QPAN. Đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập, tận dụng tốt các nguồn ngoại lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường củng cố QPAN.

Lòng dân là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; là lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách, thể chế chính trị… của Đảng và Nhà nước. Các chính sách đúng đắn sẽ quy tụ được lòng dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân trong giữ vững nền độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hiện nay, xây dựng “thế trận lòng dân”để đáp ứng yêu cầu tăng cường sức mạnh QPAN, bảo vệ Tổ quốc chính là quá trình xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho nhân dân có ý thức tự giác về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi công dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh phải vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Mọi thành quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế - xã hội là nhằm ngày càng đáp ứng tốt nhất cho sự tăng trưởng kinh tế và tăng cường củng cố QPAN, cũng như nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, mọi hoạt động QPAN là nhằm tạo ra và gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ sự phát triển kinh tế, bảo vệ cuộc sống của dân cư và tạo ra cơ sở chính trị tinh thần của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.

Trong việc kết hợp đòi hỏi có sự liên kết, chuyển hóa chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm tính lưỡng dụng trong các hoạt động kinh tế và hoạt động QPAN, các hoạt động kinh tế có thể chuyển hóa sang phục vụ QPAN và ngược lại, các hoạt động QPAN có thể chuyển sang phục vụ kinh tế và dân sinh, từ đó tiết kiệm chi phí, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế và bảo đảm QPAN. Đồng thời, qua đó, tạo điều kiện nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp tại Điều 68 về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN, Quốc hội thể chế hóa nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật: Luật Đất đai (2003), Luật Biên giới quốc gia (2003), Luật An ninh quốc gia (2004), Luật Quốc phòng (2005), Luật Dân quân tự vệ (2009), Luật Công an nhân dân (2014); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam (2014); các pháp lệnh như: Pháp lệnh Động viên công nghiệp (2003), Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (2008), Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (2014)...; các luật về lĩnh vực kinh tế như Luật Quy hoạch đô thị (2009), Luật Xây dựng (2014), Luật Doanh nghiệp (2014), Luật Đầu tư (2014), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Pháp lệnh Quản lý thị trường (2016)...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cụ thể hóa, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN như Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21-5-2014 của Chính phủ Quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21-11-2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (thay thế Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14-3-2005 của Chính phủ), Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23-02-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ.v.v.

Đối với từng địa bàn chiến lược, thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định với những định hướng dài hạn và giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm QPAN; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm vùng, miền, dân cư; trong đó có sự quan tâm đầu tư các nguồn lực cho vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ Quyết định số 925/2012/QĐ-TTg, ngày 29/6/2009 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam-Campuchia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định Số 276/QĐ-TTg, ngày 18-02-2014 về việc Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của BCT về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020; Quyết định Số 1194/QĐ-TTg, ngày 22-7-2014 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030; Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12-3-2013 phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020...

Các quy định trong hệ thống văn bản QPPL có liên quan về cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bước đầu bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện nội dung kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Các chính sách ban hành đã phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm và tăng cường tiềm lực QPAN. Bên cạnh đó, cũng còn những bất cập, hạn chế, đó là:

Nhiều quy định về bảo đảm quốc phòng và an ninh trong một số luật chưa được hướng dẫn thi hành như: Luật Hàng hải Việt Nam (Khoản 2 Điều 5); Luật Điện lực (Khoản 1 Điều 4); Luật Đường sắt (Khoản 1 Điều 4); Luật Đê điều (Khoản 1 Điều 5); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (Khoản 1 Điều 9); Luật Xây dựng (Khoản 1 Điều 4); Luật Doanh nghiệp (Khoản 7 Điều 9); Luật Thủy sản (Khoản 3 Điều 4);... Các quy định về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm QPAN trong Luật Quốc phòng (Khoản 3, Điều 5; Điều 11) và Luật An ninh quốc gia (Khoản 3 Điều 5; Khoản 3, 4 Điều 14 và Khoản 2 Điều 16) chưa cụ thể và chưa được hướng dẫn thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ (nguyên tắc, yêu cầu, phạm vi, nội dung, phương thức kết hợp, chủ thể kết hợp, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể...).

Quy định của một số văn bản QPPL chưa sát với khả năng đáp ứng của nền kinh tế, dẫn đến không bảo đảm nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ, gây lãng phí. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm tra, thẩm định quy hoạch, kế hoạch, dự án, công trình thiếu rõ ràng. Tình trạng chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, coi nhẹ việc bảo đảm QPAN còn phổ biến. Một số văn bản QPPL của bộ, ngành còn có nội dung chồng chéo, khó thực hiện; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở các địa phương trong phối hợp thẩm định các văn bản liên quan của các bộ, ngành và các địa phương chưa rõ, quan hệ phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, đó là: Nhận thức về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPANcòn chưa đầy đủ và còn thiếu sự thống nhất; có lúc, có nơi còn có biểu hiện chủ quan, phiến diện. Chưa có một văn bản QPPL quy định cụ thể về các vấn đề chung như: phạm vi, nguyên tắc, nội dung, phương thức kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, nhất là kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế và QPAN. Việc phân cấp trong thẩm tra, thẩm định cũng như việc bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương trong kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN chưa được quy định rõ ràng, minh bạch.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh

Một là, cần thống nhất nhận thức quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN một cách đầy đủ, toàn diện và khoa học, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết, đánh giá thực tiễn. Qua đó cần làm rõ các vấn đề như: phạm vi, nguyên tắc, nội dung, phương thức, chủ thể, trách nhiệm pháp lý... kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN làm cơ sở cho việc thể chế hóa đầy đủ quy định trên trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Hai là, nâng cao trình độ và năng lực thể chế hóa quy định của Hiến pháp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.

Việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, cần phải tăng tỷ lệ hợp lý đại biểu chuyên trách, trong đó ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực QPAN và kinh tế; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong việc chuẩn bị, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh liên quan đến việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.

Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật liên quan đến kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Tăng cường kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành và địa phương ban hành để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.

Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Hoàn thiện cơ chế kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Xác định đúng đắn vị trí, vai trò nội dung quản lý nhà nước về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Xây dựng cơ chế quản lý thích hợp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.

Bốn là, xây dựng cơ cấu kinh tế vùng, liên vùng, vùng kinh tế trọng điểm phải đồng thời tạo ra thế trận QPAN, là sự bố trí chiến lược thống nhất giữa kinh tế và QPAN, QPAN với kinh tế, tạo điều kiện để cả nước và từng địa phương có thể chủ động đối phó với tình huống về QPAN có thể xảy ra. Kết hợp chặt chẽ giữa QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN trong tất cả các ngành kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là với những ngành có liên quan nhiều đến QPAN.

Năm là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Có cơ chế thu hút các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.

Sáu là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những vi phạm trong quy hoạch, kế hoạch, dự án, công trình xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế và các lợi ích QPAN.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

Tài liệu tham khảo:

1. ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.149, 150.

2. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 08-NQ/TW về Chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới,1999.

3. Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 25-10-2013, về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

4. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày
10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

5. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

6. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 ngày 9-11-2015 vềkết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. GS, TS Trần Ngọc Đường, “Thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội - Thực trạng và giải pháp”.

 

Ths Vũ Hồng Lưu

Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: