Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.376
Hôm qua:705
Hôm nay:112

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

“CHÍ SĨ YÊU NƯỚC THÁI PHIÊN - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP QUA CÁC TƯ LIỆU MỚI”

16:50 | 21/08/2018 2431

Lịch sử địa phương là một bộ phận của lịch sử dân tộc, làm phong phú, sâu sắc thêm lịch sử dân tộc và lịch sử thành phố Đà Nẵng cũng đã góp nhặt, tạo tác nên những con người mà vai trò của họ đối với địa phương là đáng ghi nhận. Trong vô vàn những con người như thế, Thái Phiên - người con của mảnh đất Đà Nẵng, một chí sĩ yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược oanh liệt một thời đã để lại những dấn ấn công trạng đáng được trân trọng.

Từ trước cho đến nay đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Thái Phiên tuy nhiên phải đến công trình “Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới” vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, tác giả là nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn, người đã bỏ hàng chục năm để nghiên cứu về chí sĩ Thái Phiên thì chúng ta mới có một cái nhìn đầy đủ, rõ ràng hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Công trình này được thực hiện dựa trên hàng trăm trang sử liệu quý giá, không chỉ trong nước mà tác giả và Hội sử học Đà Nẵng đã có được toàn bộ hồ sơ về cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916 lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp. Rất nhiều đáp án cho các câu hỏi được đặt ra lâu nay về cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Thái Phiên thông qua công trình trên đã phần nào được làm sáng tỏ: Vai trò của Thái Phiên trong cuộc khởi nghĩa năm 1916? Có bao nhiêu lần Thái Phiên và Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân? Có hay không sự trợ giúp của người Đức cho phong trào như lâu nay ta vẫn nghĩ? Những kẻ phản trắc nằm trong hàng ngũ khởi nghĩa là ai?... Đặc biệt, chủ đề trên cũng là Đề tài khoa học cấp thành phố được Hội Khoa học Lịch sử thành phố đăng ký với Ủy ban Nhân dân thành phố mà chủ nhiệm đề tài (trước là ông Nguyễn Trương Đàn, sau này vì lý do sức khỏe của ông Đàn thì ông Lưu Anh Rô[1] đã thay mặt làm chủ nhiệm đề tài).

Thái Phiên, sinh ra tại làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, mang tên Thái Văn Soạn, là trưởng nam của ông Thái Văn Triết và bà Lê Thị Tân; hiệu Nam Xương, mỹ tự là Phiên, cách mạng gọi là Thái Phiên. Ông sống và làm việc ở Đà Nẵng từ nhỏ, là một người yêu nước, tính tình cương trực, căm thù giặc Pháp cướp nước và bè lũ tay sai.

Nói đến những hoạt động ban đầu của Thái Phiên không thể không đề cập đến cuộc đấu tranh giành giữ đất Cấm Đình ở làng Nghi An, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam chống bọn tư sản Pháp cướp đất lập đồn điền vào tháng 9-1904. Cuộc đấu tranh trên đều có sự tham gia của hai cha con Thái Phiên. Và qua tập hồ sơ mang số hiệu 36, thuộc phông Tòa hòa giải rộng quyền Đà Nẵng, hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội cho thấy tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh và tính can trường của người thanh niên trẻ (lúc đó Thái Phiên mới 22 tuổi) giàu lòng yêu nước và có gan phản kháng lại cường quyền (Thái Phiên đóng vai trò chủ động và bí mật chỉ đạo cuộc đấu tranh) cũng như đính chính, làm rõ nhiều thông tin về cuộc đấu tranh đó so với các văn bản nghiên cứu trước, như năm diễn ra là năm 1904 (chứ không phải năm 1906), những con người cụ thể tham gia…

Tháng 5-1905, Duy Tân hội ra đời và hai nhân vật chủ yếu sáng lập ra tổ chức này là Tiểu La Nguyễn Thành và Phan Bội Châu. Thái Phiên có mặt trong hàng ngũ những yếu nhân của Duy tân hội, được Phan Bội Châu tin cẩn. Trong suốt thời gian 10 năm đầu hoạt động của Thái Phiên ở thời kỳ Duy Tân hội - Đông Du diễn ra thầm lặng, bí mật. Và đặc biệt, trong hồi ký của mình - cụ Phan Bội Châu đã ghi nhận hoạt động kinh tài khá thành công với những khoảng tiền khá lớn mà Thái Phiên chuyển cho tổ chức hội.

Từ năm 1909 trở đi, nhất là sau khi Đỗ Đăng Tuyển - một yếu nhân của Duy Tân hội ở Quảng Nam bị bắt thì một mình Thái Phiên phải lo gây dựng lại tổ chức Duy tân hội ở Quảng Nam, đồng thời bắt liên lạc với Lê Ngung để gây dựng lại tổ chức Duy tân hội ở tỉnh Quảng Ngãi. Trong cuốn Phan Bội Châu niên biểu do Chương Thâu dịch, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh in năm 2001, ở trang 211: “Khoảng năm Dậu Tuất (1909,1910), Đảng ta ở trong nước cơ hồ không còn ai, chỉ còn một mình Nam Xương tiên sinh…”.

Chủ trương của Phan Bội Châu là chuyển Duy tân hội sang tổ chức Việt Nam Quang Phục hội. Được tin này, hầu hết những người tham gia Duy Tân hội, chống thuế năm 1908 hay “Học hội Quảng Nam” còn sống sót đều tập hợp xung quanh Thái Phiên. Và cũng chính cụ Phan đã xác nhận vai trò trung tâm của Thái Phiên đối với hoạt động yêu nước ở Trung Kỳ. Ông cùng với Lê Ngung (Quảng Ngãi) trở thành yếu nhân tập hợp lực lượng yêu nước.

Thái Phiên - một trong hai thủ lĩnh xuất sắc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Kỳ có sự tham gia của nhà vua trẻ Duy Tân tháng 5-1916. Cuộc khởi nghĩa tuy bị thực dân Pháp nhanh chóng đàn áp, dập tắt nhưng đã có tác động to lớn đến thời cuộc trong nước và quốc tế lúc bấy giờ và để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Thái Phiên - Trần Cao Vân và nhiều đồng chí khác của các ông trở thành niềm tự hào của đất nước, của quê hương, góp phần tô điểm cho truyền thống kiên cường, bất khuất của nhân dân xứ Quảng, của thành phố Đà Nẵng. Qua nguồn tài liệu quý giá ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp tại Aix-en-Provence[2] mà tác giả và Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng có được đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều bí ẩn lịch sử về biến cố chính trị này:

Thái Phiên, Trần Cao Vân và các thủ lĩnh Việt Nam Quang Phục hội đã xây dựng nguồn kinh tài dồi dào cho các hoạt động: tuyển mộ, vận động binh lính địch, tuyển mộ dân binh… Trong đó, vai trò của Thái Phiên là lớn nhất như cụ Phan Bội Châu đã ghi nhận.

Thái Phiên là người rất quan tâm và dành nhiều công sức trong việc soạn thảo các văn kiện chuẩn bị khởi nghĩa. Trong đó, lai lịch bản Hịch khởi nghĩa được làm sáng tỏ, cũng cố thêm cho quan điểm đúng trước đó. Như vậy, theo tài liệu mới thì Võ Hàng là người đã khởi thảo bản Hịch, Lê Ngung duyệt lại, chuyển cho Thái Phiên và Trần Cao Vân. Thái Phiên đem cho Mai Dị hiệu đính thêm và cuối cùng được Thái Phiên, Trần Cao Vân và Ban tham mưu khởi nghĩa duyệt lại trong đêm 27-4-1916.

Trong toàn bộ các tài liệu mới trên, không có tài liệu nào đề cập đến viên sĩ quan người Đức Harmandes là chỉ huy ở đồn Mang Cá, cũng không có việc Lê Đình Dương liên lạc và vận động Harmandes, cũng không đề cập đến mối quan hệ giữa vua Duy Tân với viên sĩ quan này, cũng như không có câu chuyện về mối tình giữa Trần Thị Nường (cháu ruột Trần Quang Trứ) với viên sĩ quan đó.

Về việc vận động vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa: Không có tài liệu nào đề cập đến nhân vật Phạm Hữu Khánh, người lái xe và cũng là liên lạc của phái cách mạng như các tài liệu nghiên cứu trước đây mà hai nhân vật chủ yếu đảm trách công việc liên lạc đó chính là suất đội Nguyễn Quang Siêu và Thị vệ Tôn Thất Đề. Hai ông đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa vua Duy Tân với Thái Phiên và Trần Cao Vân bên bờ hồ Hòa Bình. Cuộc gặp diễn ra vào khoảng 5 giờ chiều chứ không phải vào 8 giờ sáng. Cũng chính hai ông cùng với Thái Phiên và Trần Cao Vân là những thủ lĩnh khởi xướng và tổ chức cuộc khởi nghĩa và cùng bị án chém ở Huế khi cuộc khởi nghĩa bất thành, chính quyền thực dân đàn áp.

Qua tư liệu mới trên, chúng ta còn biết thêm rằng: Trước lúc bị chính quyền thực dân xử chém, Thái Phiên đã ra đi trong tâm trạng thanh thản, nhẹ nhàng khi kịp thời trao gửi lại cho một người bạn chiến đấu thân tín nhất cũng đang bị giam cầm trong nhà lao những tài liệu quan trọng về tổ chức và hoạt động của phong trào, của Hội nhưng không may rơi vào tay kẻ thù. Đặc biệt, di cảo cũng đã cho thấy rõ vai trò của Thái Phiên khi ông đã dày công xây dựng, cài cắm tạo nên hệ thống đường dây hoạt động bí mật ngay trong bộ máy hành chính, cai trị của thực dân Pháp. Những chi tiết đó đã cho thấy một ý chí kiên định nơi ông, bảo vệ đến mức cao nhất những bí mật thiết yếu của phong trào, của tổ chức yêu nước; một niềm lạc quan cách mạng: sẽ có một thế hệ cách mạng kế tục công cuộc đấu tranh yêu nước mà lớp thủ lĩnh như ông chưa kịp hoàn thành.

Việc chúng ta tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu để ngày càng làm sáng rõ cuộc đời và sự nghiệp của Thái Phiên, một nhà yêu nước, một danh nhân và là một người con thân yêu của xứ Quảng, một sự hi sinh lẫm liệt của vị anh hùng vì đại nghĩa dân tộc không chỉ thể hiện sự tôn kính của thế hệ hôm nay và mai sau đối với tiền nhân mà còn quan trọng hơn, đó là giữ lửa, tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn đối với thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Người viết: Trần Thị Hồng Hạnh

          Khoa: Xây dựng Đảng


[1] Lưu Anh rô, Nhà nghiên cứu, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

[2] - Hồ sơ thứ nhất mang ký hiệu ANOM_GGI_65530: Troubles de IAnnam 1916 (Cuộc biến loạn ở Trung Kỳ 1916);

- Hồ sơ thứ hai mang ký hiệu ANOM_GGI_9588: Cour dAnnam - Complot à Huế-Evasion et Desposition de S.M Duy Tân (Triều đình An Nam – Cuộc âm mưu ở Huế - Cuộc đào thoát và sự phế truất Hoàng đế Duy Tân).

- Hồ sơ thứ ba mang ký hiệu ANOM_GGI_4199 là các Báo cáo tình hình chính trị các quý trong các năm 1916 của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương.

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều