Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.795.739
Hôm qua:1.174
Hôm nay:336

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Một số vấn đề về công tác tuyên truyền biển, đảo của nước ta hiện nay

20:32 | 12/10/2017 2484

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY

NGƯỜI THỰC HIỆN: TRƯƠNG THỊ ĐIỆP
KHOA: NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Với chiều dài bờ biển xấp xỉ 3.260km, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa rộng lớn; Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về biển. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định phấn đấu đưa Việt Nam trở thành “quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”, đưa tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào khoảng 53% - 55% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bên cạnh đó, các quốc gia có quyền lợi ở biển Đông cũng không giấu tham vọng “hướng ra biển”. Nói như thế để thấy rằng, biển đảo không còn là vấn đề liên quan đến quyền lợi kinh tế nữa mà còn mang ý nghĩa to lớn về mặt chủ quyền quốc gia. Với tầm quan trọng như vậy thì thiết nghĩ công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cần có sự quan tâm tương xứng. Mặc dù Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm tuyên truyền về biển, đảo, thế nhưng đối tượng chính – đối tượng dễ tác động nhất ở đây là quần chúng nhân dân vẫn chưa được tiếp cận nguồn thông tin chính thống về biển, đảo một cách đầy đủ nhất.

Theo suy nghĩ của bản thân tôi thì kết quả của công tác tuyên truyền không phải dừng lại ở những con số như:  Hằng năm đưa được bao nhiêu đoàn đại biểu ra thăm Trường Sa, phát bao nhiêu nghìn tờ rơi tuyên truyền về Luật biển, bao nhiêu lượt tàu thuyền của ngư dân được nghe chương trình tuyên truyền về biển, đảo trên loa phóng thanh, bao nhiêu bản tin về chủ đề này được phát trên phương tiện thông tin đại chúng… mà yếu tố cốt lõi ở đây là nhận thức của người dân về vấn đề này như thế nào.

Trong thực tế, phải thẳng thắn thừa nhận rằng hằng ngày chúng ta vẫn nghe thấy trong câu chuyện của các mẹ, các chị ở hàng chợ xen lẫn những hoang mang, lo lắng khi chia sẻ không dám xây dựng nhà cửa vì sợ tình trạng căng thẳng dễ xảy ra chiến tranh; hay bên tách cà phê buổi sớm, các chú các anh kích động quá mức khi đọc dòng tin Trung Quốc lại gây hấn; hoặc giả trên mạng internet tràn lan diễn đàn do cộng đồng thanh thiếu niên lập ra nhằm công kích thái độ của láng giềng Trung Quốc tại biển Đông…

Thực trạng này quả thật khiến những người làm công tác quản lý vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ý thức về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã ăn sâu vào người dân Việt Nam – Hễ ai là “con lạc cháu hồng” thì đều có tinh thần lo cái lo chung của đất nước, trăn trở vì vận mệnh của quốc gia. Lo vì một nỗi người dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu tường tận về vấn đề này ắt hẳn sẽ dẫn đến lòng dân không yên. Bao giờ trong xã hội còn những câu chuyện tương tự như trên thì về lâu về dài khó mà thực hiện kế an dân. Những điều trên ít nhiều cho thấy thiếu sót lớn của công tác tuyên truyền về biển đảo, nhất là trong tình hình biển Đông đang nóng hơn bao giờ hết như hiện nay.

Nói như thế không có nghĩa là ru cho dân ngủ trong sự an tâm tuyệt đối. Phải tuyên truyền cho mỗi người dân Việt Nam rõ đâu là vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo của cha ông để lại mà dân ta phải giữ gìn. Thực tế hiện nay, khi được hỏi: “Đà Nẵng có bao nhiêu quận, huyện?”, một vấn đề mà thiết nghĩ hiển nhiên bất kỳ cán bộ, công chức, viên chức nào cũng nắm được, thế nhưng thật bất ngờ khi đa phần câu trả lời là 7 quận, huyện mà bỏ quên mất huyện đảo Hoàng Sa. Càng đau lòng hơn, khi vẽ bản đồ Việt Nam trong bài thi môn địa lý, hầu hết học sinh thể hiện dải đất “hình chữ S” nhưng lại bỏ quên núm ruột Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc. Hay trường hợp hàng loạt bản đồ, tờ rơi du lịch có in hình bản đồ Việt Nam nhưng thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được bày bán trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được phát hiện vào giữa năm nay….Tất cả đều là lổ hổng trong nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, trong giới học sinh, sinh viên, trong quần chúng nhân dân cũng đồng thời là điểm khuyết điểm của công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền về biển, đảo nói riêng.

Xuất phát từ thực tế đó, để công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo đi vào chiều sâu, thực sự mang lại hiệu quả - mà thiết thực nhất là nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của biển, đảo; về ý thức độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì cần chú trọng đến một số vấn đề sau:

Trước hết, cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương; giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền về biển, đảo nói riêng; trong đó Ban Tuyên giáo Trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Thứ hai, mở rộng hơn nữa hình thức tuyên truyền miệng mà đội ngũ nòng cốt là cán bộ tổ dân phố, thôn xóm; phát huy vai trò, uy tín của người đứng đầu các tộc, họ. Đây chính là con đường ngắn nhất đưa chủ trương, đường lối của Đảng nói chung và về vấn đề biển Đông nói riêng.

Thứ ba, đa dạng hóa cả về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vì đây là loại hình khả dụng, thu hut nhiều đối tượng và dễ đi vào lòng người.

Trong nhóm giải pháp này cần lưu ý nội dung và hình thức tuyên truyền phải tương thích và phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Cần phải khẳng định rằng, con đường tìm lại công lý, giành lại chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lâu dài, phức tạp. Chính vì thế, công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo càng khó khăn gấp bội phần. Thiết nghĩ, trọng trách này không phải chỉ riêng ngành tuyên giáo, của giới truyền thông mà còn sự thống nhất, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Có thể những vấn đề này không mới nhưng tôi muốn nói lên tiếng nói của một đảng viên nói riêng và của những người Việt Nam đau đáu nỗi niềm giữ gìn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà ông cha để lại nói chung. Và nỗi niềm này cần sự đồng vọng của cả cộng đồng và sự vào cuộc của giới truyền thông. Làm thế nào đó, khi đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa, và mỗi vùng lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, hải đảo thì mỗi người dân Việt Nam đều ý thức đó là một phần máu thịt, là núm ruột, là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ nước ta; ủng hộ, đặt trọn niềm tin vào Đảng, Nhà nước trong ứng xử trên biển Đông thì khi đó công tác tuyên truyền biển, đảo mới thật sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả.  

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: