Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.790.442
Hôm qua:1.315
Hôm nay:1.268

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Nhận diện quyền con người, quyền công dân và việc đề cao, tách biệt quyền con người, quyền công dân – điểm mới trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013)

20:26 | 09/10/2017 2992

NHẬN DIỆN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN VÀ VIỆC ĐỀ CAO, TÁCH BIỆT QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN – ĐIỂM MỚI TRONG HIẾN PHÁP NĂM 1992 (SỬA ĐỔI NĂM 2013)

Người thực hiện: Trương Thị Điệp
Khoa Nhà nước và Pháp luật

1. Nhận diện, phân biệt quyền con người và quyền công dân

Trên thế giới, nhìn nhận dưới góc độ nội dung thì Hiến pháp được phân thành hai nhóm là Hiến pháp cổ điển và Hiến pháp hiện đại. Hiến pháp cổ điển là những Hiến pháp có tuổi thọ cao, có lịch sử lâu đời còn tồn tại cho đến ngày nay. Đại điện tiêu biểu là Hiến pháp của Mỹ với tuổi thọ hơn 200 năm và Hiến pháp của Bỉ được khai sinh năm 1831. Còn Hiến pháp hiện đại là Hiến pháp ra đời sau thế chiến thứ I, II. Điểm nhận diện, phân biệt đối với 02 loại Hiến pháp này là: Hiến pháp cổ điển thừa nhận chế độ nô lệ, đề cập rất ít đến quyền con người, quyền công dân và về sau mới bổ sung; còn Hiến pháp hiện đại thì ngay từ đầu đã rất chú trọng đến yếu tố này. Như vậy, càng về sau, quyền con người và quyền công dân càng được đề cao. Và đa số hiến pháp các nước – đặc biệt là Hiến pháp hiện đại đều có sự phân định rạch ròi giữa quyền con người và quyền công dân. Tuy nhiên, ở nước ta, trong suốt một thời gian dài vẫn còn tồn tại luận điểm cho rằng quyền con người, quyền công dân hòa nhập làm một, không có sự tách bạch, phân biệt giữa 02 quyền này. Đây là quan niệm sai lầm vì quyền con người và quyền công dân là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Trong đó:

Quyền con người hay nhân quyền được hiểu là những gì bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được đảm bảo thì chúng ta không thể sống như một con người. Còn quyền công dân là những lợi ích pháp lý được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ cho những người có quốc tịch của quốc gia mình. Như vậy, có thể thấy rằng quyền công dân có nội hàm hẹp hơn quyền con người. Cụ thể, quyền công dân là quyền con người được Nhà nước thừa nhận, xác lập bằng luật pháp, áp dụng trong lãnh thổ của một quốc gia với các nhóm quyền chủ yếu là quyền dân sự và chính trị. Còn quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người sinh sống trong phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, được cộng đồng quốc tế bảo vệ. Và quyền con người là tự nhiên, không ai ban phát; được biểu hiện dưới hình thức các nhóm quyền như: kinh tế, văn hóa, xã hội.

Căn cứ vào thời điểm ban hành, các bản Hiến pháp của Việt Nam hiển nhiên được xếp vào nhóm Hiến pháp hiện đại. Thế nhưng, Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 của nước ta đều đồng nhất quyền con người và quyền công dân; nhất loạt ghi nhận 02 quyền này dưới tiêu đề là “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Mãi đến năm 1992, với kỹ thuật lập pháp tiến bộ, lần đầu tiên đã đề cập đến thuật ngữ “quyền con người”. Cụ thể: Tại Điều 50, Hiến pháp năm 1992 có thừa nhận: “Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật”. Thế thì ở đây, theo đúng quy định, quyền con người lại được “thể hiện”, biểu thị dưới hình thức “quyền công dân”. Mà như đã đề cập ở trên, đây là hai nhóm quyền có ranh giới phân định rõ ràng. Điều đó thể hiện nhận thức chưa đầy đủ của các nhà lập pháp ở thời kỳ này dẫn đến sự nhập nhằng, hòa lẫn giữa hai nhóm quyền như vậy. Nói như thế để thấy rằng, tuy việc ghi nhận quyền con người với tư cách là một quy định chung trước khi ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 1992 thể hiện một bước tiến mới so với các bản Hiến trước đây nhưng vấn đề còn tồn tại ở đây là quyền con người lại được chứa đựng trong quyền công dân, không có sự tách bạch rõ ràng.

2. Đề cao, tách biệt quyền con người và quyền công dân – điểm mới trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013)

Vào ngày 28/11/2013 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 97,99% ý kiến đồng thuận và ngay sau đó đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Và điều đặc biệt là Hiến pháp sửa đổi lần này cực kỳ chú trọng đề cao quyền con người, quyền công dân; quan trọng nhất là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, 02 quyền này được công nhận là hai nhóm quyền riêng biệt. Điều này thể hiện qua việc đổi tên Chương V trong Hiến pháp năm 1992 – từ chỗ chỉ thừa nhận “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đến bổ sung yếu tố quyền con người vào tiêu đề chương – cụ thể tiêu đề đầy đủ của chương này là: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Đây chính là mốc son đánh dấu sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân trong lịch sử lập hiến Việt Nam: Rằng quyền con người cũng là quyền công dân, nhưng phải có một sự phân định rạch ròi: những thứ mà mọi người được hưởng thì đó là nhân quyền, những gì công dân được hưởng thì đó là quyền công dân. Và mục đích tối thượng của Hiến pháp là được sinh ra để đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Như thế đồng nghĩa với việc Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) đã kẻ được  một vạch thẳng phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân cho dù lằn ranh này vẫn còn mong manh đi chăng nữa. Đây là điểm mới thứ nhất.

Bên cạnh đó, quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp sửa đổi lần này đặc biệt được coi trọng – thể hiện ở việc chuyển vị trí chương – từ Chương V sang Chương II. Như vậy, nhìn tổng thể, chương quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” ở vị trí thứ hai trong bố cục của Hiến pháp, chỉ sau chương quy định về “Chế độ chính trị”, và được sắp xếp trước các chương quy định về “kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ và môi trường”;  “Bảo vệ tổ quốc”, các chương quy định cơ quan nhà nước. Đó chính là điểm mới thứ hai.

Và điều đáng nói hơn, trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi), quyền con người đã không còn gắn với tiêu chí được Nhà nước thừa nhận, mà quyền con người ở đây được hưởng một cách mặc nhiên và về phía Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho những quyền đó được thực thi trên thực tế. Điều này thể hiện đúng tinh thần, tính chất “bẩm sinh, vốn có, không ai ban phát” của nhóm quyền này. Và thể hiện rõ trong việc sửa đổi cách dùng từ: Nếu trước đây, do quan điểm đồng nhất giữa quyền con người và quyền công dân nên các quy định về hai quyền này đều dùng chung thuật ngữ: “Mọi công dân, công dân có quyền…”. Còn hiện nay, trong Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể hiện rõ sự chuyển biến qua việc sử dụng thuật ngữ: Những quyền dành cho công dân thì vẫn dùng chế định: “Mọi công dân, công dân có quyền”; còn những quyền con người thì sử dụng thuật ngữ “mọi người có quyền”. Điển hình: từ chỗ ghi nhận: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” trong Điều 52 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì tại Điều 17, Hiến pháp sửa đổi lần này khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Như vậy, sự thay đổi thuật ngữ sử dụng ở đây đã hàm ý ghi nhận: Bình đẳng trước pháp luật không đơn thuần chỉ là quyền công dân, mà đó chính là quyền con người.  Đây là điểm mới thứ ba.

Và nếu thực hiện phép so sánh, rất dễ để nhận thấy rằng: sau mỗi bản Hiến pháp, số lượng các điều khoản về quyền con người, quyền công dân đều nhiều hơn, mở rộng hơn, cụ thể hơn Hiến pháp trước. Ví dụ: Tại Hiến pháp đầu tiên (HP năm 1946), chương quy định về “Quyền và nghĩa vụ công dân” chỉ gói gọn trong 21 điều. Nhưng đến Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì tăng lên 32 điều. Và hiện nay, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) thì con số này là 37 điều – Đặc biệt hơn, xét về mặt nội dung còn chứa đựng những điểm rất mới như: “Mọi người đều có quyền sống”, “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa…”. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức; sự kế thừa và phát triển trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước; sự tiếp thu cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề này. Đây chính là điểm mới thứ tư – một yếu tố không thể không kể đến.

Những điểm mới này cũng chính là luận cứ xác đáng để khẳng định Việt Nam rất quan tâm và tích cực tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, tạo điều kiện thực thi quyền con người, quyền công dân.Và thời gian qua, bằng những hành động thiết thực, nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã cho cả thế giới chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh về quyền con người, quyền công dân khá ấn tượng với nhiều gam màu tươi sáng. Đây chính là cơ hội để giải tỏa áp lực, là vũ khí sắc bén để đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực lực thù địch núp dưới chiêu bài “nhân quyền” đã bịa đặt, vu khống Việt Nam xâm phạm nhân quyền, hạn chế quyền công dân. Và trong hàng loạt các thay đổi tại Hiến pháp sửa đổi lần này, sự thay đổi những quy định về quyền con người, quyền công dân thực sự được xem là một điểm sáng. Điều đó cho thấy sự quan tâm cao độ, sự đề cao của Đảng, Nhà nước đối với quyền con người, quyền công dân; và đây là động thái tích cực thể hiện cam kết, vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc mà nước ta vừa đắc cử vào trung tuần tháng 11 vừa qua.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: