Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.800.878
Hôm qua:1.127
Hôm nay:1.080

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

TỪ TÁC PHẨM “ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG” CỦA HỒ CHÍ MINH ĐẾN XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO TRƯỜNG ĐẢNG HIỆN NA

08:27 | 24/09/2018 920

TỪ TÁC PHẨM “ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG” CỦA HỒ CHÍ MINH ĐẾN XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO TRƯỜNG ĐẢNG HIỆN NAY

PGS, TS Nguyễn Thế Thắng

Học viện Khu vực I

(Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018)

(LLCT) - Một trong những giá trị lớn của tác phẩm Đạo đức cách mạng là sự định hướng cho cán bộ, đảng viên xây dựng nền tảng đạo đức vững chắc. Đạo đức là gốc của con người, là nền tảng tư tưởng, tinh thần, định hướng sự phát triển của cán bộ, đảng viên nói chung, trong đó có nhà giáo trường Đảng. Cần có sự thống nhất giữa phẩm chất chính trị với đạo đức cách mạng, lý tưởng nghề nghiệp của nhà giáo trường Đảng. Xử trí mọi việc, với mọi người và với bản thân mình theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

Tác phẩm Đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1958, có nhiều giá trị lớn trường tồn. Một trong những giá trị lớn đó là sự định hướng cho các giảng viên nói chung và nhà giáo trường Đảng nói riêng xây dựng một nền tảng đạo đức vững chắc, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước ta.

1. Đạo đức là gốc của con người, là nền tảng tư tưởng, tinh thần, định hướng sự phát triển của nhà giáo trường Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng đó là cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, là cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Để gánh được trách nhiệm nặng nề, vẻ vang đó cần có sức mạnh. Hồ Chí Minh khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(1).

Theo Hồ Chí Minh, con người hoàn thiện là người phải có đủ cả tài, cả đức. Nhưng giữa tài và đức, cái gì là quyết định, cái gì cần có trước? Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là nền tảng, là cái gốc của người cách mạng. Đạo đức cần có trước. Nhà giáo trường Đảng, là những người tham gia cách mạng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Họ chẳng những cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, mà còn phải học và làm theo những lời dạy của Người. Với các nhà giáo, Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(2).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thày, cô giáo trường Đảng phải không ngừng tu dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Có như vậy, họ mới có thể dạy tốt lý luận chính trị. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạy lý luận chính trị tức là dạy cho người học vốn là các cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc sẽ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, biết làm việc, biết làm người, biết làm cán bộ phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Để hoàn thành tốt sứ mạng vẻ vang đó, lẽ nào nhà giáo trường Đảng lại không có một nền tảng đạo đức cách mạng vững chắc.

2. Cần có sự thống nhất giữa phẩm chất chính trị với đạo đức cách mạng và lý tưởng nghề nghiệp của nhà giáo trường Đảng

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ. “Hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, cho giai cấp công nhân và cho toàn thể nhân dân lao động”(3).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà giáo thì phải giỏi cả về chính trị và chuyên môn mới có thể làm tốt công tác giảng dạy, đào tạo con người, đào tạo cán bộ. Hơn nữa, là nhà giáo của trường Đảng, giảng dạy về lý luận chính trị thì: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn(4).

Nhà giáo trường Đảng cần có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Giảng dạy lý luận chính trị, thì chẳng những phải hiểu biết lý luận chính trị, mà còn phải hiểu biết thực tiễn chính trị trong nước và trên thế giới. Đồng thời, cần có trình độ chuyên môn cao về các môn học thuộc lĩnh vực lý luận chính trị, hướng tới là chuyên gia trong môn học mới có thể dạy tốt, tạo điều kiện học viên học tốt lý luận chính trị. “Hồng” với “Chuyên” thống nhất. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với nhà giáo chính trị, chính trị có tầm quan trọng như đạo đức, chính trị và đạo đức phải có trước để định hướng phát triển chuyên môn và tài năng. “Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng... Đức phải có trước tài”(5). Và, “Có đức không có tài... không giúp ích gì được ai”(6). Như vậy, theo Hồ Chí Minh, nhà giáo trường Đảng cần phải học tập, tu dưỡng để có được nền tảng đạo đức vững chắc, bản lĩnh chính trị vững vàng, thì mới phát huy được tài năng, mới dạy tốt được lý luận chính trị. Còn chỉ có chuyên môn, mà thiếu nền tảng đạo đức và bản lĩnh chính trị, thì chuyên môn ấy cũng hỏng, cũng thành vô dụng.

Muốn dạy tốt “Phải thật thà yêu nghề mình”. “Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên các nhà giáo phải thấy rõ sứ mạng của sự nghiệp giáo dục và của nghề giáo rất vinh quang để thật sự say mê, tâm huyết với nghề. Sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới có thể thành công: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”(7).

Các giảng viên cần hiểu rõ được đứng trên bục giảng trường Đảng thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để trao truyền hiểu biết lý luận chính trị là một vinh dự và trách nhiệm cao quý. Đó là vinh sự, trách nhiệm nói tiếng nói chính thống của Đảng, Nhà nước với tầng lớp tinh hoa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước ta.

3. Xử trí với mọi việc, với mọi người và với bản thân mình theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ, đảng viên nói chung, và đặc biệt là với các nhà giáo trường Đảng cách thiết thực để có đạo đức cách mạng. Đó là: Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó. Song không phải chỉ học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin là sẽ có đạo đức cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình”(8). Mỗi nhà giáo trường Đảng biết xử trí tốt mọi việc, cư xử đúng với mọi người, với bản thân mình là có đạo đức cách mạng, là hoàn thành chức trách, bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên.

Đối với việc, Hồ Chí Minh khuyên chúng ta: Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), chúng ta nhất định làm được việc ích nước lợi nhà một khi mỗi người và tất cả dân ta đều thi đua: cần, kiệm, liêm, chính. Trong trường Đảng, cả người dạy lẫn người học lý luận chính trị đều cần phải biết làm việc, biết làm người, biết làm cán bộ để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Đối với người, Hồ Chí Minh cho rằng: chữ “người”, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Vì vậy, Người khuyên cán bộ, đảng viên và nhân dân: trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái.

Học người và giúp người tiến tới với nhà giáo trường Đảng có nghĩa là bản thân nhà giáo phải ra sức học tập không ngừng thì mới có thể dạy học viên học tốt để tiến tới thành công trong công tác thực tế của họ Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải”(9).

Theo lời dạy của Hồ Chí Minh, nhà giáo trường Đảng muốn không bị tụt hậu, thậm chí bị xã hội sa thải, thì phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình, cùng đồng chí mình cùng tiến bộ trong việc dạy tốt lý luận chính trị tại các trường Đảng thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đối với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên: chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại tức là thoái bộ. Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn.

Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu. Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ, thì chắc tiến bộ mãi.

Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình. Cụ Tăng Tử là một vị đại hiền, là một tín đồ giỏi nhất của cụ Khổng Tử. Cụ Tăng đã làm kiểu mẫu cho chúng ta. Cụ nói: mỗi ngày tôi tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? đối với việc có chuyên cần không? Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà giáo trường Đảng có đạo đức cách mạng mới có thể giảng dạy thành công về đạo đức cách mạng. Không có đạo đức cách mạng mà dạy đạo đức cách mạng là vô lý. Nhà giáo trường Đảng có biết làm việc, biết làm người, biết làm cán bộ, biết cách học tối ưu thì mới có thể giảng dạy cho học viên biết cách học làm việc, làm người, làm cán bộ được.

4. Chống chủ nghĩa cá nhân nâng cao đạo đức cách mạng trong nhà giáo trường Đảng

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rằng: chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Mỗi nhà giáo trường Đảng chúng ta cũng không thể nào có được đạo đức cách mạng nếu không quyết tâm đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân. Đó là một loại kẻ địch nguy hiểm nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Nó cùng với “tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy” cản trở chúng ta làm điều tốt, nó cản trở ta làm việc thiện, nó cản trở ta làm những việc ích nước lợi dân,v,v.. Chủ nghĩa cá nhân xui ta, rủ rê ta làm những việc phục vụ cho sự hưởng lạc của bản thân, bất chấp đạo lý.

Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó. Và, trong mỗi con người chúng ta, trong việc đối xử với bản thân, thì cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân là gay go nhất, phức tạp nhất, khó khăn nhất. Chỉ với tinh thần đấu tránh cách mạng nhất, khoa học nhất thì cái Thiện trong mỗi chúng ta mới có thể thắng được chủ nghĩa cá nhân trong lòng ta để nâng cao được đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên rằng: muốn nâng cao đạo đức cách mạng, vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch. Đặc biệt là “luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”(x10) nghe theo lời dụ dỗ của chủ nghĩa cá nhân. Có như thế mới thắng được chủ nghĩa cá nhân và thực hiện được những nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang của nhà giáo trường Đảng, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước ta.

_______________________

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.601.

(2), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.400, 402.

(3 ), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.11, Sđd, tr.604, 611, 602, 606.

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.269, 269.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.346.

                                ( Người sưu tầm: Nguyễn Nữ Đoàn Vy Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh)

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: