Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.751.188
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Đổi mới tư duy là yếu tố quyết định, mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội có tính đột phá ở nước ta trong thời kỳ mới

17:18 | 28/08/2018 720

GS. TS. Chu Văn Cấp - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thời kỳ mới ngày càng đòi hỏi phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về mọi mặt, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm. Để tạo bước đột phá mới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy nhằm tạo ra không gian mới, động lực mới cho sự phát triển về kinh tế - xã hội ở nước ta.

Ảnh minh họa - Nguồn: khucongnghiep.com.vn

Sự cần thiết tiếp tục đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

 

Tư duy là nền tảng của những tư tưởng, lý thuyết, học thuyết về sự phát triển. Trong lĩnh vực kinh tế, đó là những tư tưởng, lý thuyết, học thuyết kinh tế và các trường phái kinh tế. Trong thực tiễn, tư duy phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở những mục tiêu, định hướng phát triển thông qua các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, được thể hiện bằng luật pháp, chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Khi nói đến tư duy mới hay đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội là nói tới những thay đổi lớn trong quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong pháp luật, thể chế và chính sách quản lý. Tư duy mới sẽ có chính sách mới, chính sách mới sẽ tạo ra phong trào mới, phong trào mới sẽ tạo ra kết quả mới. Vì thế, đổi mới tư duy là khởi đầu cho quá trình phát triển mới.

Tư duy mới hay đổi mới tư duy có vai trò đặc biệt quan trọng, mở đường và tạo không gian cho sự phát triển. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta từ năm 1986 đến nay cho thấy vai trò đặc biệt của tư duy lý luận đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đối với vận mệnh của dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Có thể nhận thấy rằng, Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế. Tư duy đổi mới của Đại hội đã đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, mà thành tựu nổi bật là nước ta đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, và hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đang trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức...

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, mà một trong những nguyên nhân là tư duy về phát triển kinh tế - xã hội đã tới hạn, nhiều chủ trương, chính sách không còn phát huy được tác dụng mạnh mẽ như giai đoạn đầu. Thời kỳ mới đòi hỏi phát triển đất nước toàn diện và đồng bộ hơn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm. Vì thế, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực mới cho sự phát triển đột phá kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số nội dung cần đổi mới tư duy, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội

Bối cảnh quốc tế mới và những đòi hỏi nội tại của đất nước đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và hoàn thiện tư duy phát triển kinh tế - xã hội trên một số nội dung quan trọng dưới đây:

Thứ nhất, tư duy mới về nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn phát triển mới, cần có tư duy, nhận thức mới về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như sau:

- Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, có thể được xây dựng ở các nước có thể chế chính trị khác nhau, với mô hình riêng, phù hợp với các điều kiện và mục tiêu cụ thể của từng nước.

- Nền kinh tế thị trường thực sự và đầy đủ, bỏ hết các yếu tố bao cấp, “xin - cho” để tạo ra thị trường cạnh tranh và sôi động.

- Từ sau những năm 90, nhờ ứng dụng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ các thành tựu mới của khoa học và công nghệ vào nền kinh tế (kể cả về mặt kỹ thuật - công nghệ, tổ chức, quản lý), kinh tế thị trường đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới - nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Vì thế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng phải là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế theo chuẩn mực quốc tế. Đây là luận điểm đầu tiên Đảng ta khẳng định trong văn kiện Đại hội XII.

Thuộc tính mới này của nền kinh tế đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển; đổi mới mô hình tăng trưởng... tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Phát triển kinh tế tri thức; chú trọng đổi mới sáng tạo trên nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại..., phát triển hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy và hoàn thiện những chuẩn mực văn minh trong sản xuất, tiêu dùng và quan trọng hơn là tuân thủ các cam kết quốc tế, các định chế kinh tế khu vực và toàn cầu mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, Đảng ta khẳng định mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn về vai trò của kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều này xuất phát từ thực tiễn phát triển hết sức năng động của khu vực kinh tế tư nhân, hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân đã tạo nên sự phát triển sôi động, góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mạnh dạn đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới; lực lượng doanh nhân Việt Nam đông đảo đang có tiếng nói và vai trò ngày càng quan trọng trong các quyết sách phát triển đất nước.

Kinh tế thị trường ở Việt Nam có đặc trưng riêng - định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường là một thể thống nhất, không tách rời nhau, những yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố nội sinh bên trong kinh tế thị trường. Phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì lợi ích tối đa của đa số nhân dân, hướng vào con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, mọi người được tham gia, mọi người được hưởng lợi chính là tính nhân văn, đặc trưng riêng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện trên nhiều phương diện: 1- Trong mục tiêu phát triển kinh tế thị trường - xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phát triển xã hội và con người; thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; 2- Trong phương thức phát triển, phát triển nền kinh tế đa sở hữu, đa thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo để góp phần khắc phục những khuyết tật, thất bại của cơ chế thị trường; để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; 3- Trong phương thức phân phối, phân phối chủ yếu dựa trên hiệu quả kinh tế, đồng thời thông qua phúc lợi xã hội, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; 4- Trong phương thức quản lý và quản trị nền kinh tế, đó là việc thực hiện dân chủ hóa trong đời sống kinh tế, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới tư duy về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phù hợp với quy luật phát triển và định hướng chính trị của Đảng.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, kinh tế nhà nước luôn được đặt ở vị trí hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và là một trong các yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là quan điểm được xác định nhất quán trong các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp quy của Nhà nước, từ Hiến pháp đến các đạo luật và văn bản dưới luật có liên quan.

Tuy vậy, tư duy và nhận thức về bản chất, nội hàm và vai trò của kinh tế nhà nước chưa phù hợp với lý luận và thực tiễn. Vì thế cần có bước đột phá mới về tư duy, phải nhận diện đúng về thành phần kinh tế nhà nước, từ đó kiên trì quan điểm “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo’’.

Có thể hiểu kinh tế nhà nước là tập hợp sức mạnh kinh tế mà nó thể hiện trên các ngành, lĩnh vực trọng yếu, từ các định chế pháp luật, định chế tài chính đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ‘’lực lượng nòng cốt” - khu vực doanh nghiệp nhà nước, không chỉ đóng khung trong khối tài sản đăng ký của doanh nghiệp nhà nước, ở quy mô sở hữu nhà nước và sở hữu toàn dân mà nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Hiểu như vậy, rõ ràng kinh tế nhà nước với các nguồn lực, công cụ, chính sách của mình... giữ vai trò trọng yếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng cơ bản để phát triển các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Vì thế, kinh tế nhà nước phải được xây dựng và phát triển, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế: trong định hướng và điều tiết nền kinh tế; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược; phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ công có vốn đầu tư lớn, luân chuyển chậm, lợi nhuận không cao, nhưng rất cần thiết cho nền kinh tế - xã hội mà khu vực tư nhân không sẵn sàng đảm nhận, các doanh nghiệp nhà nước - lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước phải đi tiên phong, mở đường ở những ngành, lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao, một số hoạt động đầu tư mạo hiểm... tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất với công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại và giá trị gia tăng cao.

Tiếp tục xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế với nội hàm mới, phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) là chủ trương hoàn toàn hợp lý và đúng đắn của Đảng ta.

Thứ ba, tư duy mới về mô hình tăng trưởng kinh tế vượt “bẫy thu nhập trung bình”.

Qua 30 năm chuyển đổi tư duy phát triển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng tự hào. Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu lo ngại Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, tức là tình trạng một nước thoát nghèo, đứng vào nhóm các nước có thu nhập trung bình (GDP trong khoảng 1.025USD - 9.385USD/người/năm) nhưng trải qua nhiều thập niên vẫn không thể trở thành quốc gia phát triển (nước có GDP trên 9.385 USD/người/năm và đạt các tiêu chí khác về phát triển công nghệ, kinh tế - xã hội).

Thay đổi tư duy về mô hình tăng trưởng kinh tế vượt “bẫy thu nhập trung bình” là phải có tư duy đúng về mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới mô hình hiện đại, tức là mô hình đặt các mục tiêu chất lượng (cơ cấu, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, vị thế của nền kinh tế trong hệ thống phân công lao động quốc tế và khu vực...) lên vị trí ưu tiên hàng đầu so với mục tiêu tăng trưởng sản lượng (tốc độ tăng GDP, tiết kiệm, đầu tư, xuất khẩu và nhập khẩu...).

Theo đó, phải đổi mới tư duy phát triển, tư duy chính sách, nghĩa là phải chuyển nhanh và triệt để tư duy “coi tốc độ tăng trưởng cao là ưu tiên hàng đầu và phải đạt được bằng mọi giá” sang tư duy, trước hết, nhấn mạnh đến hiệu quả, năng lực cạnh tranh và vị thế của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam. Nói một cách cô đọng là điều chỉnh tư duy phát triển từ theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá sang phát triển hiệu quả và bền vững.

Tư duy phát triển mới này đòi hỏi:

1- Tăng trưởng kinh tế được xây dựng trên những nền tảng vững chắc mang tính bền vững, với 3 yêu cầu: Kết quả của tăng trưởng kinh tế được tạo ra bởi chính các yếu tố mà Việt Nam có thế mạnh, có lợi thế, tiềm năng. Các yếu tố đó cần phải được tạo dựng, nuôi dưỡng và phát huy thế mạnh, được xem như động lực chính để thực hiện mục tiêu tăng trưởng; các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu, như khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố năng suất tổng hợp (TFP)... đóng vai trò tích cực và chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả tăng trưởng kinh tế; các nguồn lực tự nhiên - tài nguyên thiên nhiên của đất nước được khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, bảo tồn và tái tạo phát triển.

2- Tầm nhìn dài hạn trong tăng trưởng, tức là phải tạo ra, duy trì, củng cố các cơ sở tăng trưởng dài hạn, như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo vị thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế, xóa bỏ chế độ độc quyền kinh doanh và cơ chế hỗ trợ kinh doanh độc quyền, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi. Đồng thời chấm dứt quan điểm phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao bằng mọi giá theo mô hình tăng trưởng nhờ khai thác chiều rộng, tăng trưởng nhờ dồn sức vào tăng khối lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động thô, giá rẻ.

3- Gắn tăng trưởng kinh tế với việc tạo tác động lan tỏa tích cực đến các đối tượng ảnh hưởng. Theo đó, vấn đề quan trọng không phải là bám đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, mà là duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý trong mối quan hệ với những ràng buộc về tài nguyên môi trường (tức là trong quá trình thực hiện tăng trưởng kinh tế cần quan tâm khía cạnh bền vững về môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tái sinh tài nguyên, chống ô nhiễm môi trường) và những ràng buộc về các vấn đề xã hội, tức là trong quá trình thực hiện tăng trưởng kinh tế cần quan tâm giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và mức sống, chất lượng cuộc sống của dân cư; quan tâm thường xuyên các chỉ tiêu liên quan đến sự phát triển toàn diện cho con người, như giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật, cả chỉ số giới và dân tộc,...). Việc bảo đảm các chỉ tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường sẽ là nhân tố tích cực củng cố và duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. /.

Lưu thị tươi (sưu tầm)

Theo: tapchicongsan.org.vn

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: