Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.749.732
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Những thách thức trong xây dựng Đảng hiện nay

11:33 | 30/04/2018 706

Trong quá trình hình thành và phát triển, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhờ vậy, Đảng ta luôn đổi mới, tăng thêm năng lực và vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh tiến cùng thời đại. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, không ít những thách thức trong xây dựng Đảng cần được nhận thức rõ để có định hướng và có giải pháp thích hợp vượt qua.

Từ Đại hội XI của Đảng trở về trước, vấn đề xây dựng Đảng chỉ đề cập về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đại hội XII, Đảng bổ sung nội dung về đạo đức: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Các yếu tố về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, chính trị, tư tưởng và đạo đức có nhiều điểm gắn bó, hoà quyện. Nền tảng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức là Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đạt được tầm đạo đức, văn minh như Hồ Chí Minh khẳng định.

Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã khám phá ra quy luật vận động, phát triển của xã hội, dự cảm những bước tiến lớn và chỉ ra các giải pháp cơ bản của tiến trình cách mạng, nhất là giai đoạn lật đổ chính quyền cũ, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Vì vậy, Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” trong hoạt động của Đảng, nhưng học thuyết này cũng không phải cái khuôn cứng nhắc. Thực tế xây dựng CNXH trong thời đại toàn cầu hoá đang đặt ra cho những người cộng sản đương thời phải tìm lời giải cho những vấn đề mới nảy sinh, những mâu thuẫn giữa thực tiễn và lý luận. Nhiều lý thuyết với nhiều con đường, cách thức và mô hình về một xã hội thịnh vượng, công bằng, dân chủ, văn minh đang như “trăm hoa đua nở”. Trước đây khi đi tìm đường cứu nước, sau khi đã tìm hiểu nhiều học thuyết, Hồ Chí Minh khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất. Ngày nay, Đảng và nhân dân phải lựa chọn mô hình, con đường đi để không chỉ kế tục mà phải “phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”. Và sự lựa chọn đúng đắn nhất của Đảng là kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với sự tiếp thu có chọn lọc những học thuyết tiến bộ khác của nhân loại. Nhưng không ít người, kể cả trong nội bộ Đảng ta do dự, hoài nghi. Vì sao vậy? Thực tế là trước Đại hội VI (1986) của Đảng, do duy ý chí, tả khuynh, Đảng đã phạm phải sai lầm trong việc kéo dài phát triển kinh tế tập trung – quan liêu, bao cấp dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu khiến nhiều người phải đặt ra vấn đề nhận thức lại, tiếp thu bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện thế giới đã thay đổi. Những thành tựu quan trọng đạt được sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã củng cố niềm tin của nhân dân vào con đường đi của dân tộc. Rất khó để có thể khẳng định một quốc gia chỉ có một mô hình phát triển duy nhất trong một thế giới đa dạng cùng với tiến bộ kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ. Hầu hết các nghiên cứu đều nhận định rằng, cách mạng công nghệ 4.0 đang và sẽ làm thay đổi căn bản cách nghĩ, cách làm và phương thức sinh hoạt của con người. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đang đứng trước thách thức của thực tiễn.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải bổ sung, hoàn thiện lý luận về CNXH phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta và xu hướng của thời đại. Khi vận dụng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay phải quán triệt quan điểm lịch sử - cụ thể, tiếp thu những thành tựu của tri thức khoa học, nhất là khoa học – công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Giống như những thách thức đặt ra về chính trị, tư tưởng, việc xây dựng Đảng về đạo đức cũng bị tác động bởi các nhân tố khách quan, chủ quan, những quan niệm truyền thống lẫn hiện đại. Một đảng đạo đức là đảng vì dân, lo cho lợi ích dân tộc, ngoài lợi ích giai cấp và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác như Hồ Chí Minh từng khẳng định. Đạo đức của Đảng được thể hiện bằng đạo đức của từng đảng viên. Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, là “tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao với công việc…”. Những chuẩn mực đạo đức ấy không quá cao xa, quá khó thực hiện. Đó là những chuẩn mực cần và đủ của một cán bộ, đảng viên. Nhưng, mức độ đạt được trong Đảng và tính tương ứng của nó với thực tế còn quá xa. Cùng với những yếu tố tích cực do cơ chế thị trường đem lại thì mặt trái của nó là một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hoá, biến chất làm hoen ố danh dự người đảng viên, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Hiện nay xu hướng cá nhân chủ nghĩa, thực dụng, vì tiền có chiều hướng gia tăng. Cách nghĩ: Có tiền mua tiên cũng được, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền không còn là trường hợp cá biệt. Cơn lốc vì tiền, hãnh diện vì tài sản kết sù… làm cho “độ chênh” giữa triết lý đạo đức cộng sản và thực tế càng xa. Thế giới rộng mở với các quan niệm cá nhân, thực dụng đã đẩy khung chuẩn mực các giá trị đạo đức như muốn căng đứt. Xây dựng Đảng về đạo đức đang bị thách thức khắc nghiệt.

Những thách thức càng lớn trong thời đại toàn cầu hoá sự xung đột hay dung hợp các học thuyết chính trị, các nền văn hoá và triết lý sống. Nhưng khi đối diện, nhận thức đầy đủ về nó thì có thể biến những thách thức thành cơ hội, tạo ra những tiền đề mới trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nắm vững và tuân thủ thực hiện các quy luật phổ biến, đồng thời tiếp thu và vận dụng thành tựu mới của trí tuệ loài người. Kiên trì con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với nguyên tắc: Cái gì có lợi cho dân hết sức làm, cái gì có hại cho dân hêt sức tránh như Hồ Chí Minh căn dặn.

Đảng cần nhận thức và xây dựng chuẩn mực của người đảng viên là những người tiên tiến trong xã hội. Tiên tiến được thể hiện trong nhận thức đúng về các quy luật tự nhiên, xã hội và cuộc sống; hành động gương mẫu và vì cộng đồng; chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trở thành triết lý sống trong mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội. Mặc khác, tổ chức đảng phải cho ra khỏi Đảng những người không còn quan niệm đúng về Đảng, xử lý kỷ luật nghiêm những ai vi phạm. Thực tế có những đảng viên là cán bộ lãnh đạo không sinh hoạt 7 lần trong một năm mà chỉ bị kỷ luật khiển trách thì làm sao Đảng vững mạnh? Cần siết chặt kỷ luật của Đảng – kỷ luật nghiêm, tự giác của những người tiên tiến nhất.

Những thách thức, trở ngại trong quá trình xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức vẫn đang ở phía trước, nhưng với bề dày kinh nghiệm về xây dựng Đảng và biết chọn lọc những tinh hoa trí tuệ loài người, Đảng ta sẽ luôn tự đổi mới trên nền hiện thực Việt Nam để là đạo đức, văn minh, xứng đáng “đưa con nòi” của dân tộc Việt Nam./.

Th.S Nguyễn Phước Phúc (Sưu tầm)

Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng, số 4/2018

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: