Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.816.707
Hôm qua:939
Hôm nay:892

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ về giáo dục

10:40 | 26/04/2018 3406

Trong tác phẩm nổi tiếng Việt Nam Quốc sử khảo, Phan Bội Châu đã ca ngợi Nguyễn Trường Tộ là “người khai mầm văn hóa đầu tiên ở nước ta”. Ông là nhà cải cách nổi tiếng của Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, trong gần 10 năm từ năm 1863 đến năm 1871, Nguyễn Trường Tộ đã gửi lên triều đình nhà Nguyễn 58 bản điều trần. Những cải cách của ông được đề xuất trên tất cả các lĩnh vực như: kinh tế - tài chính; chính trị; hành chính; quân sự; ngoại giao; giáo dục, trong đó lĩnh vực giáo dục được đánh giá mang tính tiên phong, có nội dung phong phú sâu sắc nhất.

Những đề nghị cải cách về giáo dục của Nguyễn Trường Tộ rất đáng chú ý. Tình hình giáo dục của nhà Nguyễn lúc bấy giờ rất lạc hậu, làm cho những sĩ phu chỉ biết say sưa thơ phú, tầm chương trích cú. Có một số sĩ phu đã chán lối học ấy, nhưng họ chưa thấy hết được tình trạng lạc hậu và suy đốn của nền giáo dục ấy và không biết cách sửa chữa như thế nào. Những đề nghị duy tân lúc bấy giờ cũng không ai đề cặp đến vấn đề giáo dục. Riêng Nguyễn Trường Tộ đã nhìn thấy một cách sâu sắc sự lạc hậu của nền giáo dục ấy và nêu lên những đề nghị cải tiến rất tiến bộ.

Mục đích của chương trình giáo dục: Chương trình cải cách giáo dục của ông nhằm đả phá kịch liệt tư tưởng bảo thủ, tự kiêu, tự mãn, không cho ai bằng mình của lớp sĩ phu quan lại lạc hậu đương thời. Sau đó ông đề ra một chương trình học tập những điều thực dụng kiểu phương Tây.

Ông quan niệm sự phát triển của thế giới như một con người từ tuổi nhi đồng đến thanh niên rồi đến tuổi già. Những việc làm của thời trẻ con đến lúc lớn lên nhìn lại đều thấy sai hết. Chỉ đến lúc tuổi lớn khôn mới biết được đúng sai và sửa chữa được những sai lầm. Theo ông, sự phát triển của một nước cũng như vậy. Nước ta từ thời Lê trở về trước có thể nói là thời kỳ nhi đồng, đến thời Trần là tuổi thiếu niên, hiện nay mới là “tuổi giàu sức mạnh và cũng chính là lúc cho ta gây dựng lớn lao”. Ông khẳng định thêm: Ngày xưa chống giặc bằng cung tên, nhưng ngày nay phải có đại bác mới chống được giặc. Vì vậy, không thể bảo thủ lệ cổ được, cần phải học cái hay cái mới của người ta. Theo ông thì ai cũng phải học, thánh nhân đời xưa cũng phải học, huống chi là kẻ thường dân. Ông đề cao tác dụng của giáo dục: Một nước mà học thuật không sáng tỏ thì nước càng ngày càng đồi bại, và nhân tâm cũng phụ bạc điêu trá.

Ông nêu lên quan điểm giáo dục trên đây là muốn nhằm chỉ trích nền giáo dục đã lạc hậu của nước ta thời Nguyễn. Ông đã phê phán một cách sâu sắc nền giáo dục ấy. Trước hết, theo ông, nền giáo dục ấy rất lạc hậu vì nội dung gồm những môn rất cổ của Trung Quốc cũ, chỉ chuyên dùng số và lý, tức là chỉ theo phép diễn dịch trừu tượng nên dễ mắc sai lầm.

Hơn nữa, theo ông nhà nước lại chỉ chú trọng văn chương – mà tác hại của văn chương khoa cử rất lớn; còn các môn như luật học, sinh ngữ, nông học, cách trí, cơ xảo đều không có trong chương trình. Nội dung nền giáo dục cũ ấy lại không thiết thực, viễn vông. Ở nhà trường thì học văn, học phú, khi ra đời lại dùng luật học, binh pháp. Ngày còn bé thì học địa lý Sơn Đông, Sơn Tây, lớn lên phải đi Nam Kỳ, Bắc Kỳ… thì tránh sao không khỏi bỡ ngỡ. Nền học thuật đó lại mang tính chất ngoại lai. Nước ta là nước Việt, người ta là người Việt, nhưng học toàn những việc của Trung Quốc. Nguyễn Trường Tộ kết luận rằng, chính vì học thuật của ta như vậy cho nên nước ta suy yếu.

Sau khi trình bày quan điểm của mình về vấn đề giáo dục và phân tích phê phán nền giáo dục đương thời, ông đề nghị với triều đình cải cách nền giáo dục.

Phương châm, mục đích của nền giáo dục mới: Vậy học là gì? Tức là học cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm. Mà làm việc gì? Và làm ở đâu? Làm tức là làm công việc thực tế trong nước hiện nay và để lại việc làm hữu dụng đó cho đời sau nữa (Tế cấp bát điều).

Phương châm giáo dục của nguyễn Trường Tộ trên đây rõ ràng là học gắn liền với hành, và mục đích của nó là để làm việc ích quốc lợi dân. Ông phát triển thêm ý đó: “Nước ta chưa giàu, sao không tìm cách để làm cho giàu? Binh ta chưa mạnh, sao không giảng võ để làm cho mạnh. Dân ta chưa khôn, sao không giáo dục cho khôn? Nhân dân nghèo khổ? Giặc ngoài hòng bắt nhân dân ta làm nô lệ, cướp đoạt của cải của ta, sao không lo nhắc nhở cho nhau bày mưu định kế ngăn ngừa? Trong dân gian không biết luật lệ, nên có nhiều người lỡ phạm, sao không lo dạy cho họ biết để tránh cho khỏi phạm? Không lo những việc cần kíp trước mắt đó mà cứ lo những việc vô ích xa thẳm thời xưa, tôi e rằng kẻ địch xung quanh ta nay mai chúng đến, nô dịch ta bằng văn hóa pháp luật của chúng, chừng đó dầu có ăn năn cũng muộn rồi” (Tế cấp bát điều).

Nội dung giáo dục mới: Muốn thực hiện được những mục đích yêu cầu trên đây, ông đề nghị phải đưa vào nội dung giáo dục một nền khoa học chân xác. Nền khoa học đó phải là nền khoa học tiên tiến của thời bấy giờ. Nội dung giáo dục mới phải gồm những môn khoa học kỹ thuật mới như: Thiên văn, toán học, kỹ xảo, chính trị, lịch sử, địa lý, nông học, địa chất, pháp lý, ngoại ngữ. Ông nêu rõ nội dung chương trình của những môn học này và nhấn mạnh vào mục đích ý nghĩa của môn pháp lý. Chương trình những môn học ấy phải gắn liền với thực tiễn nước ta, với yêu cầu trước mắt của nhân dân. Nó phải bao gồm, phải quán triệt tính chất dân tộc, nghĩa là phải chú trọng học những cái gì của ta, nhất là lịch sử, văn học, pháp lý của ta để phục vụ cho nhân dân ta.

Ông đề cao phương pháp nêu gương giáo dục: Nguyễn Trường Tộ nhấn mạnh thêm rằng: Nước ta hiện nay bị bao vây, bị uy hiếp và sẽ bị người khác giống chiếm cứ, đó là cái mà chúng ta phải lo toan, phải tích cực đem hết trí khôn, sức khỏe ra chống trả, để giữ gìn nước nhà . Các vị danh thần (đại thần có tiếng) trong các triều vua trước của ta, còn lưu lại biết bao công tích của họ, và những danh thần hiện tại với những quan chức trong triều đình ta hiện hay cũng có những việc làm đáng nêu lên, sao không truyền tụng những gương tốt đó cho người ta bắt chước vùng lên, mà cứ đêm ngày kêu réo Hàn Tín, Tiêu Hà của Trung Quốc, là những người đã chết từ mấy ngàn năm nay? Phải chăng chúng ta hôm nay còn mang ơn của họ? Phải chăng người đời nay không bằng người đời xưa… (Tế cấp bát điều).

Nói rằng phải chú trọng học những điều thực tiễn của nước nhà, nhưng theo ông không có nghĩa là không học những điều hay của thiên hạ, không học lịch sử của nước nhà và các danh nhân thế giới. Ông nhấn mạnh: Không phải là bỏ hết cái cũ mà mưu cầu cái mới; mà là phải lấy cái hay của mình có sẵn, cùng với cái hay của thiên hạ có, mình cũng có; mà những cái mình sẵn có thì thiên hạ chưa có, … như thế thì ai dám khinh rẻ nước mình?

Nền giáo dục mới còn nhằm làm cho nhân dân biết làm ăn, yêu quý lao động, trừ bỏ óc danh lợi địa vị, biết yêu nước, không nên lén lúc làm tay sai cho giặc. Đối với những kẻ gian tà bất chính, nền giáo dục mới phải có tác dụng giúp họ đi vào con đường chính nghĩa. Ngoài ra, giáo dục còn nhằm cải tạo, sửa đổi phong tục tập quán đồi bại nữa.

Cuối cùng, ông kết luận: Việc học lợi ích như vậy, nhưng nhân dân ta không ai để ý đến, mà chỉ tranh hơn thua từng câu từng chữ trong các bài văn sáo rỗng vô ích.

Theo ông, nội dung nền giáo dục mới trên đây là nhằm gấp rút đào tạo nhân tài mới cho quốc gia. Đó tức là “con đường rộng lớn để đi đến giàu mạnh”, nghĩa là giáo dục phải đào tạo những người “biết mở mang vật dụng để phục vụ cho nhân sinh”.  Nền giáo dục đó tiến hành theo phương chăm vừa học vừa làm, vừa học lý thuyết vừa phải có thực nghiệm và chú trọng đến các môn học thực dụng, giải quyết ngay những vấn đề phục vụ cho quốc kế dân sinh trước mắt.

Ông thiết tha mong mỏi triều đình chuẩn y đường lối giáo dục đó và cho mở các trường quốc học, tỉnh học theo kiểu phương Tây để kịp đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân tài. Tiếp theo Tế cấp bát điều, ngày 22 tháng 2 năm Tự Đức 21, ông lại đề nghị triều đình thiết lập một số trường theo kiểu phương Tây có phòng thí nghiệm, có ký túc xá cho học sinh ăn ở và học, mời các giáo sư người phương Tây về dạy và cũng lấy các môn khoa học hiện đại làm nội dung chủ yếu của chương trình học, lấy thời văn làm trọng, còn cổ văn chỉ là thứ yếu.

Bên cạnh những trường dạy các môn khoa học phổ thông, ông còn đề nghị mở một hệ thống các trường chuyên nghiệp về nông nghiệp, khai khoáng, cơ xảo, hải lợi, sơn lợi, địa chất… để đào tạo những chuyên viên kỹ thuật các ngành.

Đề cao vai trò của ngoại ngữ: Để thực hiện tốt chương trình giáo dục, học tập khoa học hiện đại trên đây, ông đề nghị triều đình chú ý đến việc dạy ngoại ngữ. Ông nhận định rất đúng vai trò của ngoại ngữ, vì đấy là một phương tiện để giúp tiếp xúc với nền văn hóa khoa học các nước. Nhà nước cần tập hợp những người biết ngoại ngữ và xếp thành bốn loại: Thứ nhất là tiếng Pháp; thứ hai là tiếng Anh và Y Pha Nho; thứ ba là tiếng Trung Quốc và Giava; thứ tư là tiếng Miên Lào. Những người này phải qua một kỳ thi khảo hạch, nếu người nào có đủ trình độ dịch được các sách và nói được thì cho họ danh hiệu “Hành nhân”, “Tú tài” và miễn cho họ các việc tạp dịch phu đài để khuyến khích.

Về nội dung cụ thể của từng môn học chuyên nghiệp, ông cũng có ý kiến rất cụ thể:

Về khoa thiên văn địa lý, thì cần phải sưu tầm những sách thiên văn địa lý cũ của ta, chọn lấy những phần thích hợp với thiên thời địa lợi của nước ta, tước bỏ những phần duy tâm như phong thủy, thuật số rồi tham khảo thêm sách thiên văn địa lý của người phương Tây để biên soạn thành những bộ sách hoàn hảo.

Về khoa học cơ xảo cũng phải sưu tầm trong sách Nho cũ, rút ra những phần nói về cơ xảo, rồi đối chiếu với khoa học mới chỉnh lý, bổ sung thêm. Khoa này rất quan trọng, phải làm gấp và cho in ra thật nhiều để phổ biến rộng rãi cho mọi người đều biết nền khoa học mới, là một nền khoa học ứng dụng.

Ông còn đề cao khoa luật học, vì luật gồm cả kỷ cương uy quyền và chính lệnh của quốc gia. Như trên đã nói, luật là đạo đức của xã hội, người nào trái luật cũng là trái với đức. Quan cai trị dân phải bằng luật, dân không biết luật thì sẽ ngang tàng trái phép. Quan và dân đều phải tinh thông mọi luật lệ nên phải xây dựng khoa học luật.

Về khoa học nông chính, ông đề nghị phải thu thập và rút kinh nghiệm về phương pháp trồng trọt và chăn nuôi ở các địa phương bằng cách các tỉnh phải thu thập và báo cáo về bộ. Sau đó đem đối chiếu so sánh với các sách nông chính của ta và của các nước phương tây để xây dựng khoa học nông chính thích hợp với nước ta.

Về y học, ông còn đề nghị nhà nước cần chú ý khuyến khích phát triển Đông y và tìm các vị thuốc ở nước ta, thích hợp cho người nước ta. Nếu ai phát hiện được các vị thuốc giống thuốc Bắc, hoặc nghĩ cách tinh chế thuốc ta như thuốc Bắc thì được khen thưởng. Đồng thời triều đình cũng cần có những biện pháp để khuyến khích những ai sưu tầm được các vị thuốc quý cổ truyền của các dân tộc thiểu số thường dùng, hoặc tìm cách trồng trọt và bào chế được những vị thuốc đó. Nhà nước sẽ xem xét lại và biên chép thành sách để phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Ông cũng đề nghị nhà nước lưu ý khuyến khích việc sáng chế ra những vật dụng tiện lợi mà rẻ hơn các vật dụng cũ. Những ai chế được thức ăn thêm nhiều, giữ được lâu và tìm thêm được những thức ăn mới, cũng như đưa được những thổ sản nước ngoài về nghiên cứu giống vào nước ta để sinh lợi… Tất cả những sáng kiến phát minh trên đây đều được khen thưởng và người tìm ra được hưởng lợi để khuyến khích.

Về vấn đề đào tạo nhân tài: Song song với biện pháp đào tạo trong nước, ông đề nghị triều đình cần phải cử người xuất dương du học: “Việc phái người đi học nên lắm. Vì  có một điều rất hay là tỏ cho thiên hạ biết rằng, nước ta bây giờ đã muốn chấn hưng để ganh đua với các nước khác” (Điều trần 20 tháng 2 năm Tự Đức 21).

Từ sự phê phán nền học thuật cũ, từ nhận thức mới về tính ưu việt của nền văn minh vật chất phương Tây, Nguyễn Trường Tộ đề nghị một đường lối giáo dục mới, đó là: Cần phải tìm cái học thực dụng, phân chia ra các khoa, các môn, ban thưởng nhiều cho những người dự thi vào các khoa, các môn này để khuyến khích dần dần đưa đến kết quả lợi ích thì tệ đoan sẽ dần dần mất đi.

Ông đề nghị thành lập các khoa nông chính, thiên văn, địa lý, công kỹ nghệ, luật học... trong chương trình đào tạo người tài cho quốc gia. Nếu những cải cách về giáo dục đó được thực hiện thì sẽ dần dần đào tạo được một đội ngũ nhân sự có trình độ khoa học tham gia tích cực vào quá trình cải cách kinh tế theo hướng phát triển nền sản xuất hiện đại.

Đứng trên quan điểm hiện đại, chúng ta thấy, Nguyễn Trường Tộ đã tiên phong trong việc nắm bắt yêu cầu của lịch sử và thể hiện tư duy xuất sắc trong đề nghị cải cách nền học thuật đương thời theo hướng thực tiễn phương Tây (tuy vẫn còn khoảng trống lý luận về giáo dục đạo đức và nhân cách làm người trong những đề nghị cải cách giáo dục này).

Phương châm giáo dục của Nguyễn Trường Tộ trên đây rõ ràng là học gắn liền với hành, và mục đích của nó là để làm việc ích quốc lợi dân. Đây là điểm rất tiến bộ của ông, rất đáng ghi nhận.

Nội dung giáo dục mới phải gồm những môn khoa học kỹ thuật mới như: Thiên văn, toán học, kỹ xảo, chính trị, lịch sử, địa lý, nông học, địa chất, pháp lý, ngoại ngữ. Chương trình những môn học ấy phải gắn liền với thực tiễn nước ta, với yêu cầu trước mắt của nhân dân. Nó phải bao gồm, phải quán triệt tính chất dân tộc, nghĩa là phải chú trọng học những cái gì của ta, nhất là lịch sử, văn học, pháp lý của ta để phục vụ cho nhân dân ta. Thiết nghĩ, trong điều kiện hội nhập và phát triển đất nước, ngoài những thuận lợi về kinh tế như chúng ta được hưởng ưu thế từ các chính sách, thì vấn đề đáng quan tâm hơn hết là hội nhập văn hóa. Xây dựng một nền văn hóa vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc như quan điểm của Đảng là một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay.

Nền giáo dục mới còn nhằm làm cho nhân dân biết làm ăn, yêu quý lao động, trừ bỏ óc danh lợi địa vị, biết yêu nước... Đối với những kẻ gian tà bất chính, nền giáo dục mới phải có tác dụng giúp họ đi vào con đường chính nghĩa. Ngoài ra, giáo dục còn nhằm cải tạo, sửa đổi phong tục tập quán đồi bại nữa. Đây cũng là một tư tưởng rất tiến bộ của ông.

Ông nhận định rất đúng vai trò của ngoại ngữ, vì đấy là một phương tiện để giúp tiếp xúc với nền văn hóa khoa học các nước. Nhận định này của ông ngày nay càng chứng minh được tính đúng đắn của một tầm nhìn vượt thời đại.

Hạn chế trong tư tưởng cải cách giáo dục: Những đề nghị cải cách về giáo dục của Nguyễn trường Tộ rất tiến bộ. Nhưng vì điều kiện hạn chế của lịch sử thời bấy giờ, ông chưa hiểu hết nguyên nhân sâu xa của sự suy đồi nền học thuật nước nhà  gắn liền với sự tan rã của chế độ phong kiến triều Nguyễn. Nguyên nhân học thuật suy đồi không phải như ông nói, chỉ vì học thuật chưa có nền nếp, vì không nhận rõ “ngôi vua là quý, chức quan là trọng và nước với dân liên quan với nhau như thế nào?” hay là “Vì ít có ai một lòng một dạ để lo những việc công ích”,“ai nấy bất cứ việc gì cũng đặt lợi ích cá nhân mình lên trên”, còn triều đình thì không có đường lối học thuật rõ ràng. Do nhãn quan chính trị bị hạn chế, nên ông chưa thấy sự suy đồi của nền giáo dục gắn liền với chế độ chính trị, muốn sửa đổi giáo dục phải sửa đổi chính trị. Ông cho giáo dục là quyết định, giáo dục mà suy đốn thì quốc gia suy đốn. Đó cũng là phần hạn chế trong những đề nghị về giáo dục của ông.

Mặc dù vẫn còn hạn chế, song tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao, trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều học giả lớn. Trong bối cảnh đất nước thời hiện đại đang đưa ra nhiều phương án cho việc cải cách giáo dục, thì việc tìm hiểu những tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ là một việc làm cần thiết. Kết quả của quá khứ là bài học cho hiện tại và tương lai, do đó hiểu được nội dung và nguyên nhân thất bại cải cách của Nguyễn Trường Tộ trong lịch để có được những quyết định đúng đắn cho hiện tại và tương lai cũng là việc nên làm./.

TÀI LIỆU THAM  KHẢO

1. Chương Thâu: Nguyễn Trường Tộ  - Nhà cải cách lớn của Việt Nam thế kỷ XIX, Nxb. Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội, 2014.

2. Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1988.

3. Viện Khoa học xã hội - Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm: Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, Nxb. Đà Nẵng, 2000.

GV. Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: