Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.812.986
Hôm qua:986
Hôm nay:939

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Giới thiệu sách, tác phẩm

THƯỜNG THỨC CHÍNH TRỊ của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tác phẩm quan trọng bàn về Chính trị

09:54 | 26/04/2018 15105

Từ khi xuất hiện, chính trị đã có ảnh hưởng to lớn tới quá trình tồn tại và phát triển của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại. Bởi vậy nghiên cứu và định hình về chính trị cũng được các học giả Đông-Tây-kim-cổ bàn luận không ít giấy mực. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quan tâm đặc biết đến chính trị, nhiều tác phẩm của Người đề cập về vấn đề này như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường cách mệnh, Tuyên ngôn độc lập, Thường thức chính trị, Di chúc… Trong đó, Thường thức chính trị là tác phẩm trình bày một cách cụ thể, toàn diện những quan điểm về chính trị; đồng thời tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị cần nghiên cứu và vận dụng.

Thường thức chính trị có nghĩa là những tri thức phổ thông về chính trị.

Đáp ứng những yêu cầu lịch sử giai đoạn 1952 – 1954, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Thường thức chính trị gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X., đǎng trên nhiều số báo Cứu quốc trong nǎm 1953. Nǎm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật tập hợp lại và in thành sách với tiêu đề Thường thức chính trị để cung cấp tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân.

            Thường thức chính trị đã trình bày cụ thể, rõ ràng và bao quát nhiều quan điểm về chính trị: vấn đề giai cấp, nhà nước, cách mạng, các chế độ xã hội, kinh tế, Đảng và một số vấn đề khác (thời đại ngày nay, tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước, tình hình thế giới – trong nước…).

Thứ nhất, trong vấn đề về giai cấp, Hồ Chí Minh nêu lên khái niệm giai cấp bóc lột và bị bóc lột trên cơ sở định nghĩa giai cấp của V.I.Lênin: “Những người chiếm tư liệu sản xuất không làm mà hưởng, là giai cấp bóc lột. Những người lao động mà không được hưởng là giai cấp bị bóc lột”[1].

Người cũng định nghĩa, phân tích đặc điểm, vai trò và chính sách của Đảng cách mạng với từng giai cấp cụ thể trong xã hội: nông dân, công nhân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc. Trong đó, Hồ Chí Minh khẳng định luận điểm quan trọng: giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng; đồng thời giải thích một cách thuyết phục về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và phản bác những ý kiến không đồng tình với vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Theo Hồ Chí Minh, công nhân là giai cấp lãnh đạo xuất phát từ đặc tính cách mạng của giai cấp này; bên cạnh đó đội tiên phong của giai cấp là chính đảng được trang bị bởi lý luận tiên tiến của chủ nghĩa Mác – Lênin, đảng có đường lối đúng đắn để tập hợp mọi lực lượng và lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi.

Từ chỗ nêu lên khái niệm, đặc điểm, vị trí và vai trò riêng của từng giai cấp, Hồ Chí Minh đi đến kết luận: “Dù đặc điểm khác nhau, tác dụng khác nhau, song trong kháng chiến, trong cách mạng dân chủ mới, các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, đều có lợi ích chung, mục đích chung, cần phải đoàn kết lại thành mặt trận dân tộc thống nhất mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và chính đảng của giai cấp ấy tức là Đảng Lao động Việt Nam. Như thế, thì kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”[2]

Dù thực tiễn hiện nay cơ cấu, trình độ, chất lượng, số lượng của các giai cấp ở nước ta có nhiều thay đổi nhưng giai cấp công nhân vẫn là giai cấp lãnh đạo cách mạng; tập hợp mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội cũng là chính sách đại đoàn kết dân tộc được Đảng ta quán triệt.

Thứ hai, về vấn đề nhà nước, Thường thức Chính trị đề cập đến khái niệm, tính chất, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, lãnh đạo nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân trong nhà nước. Theo Hồ Chí Minh, tính chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân – là nhà nước mới – khác hẳn về chất so với nhà nước cũ (nhà nước phong kiến và tư sản); nhà nước ta hoạt động dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ; nhà nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội, kinh tế, văn hoá, chính quyền; lãnh đạo nhà nước là Đảng Cộng sản lấy tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng; trong nhà nước dân chủ mới nhân dân vừa có quyền lợi vừa có nghĩa vụ.

Thứ ba, trong vấn đề về các chế độ xã hội, Hồ Chí Minh phân tích cụ thể khái niệm, đặc điểm của chế độ phong kiến, tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản – giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Người luận giải về sự tiêu vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời, thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản:“Bị bóc lột quá tệ, giai cấp vô sản ở các nước tư bản và các dân tộc bị áp bức nổi lên đấu tranh, nổi lên cách mệnh. Cuối cùng là chủ nghĩa đế quốc bị đánh tan”[3].Phong trào cách mạng ngày càng cao, giai cấp lao động đấu tranh ngày càng hǎng cho nên chúng ta có thể đoán chắc rằng: chủ nghĩa cộng sản nhất định thành công khắp thế giới”[4].

Thứ tư, về vấn đề kinh tế, Thường thức chính trị phân tích nguyên nhân lạc hậu của kinh tế nước ta là do thiếu và chưa phát triển công nghiệp nặng; do kinh tế phụ thuộc vào đế quốc và bị chúng bóc lột. Đồng thời tác phẩm đề cập đến những thành phần kinh tế của nước ta vùng tự do và trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Ở thời kỳ quá độ lên CNXH, các thành phần kinh tế nước ta gồm: A- Kinh tế quốc doanh; B- Các hợp tác xã; C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; D- Tư bản của tư nhân; E- Tư bản của Nhà nước. Theo Hồ Chí Minh, trong năm thành phần kinh tế nêu trên, kinh tế quốc doanh là thành phần kinh tế chủ đạo, lãnh đạo, nhờ vậy tính chất kinh tế nước là kinh tế XHCN.  Vấn đề này được Đảng ta quán triệt trong việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đến nay. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật…”[5].

Thứ năm, vấn đề về Đảng được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm - chiếm 14/50 bài viết của Thường thức chính trị - là vấn đề trung tâm của tác phẩm. Trong đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo và sự lãnh đạo của đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây là luận điểm đúng đắn được minh chứng bởi thực tiễn lịch sử Việt Nam; đồng thời cũng là quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh khi đề cập đến vai trò của Đảng từ tác phẩm Đường cách mệnh (1927) đến Di chúc (1969).

Ngoài ra, tác phẩm trình bày một cách cụ thể về các phương thức lãnh đạo của đảng; nền tảng tổ chức của đảng; tính chất của Đảng Lao động Việt Nam là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của toàn dân tộc; xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; tổ chức và hệ thống tổ chức của Đảng; tiêu chuẩn, nghĩa vụ và quyền lợi của Đảng viên… Những quan điểm này phần lớn được Đảng kế thừa, vận dụng trong xây dựng đảng, thể hiện qua một số Văn kiện Đại hội đảng, Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”…

Thứ sáu, Thường thức chính trị còn đề cập đến các vấn đề quan trọng khác như cách mạng Việt Nam; thời đại ngày nay; tình hình thế giới – trong nước; tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước; Mặt trận dân tộc thống nhất… Trong đó, Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động nhưng thời đại ngày nay là thời đại đi lên Chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng và kiên quyết đứng hẳn về phe Chủ nghĩa xã hội…

Như vậy, với 50 bài viết ngắn gọn chưa tới 50 trang sách nhưng Thường thức Chính trị đã góp phần cung cấp những tri thức phổ thông quan trọng về chính trị cho đảng viên và nhân dân ta, góp phần đáp ứng nhiệm vụ cách mạng thời điểm tác phẩm ra đời. Đồng thời, tác phẩm cũng là tài liệu bổ ích cho giảng viên các trường Chính trị nghiên cứu, bổ sung làm phong phú bài giảng.

Hiện nay, bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới có nhiều biến đổi so với năm 1953 và thời kỳ trước thập niên 90 của thế kỷ XX. Tổ quốc đã được độc lập, thống nhất và trong thời kỳ quá độ lên CNXH trên phạm vi cả nước. Thế giới không còn sự phân cực hai phe: phe đế quốc do Mỹ cầm đầu và phe CNXH do Liên Xô lãnh đạo, thay vào đó là xu thế toàn cầu hoá, hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi giữa các nước, các dân tộc, vùng lãnh thổ… Do đó, một số luận điểm Hồ Chí Minh nêu lên trong Thường thức Chính trị nói riêng và hệ thống tư tưởng của Người nói chung cần được điều chỉnh, nhận thức và vận dụng một cách đúng đắn nhằm phù hợp với yêu cầu của lịch sử. Đây cũng chính là điều thiết thực làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ mới; góp phần kiên định và thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” ở nước ta hiện nay./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, TP Hồ Chí Minh.1996, t.7, tr 203.

[2]  Sđd, tr.215

[3] Sđd, tr.206

[4]  Sđd, tr.246 - 247

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐB Toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội 2016, tr.102-103.

                                                               Nguyễn Thị Ngọc Lan

Giảng viên Khoa Lý luận Mác – Lênin, TTHCM

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: