Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.795.137
Hôm qua:1.221
Hôm nay:1.174

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Giới thiệu sách, tác phẩm

Thế kỷ 21 thế kỷ của Trung Quốc

22:02 | 30/03/2018 1056

I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Cuốn sách Thế kỷ 21 thế kỷ của Trung Quốc của tác giả Oded Shenkar. Ông là Giáo sư của Ban quản trị và nhân lực tại Đại học Ohio state, Hoa Kỳ đồng thời là Chủ tịch công ty Ford Motor (Đây là một công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ, một trong những nhà sản xuất xe ô tô lớn thế giới).

Oded Shenkar có 02 bằng tiến sĩ ở hai trường đại học: Đại học Columbia, Đại học New York (Hoa Kỳ). Ông được trường Đại học Hebrew (Israel) cấp bằng cử nhân văn chương và thạc sĩ khoa học về nghiên cứu xã hội học ở Đông Á.

Ngoài ra, ông còn là hội viên của Học viện kinh doanh Quốc Tế ở Hoa Kỳ. Ông cũng làm việc với các bang, chính phủ của Hoa Kỳ và chính phủ các quốc gia cũng như với nhiều tổ chức quốc tế khác.

Giáo sư Oded Shenkar được được biết đến là một trong những người nước ngoài am hiểu về nền kinh tế Trung Quốc. Ông đã viết nhiều bài báo cũng như xuất bản nhiều cuốn sách về những chủ đề có liên quan đến Trung Quốc, trong đó có cuốn sách “Thế kỷ 21 thế kỷ của Trung Quốc”.

 II. VÀI NÉT VỀ TÁC PHẨM

Cuốn sách Thế kỷ 21 thế kỷ của Trung Quốc” của Oded Shenkar với bản nguyên tác tiếng Anh là The Chinese century, xuất bản năm 2004, được biên dịch và ấn hành ở Việt Nam năm 2008.

Cuốn sách cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về một hiện tượng kinh tế của thế kỷ 21 – nền kinh tế Trung Quốc. Bằng những phân tích và nghiên cứu khoa học của mình, Oded Shenkar sẽ giúp chúng ta định lượng được sức mạnh của Trung Quốc, không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều lĩnh vực khác.

Trong tác phẩm này, tác giả dùng Hoa Kỳ là thước đo, phép so sánh với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Từ đối tượng so sánh đó, chúng ta thấy được vị trí của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.

III. KẾT CẤU TÁC PHẨM

Với số lượng là 248 trang, tác phẩm gồm các nội dung sau:

Đôi lời về tác giả

Chương 1: Ánh bình minh của thế kỷ Trung Hoa

Chương 2: Một vương quốc theo đường lối dung hòa

Chương 3: Không giống bất kỳ quốc gia nào

Chương 4: Từ vớ ngắn cho đến máy bay

Chương 5: Đồng hồ Rolex hai đô la

Chương 6: Thách thức kinh doanh

Chương 7: Tiến về phía Đông: Nơi công việc tồn tại

Chương 8: Một ti vi từ Sichuan

Chương 9: Trung Quốc đang trỗi dậy

Lời kết

Người giới thiệu không đi theo hướng giới thiệu lần lượt, trình tự từng chương, từng mục một của cuốn sách mà phân tích, tổng hợp, khái quát và rút ra những nội dung trọng tâm, nổi bật của cuốn sách. Đó là :

    • Sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc
    • Sức cạnh tranh của hàng hàng hoá Trung Quốc
    • Trung Quốc đã cải cách đúng hướng và khai thác triệt để các nguồn lực
    • Thách thức kinh doanh từ Trung Quốc
    • Hạn chế, tồn tại và những dự đoán về chiều hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc

1. Sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc

1.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội của Trung Quốc

Trước khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, Trung Quốc xác định phải thực hiện cải cách. Công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc chính thức được phát động từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI tháng 12/1978; gắn với tên tuổi, người dẫn dắt công cuộc cải cách Trung Quốc: Đặng Tiểu Bình.

Để có vị trí như ngày hôm nay, chúng ta biết rằng Phương Tây và Nhật Bản phải cần đến 50 - 70 năm; Liên Xô cũ từ một nước nông nghiệp lạc hậu phải mất vài thập kỷ mới trở thành một cường quốc công nghiệp. Thế nhưng, liên tục chỉ trong khoảng 20 năm (1980 - 2000), tức là từ khi bắt đầu thực hiện cải cách nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ cao vào loại nhất thế giới:

- Nếu như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân (tức Tổng sản phẩm quốc nội) của 26 năm trước cải cách đạt 6,1% thì từ năm 1980 - 2000, GDP Trung Quốc tăng bình quân 9,7%.

- Đặc biệt, trong những năm khủng hoảng kinh tế khu vực (Khủng hoảng Tài chính châu Á năm 1997), bất chấp những khó khăn dồn dập của nhiều nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn được duy trì: 1997: 9,1%, 1998: 8,8%, 1999:7,1%, 2000: 8,3%.

- Năm 2003, dịch SARS (tức bệnh than) hoành hành, thế giới trong đó nhiều nền kinh tế lớn gặp khó khăn nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng, cuối năm là 9.1%.

- Xu hướng đi lên của nền kinh tế Trung Quốc lại một lần nữa khiến cho các học giả hết sức ngạc nhiên. Vào quý 3 năm 2004, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã từng dự đoán là GDP của Trung Quốc sẽ giảm còn 8,3%, còn Bộ Thương mại Trung Quốc dự đoán chắc chắn là 7,5%. Nhưng cuối cùng, số liệu của Cục thống kê quốc gia cho thấy, GDP của Trung Quốc trong năm 2004 vẫn tăng trưởng ở mức 10,1% (và là năm tăng mạnh nhất kể từ năm 1996).

- Và trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, ngay cả nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ cũng lao đao, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá: năm 2009: 9,2%, 2010: 10,4%, 2011: 9,3%, 2012: 7,7%, 2013: 7,7%. (Công báo thống kê tình hình phát triển kinh tế xã hội quốc dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2013 được đăng tải trên các số Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc năm 2014 của Việt Nam).

- Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội như vậy, đời sống và thu nhập của người dân Trung Quốc đã từng bước được cải thiện. Từ một nền kinh tế gần như khép kín, hàng hoá thiếu thốn; nhưng chỉ qua 2, 3 thập niên cải cách, Trung Quốc đã trở thành thiên đường của người tiêu dùng toàn cầu, có nghĩa là Trung Quốc sản xuất gần như đẩy đủ các loại hàng hoá từ cấp thấp đến cấp cao, thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng toàn cầu.

1.2. Trung Quốc - Thiên đường của người tiêu dùng toàn cầu

Từ trước đến nay, có thể nói chưa có quốc gia nào theo đuổi mọi khía cạnh của phát triển kinh tế cùng một lúc tốt bằng Trung Quốc. Từ những sản phẩm thâm dụng lao động (sử dụng nhiều lao động) cho đến những sản phẩm công nghệ cao. Câu nói Trung Quốc có khả năng sản xuất “Từ vớ ngắn cho đến máy bay” không phải là một sự nói quá. Nó mang nghĩa đen, là một sự thật:  

Về vớ (hay gọi là tất) thì tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc được ví là “Thủ đô tất”, với khoảng 8000 công ty sản xuất ra 8 tỷ đôi tất mỗi năm, chiếm 1/3 nguồn cung của thế giới. Biến thị trường tất Mỹ trở thành nhánh cạnh tranh nhất trong toàn bộ ngành may mặc Mỹ: Năm 2001, Trung Quốc cung cấp chỉ 1% số tất phục vụ nhu cầu Mỹ; 2 năm sau đó (2003): số tất Trung Quốc cung cấp cho thị trường Mỹ tăng 200 lần (chiếm 20%).

Hiện nay, Trung Quốc còn là nhà chế tạo dẫn đầu toàn cầu về điện thoại di động, là nhà sản xuất chủ yếu về mạch điện tử máy tính, viễn thông, đang sản xuất các bộ phận của máy bay Boeing và thám hiểm vũ trụ bằng tên lửa tự tạo…

Theo thống kê của Tập đoàn tư vấn AT Kearney (Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Mỹ), “Made in China” đứng đầu thị phần thế giới với hơn 100 sản phẩm ở đủ các lĩnh vực.

Những nhà máy cơ bản của Trung Quốc chế tạo ra: 90% thùng (hộp) chứa hàng; 70% đồ chơi thông dụng được bày bán trên thế giới; 65% dụng cụ thể thao; Chiếm 60% lượng xe đạp; 50% giày dép; và hơn 30% túi xách trên thế giới.

Hiện là nhà chế tạo hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới: chế tạo ra: 50% số lò vi ba; >30% số lượng ti vi và máy điều hòa; 80% máy DVD; 25% máy giặt; và 20% số lượng tủ lạnh trên thế giới.

Một số thương hiệu hàng hoá lớn của Trung Quốc:

 Acer (Công ty đa quốc gia sản xuất đồ điện tử, trụ sở chính ở Đài Loan - Trung Quốc, đây là lĩnh vực không dễ thành công nhưng Acer đã tạo được thương hiệu máy tính cá nhân lớn thứ 3 thế giới); Haier Group (Nhà sản xuất lớn nhất thế giới về máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh và các thiết bị gia dụng khác của Trung Quốc, cả máy tính, điện thoại); TCL (Tập đoàn hàng đầu thế giới về điện tử tiêu dùng, sản phẩm lớn nhất là ti vi), Foxcom và Quanta (Nhà sản xuất linh kiện điện tử và máy tính hàng đầu thế giới của Đài Loan, nó không có đối thủ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử) (Trong những lần có việc cần lên phòng kỹ thuật của anh Minh và anh Đức, tôi nhìn vào những linh kiện điện tử, máy móc thì thấy có rất nhiều linh kiện là thương hiệu của Foxcom và Quanta); Hutchison Whampoa – một trong những tập đoàn đa ngành đa lĩnh vực của tỷ phú, người sáng lập ra nó là ông Lý Gia Thành (người Trung Quốc), năm 2007 ông này được tạp chí Forbes xếp vào vị trí thứ 9 trong danh sách người giàu nhất thế giới, Tạp chí Asia week chọn là người đàn ông quyền lực nhất châu Á năm 2001…

Trên đây sự lớn mạnh của hàng hoá Trung Quốc nhìn từ phạm vi bao quát trên thế giới, còn đối với thị trường Mỹ (Một thị trường khó tính nhất) thì sao? Hàng hoá của Trung Quốc trên thị trường Mỹ được ví: Trung Quốc - “Đất nước của Wal-Mart”. Có nghĩa là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, hoạt động ở hầu hết các quốc gia với các tên gọi khác nhau, và là nhà bán lẻ tạp hoá lớn nhất Hoa Kỳ. Công ty có trụ sở hoạt động chính hiện nay là ở Thâm Quyến (thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc). Trước 1990, Wal-Mart chú ý và đi cùng với sản phẩm của Mỹ. Tuy nhiên từ 1990, Wal-Mart lại nhập khẩu những mặt hàng Trung Quốc với mức lớn hơn và Wal-Mart lại hướng mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhập khẩu số 1 hàng hoá của Trung Quốc; Trung Quốc trở thành khách hàng chiến lược đầu tiên của Wal-Mart về “giá thấp mỗi ngày”.

Trung Quốc trở thành một trong ba “ông lớn” về kinh tế (Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc). Có thể, đưa ra nhận định không ngoa rằng: “Thế giới thụt lùi trong lúc Trung Quốc tiến lên” (tất nhiên chỉ khẳng định về kinh tế). Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cũng cho rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá “nóng”. Điều này sẽ tiềm ẩn những nguy cơ nhất định.

2. Sức cạnh tranh của hàng hàng hoá Trung Quốc

2.1. Chiến lược cạnh tranh giá rẻ của hàng hoá Trung Quốc

- Có thể nói hàng hóa Trung Quốc thỏa mãn mọi loại đối tượng, mọi thành phần, từ giàu có đến nghèo khó với mức giá thấp nhất mà không có quốc gia nào có thể cạnh tranh nổi.

- Trung Quốc đã biến những thứ từng đắt đỏ như đầu DVD, máy công cụ (dùng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…) và áo khoác da trở thành những loại hàng vừa tiền bán rất chạy. Trong sách này, tác giả chứng minh bằng 02 ví dụ điển hình, được cả thế giới biết đến:

+ Dẫn chứng 1: Từ mặt hàng bình thường nhất: Tháng 6/2002, châu Âu tuyên bố sẽ nhằm vào mặt hàng bật lửa ở Ôn Châu (Trung Quốc) tiến hành điều tra chống bán phá giá (đây là vụ chống bán phá giá đầu tiên kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO - năm 2001). Lúc ấy, mấy trăm nhà máy sản xuất bật lửa ở Ôn Châu - Trung Quốc đã sản xuất loại bất lửa có vỏ ngoài bằng kim loại và chiếm tỉ lệ 90% thị trường thế giới, mà giá thành sản phẩm chỉ bằng 1/10 so với sản phẩm bật lửa cùng loại với Nhật. Vụ kiện này, Trung Quốc đã thắng và châu Âu phải rút lui: các mặt hàng ở Trung Quốc sỡ dĩ giá thành thấp là bởi vì giá thành lao động rẻ, thu nhập hàng năm của các công nhân ở Ôn Châu thấp hơn so với châu Âu là 20 lần, và kết luận “các nhà mày sản xuất bật lửa ở Ôn Châu, Trung Quốc không bán phá giá”.

+ Dẫn chứng 2: Đến các mặt hàng cao cấp: Barbie – nhãn hiệu đồ chơi bán chạy nhất của công ty Disney (Hoa Kỳ), mỗi năm đều bán rộng khắp trên 120 quốc gia, mà cơ sở sản xuất chủ yếu là ở Trung Quốc. Một con búp bê Barbie được bán ở thị trường Bắc Mỹ với giá 20 USD, nhưng nếu sản xuất tại Trung Quốc và được tính thì nó chỉ có giá là 1 USD (trong khi 1 USD đó đã bao gồm: giá thành nhà sản xuất, nhà phân phối, lợi nhuận và tất cả các khoản thuế). Hiện nay, đối với hầu hết các giao dịch kinh doanh trên thế giới, thuật ngữ “giá Trung Quốc” (giá cả) đã trở thành cụm từ có thể thay thế cho cụm từ “giá thấp nhất có thể”.

2.2. Ngành công nghiệp sản xuất hàng giả ở Trung Quốc

Dấu chân của người Hoa Kỳ

Khi đến Trung Quốc, du khách có thể sẽ bị thu hút bởi ánh sáng hào quang của những đồng hồ nhãn hiệu Rolex được bán rong với giá cực rẻ chỉ 2 đô la ở khắp các khu du lịch Trung Quốc (đây là nhãn hiệu đồng hồ số 1 thế giới của Thụy Sĩ đã đăng ký bản quyền, nổi tiếng về độ tinh xảo, đẳng cấp và đắc tiền). Trung Quốc có thể làm giả đến độ gần như khó có thể nhận biết. Mặc dù biết là hàng giả nhưng thật sự đã không ít người sở hữu nó. Các anh chị chúng ta để ý khi xem các bộ phim của Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) ở những nơi đông người (bất cứ đâu) thường nghe câu rao hàng “Đồng hồ Rolex đây, mua vô, mua vô”.

- Lấy một ví dụ điển hình như vậy để thấy Trung Quốc đã vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (IPR).

- Nhưng ngạc nhiên, Trung Quốc lại không phải là quốc gia đầu tiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngạc nhiên là điều này lại xảy ra đối với người Mỹ - những người vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong suốt thế kỷ 19.

Theo Hiệp hội bản quyền quốc tế (IIPA), ngành công nghiệp sao chép bản quyền của Mỹ, chiếm 5,24% GDP (tương đương 535,1 tỉ USD). Từ 1997 - 2001, những ngành công nghiệp này tăng trưởng ở mức 7% hằng năm, gấp hai lần so với tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế. Nhân công làm trong ngành này tăng gần 3 lần so với nền kinh tế quốc gia và hiện nay chiếm 4,7 triệu việc làm của Mỹ.

- Tuy nhiên, Báo cáo về Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của WB (Ngân hàng Thế giới, năm 2002) đã khẳng định: tầm quan trọng ngày càng tăng của sở hữu trí tuệ đối với các nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay và phát hiện ra rằng “với các mức thu nhập khác nhau thì quyền sở hữu trí tuệ thường gắn liền với thương mại và các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn và nhờ vậy có tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn”. Và người Mỹ nhận ra rằng với việc xâm phạm IPR sẽ mất mát nhiều hơn là đạt được từ sự xâm phạm này. Chính vì vậy, từ thế kỷ XX, Hoa Kỳ lại là quốc gia đi đầu trong những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế nạn vi phạm bản quyền. Đây là một thực tế.

Trung Quốc, trung tâm sản xuất và buôn bán hàng giả của thế giới:

Sao chép, giả mạo hay sản xuất kinh doanh hàng giả: ám chỉ đến sản phẩm trái phép, phân phối hoặc sử dụng thoải mái thiết kế hoặc công nghệ theo nghĩa trái phép như sao chép bản quyền, bắt chước quy trình công nghệ sáng chế, giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp…

Bức tranh tổng thể về nền công nghiệp sản xuất hàng giả của Trung Quốc

- Các tổ chức sản xuất hàng giả ở Trung Quốc gồm: từ các công ty quy mô nhỏ bất hợp pháp đến cả những doanh nghiệp hợp pháp, gọi là những doanh nghiệp “núp bóng”, bán hợp pháp.

- Quy mô của ngành công nghiệp này ở Trung Quốc rất lớn. Hàng hóa giả mạo của Trung Quốc trước tiên tiêu thụ ở thị trường nội địa, rồi tuồn ra cả thị trường nước ngoài, không chỉ xâm nhập vào thị trường các nước kém phát triển, đang phát triển mà hàng giả Trung Quốc còn thâm nhập vào thị trường các nước phát triển.

- Chi phí và lợi ích của việc sản xuất hàng giả, hàng nhái: Đầu tư chi phí thấp nhưng lợp nhuận cao. Không đầu tư một xu nào vào công nghệ và xây dựng thương hiệu; chi phí nguyên vật liệu thô và linh kiện thấp; chi phí lao động thường dưới mức chi phí của các doanh nghiệp hợp pháp. Theo Thomas Boam, nguyên Cố vấn Bộ trưởng Mỹ tại Bắc Kinh khảo sát và nghiên cứu: có khoảng 10-30% GDP của Trung Quốc có được là từ việc làm hàng giả và hàng nhái; chiếm 15-20 % doanh thu bán lẻ trên toàn quốc, với một số thị trường trong nước đạt đến 90%.

- Một hành động khác làm cơ sở cho việc sản xuất và dòng chảy của các mặt hàng nhái, hàng giả là tình trạng buôn lậu ở Trung Quốc gần như rất phổ biến. Ngoài ra, sự giả mạo và sao chép cũng được hậu thuẫn bởi những hành động tham nhũng – chi hối lộ với hình thức đa dạng và phức tạp của các quan chức Trung Quốc.  Theo bảng xếp hạng về Chỉ số người chi cho hối lộ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, viết tắt TI) xếp Trung Quốc cao nhất trong số 21 quốc gia khảo sát. Đài Loan đứng thứ 3, Hồng Kông đứng thứ 6 (năm 2003).

- Ngày nay, tình trạng thất nghiệp vốn là vấn đề nghiêm trọng cho kinh tế, xã hội và đe dọa chính trị Trung Quốc. Và đó có thể coi là lý do nhà nước Trung Quốc đang cố chấp nhận ngành công nghiệp này vì ngành thu hút một bộ phận không nhỏ lao động.

- Công tác phòng chống sản xuất hàng giả ở Trung Quốc: Chính quyền Trung ương Trung Quốc thỉnh thoảng có thực hiện các cuộc điều tra về việc sản xuất, chế tạo, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng giả; rồi phát triển hệ thống pháp lý liên quan đến sự bảo hộ IPR (Quyền sở hữu trí tuệ)… nhưng đến thời điểm đó mọi nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc gặp quá nhiều khó khăn.

Dẫn chứng 1: David Quam, luật sư của Hội liên minh chống hàng giả (IACC) của Ủy ban Trung Quốc-Mỹ đưa ra một ví dụ điển hình về sự vi phạm pháp luật của 1 nhà máy ô tô, ông này đã bị tấn công 3 lần trong thời điểm hai năm rưỡi nhưng công ty vẫn duy trì hoạt động với cùng số nhân viên và máy móc (Tạp chí Time, 11 tháng 6 năm 2001, trang 35).

Dẫn chứng 2: Theo IIPA (Hiệp hội bản quyền quốc tế), năm 2002 có 80 cuộc kiểm tra đối với sự vi phạm bản quyền phim điện ảnh ở Thượng Hải và Bắc Kinh, nhưng chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm và bị bắt.

Dẫn chứng 3: Báo cáo cho Quốc hội về Trung Quốc chuẩn bị gia nhập WTO, Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Washington DC, tháng 11 năm 2003 xác nhận rằng:

“Dịch vụ hải quan TQ từ chối ngăn chặn xuất khẩu các mặt hàng giả mạo, thậm chí khi có chứng cứ minh chứng điều này”.

 “Sự nỗ lực chống những kẻ phạm tội không làm xao lòng những kẻ vi phạm bản quyền”, “Cứ mỗi sản phẩm bị tịch thu, có nhiều hơn một nửa được xâm nhập vào thị trường. Và chỉ chứng đó cũng đã đủ đem lại lợi nhuận cho những kẻ sản xuất và kinh doanh hàng giả”.

Tác giả cuốn sách - Oded Shenkar nhận định: Trung Quốc sẽ tôn trọng và tuân thủ về quyền sở hữu trí tuệ trong điều kiện tất nhiên, không sản xuất hàng nhái, hàng giả nữa; nhưng điều này sẽ không xảy ra sớm cho đến khi nền kinh tế Trung Quốc đi đầu trong lĩnh vực công nghệ (Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ).

Bàn về vấn đề sản xuất hàng giả, hàng nhái… thì Oded Shenkar có riêng một công trình nghiên cứu rất nổi tiếng: Đó là Copycats: How Smart Companies Use Imitation to Gain a Strategic Edge (có nghĩa: Các công ty thông minh đã sử dụng sao chép để đột phá như thế nào). Ông xem xét 48 phát minh và nhận thấy 34 phát minh trong số này (tức gần ¾) là những thứ bắt chước. Tỷ lệ sao chép thương hiệu trong một số ngành hiện đã vượt mức 80%. Trên thực tế, gần 98% giá trị được tạo ra bởi các phát minh lại rơi vào túi của những người bắt chước chứ không phải là các nhà phát minh, mặc dầu những bản quyền đã được ghi nhận.

2.3. Bạn sẽ mua một sản phẩm của Trung Quốc chứ?

Đó là cuộc điều tra của Leo J.Shapiro và những hội viên của Công ty nghiên cứu khảo sát Chicago, Mỹ nghiên cứu về Thái độ của người Mỹ hướng đến các mặt hàng Trung Quốc vào tháng 5 năm 2002 – Đây là một mô hình nghiên cứu mang tính toàn quốc, đã có 450 hộ gia đình Mỹ được khảo sát. Với hai nội dung:

- Điều gì khiến bạn nghĩ các sản phẩm Trung Quốc là hàng tốt, đáng để mua?

+ Câu trả lời đầu tiên là: giá rẻ (tỷ lệ cao nhất) (90). Hàng hoá sử dụng được với giá thấp nhất là điều khó cưỡng lại đối với đa số người lao động thu nhập trung bình và thấp?

+ Nhưng ngay sau đó là sự nhận thức tích cực về sản phẩm của Trung Quốc: hàng hóa có chất lượng tốt với mức giá hợp lý (đến 77 ý kiến) (cao nhất). Hàng hoá Trung Quốc ngày càng nhanh chóng được cải thiện chất lượng trong hầu hết các chủng loại sản phẩm. Nhưng sự quan tâm này tập trung cao ở các mặt hàng điện tử, máy vi tính và may mặc.

+ Tiếp sau đó là các lý do khác.

- Điều gì khiến bạn nghĩ các sản phẩm Trung Quốc là hàng hoá không đáng để mua?

+ Những lý do tại sao khách hàng sẽ không mua các mặt hàng Trung Quốc. Chất lượng bên trong khiến người tiêu dùng nghĩ các sản phẩm của Trung Quốc không đáng để mua (85 ý kiến). Chiếm tỉ lệ cao nhất. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thường đi liền với chất lượng thấp.

+ Một lý do lớn: “Luật lao động/cách đối xử với nhân viên/Chính sách” ở Trung Quốc còn chưa quan tâm đến lợi ích người lao động, thời gian làm việc lớn, môi trường làm việc không đảm bảo… (65 ý kiến).

+ Tiếp sau đó là các lý do khác

3. Trung Quốc đã cải cách đúng hướng và khai thác triệt để các nguồn lực

3.1. Trung Quốc đã biết khai thác lợi thế cạnh tranh từ nguồn lao động

- Trung Quốcquốc gia đông dân nhất thế giới. Nếu như trước đây, Trung Quốc vô cùng khó khăn trong việc nuôi sống và tạo việc làm cho số dân khổng lồ đó. Ngày nay, dân số 1/5 nhân loại của Trung Quốc đã được nhìn nhận dưới một góc độ hoàn toàn mới: lực lượng lao động khổng lồ chi phí thấp (Giá lao động của người dân Trung Quốc chỉ bằng 1/3 giá trung bình của thế giới, mà lại làm nhiều giờ hơn) và là thị trường tiêu thụ lớn chưa từng thấy. Năm 1998, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kodak của Mỹ (tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ chuyên sản xuất các sản phẩm hình ảnh và thiết bị nhiếp ảnh) hùng hồn nói: “Chỉ cần một nửa dân số Trung Quốc mỗi năm chụp 36 tấm phim, thì đã đủ để mở rộng 25% thị trường phim ảnh toàn cầu. Trung Quốc mỗi một giây chụp 500 tấm hình, nghĩa là có thêm một thị trường quy mô ngang bằng với thị trường Mỹ và Nhật”. Lấy tổng dân số nhân với cơ số của một sản phẩm nào đó, từ đó có thể tính ra qui mô thị trường Trung Quốc, đây là cách tình mà hầu như công ty nước ngoài nào đến đất nước phương Đông này cũng dùng đến.

- Sức quyến rũ của thị trường nội địa cho phép Trung Quốc đã dùng củ cà rốt “thị trường rộng lớn của họ” để buộc doanh nghiệp nước ngoài giúp họ phát triển kinh tế, bằng cách là đòi hỏi việc chuyển giao công nghệ như một điều kiện cho sự tiếp nhận đầu tư nước ngoài - một điều kiện đặt ra mà trước tới giờ chưa từng có với các quốc gia khác.

3.2. Leo lên từng nấc thang công nghệ

Trung Quốc nhận ra rằng, phải học hỏi công nghệ từ bên ngoài, đặc biệt là từ phương Tây và nếu muốn tiến bộ, họ cần bắt đầu từ việc nhập khẩu những dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh (nhưng đã lỗi thời của các nước tiên tiến), rồi dần dần thay thế việc nhập khẩu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới cải tiến kỹ thuật và sáng tạo công nghệ, đăng ký và chuyển giao công nghệ với những hợp đồng dịch vụ và tư vấn, sản xuất liên doanh và hợp tác.

3.3. Nâng cấp “bộ não con người” Trung Quốc

- Để cải thiện “bộ não con người”, Trung Quốc tận dụng 2 chiến lược:

+ Cải tổ về giáo dục,

+ Phát triển khoa học – kỹ thuật.

- Trung Quốc đã nỗ lực và đã đạt được thành quả nhất định:

+ Những gì không thay đổi qua nhiều năm ở Trung Quốc chính là sự tôn kính dành cho giáo dục và sự sẵn lòng của các hộ gia đình đầu tư một nguồn lực khổng lồ để tăng cường thành công cho con cái của họ, lúc bấy giờ được ví là các “Tiểu hoàng đế” gắn với “Chính sách một con” của Trung Quốc.

+ Khuyến khích sinh viên du học nước ngoài, đặc biệt trong ngành khoa học và kỹ thuật:

+ Nhập khẩu quy mô lớn những quyển sách khoa học được sử dụng ở các viện hàng đầu của Hoa Kỳ.

+ Áp dụng công nghệ vào doanh nghiệp

4. Thách thức kinh doanh từ Trung Quốc

“Các doanh nghiệp của các nền kinh tế chuẩn bị cho kỷ nguyên Trung Quốc như thế nào? Ông nhận định: các doanh nghiệp nên suy nghĩ, cân nhắc lại giá trị mắt xích thâm nhập thị trường của họ hoặc sẽ dẫn đầu như một mô hình kinh doanh mới hoặc sẽ khó khăn nếu phải cạnh tranh với Trung Quốc.

4.1. Ngành công nghiệp tiềm năng của Trung Quốc

*Ngành dệt, may

- Người Trung Quốc không chỉ là khách hàng tiêu thụ lớn mà còn là người sản xuất chiếm lĩnh thị trường toàn cầu về hàng dệt, may.

+ Những cơ sở sản xuất áo quần, may mặc đang làm hàng giờ sẽ không còn ở Lancashire (Anh Quốc) hay Bắc Carolina (một tiểu bang của Hoa Kỳ) nữa mà là ở Zhejang và Jiangsu (hai thành phố của Trung Quốc, Hàn Châu và Giang Tô).

* Ngành công nghiệp đồ gỗ

Các sản phẩm từ gỗ ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nói chung, người tiêu dùng Mỹ nói riêng (chiếm tỉ lệ từ ¼ trang thiết bị nội thất năm 1993 đến năm 2002 chiếm đến ½ ở Mỹ).

- Trong khi việc sản xuất các mặt hàng gỗ của Hoa Kỳ suy giảm từ 12,2 tỉ USD xuống còn 10,67 tỉ USD trong khoảng thời gian từ 1996 - 2002 và sa thải nhiều nhân công trong những năm sau đó (khoảng 35.000 người, giảm 1/3). Thì cũng trong khoảng thời gian đó, sự nhập khẩu về các mặt hàng gỗ Trung Quốc tăng hơn gấp 6 lần từ 741 triệu USD lên 4,8 tỉ USD,  tăng đến 75% giữa 2000 - 2002.

- Tháng 10/2003, một nhóm 28 nhà sản xuất đồ gỗ của Mỹ kết luận: giữa giai đoạn năm 2000 - 2002, doanh thu của các thành viên giảm 23%, thu nhập hoạt động giảm 75%. “Không cường điệu để nói rằng: sự nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tạo áp lực lên doanh thu và lợi nhuận của ngành là khá rõ ràng”.

4.2. Sự di cư việc làm và tình trạng mất việc làm ở Mỹ

Xuất khẩu tạo ra việc làm và ngược lại. So sánh cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cho thấy Trung Quốc đã tạo ra được một lượng thặng dư đáng kể về thương mại so với Mỹ: Năm 1996: 50.139 triệu đô la, đến năm 2001 (5 năm) mà lượng thặng dư lên gần gấp đôi: 99.504 triệu đô la. Tháng 1- 2004, lượng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đạt 11,5 tỉ đô la (chỉ trong 1 năm, tăng gấp 10 lần).

Không chỉ thu lợi từ Hoa Kỳ, năm 2002, với EU, Trung Quốc có một lượng thặng dư gần 50 tỉ Euro. Và đối với nước Anh, lượng thâm hụt trong mậu dịch với Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều.

Cán cân thương mại Trung Quốc có thặng dư thì thế nào? Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ rất lớn. Đúng vậy, hiện nay Trung Quốc là quốc gia có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới và là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ: Năm 1978, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ có 167.000.000 USD. Năm 2008, con số này đã vượt quá 1.700 tỷ USD. Chỉ trong 30 năm, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng gấp 10.000 lần (một tỷ lệ tăng đáng sợ).

Dự trữ ngoại tệ lớn, đồng Nhân dân tệ sẽ có khả năng đứng vững trước các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới. Chúng ta thấy điều này đã được chứng minh ở cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Trung Quốc đã vượt qua. Và ngược lại, điều này thể hiện rất rõ khi nước Mỹ đang đối phó với những khó khăn đó. Các quốc gia khác cũng chịu chung số phận khi đối mặt với rắc rối này. Một ví dụ điển hình đó là Cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, bắt đầu từ Hy Lạp từ năm 2010 mà nguyên nhân chính là do những khoản nợ và tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài đến tận thời điểm này.

Hiện nay, Hoa Kỳ đã và đang đối diện với tình trạng thiếu việc làm, tình trạng thất nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo. Đây là một trong những khó khăn lớn của Hoa Kỳ trong thế kỷ này.

Cho đến thời điểm bấy giờ, các công ty, doanh nghiệp của nước ngoài có xu hướng chuyển đến Trung Quốc. Ngay cả các doanh nghiệp của Mỹ cũng có xu hướng này. Tại sao lại có xu thế đó? Bởi nếu các công ty đặt cơ sở sản xuất trong nước thì sẽ đối mặt với 2 khó khăn lớn: Sức ép của chi phí lao động trong nước cao; hệ thống dịch vụ xã hội đắt đỏ. Và nếu chuyển công ty đến Trung Quốc, thì các công ty đó sẽ trút bỏ được gánh nặng đó, tiết kiệm được rất nhiều khoản, hàng hoá sẽ có giá rẻ hơn và chất lượng vẫn đảm bảo.

5. Hạn chế, tồn tại và những dự đoán về chiều hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc

5.1. Hạn chế, tồn tại

Bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế của Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số rào chắn nghiêm trọng. Đó là những khó khăn:

- Sự phá giá đồng tiền của các nước láng giềng do tác động của khủng hoảng tài chính châu Á.

- Tình trạng thua lỗ liên miên của các doanh nghiệp nhà nước: Hiện nay, hơn 40% doanh nghiệp nhà nước đang bị thua lỗ (1997, 46% doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ). Đây là một yếu tố gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.

- Thất nghiệp gia tăng.

- Nguồn thu ngân sách kém.

- Các rủi ro có tính hệ thống trong khu vực ngân hàng.

- Sự phát triển mất cân đối giữa các vùng, chênh lệch thu nhập.

Sự thịnh vượng và bùng nổ của Trung Quốc càng làm sâu sắc thêm sự chênh lệch đối với hàng triệu người nghèo nhất Trung Quốc. Trung Quốc được xếp vào hàng ngũ các quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Đe doạ đến sự ổn định và phát triển của Trung Quốc.

- Sự xuống cấp của môi trường:

+ Trung Quốc được coi là quốc gia thải ra nhiều chất gây ô nhiễm nhất. Với tốc độ phát triển như hiện nay: các thành phố của Trung Quốc đang cần một lượng thép nhiều nhất thế giới, thị trường tiêu thụ ô tô tăng với nhịp độ nhanh nhất thế giới, tiêu thụ ximăng như một cái túi không đáy… Đây là một trong những hoạt động thải ra nhiều CO2 nhất vào khí quyển. Lượng khí CO2 thải ra ở Trung Quốc chiếm khoảng 11% tổng lượng CO2 toàn thế giới trong năm 1989, và vào năm 1994, con số này đã tăng lên 14%.

+ Mức độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là an toàn. Theo WHO, Trung Quốc chiếm tới 7 trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

+ Cùng lúc, chất lượng nước ở hầu hết các thành phố lớn và các khu nông thôn công nghiệp hóa đều giảm xuống đáng kể.

Hậu quả là, tuổi thọ của người Trung Quốc giảm, khi mỗi năm có tới 4000 người Trung Quốc tử vong bởi các căn bệnh có dính dáng đến vấn đề môi trường. Hiện nay, những người Trung Quốc giàu có có xu hướng định cư ở nước ngoài hoặc cho con cái của họ đi du học và định cư ngoài Trung Quốc, chủ yếu là Hoa Kỳ.

5.2. Những dự đoán về chiều hướng của nền kinh tế Trung Quốc

 Ngày 10 tháng 11 năm 2001, Hội nghị Cấp Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới tổ chức tại thủ đô Doha nước Qatar, tất cả đã thẩm định và thông qua việc gia nhập WTO của Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, việc dự đoán tương lai và phương hướng của Trung Quốc thành đề tài nóng hổi nhất toàn cầu. Các những luồng ý kiến đó là:

- Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, mối đe dọa từ Trung Quốc bắt đầu dấy lên trong nhận thức của các doanh nghiệp và các quốc gia.

+ Theo Oded Shenkar: “Mặc dù có những trở ngại, nhưng thế kỷ 21 sẽ cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc”.

+ Đồng quan điểm với Oded Shenkar khẳng định Trung Quốc có thể vượt qua những khó khăn tồn đọng để tiếp túc phát triển là quan điểm của các học giả có tên tuổi: Tiến sĩ Jun Ma, chuyên viên kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong công trình “Trung Quốc - nhìn lại một chặng đường phát triển”; Ngô Hiểu Ba – một nhà nghiên cứu trẻ nổi tiếng về kinh tế  Trung Quốc, là người Trung Quốc với cuốn “Đột phá kinh tế ở Trung Quốc (1978 - 2008)”. Trong đó có trọng lượng nhất là quan điểm của Ngân hàng thế giới trong cuốn “Trung Quốc 2020”: “Trung Quốc có khả năng để vượt qua những thách thức… Họ sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng và ổn định như vậy trong 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI”.

Và đặc biệt, trong công trình này, Oded Shenkar đã mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình, khẳng định sự trổi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi có nhiều quan điểm trái chiều, chưa có sự khẳng định thì ông khẳng định: Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Trung Quốc, và điều này thể hiện ngay trên tiêu đề cuốn sách của ông. Và điều này đã đúng cho đến thời điểm bây giờ.

+ Nhưng cũng có một luồng quan điểm khác: Một luật sư người Mỹ gốc Hoa tên Trương Gia Đôn còn xuất bản cuốn sách “Trung Quốc sắp sụp đổ” cho rằng sự phồn vinh của kinh tế Trung Quốc chỉ là giả tạo, chế độ chính trị và nền kinh tế hiện hành của Trung Quốc nhiều nhất cũng chỉ duy trì được 5 năm; Salomon Smith của Ngân hàng Đầu tư Mỹ thì dự đoán: 5 năm đầu sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, sẽ xuất hiện 40 triệu người thất nghiệp, áp lực tìm việc làm nghiêm trọng sớm muộn cũng đè sập đất nước Trung Quốc. Nhưng thực tế, mỗi khi người ta dự đoán gì đó rất xấu về nền kinh tế Trung Quốc thì nó dường như lại tăng trưởng nhanh hơn, tạo ra các ngành mạnh hơn, xuất nhập khẩu tăng, và thu hút thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

Kết luận

- Năm 2010 với GDP đạt 5.879 tỷ USD (Cách đây 5 năm GDP của Trung Quốc mới đạt 2.300 tỷ USD), vượt qua Nhật Bản (Nhật Bản là 5.474 tỷ USD). Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ.

- Oded Shenkar – tác giả của cuốn sách cho rằng: “Sẽ là không cường điệu để nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một bước ngoặt, nó sẽ thay đổi bức tranh toàn cầu và đối trọng với Hoa Kỳ về kinh tế, chính trị, và sức mạnh quân sự. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh trong vòng hai thập kỷ - và có thể sớm hơn”.      

- Trung Quốc đã và đang chuyển đổi sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự để đối trọng với những gì gọi là quyền bá chủ của Mỹ. Xu hướng quân sự của Trung Quốc thời gian gần đây đã thể hiện tham vọng đó./.

             Người thực hiện: ThS. Trần Thị Hồng Hạnh

                                    Khoa Xây dựng Đảng

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: