Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.750.045
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Áp dụng phương pháp nghiên cứu tình huống nhằm nâng cao hiệu quả trong giờ thảo luận

09:31 | 18/12/2017 2545

Áp dụng phương pháp nghiên cứu tình huống nhằm nâng cao hiệu quả trong giờ thảo luận

ThS. Phan Văn Hiếu

Trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và chuyên viên, ngoài các buổi giảng lý thuyết, luôn có một thời lượng tương xứng các buổi thảo luận. Các buổi thảo luận chính là nơi mà cả người dạy và người học trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, làm sáng rõ thêm các nội dung được trình bày trong phần lý thuyết hoặc lý luận và làm cho lý luận đi vào thực tế theo đúng quan điểm của Hồ Chí Minh: “thống nhất giữa lí luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin …lý luận mà không liên hệ với thực tế là lý luận suông”(1). Để một buổi thảo luận đạt chất lượng tốt, chúng cần phải hiểu rõ các đối tượng tham gia thảo luận và phương pháp thích hợp nhất để các đối tượng đó tham gia tích cực, có hiệu quả đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trước hết, đối tượng người học ở đây là cán bộ - công chức – viên chức. Đây là những người trưởng trành về mặt thể lực, tâm sinh lý và có được vốn kiến thức, kinh nghiệm sống tương đối đầy đủ trong đó, nhiều kinh nghiệm có thể là những nguồn tư liệu quý báu nếu được khai thác hợp lý có thể phục vụ trực tiếp lại các bài giảng sau này. Bên cạnh đó, vốn kinh nghiệm thực tế trong quan hệ xã hội và công việc chuyên môn nếu được phát huy đúng cách sẽ làm cho các buổi trao đổi, thảo luận đạt chất lượng tốt hơn.

Những ưu điểm của đối tượng này khi trao đổi, thảo luận trước hết là nhu cầu lắng nghe, muốn hiểu biết, đặc biệt là những nội dung có liên quan đến công việc của mình. Có thể thấy điều học viên lớn tuổi cần không phải chỉ ở kiến thức mới mà là những vấn đề cụ thể, những phương pháp, cách làm sáng tạo hiệu quả để có thể vận dụng trực tiếp vào công tác chuyên môn. Những học viên – cán bộ - công chức – viên chức này cần hướng dẫn, phương pháp luận đúng đắn chứ không cần những lý luận hình thức giáo điều. Khi thảo luận, đề cập đến công tác chuyên môn liên quan đến bản thân, học viên có xu hướng lắng nghe, tích cực trao đổi.  Họ luôn muốn bộc lộ chính kiến của bản thân, không e ngại tranh luận qua lại, thích trao đổi tìm ra các đúng, sai nên thuận lợi cho thảo luận nhóm. Ngoài ra, nhu cầu được học, được cung cấp thông tin, nắm vững tương đối nguyên tắc trao đổi, tranh luận, có lòng tự trọng và tự giác cao, có quan hệ, ứng xử đúng mực thân thiện cũng là những điểm thuận lợi giúp cho buổi trao đổi, thảo luận đạt chất lượng.

Tuy vậy, đối tượng này cũng có những tác động ảnh hưởng không tích cực tới buổi trao đổi và thảo luận. Cụ thể là học vừa đi học nhưng vừa phải giải quyết những công việc, chuyện gia đình, vv… cho nên việc bố trí thời gian, kế hoạch phù hợp là vấn đề tương đối khó khăn của học viên này. Đối với không ít học viên lớn tuổi, việc chấp nhận sửa đổi cách nhìn, thậm chí là thay đổi tư duy xử lý công việc không phải là điều dễ dàng. Chưa kể tới một số lượng không nhỏ học viên – cán bộ - công chức – viên chức dễ bằng lòng, thỏa mãn với những gì đã có, chấp nhận thực tại không quan tâm tới những tranh luận, trao đổi, không muốn gây mâu thuẫn khi trao đổi thảo luận.

Vậy, với đối tượng như vậy, việc áp dụng phương pháp tình huống trong thảo luận sẽ thực hiện như thế nào?

Tình huống dạy học, theo Boehrer (1995) “là một câu chuyện, có cốt chuyện và nhân vật, liên hệ đến một hoàn cảnh cụ thể, từ góc độ cá nhân hay nhóm, và thường là hành động chưa hoàn chỉnh. Đó là một câu chuyện cụ thể và chi tiết, chuyển nét sống động và phức tạp của đời thực vào lớp học” (2). Còn theo Nguyễn Hữu Lam (2003), phương pháp tình huống “là kỹ thuật giảng dạy trong các thành tố chủ yếu của nghiên cứu tình huống được trình bày với những người học với mục địch minh họa hoặc các kinh nghiệm giải quyết vấn đề”(3).

Một tình huống hay thường có những đặc điểm chung như sau:

Về mặt nội dung, tình huống phải đảm các yêu cầu như : mang tính chất điển hình, có tính giáo dục cao, chứa đựng mâu thuẩn và mang tính kích thích; tạo được sự thích thú cho người học; nêu ra được những vấn đề quan trọng và phù hợp với người học,…

Về mặt hình thức, tình huống phải có các thể hiện sinh động; sử dụng thuật ngữ ngắn ngọn, súc tích và ẩn danh; được kết cấu rõ ràng, rành mạch và dễ hiểu và có trọng tâm và tương đối hoàn chỉnh không cần phải tìm hiểu thêm

Giảng dạy theo phương pháp tình huống là một phương pháp tiên tiến. Nó giúp người học không phải tiếp nhận những lý thuyết mang tính trừu tượng, mà đi thẳng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nó là phương pháp đào tạo giúp người học tăng cường khả năng suy nghĩ độc lập, phát triển khả nẵng suy nghĩ độc lập, phát triển khả năng suy đoán tình hình, tiếp cận tình huống dưới nhiều góc độ, nâng cao lòng tin về khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn.

Các bước cơ bản trong giảng dạy sử dụng phương pháp tình huống:

Bước 1: Giới thiệu tình huống

Giảng viên cung cấp thông tin, nội dung về tình huống bằng cách phát tài liệu về tình huống qua máy chiếu, giấy khổ lớn, đọc hoặc kể trước lớp, học yêu cầu các học viên đóng vai hoặc nhập vai.

Bước 2: Làm việc độc lập

Dành thời gian để học viên đọc, tìm hiểu, nắm thông tin định hình bước đầu về tình huống. Tùy theo mục tiêu giảng dạy, độ phức tạp của tình huống và quy mô lớp học mà giảng viên sẽ quyết định thời lượng sao cho phù hợp.

Giảng viên cần phải bảo đảm rằng các học viên của mình đã hiểu rõ về tình huống. Sau khi tìm hiểu về tình huống, các học viên phải có khả năng mô tả, đánh giá thông tin, tìm ra những thông tin quan trọng hoặc thông tin còn thiếu trong tình huống.

Giảng viên có thể đưa ra những chủ đề mới, tạo cơ hội để học viên suy nghĩ rộng hơn nội dung của môn học nhằm thu hút sự chú ý và mở rộng kinh nghiệm của họ.

Bước 3: Làm việc nhóm

Học viên được chia thành nhóm để thảo luận tình huống

Nêu rõ nhiệm vụ mà nhóm cần phải hoàn thành, thời gian và cách thức làm việc cũng như trình bày kết quả.

Nhiệm vụ của các học viên khi làm việc nhóm có thể là xác định, mô tả vấn đề; tìm hiểu nguyên nhân cơ bản của vấn đề; các mối quan hệ giữa vấn đề trong tình huống; đề xuất các giải pháp và dự đoán kết quả của giải pháp…

Bước 4: Thảo luận cả lớp

Các nhóm trình bày kết quả làm việc nhóm của mình; giảng viên có thể quyết định các trình bày phù hợp dựa vào khả năng về phương tiện vật chất, thời gian cho phép.

Cả lớp thảo luận về các ý kiến đã trình bày. Sự thành công của cuộc thảo luận mở này sẽ quyết định rất lớn  đến sự thành công của phương pháp tình huống.

Giảng viên có thể chuẩn bị để thúc đẩy cuộc thảo luận chứ không chỉ đạo, áp đặt cuộc thảo luận.

Giảng viên cũng cần chuẩn bị tinh thần sẽ gặp những nhóm thiếu nhiệt tình, hoặc không sẵn sàn tham gia. Việc dự đoán các phản ứng của học viên đối với tình huống sẽ giúp giảng viên hình dung cách thức trình bày, đưa ra những câu hỏi hướng dẫn, cung cấp thêm những thông tin bổ trợ để bảo đảm việc thảo luận thành công.

Khi các học viên thảo luận, giảng viên có thể ghi chép lại, tóm tắt những gì đã đạt được, đưa ra những câu hỏi hướng học viên chuyên tới các mục tiêu khác của tình huống.

Bước 5: Tổng kết

Bước cuối cùng trong thực hiện giảng dạy bằng phương pháp tình huống là giảng viên tổng kết cuộc thảo luận.

Giảng viên có thể yêu cầu học viên tóm tắt những gì mà họ cho là quan trọng, hoặc hỏi học viên họ đã đạt những kinh nghiệm gì qua tình huống.

Giảng viên cũng có thể đưa ra tóm tắt của mình về tình huống gồm những thông tin, yếu tố, những vấn đề quan trọng nhất.

Những lưu ý khi áp dụng phương pháp tình huống

Dạy học bằng phương pháp tình huống chỉ được áp dụng khi giảng viên cung cấp thông tin đầy đủ cho người học; có thể áp dụng để kiểm tra bài cũ hoặc áp dụng thực tiễn cuối bài; chỉ nên đánh giá chứ không nên so sánh tình huống; không áp đặt một chiều, cần tôn trọng ý kiến của người học, luôn cố gắng rút ra nguyên tắc và bài học sau mỗi tình huống; có thể lấy tình huống có thật hoặc là hư cấu. Đặc biệt, không nhất thiết phải kết luận vấn đề sau mỗi tình huống, nhưng nếu đó là vấn đề về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thì phải có sự khẳng định và giải thích rõ ràng cho học viên.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hn 1995, tập 8, tr.496.

2. Nguyễn Thị Phương Hoa (2015), Sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống trong dạy môn giáo dục học, Luận văn thạc sĩ, trích từ Boehrer, J. (1995). How to teach a case. Kennedy School of Government Case Programme, Case No C18-95-1285. Available from http://www.ksgcase.harvard.edu. 

3. Nguyễn Hữu Lam, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright 1/10 /2003.

4. Tài liệu Bồi dưỡng phương pháp sư phạm dành cho giảng viên Quản lý nhà nước (Ban hành theo Quyết định số 2624/QĐ-BNV ngày 05-10-2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: