Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.813.657
Hôm qua:986
Hôm nay:939

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Phát triển kinh tế phi chính thức - một hướng tạo việc làm cho lao động nhập cư thành phố Đà Nẵng

15:38 | 01/11/2017 2192

Người thực hiện:Nguyễn Nữ Đoàn Vy
Khoa LL Mac Lênin - TT Hồ Chí Minh

Đà Nẵng là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương có tốc độ phát triển nhanh về mọi mặt so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sự phát triển kinh tế của thành phố đã tạo ra lực hút rất lớn đối với lao động nhập cư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bên cạnh những đóng góp không nhỏ của người nhập cư đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, người nhập cư đã tạo ra một áp lực lớn về các vấn đề kinh tế - xã hội như: làm tăng đột biến về dân số cơ học, áp lực về việc làm, giao thông, các dịch vụ xã hội cơ bản, gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính, trật tự xã hội đối với các cấp chính quyền…Giải quyết vấn đề này là một bài toán hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách, quản lý đô thị và cả chính quyền nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết không có tham vọng đề cập đến tất cả các giải pháp nhằm khắc phục những tác động nghịch chiều đó mà chỉ với mong muốn tìm hiểu thực trạng việc làm của lao động nhập cư ở thành phố Đà Nẵng, từ đó đề cập đến vấn đề tạo việc làm cho họ thông qua phát triển kinh tế phi chính thức trên địa bàn thành phố.

1. Quan niệm về khu vực kinh tế phi chính thức

Có thể khẳng định rằng khu vực kinh tế không (phi) chính thức là khu vực kinh tế đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước và cũng chưa có số liệu thống kê chính xác về sự đóng của khu vực này đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta vội vàng phủ nhận vai trò của  khu vực kinh tế không chính thức.

Ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, khu vực kinh tế không chính thức có vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư sống ở nông thôn và thành thị đồng thời hỗ trợ tích cực cho khu vực kinh tế chính thức. Đặc biệt ở các đô thị, khu vực kinh tế không chính thức tạo ra nhiều việc làm nhất cho đối tượng là người lao động nhập cư. Do đó, thành phố Đà Nẵng nói riêng và các địa phương khác nói chung cần có cách nhìn nhận đúng đắn về vai trò của khu vực này từ đó có những chính sách phát triển cho phù hợp.

Thuật ngữ “Khu vực kinh tế phi chính thức” đầu tiên do Hart (1973) đề xuất để mô tả một khu vực kinh tế truyền thống ở các nền kinh tế đang phát triển. Nguyên gốc, sự phân biệt giữa khu vực kinh tế chính thức và không chính thức là dựa trên sự phân biệt giữa lao động được trả lương và lao động tự làm.

Năm 2007, Viện Khoa học và Thống Kê (Tổng cục Thống kê) đã đưa ra định nghĩa như sau: Khu vực kinh tế phi chính thức được hiểu ở đây sẽ gồm tất cả các hộ sản xuất kinh doanh chưa có tư cách pháp nhân, chưa đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực phi nông, lâm nghiệp, thủy sản nhưng vẫn sản xuất các hàng hóa dịch vụ để bán hoặc trao đổi trên thị trường. Còn việc làm phi chính thức được hiểu là việc làm không có bảo hiểm xã hội (BHXH) nghĩa là việc làm của cả khu vực kinh tế phi chính thức và có thể một phần việc làm của khu vực kinh tế chính thức. Cho nên nói kinh tế phi chính thức sẽ bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức. Thông thường các nước đang phát triển trên thế giới, khu vực kinh tế phi chính thức giúp 60% lao động tìm được cơ hội việc làm còn ở Việt Nam hiện 82% việc làm có thể coi là việc làm phi chính thức.

2. Thực trạng việc làm của lao động nhập cư ở thành phố Đà Nẵng

Các nghiên cứu của về di dân, nhập cư đã chỉ ra rằng, người nhập cư thường là những người không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Việc làm chủ yếu của họ trước khi nhập cư là làm nông, ở nhà nội trợ… vì phần lớn họ có trình độ học vấn thấp, trình độ tay nghề thấp do đó khi nhập cư ra thành phố thì họ làm rất nhiều nghề hoặc việc làm nặng nhọc, độc hại, với trình độ lao động phổ thông và giản đơn (làm thuê trong các công trường xây dựng, các cơ sở sản xuất/tái chế nhựa, may mặc, da giày, bảo vệ,…), bán hàng rong, giúp việc gia đình… Vì không có hộ khẩu thường trú, thiếu vốn và trình độ chuyên môn cho nên mặc dù có sức khỏe và ở độ tuổi sung mãn nhất nhưng người nhập cư vẫn khó có cơ hội xin được việc làm trong khu vực kinh tế chính thức. Phần lớn họ làm việc trong các cơ sở kinh tế thuộc khu vực phi chính thức, thu nhập thấp và không ổn định, có thể bị mất việc bất cứ lúc nào.

Theo nghiên cứu “Lao động nông thôn di cư ra thành thị - Thực trạng và khuyến nghị” của Nguyễn Đình Long, Nguyễn Thị Minh Phượng (2013), thì thu nhập thấp, lao động nặng nhọc và không ổn định, mặt khác có thể bị mất việc làm bất cứ lúc nào, là hiện tượng khá phổ biến.

Đối với thành phố Đà Nẵng, qua khảo sát cho thấy phần lớnngười nhập cưcó quê quán từ những vùng nông thôn của các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, một số tỉnh Tây Nguyên và miền núi phái Bắcnên trước khi di chuyển đa số họ làm nông là chủ yếu. Khi nhập cư vào thành phố, có 56,46% lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó tỷ lệ người nhập cư có nguồn gốc miền Trung cao hơn so với miền Bắc, người nhập cư từ miền Bắc khi vào Đà Nẵng chủ yếu bán hàng rong; có 36,92%  người nhập cư làm việc thuộc khu vực phi chính thức như làm thợ nề, chạy xe ôm, giúp việc gia đình… Điều này phù hợp với tính chất của thị trường lao động của nền kinh tế đang phát triển đó là số lượng việc làm được tạo ra trong khu vực kinh tế không chính thức là rất lớn. Khu vực này có vai trò rất lớn trong tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Việc củng cố, thúc đẩy và làm lành mạnh hóa khu vực kinh tế này cũng rất cần thiết. Đặc biệt, theo khảo sát, có một số ít người nhập cư vẫn chưa tìm được việc làm tại thành phố Đà Nẵng;một số ít là công chức Nhà nướcvà số còn lại có cơ sở riêng, làm chủ doanh nghiệp tư nhân cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

3. Giải pháp phát triển khu vực kinh tế phi chính thức ở Đà Nẵng

Theo kết quả điều tra, có 36,92% người nhập cư làm việc thuộc khu vực phi chính thức như làm thợ nề, chạy xe ôm, giúp việc gia đình. Thế nhưng hiện nay, khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức ở Đà Nẵng còn không ít vấn đề cần được giải quyết như qui mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh kém, người lao động ít có cơ hội tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Do đó, quản lý Nhà nước đối với khu vực này là hết sức cần thiết, các chính sách phải toàn diện, đồng bộ góp phần tăng cường sự đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế. Muốn vậy, cần phải tập trung vào một số biện pháp cụ thể sau:

Một là, chính quyền thành phố và các cơ quan hữu quan cần nhận thức đúng về sự tồn tại khách quan của khu vực kinh tế không chính thức và vai trò của nó trong việc tạo ra sản lượng, việc làm chứ không chỉ nhìn vào những vấn đề mà khu vực này đang gặp phải như môi trường, điều kiện làm việc không bảo đảm… trên cơ sở đó có những chính sách phù hợp.

Hai là, phát triển kinh tế nhiều thành phần.

Tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển một cách thuận lợi, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân trong đó có bộ phận cá thể, tiểu chủ nên cần tập trung củng cố, khuyến khích các hợp tác xã, các làng nghề truyền thống, kinh tế gia đình, kinh tế trang trại và một số cơ sở, tổ hợp tư nhân có qui mô vừa và nhỏ có thuê mướn lao động tỏ chức sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này sẽ tạo việc làm ổn định và thu hút, sử dụng nhiều lao động, không chỉ lao động nhập cư mà cả lao động địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển công nghiệp nhỏ không chỉ trực tiếp tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn có ý nghĩa trên nhiều phương diện: phù hợp với khả năng về vốn, về trình độ công nghệ…

Ba là, tạo điều kiện về mặt bằng và địa điểm kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực không chính thức ổn định và phát triển. Hiện nay, các hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh thuộc khu vực kinh tế không chính thức đang trong điều kiện rất tạm bợ, khó tiếp cận tới các dịch vụ công. Do đó, chính quyền thành phố cần khảo sát và tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh thuộc khu vực này.

Bốn là, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực không chính thức tiếp cận với nguồn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất. Cần đơn giản các thủ tục hành chính, điều kiện vay vốn, thời gian hoàn vốn… giúp các doanh nghiệp “phi chính thức” có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của người lao động.

Năm là, việc đào tạo nghề cần chuyển đổi theo hướng phù hợp với nhu cầu lao động của khu vực kinh tế không chính thức, mục đích là sau khi được đào tạo, người lao động có khả năng ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào công việc. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo nghề cần phối hợp với các cơ quan chính quyền, đoàn thể tổ chức thực hành trong quá trình học.

Khu vực kinh tế phi chính thức tồn tại như một qui luật khách quan của cuộc sống, bên cạnh những hạn chế của khu vực này như làm mất mỹ quan đô thị, mang tính tự phát và phần lớn là không đăng kí kinh doanh…thì sự đóng góp của khu vực kinh tế này vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố là không nhỏ, với lượng người nhập cư vào thành phố ngày càng đông, áp lực giải quyết việc làm là rất lớn, do đó trước mắt thành phố Đà Nẵng cần thực hiện môt số giải pháp căn bản trên đây gắn với chiến lược dài hạn về di dân, đô thị hóa và phát triển dân số… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương nói chung và lao động nhập cư vào thành phố nói riêng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Quang Bình (2012), Di dân trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam (trường hợp của miền Trung - Tây Nguyên, NXB Lao động xã hội.

2. Lê Đăng Doanh và Lê Minh Tú (1997), Khu vực kinh tế phi chính thức - Một số kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Phạm Văn Dũng (2004), Khu vực kinh tế phi chính thức, thực trạng và vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

4.Nguyễn Đình Long, Nguyễn Thị Minh Phượng (2013),“Lao động nông thôn nhập cư ra thành thị - Thực trạng và khuyến nghị”,Tạp chí Kinh tế và phát triển, (193), tr.58-65..

5. Trang thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: www.danang.gov.vn

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: