Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.818.050
Hôm qua:892
Hôm nay:845

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

09:46 | 21/09/2022 654

Ths. Trần Thị Hồng Hạnh

                                                                                                                           Đơn vị: Khoa Xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Người sáng lấp và rèn luyện Đảng ta, Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Người cảm thông, chia sẻ và dành những tình cảm yêu thương, sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam và tổ chức hội của phụ nữ nhằm hướng đến giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện cho họ phát triển toàn diện và phát huy cao nhất vai trò của phụ nữ và tổ chức hội của phụ nữ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Đồng cảm sâu sắc với thân phận phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và đặt ra yêu cầu bức thiết là phải giải phóng phụ nữ khỏi áp bức, bất công

Sinh thời, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn cảm thông, chia sẻ và dành những tình cảm yêu thương, quý trọng phụ nữ Việt Nam, trong đó có người mẹ của mình. Bởi Người thấy được dưới chế độ phong kiến, rồi dưới ách thống trị thực dân - phong kiến, phụ nữ là lớp người khổ nhất trong những “người cùng khổ”. Người đã vạch trần bản chất của thực dân Pháp trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925) là chế độ “ăn cướp và giết người”, “hãm hiếp đàn bà và trẻ nhỏ”. Thật vậy, những người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giời không chỉ bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ khi là người dân mất nước, mà còn bị chà đạp, xúc phạm và bị đối xử bất bình đẳng ngay trong chính ngôi nhà của mình: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai thì là có con, mười con gái coi như không có con); “Có con phải khổ vì con; Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”; thân làm lẽ, kiếp lấy chồng chung; đời làm dâu “Em đi làm dâu không có mùa nghỉ chỉ có mùa làm”…

 Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc đối với những nỗi đau khổ, bất công mà người phụ nữ phải gánh chịu lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải quan tâm giải phóng phụ nữ khỏi áp bức, bất công: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[1], là không hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên phải gắn sự nghiệp giải phóng phụ nữ với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ là thước đo trình độ phát triển của xã hội. Vì vậy, phải tạo cho phụ nữ bình đẳng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đánh giá rất cao vị trí, vai trò của phụ nữ, tổ chức hội phụ nữ đối với tiến trình dựng nước, giữ nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phụ nữ Việt Nam có truyền thống yêu nước: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời” (diễn ca “Lịch sử nước ta”). Đấy là gương bà Trưng, bà Triệu, từ đầu thế kỉ thứ nhất Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và trong các cuộc đấu tranh từ xưa đến nay có thể nói đều có sự tham gia của phụ nữ. Vì vậy, Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”, “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[2].

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Chính vì vậy, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2-1930) đã ghi nhận vị trí, vai trò của phụ nữ và tổ chức hội phụ nữ: “Nam nữ bình quyền”; "Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được".[3] Đảng phải giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội…) và thành lập tổ chức riêng của mình để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Vì vậy, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng (từ ngày 6-1-1930 đến ngày 8-2-1930) đã quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có tổ chức Phụ nữ Giải phóng. Từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Nghị quyết về Phụ nữ vận động, đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Như vậy, với Nghị quyết Hội Nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất, tháng 10-1930 đã đánh dấu tổ chức hội đầu tiên của phong trào phụ nữ được thành lập chính thức - Hội Phụ nữ Giải phóng, tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày nay. Và từ khi thành lập cho đến nay, được sự quan tâm của Đảng, tổ chức hội phụ nữ đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thật sự như những ghi nhận của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phụ nữ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong mọi giai đoạn, thời kỳ của tiến trình lịch sử dân tộc, từ lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái, chăm lo xây dựng gia đình, học tập, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu… Có thể khẳng định lĩnh vực nào phụ nữ cũng làm tốt và có biết bao tấm gương tiêu biểu, nhiều chị em đảm nhận trọng trách từ Trung ương đến địa phương. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, phụ nữ Việt Nam không những tham gia kháng chiến mà còn cáng đáng việc nhà, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ… Người thấu hiểu cả những sự vất vả, hi sinh thầm lặng đó.

Ngày 8 tháng 3 năm 1965, đánh giá cao những cống hiến to lớn của phụ nữ miền Nam đối với cách mạng, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” và Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Cho đến nay, lời khen tặng với 8 chữ vàng cao quý đó đã trở thành những phẩm chất cao quý, rất đỗi tự hào của phụ nữ Việt Nam.

3. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh Đảng, Nhà nước phải chăm lo, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Người nhận thấy, phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo và làm rất tốt. Khi nói chuyện với Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18-1-1967), Bác đánh giá cao vai trò của cán bộ nữ đồng thời phê bình sự thiếu sót trong bồi dưỡng cán bộ nữ, yêu cầu phải đấu tranh mạnh bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ: Cán bộ nữ còn ít; chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ; nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Người khẳng định, phụ nữ nhiều người công tác rất giỏi, ưu điểm của cán bộ nữ là ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam. Người thẳng thắn phê bình một số cán bộ của Đảng chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ và xem đây như một “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, là tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ. Và càng thẳng thắn hơn khi Người thừa nhận đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng cần phải được khắc phục.

Có thể thấy, ngay từ khi Đảng ta thành lập cùng với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng quan tâm, thực hiện “Nam nữ bình quyền”. Cho đến tận lúc “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin…”, Người vẫn một niềm mong mỏi: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” (Di Chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Như vậy, Người nhấn mạnh Đảng, Nhà nước phải chăm lo, tạo điều kiện để phụ nữ được phát triển một cách toàn diện; cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình; đồng thời chăm lo xây dựng được tổ chức hội phụ nữ thực sự là nơi đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Đó là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và của toàn xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức hội phụ nữ được thể hiện trong các chỉ đạo, định hướng, bài phát biểu của Người tại các Đại hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, tư tưởng của Người về phụ nữ, công tác hội phụ nữ, đoàn kết quốc tế đối với phụ nữ được thể hiện một cách tập trung nhất trong Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ III (tháng 3-1961) với năm khía cạnh. Và kể từ đó cho đến nay, năm quan điểm đó của Người đã mang tính chỉ đạo, định hướng cho phụ nữ Việt Nam và công tác Hội Phụ nữ. Và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam coi đây là phương châm hành động của mình.

“1. Vấn đề đoàn kết – Phụ nữ ta cần phải đoàn kết chặt chẽ chị em các dân tộc, lao động chân tay và lao động trí óc, phụ nữ miền Bắc và miền Nam. Cần đoàn kết với phụ nữ các nước phe ta và phụ nữ tiến bộ thế giới, để đấu tranh cho mục đích chung là hoà bình thế giới và chủ nghĩa xã hội.

2. Trách nhiệm làm chủ - Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hǎng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, vǎn hoá, kỹ thuật.

3. Vấn đề chǎm nom các cháu bé- Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo. Hiện nay có một số cơ quan, xí nghiệp và địa phương đã làm được khá tốt. Hội phụ nữ cần phải phổ biến những kinh nghiệm đó và giúp đỡ chị em các nơi khác tổ chức cho tốt.

Chúng ta phải hết sức quan tâm đến thế hệ cộng sản mai sau của chúng ta.

Ngoài ra, nên cố gắng tổ chức những nhà ǎn công cộng cho tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc.

4. Về Luật hôn nhân và gia đình - Hiện nay vẫn còn nhiều người và nhiều nơi làm trái luật ấy. Vài ví dụ:

- Nhiều người còn ngược đãi vợ và ép uổng duyên con.

- Những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo để phá hoại quyền hôn nhân tự do.

Gặp những vụ phá hoại pháp luật như vậy, chính quyền, chi bộ và Đoàn thanh niên đã đối phó thế nào? Trước hết là đoàn thể phụ nữ đã đối phó thế nào?

Từ nay, đối với nhân dân, chúng ta cần phải tuyên truyền rộng khắp và bền bỉ giáo dục; đồng thời đối với những kẻ phạm pháp thì phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm khắc.

5. Về cán bộ lãnh đạo - Cán bộ đã cố gắng còn phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết nội bộ chặt chẽ hơn nữa, chịu khó học tập hơn nữa, đi sâu đi sát hơn nữa trong các ngành sản xuất, thông cảm sâu sắc hơn nữa với quần chúng và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc, những khó khǎn, phải làm gương mẫu.

Anh em cán bộ các cấp, các ngành thì cần hết lòng giúp đỡ chị em tiến bộ về mọi mặt.

Các đồng chí làm được như vậy, thì phong trào phụ nữ nhất định không ngừng lên cao.

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch nǎm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 nǎm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta.

Mấy lời đề nghị nôm na

Đại hội cố gắng ắt là thành công!”[4]

Tóm lại, sinh thời cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng cảm, dành sự quý trọng và sự quan tâm đặc biệt đối với các tầng lớp phụ nữ và tổ chức hội phụ nữ. Đấy chính là cơ sở quan trọng để Đảng và Chính phủ cũng như chính những tầng lớp phụ nữ không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển trong công tác hội phụ nữ nói riêng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

---------------------------

 

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.300.

[2] Bác Hồ viết trong thư gởi phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 1952. Trích: Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 204.

[3] Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tập 1

 [4] https://sxd.binhphuoc.gov.vn/news/Hoc-tap-lam-theo-tam-guong-dao-duc-Ho-Chi-Minh/Bac-ho-noi-chuyen-tai-Dai-hoi-Dai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-III-thang-3-nam-1961-922.html

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (2011), Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa dân tộc, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

4. Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Đà Nẵng lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2016-2021).

5. Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Đà Nẵng lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2021-2026).

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.300.

 

[2] Bác Hồ viết trong thư gởi phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 1952. Trích: Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 204.

[3] Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tập 1

[4] https://sxd.binhphuoc.gov.vn/news/Hoc-tap-lam-theo-tam-guong-dao-duc-Ho-Chi-Minh/Bac-ho-noi-chuyen-tai-Dai-hoi-Dai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-III-thang-3-nam-1961-922.html

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: