Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.800.116
Hôm qua:1.127
Hôm nay:686

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

70 NĂM TÁC PHẨM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH  – Ý NGHĨA TRONG CÔNG TÁC  XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY

09:45 | 28/04/2022 858

 ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

                                                                   Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

 

Tóm tắt:

Cách đây tròn 70 năm, tác phẩm Tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B đã được đăng trên Báo Nhân dân số 45, ra ngày 14/2/1952. Tác phẩm này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trên nhiều mặt, đặc biệt là đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Tác phẩm Tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài viết ngắn gọn chỉ hai trang giấy với 947 từ, nhấn mạnh đến bốn điều cơ bản cần chú ý trong công tác tự phê bình và phê bình, đó là:

Điều 1- MỤC ĐÍCH: “đoàn kết nội bộ từ trên đến dưới, làm cho công việc tiến hơn; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm (thí dụ: bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa quần chúng...)”[1].

Điều 2- PHƯƠNG HƯỚNG: “mục đích tự phê bình và phê bình thì bất cứ ở nơi nào cũng giống nhau. Nhưng vì công việc khác nhau, nên mỗi nơi (thí dụ: bộ đội, cơ quan, công đoàn...) có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Do đó, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau. Và ở mỗi nơi, trong những thời gian khác nhau, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau”[2].

Điều 3- TRỌNG TÂM: “trong mỗi thời kỳ ắt có một, hai công tác chính (thí dụ: nǎm ngoái, ở vùng không trực tiếp tác chiến, sau việc tạm vay, thuế nông nghiệp là công tác chính của Đảng, Chính phủ và nhân dân). Trong công tác chính ấy, lại có khâu chính (thí dụ: trong công tác thuế nông nghiệp, khâu chính là việc bàn định sản lượng thường nǎm của ruộng đất); đó là trọng tâm của công tác chính ấy. Lúc kiểm thảo phải nhằm vào ưu điểm và khuyết điểm của trọng tâm ấy”[3].

Điều 4- CÁCH LÀM: chia làm mấy bước:

   “Trước tiên, phải đánh thông tư tưởng. Tức là làm cho mọi người hiểu rõ mục đích và lợi ích của cuộc kiểm thảo, làm cho mọi người hǎng hái tham gia, để tránh tình trạng tiêu cực, lo ngại, rụt rè.

    - Nghiên cứu các tài liệu: nghiên cứu những tài liệu về lý luận, để giúp mọi người hiểu thấu sự ích lợi và cần thiết của kiểm thảo; và những tài liệu về chính sách của Đảng và Chính phủ, để lấy đó làm cǎn cứ mà kiểm thảo công việc của mỗi đơn vị, mỗi người. Tài liệu không nên quá nhiều.

    - Kiểm thảo công việc: khi tư tưởng thông rồi, tài liệu đã nghiên cứu kỹ, lúc đó mới kiểm thảo công việc, thật thà tự phê bình và phê bình. Không nên vội vàng, sơ suất, phóng đại. Cần phải gắn chặt công việc với tư tưởng và lề lối làm việc, vì mỗi công việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai.

    - Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên.

    - Cán bộ cấp trên phải trực tiếp lãnh đạo từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc cuộc kiểm thảo. Trong kiểm thảo, phải nêu rõ ưu điểm và khuyết điểm, làm cho việc phải việc trái rõ ràng, làm cho mọi người hiểu rõ và vui lòng thừa nhận…

- Khi kết thúc kiểm thảo, ra sức làm cho mọi người tǎng thêm lòng tự tin (tin chắc mình phát triển được ưu điểm, sửa đổi được khuyết điểm) khiến mọi người khoan khoái, vui vẻ, hǎng hái, để tiếp tục công tác và tiến bộ mãi. Rồi phải đặt chương trình học tập và công tác sắp tới, để mọi người thi đua làm tròn nhiệm vụ...

- Kiểm thảo rồi, không định rõ chương trình học tập và công tác mới, không tìm cách nâng đỡ mọi người tiến bộ hơn (uống thuốc xổ rồi mà không uống thuốc bổ)...

Từ nay, những cuộc tự phê bình và phê bình cần nhằm đúng mấy điểm:

 - Đoàn kết chặt chẽ cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng và toàn dân.

 - Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần thi hành nghiêm chỉnh và triệt để chính sách của Đảng và Chính phủ.

  - Theo đường lối quần chúng, vượt mọi khó khǎn, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”[4].

Theo Hồ Chí Minh, công tác tự phê bình và phê bình muốn có kết quả thiết thực phải thực hiện nghiêm chỉnh bốn điều nêu trên – đó cũng là toàn bộ nội dung của tác phẩm Tự phê bình và phê bình.

Về ý nghĩa của tác phẩm Tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác phẩm Tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời đã 70 năm và chỉ gói gọn trong 947 từ nhưng có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng ở nước ta.

Thứ nhất, vai trò quan trọng của vấn đề tự phê bình và phê bình được nhấn mạnh trong tác phẩm đã trở thành nguyên tắc sống còn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình có mục đích và vai trò đoàn kết nội bộ từ trên đến dưới, làm cho công việc tiến hơn; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt đảng, đồng thời là quy luật phát triển của Đảng. Không chỉ riêng tác phẩm Tự phê bình và phê bình, trong Di chúc, Người cũng căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[5].

Quan điểm này của Người trở thành định hướng quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi ra đời đến nay: muốn xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc; tự phê bình và phê bình là “thang thuốc quý” để chữa các căn bệnh trong Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên tắc tự phê bình và phê bình đã được đưa vào Điều lệ Đảng từ Đại hội II của Đảng năm 1951. Từ đó đến nay, tự phê bình và phê bình trở thành quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong toàn bộ văn kiện Đại hội XIII, công tác tự phê bình và phê bình được chú trọng, đề cập và nhắc đến 11 lần. Cụ thể: trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng có 10 lần nhắc đến cụm từ “tự phê bình và phê bình” và 4/10 nội dung chủ yếu khi mỗi lần nhắc đến đó là sự yếu kém trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên nói riêng, tổ chức đảng nói chung; trong Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có 01 lần nhắc đến cụm từ “tự phê bình và phê bình”, nội dung được nhắc đến vẫn là sự yếu kém trong tính chiến đấu của tự phê bình và phê bình.

Thứ hai, tác phẩm đã đề ra những giải pháp cơ bản góp phần làm cho công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng trở nên hiệu quả, thiết thực

Bốn điều cần làm được Hồ Chí Minh nêu lên trong tác phẩm gồm: MỤC ĐÍCH, PHƯƠNG HƯỚNG, TRỌNG TÂM và CÁCH LÀM là những giải pháp sâu sắc định hướng cho công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng trở nên hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt, trong CÁCH LÀM, Hồ Chí Minh đã xây dựng và phân tích cụ thể từng bước cần tiến hành để tự phê bình và phê bình. Có thể nói rằng, với ý nghĩa như vậy, tác phẩm trở thành cẩm nang quý báu để hướng dẫn công tác tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy Đảng từ cao đến thấp một cách tỉ mỉ, đúng đắn.

          Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Hội nghị Trung ương 4, khóa XI ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; ngày 13-8-2012, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết này. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhìn thẳng vào vấn đề, đánh giá đúng thực trạng công tác tự phê bình và phê bình hiện nay. Về ưu điểm, Văn kiện khẳng định: “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý, coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”[6]. Về khuyết điểm, Văn kiện chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”[7] ; “Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu”[8].

          Nói tóm lại, kỷ niệm 70 năm tác phẩm Tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần nhìn nhận đúng ý nghĩa, giá trị của tác phẩm; đồng thời có hành động cụ thể, phù hợp với vị trí công tác và tình hình thực tiễn. Đây cũng chính là giải pháp thiết thực trong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững manh trong giai đoạn hiện nay./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II.

[2]. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.

[3].  Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, 2011, t.7, tr 317.

[3] Sđd, tr.318.

[4] Sđd, tr.318 – 319.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, 2011, t.15, tr.611.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.179.

[7] Sđd, tr 187-188.

[8] Sđd, tr 187-188.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: