Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.749.790
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

SỰ LỰA CHỌN TẤT YẾU TRÊN HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA HỒ CHÍ MINH

14:36 | 06/12/2021 1021

                                                                                                                                                                                                            Hồ Thị Mỹ Tình

Từ giữa thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung bạo. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đầy biến động, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã chứng kiến biết bao cuộc nổi dậy của nhân dân ta bị dìm trong máu lửa. Một trong những nguyên nhân thất bại của phong trào yêu nước Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là sự khủng hoảng về đường lối, giai cấp lãnh đạo và thiếu một tổ chức để tập hợp, đoàn kết, giác ngộ và lãnh đạo quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Sự lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

          Vì sao Hồ Chí Minh lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho cách mạng Việt Nam?

Thứ nhất, từ cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã hình thành chí hướng cứu nước của Hồ Chí Minh

Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam đến cuối thế kỷ XIX, phong trào yêu nước của nhân dân ta bùng lên và lan rộng trong cả nước. Song, tất cả đều thất bại vì chưa có một đường lối kháng chiến đúng đắn.

Bước sang đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta chuyển dần sang khuynh hướng dân chủ tư sản, với sự xuất hiện của các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội,… Tuy nhiên, tất cả các phong trào đều lâm khó khăn nhất và sớm thất bại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng dân chủ tư sản là vì các phong trào này có những chủ trương không thực tế, dẫn đến sai lầm. Một bộ phận giai cấp tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước, chống thực dân đế quốc xâm lược, nhưng do địa vị của giai cấp tư sản ở thuộc địa không chỉ ít về số lượng mà còn yếu về tiềm lực kinh tế nên không đủ sức lãnh đạo, không thể đưa cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Sự thất bại của Việt Nam quốc dân Đảng vào đầu năm 1930 đã chứng tỏ sự bất lực về vai trò lịch sử của giai cấp tư sản trước nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Thất bại của những phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Câu hỏi đặt ra là muốn cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách cai trị của bọn đế quốc thực dân xâm lược phải đi theo con đường nào và do lực lượng nào lãnh đạo để đi đến thắng lợi? Trước nhu cầu lịch sử đặt ra, cần có một hệ tư tưởng mới, một đường lối đấu tranh mới đủ sức lãnh đạo, dẫn dắt con đường đấu tranh cứu nước, giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Nhiệm vụ lịch sử đó đặt lên vai thế hệ thanh niên yêu nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, trong đó Nguyễn Tất Thành là người tiên phong.

Thứ hai, từ sự khảo sát, nghiên cứu nhằm nắm bắt xu hướng và đặc điểm của thời đại để lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, giải phóng dân tộc.

Hồ Chí Minh bước lên vũ đài chính trị khi chủ nghĩa tư bản có sự chuyển biến từ giai đoạn tự do cạnh tranh lên giai đoạn đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc tăng cường bóc lột đối với giai cấp vô sản trong nước, vừa tranh giành, xâu xé và nô dịch các nước thuộc địa. Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc giải phóng dân tộc không chỉ là nhiệm vụ của một quốc gia nào, mà trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới.    

Để thực hiện hoài bão của mình, Người đã đi và sống ở nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, tận mắt thấy cuộc sống cùng cực, bị bóc lột, bị đàn áp của các dân tộc thuộc địa. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh dần trở thành một chiến sĩ của phong trào cách mạng thế giới. Quá trình này “tưởng chừng như đơn giản và tự nhiên, thực ra đó là một chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được sai lầm dẫn tới ngõ cụt”1.

Tại Hội nghị các nước đế quốc họp ở Vécxay, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thay mặt cho “nhóm người yêu nước An Nam” gửi bản Yêu sách với hy vọng các cường quốc Đồng minh thắng trận mở ra một thời đại mới, thực hiện lời hứa của mình đối với các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa. Khát vọng giải phóng đất nước và thực hiện quyền tự quyết dân tộc là yêu cầu cấp bách.

Tháng 7-1920, báo Nhân đạo đăng hai số bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin để trình bày tại Đại hội Quốc tế Cộng sản. Lênin đã đề cập đến các vấn đề rất quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa; nhấn mạnh chính sách của Quốc tế Cộng sản là phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản.

Luận cương của Lênin đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức của Hồ Chí Minh, Người đã tìm thấy ở đó con đường cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Nói về thời khắc lịch sử được tiếp xúc với Luận Cương, sau này Người viết: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”2.

Từ khi đọc Luận cương của Lênin, Hồ Chí Minh đã hướng niềm tin của mình vào Lênin và Quốc tế III. Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, đặt con đường giải phóng dân tộc theo đường lối chính trị và tổ chức của Quốc tế III, theo con đường cách mạng vô sản. Sự kiện Hồ Chí Minh bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp đã đánh dấu bước chuyển biến về chất trong tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước thành người cộng sản. Hồ Chí Minh, 40 năm sau nhìn lại sự kiện này, đã viết: “… cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”3.     

Với mục tiêu đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác rồi trở về giúp đồng bào và để đòi những quyền tự do đáng được hưởng, đã khẳng định mục tiêu và chí hướng của Hồ Chí Minh có sự khác biệt với lớp cha anh từ khi ra đi tìm đường cứu nước gắn liền với cứu dân, giải phóng dân tộc để giải phóng đồng bào thoát khỏi thân phận nô lệ, bị áp bức. Quan trọng hơn, “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”4. Từ đó, Người đi đến kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”5 và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”6. Như vậy, việc nhận thức được con đường cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản, từ độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội là nhận thức đúng quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, ở đó công lao trước hết thuộc về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 

            Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam để mở ra thời kỳ mới - Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Hồ Chí Minh đã giải đáp được câu hỏi lớn là làm thế nào để giành độc lập, tự do cho dân tộc và lựa chọn con đường, cách thức nào để xây dựng và phát triển đất nước phù hợp với xu thế mới của thời đại. Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ta ra đời khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn mang tính tất yếu và duy nhất đúng đắn của Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không chỉ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là mục tiêu, đường lối chiến lược mang tính nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, góp phần làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ trong đấu tranh giải phóng dân tộc đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gắn với hội nhập quốc tế. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa mở đường cho quá trình xây dựng chế độ mới ở Việt Nam.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới với nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục giữ vững và quán triệt sâu sắc con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Các thế lực thù địch, cơ hội, xét lại vẫn ra sức công kích, chống phá, đặt ra yêu cầu Đảng ta phải tiếp tục kiện toàn, đổi mới phương thức lãnh đạo. Cụ thể: kiên định, giữ vững và quán triệt sâu sắc con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện cơ hội, xét lại chủ nghĩa trong và ngoài nước./.

----------------------------------------

Chú thích:

[1] Song Thành: Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi lạc, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2009, tr.109.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.562.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.740.

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30.

6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.563.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: