Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.750.593
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Đà Nẵng – Hướng đi nào cho tương lai?

16:35 | 14/04/2021 1411

Ngô Thị Nguyệt Nga

Giảng viên Khoa Nhà nước – Pháp luật

       Tháng 10/2020, Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 -2025 diễn ra trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang căng mình đối phó với đại dịch Covid 19 với những khó khăn chất chồng. Lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm sau 20 năm, với GRDP năm 2020 dự báo giảm 9,6%. Tại phiên họp HĐND thành phố tháng 12/2020, lãnh đạo UBND Đà Nẵng cho biết kinh tế đã không thể duy trì được mức tăng trưởng như những năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm và có mức tăng trưởng thấp. “Chỉ 3/11 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt kế hoạch, còn lại không đạt. Ngoài chỉ tiêu GRDP, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ giảm khoảng 8%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 10,5%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 13,1%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 21.742 tỷ đồng, giảm 29,7% so với dự toán được giao. Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng, đây thực sự là "phép thử" đối với năng lực lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo và các cấp của thành phố. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế trong cơ cấu của nền kinh tế, sự chưa bền vững trong quá trình phát triển”(1)

Nhìn lại quá trình hơn 20 năm xây dựng và phát triển, có thể thấy định hướng chung phát triển của thành phố là đúng, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn chưa thực sự tìm ra được trọng tâm để đầu tư một cách thỏa đáng. Từ những năm cuối thập niên 90 cho đến nay, Đà Nẵng tập trung phần lớn nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị thành phố và điều này đã góp phần không nhỏ trong việc vươn lên trở thành một trong những đô thị trung tâm quốc gia, là trung tâm kinh tế - xã hội của cả miền Trung, Tây Nguyên với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Minh chứng cho điều này, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD), gấp 1,3 lần năm 2015 và đạt chỉ tiêu đề ra (NQ: 4.000 – 4.500 USD)(2). Tuy nhiên, công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị của Đà Nẵng vẫn còn tồn đọng các điểm hạn chế. Nghị Quyết 43-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị nêu rõ: Đà Nẵng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình, tốc độ tăng trưởng những năm gần đây có xu hướng giảm sút, và sự liên kết, hợp tác với các địa phương cũng như cả nước cần đạt hiệu quả tốt hơn... Sau khi cơ bản hoàn thành hạ tầng đô thị, Đà Nẵng bắt đầu tìm hướng đi với bản sắc riêng của mình. Những đề án liên tiếp được xây dựng như “thành phố môi trường”, “thành phố thông minh”, “trung tâm khởi nghiệp”, “trung tâm giáo dục” và mới đây nhất là “trung tâm tài chính”. Tuy nhiên, cơ cấu chung của nền kinh tế thành phố vẫn là ưu tiên du lịch – dịch vụ, thương mại, công nghiệp và nông nghiệp. Như vậy dù thành phố có mang những danh xưng gì thì Đà Nẵng vẫn lấy du lịch – dịch vụ làm mũi nhọn kinh tế trong suốt mấy chục năm qua. Lấy lợi thế về cửa ngõ giao thông thuận tiện và vùng biển đẹp, những năm qua Đà Nẵng đã có những bước tiến thần tốc trong phát triển du lịch – dịch vụ với lượng du khách hàng năm lên tới 5-7 triệu lượt. Mặc dù vậy, đầu tư cho du lịch chủ yếu đến từ thành phần kinh tế tư nhân nên phát triển khá manh mún, thiếu tầm nhìn và sản phẩm đặc sắc. Suốt nhiều năm qua, du lịch thành phố vẫn giẫm chân tại chỗ với sản phẩm lưu lại trong mặc định của du khách là tắm biển – ăn uống và …hết. Dù cố gắng tạo dựng những sản phẩm mới như Pháo hoa quốc tế, Dù bay quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Đại hội thể thao bãi biển châu Á… để tạo dựng hình ảnh “thành phố sự kiện” nhưng rốt cuộc vẫn chưa thành công khi pháo hoa chưa tổ chức định kỳ thường xuyên và sản phẩm không được đổi mới; dù bay, thuyền buồm duy nhất một lần. Các cuộc thi marathon quốc tế, Iron man đến rồi đi và không phải ai cũng có thể tham gia, cũng không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Quy hoạch lưu trú, điểm đến du lịch chưa đồng bộ khiến việc xây dựng khách sạn nhà nghỉ ồ ạt dẫn đến nguồn cung lưu trú dư thừa trong lúc điểm đến lại thiếu vắng.

Quay lại mảng dịch vụ, dù cũng được chú trọng đầu tư nhưng vẫn chưa đủ nên các mảng dịch vụ của thành phố vẫn chưa phát triển đúng mức. Ở mảng giáo dục, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cũng mới dừng lại ở việc thu hút được một số sinh viên tại chỗ hoặc vài tỉnh thành lân cận, chưa thực sự nổi lên như một trung tâm đào tạo chất lượng cao của khu vực khiến bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao bao năm qua vẫn thiếu lời giải. Với mảng y tế, các bệnh viện trên địa bàn cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng trung bình, các chuyên khoa sâu bệnh nhân vẫn đổ về thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Với tài chính, hiện tại Đà Nẵng vẫn chỉ là chi nhánh, văn phòng đại diện của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng chứ chưa được các hội sở chính đứng chân.

Xét ở lĩnh vực công nghiệp, tính đến thời điểm này một số KCN được hình thành hơn 20 năm vẫn chưa hoàn toàn được lấp đầy, với quy mô diện tích 1.066,52 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê và đưa vào sử dụng là 703,05 ha, với tỷ lệ lấp đầy chiếm 87,10%. Còn khu CNC mới được tập trung đầu tư gần đây vẫn còn trống vắng. Tính đến tháng 5/2020, Ban Quản lý đã thu hút được 20 dự án, trong đó có 10 dự án FDI với tổng số vốn là 399,6 triệu USD (chiếm 61,4%) và 10 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 5855.9 tỷ đồng, tương đương với 250,95 triệu USD (chiếm 38,6%)(3). Mặc dù đây cũng được coi là một mũi nhọn trong phát triển kinh tế thành phố tuy nhiên đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có được một nhà máy thực sự quy mô có tầm ảnh hưởng khiến cho các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển theo.

Với đặc thù đô thị tập trung nên những năm qua, nông nghiệp thành phố giảm dần cả về quy mô và sản lượng. Sản phẩm nông nghiệp thành phố hiện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu người dân(4).Dù đã phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao, các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng được ban hành, nhưng do vướng quy hoạch đất đai và thủ tục, nên doanh nghiệp vẫn đang phải chờ đợi. Cho đến nay, vẫn chưa có  doanh nghiệp nào được chấp nhận chủ trương đầu tư vào vùng nông nghiệp CNC ở Đà Nẵng. Dù nóng lòng muốn có đất để thực hiện dự án, song doanh nghiệp vẫn phải chờ, hoặc chuyển dự án đến địa phương khác.

Đại dịch Covid 19 dẫn tới việc “đóng biên” đã khiến những nhược điểm của cơ cấu kinh tế chú trọng vào du lịch – dịch vụ lộ ra và rõ nhất là chỉ số tăng trưởng âm của GDP. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 -2025 tiếp tục khẳng định: duy trì cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp, xây dựng – nông nghiệp. Như vậy, định hướng cho những năm tiếp theo trong cơ cấu kinh tế của thành phố vẫn giữ nguyên. Phần còn lại là phải xác định chú trọng đầu tư của thành phố cho đúng trọng tâm – trọng điểm để thực hiện hiệu quả mục tiêu đó. Thiết nghĩ, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho mũi nhọn du lịch dịch vụ bằng cách tạo thêm hạ tầng du lịch thông minh và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch – dịch vụ thông qua phát triển lĩnh vực đào tạo. Thành phố cần hỗ trợ đầu tư trong những sản phẩm du lịch quy mô lớn và liên tục đổi mới, khiến du khách khó quên và sẵn sàng trở lại. Thông qua quy hoạch chung và quy hoạch vùng, thành phố cần định hướng việc phát triển quá mức nguồn cung trong lưu trú, dành nguồn lực phát triển những sản phẩm – điểm đến mới. Với lĩnh vực công nghiệp, TP nên tập trung thu hút 1-2 doanh nghiệp “đại bàng” về làm tổ, từ đó giúp phát triển mạng lưới các doanh nghiệp cung cấp vệ tinh. Với mảng dịch vụ, không gì hơn đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ thương mại, phát triển các trung tâm mua sắm lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của người dân và du khách. Vận tải cần nhanh chóng mở rộng nâng cấp sân bay quốc tế,  đường thủy cần đẩy nhanh dự án Cảng Liên chiểu để biến cảng Tiên Sa thành cảng du lịch riêng biệt, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, khu vực ASEAN và quốc tế. Đối với dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin phải đẩy nhanh hơn nữa dự án Công viên phần mềm số 2. Với tài chính - ngân hàng cần đặc biệt kêu gọi các tập đoàn tài chính tiếp cận, mở văn phòng tại Đà Nẵng, đa dạng loại hình hoạt động, mạng lưới các tổ chức tín dụng và hình thức cung ứng sản phẩm; hệ thống thanh toán hiện đại, đa dạng, dịch vụ ngân hàng điện tử được đổi mới, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng và đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư tư nhân. Từng bước mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ  liên quan đến giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với nguồn lực còn hữu hạn, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường đầu tư công cho các lĩnh vực trọng điểm, không gì bằng việc tạo ra một hành lang thông thoáng, thủ tục nhanh gọn để các nhà đầu tư tiếp cận các lợi thế của thành phố và chính họ mới là nhân tố chính thực thi các định hướng mà thành phố đặt ra trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

(1): https://doanhnhiepkinhte.vn/kinh te da nang lan dau tang truong am/ (7/12/2020)

(2): Nghị quyết đại hội đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, tr23.

(3): https://danang.gov.vn/phat trien cong nghiep cong nghe cao/(12/10/2020)

(4): https://danang.gov.vn/ ho tro manh me hon nua cho phat trien san xuat nong nghiep/(19/10/2018)

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: