Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.819.310
Hôm qua:892
Hôm nay:845

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN VÀ CÁCH SỬA CHỮA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

22:39 | 19/10/2020 1770

CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN VÀ CÁCH SỬA CHỮA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG TƯ TƯỞNG

HỒ CHÍ MINH

                                                       ThS. Hà Vũ Phương Cầm

                                                             Khoa Lý luận cơ sở

      Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền. Đi liền cùng đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng được giao trọng trách giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước và các cơ quan của Đảng.  Quyền lực, danh vị, những đặc quyền, đặc lợi đã làm cho họ, từ những người đã từng quen thử thách nếm mật, nằm gai trong những năm giành chính quyền và những hi sinh trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giờ đây họ ngại khó, ngại khổ, ngại sự phấn đấu hi sinh, ngại học tập để tiến bộ, tự cho mình quyền được hưởng thụ. Vì lợi ích của bản thân mình, họ quên đi trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với Đảng, đối với nhân dân.

      Nhận thấy được điều nguy hại đó, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm  “Sửa đổi lối làm việc”, trong tác phẩm này Người viết: “Trong Đảng ta có người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân”1 và theo Người “Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”2  như “ bệnh tham lam, bệnh  lười biếng,  bệnh  kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ.”3. Đây là thứ giặc nội xâm làm suy thoái biến chất đội ngũ, cán bộ đảng viên.

     Năm 1958, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh ghép chủ nghĩa cá nhân vào một trong ba thứ địch của cách mạng “Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy.”4 “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghiã xã hội.”5 . Đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là một tất yếu trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”6. Trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh lại tiếp tục chỉ ra tác hại của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cá nhân được Người coi như kẻ thù nguy hiểm nhất của đạo đức cách mạng, là căn bệnh mẹ đẻ ra nhiều căn bệnh tai hại khác “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kì việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”7.

      Ngày 3-2-1969, đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, giữa lúc sự nghiệp cách mạng nước ta đang giành được những thắng lợi to lớn, song cũng gặp nhiều thử thách, cam go, đòi hỏi sự cố gắng cao độ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Người đã công bố trên báo Nhân dân tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nội dung tác phẩm đề cập đến hai vấn đề lớn là đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân - hai vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

      Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, lần này, Hồ Chí Minh thẳng thắn vạch rõ sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”,8  “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”9.

     Cách mạng là sự nghiệp lâu dài, gian khó, không phải làm một lần là xong, mà cách mạng phải luôn đổi mới. Chính vĩ lẽ đó, nó đòi hỏi những người  làm cách mạng - cán bộ, đảng viên phải giữ vững lý tưởng và đạo đức cách mạng của mình, không dao động, thóai hoá trước mọi biến cố của hoàn cảnh, phải : Thắng không kiêu, khó không nản, “ giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”10.  Thế nhưng, từ khi đảng cầm quyền, có đảng viên của ta đã tự hài lòng với chiến thắng của mình, không còn sức chiến đấu của người đảng viên “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”11, họ bị rơi vào chủ nghĩa cá nhân.

     Sau khi vạch rõ những thói xấu của chủ nghĩa cá nhân mà một số cán bộ, đảng viên đã mắc phải, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cách sửa chữa chủ nghĩa cá nhân hết sức cụ thể, rõ ràng, mà ngày nay ta thường gọi là giải pháp. Người viết: “Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm. Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.” 12  

     Đối với đảng viên, Người yêu cầu “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ.”13

     Cách sửa chữa này, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mang, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” năm 1969, cách đây hơn 50 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vì, trong những năm qua mặc dù Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định 08 của Ban chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. .. nhưng trong thực tế   Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã chỉ rõ, “tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”. Điều này có nghĩa là không thấy có biện pháp nào mới hơn, chỉ có các biện pháp đó đều làm chưa tốt, do đó, các tiêu cực do chủ nghĩa cá nhân sinh ra vẫn cứ phát triển ngày một nghiêm trọng. Từ “một số ít” đến “một số”, “một số không nhỏ”, “một bộ phận”.

     Đảng Cộng sản Việt Nam, từ một Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền sang một Đảng đấu tranh giữ chính quyền và xây dựng chế độ xã hội mới là một bước chuyển về chất, đòi hỏi Đảng phải có trí tuệ mới, phẩm chất mới “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”14. Để thực hiện được những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới trước những khó khăn, thử thách, chống lại những căn bệnh sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân. Trong Công tác xây dựng đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức nhưng vẫn chú trọng nhiều hơn về đạo đức cách mạng. Sự suy thoái về đạo đức là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng. Không có sự trong sạch về đạo đức thì không thể có sức mạnh vượt qua mọi sự tha hóa ở đời, mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hóa chính là chủ nghĩa cá nhân. Không vượt qua sự tha hóa thì Đảng không còn là Đảng chân chính nữa, nhất là khi Đảng cầm quyền. Khi cán bộ, đảng viên rơi vào chủ nghĩa cá nhân thì đồng thời Đảng sẽ có nguy cơ đánh mất sức mạnh tự bảo vệ và cơ sở xã hội là quần chúng nhân dân. Không được nhân dân tin cậy và ủng hộ thì không một lực lượng nào, một đảng nào có sức sống để tồn tại và phát triển./.

 

Chú thích:

1.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.5, tr.491

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.5, tr.492.

3.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.5, tr.492.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.9, tr.294.  

5,6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.9, tr.298

7.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.9, tr.300.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.12, tr.444-445.

9.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.12, tr.445.

10.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 200, t.6; tr.184.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.12, tr.444

12,13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.12, tr.445.

14.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2000, t.10, tr.5

 

 

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: