Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.801.671
Hôm qua:1.127
Hôm nay:1.080

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Tư tưởng dân chủ, quyền con người, quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập

09:42 | 03/09/2020 1322

       Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, tuyên bố trước đồng bào cả nước và toàn thế giới đến nay đã tròn 75 năm. Đó cũng là khoảng thời gian nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khẳng định. Cũng từ đó cách mạng Việt Nam đã sang trang mới, đã tạo ra thế và lực mới để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để vững bước trên con đường phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới. Bản Tuyên ngôn độc lập của Người chỉ có 1.010 chữ, nhưng không chỉ có ý nghĩa lịch sử lớn lao mà còn có giá trị trường tồn. Những tư tưởng về quyền con người, về quyền dân tộc, về dân chủ… có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, hiện nay và mãi về sau.

1. Về tư tưởng dân chủ

       Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ có một vị trí đặc biệt quan trọng, điều này được thể hiện nổi bật trong Tuyên ngôn độc lập. Dù đây không phải là bài viết bàn về dân chủ của Người, song chúng ta có thể lẩy ra những khía cạnh về tư tưởng dân chủ trong từng câu, từng đoạn của tác phẩm. Ngay từ những câu, đoạn đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập, tư tưởng dân chủ đã được thể hiện hết sức sâu sắc. Đó là khi Người đề cập dân chủ trên phương diện cá nhân thì được thể hiện ở quyền con người, quyền công dân…; còn khi gắn dân chủ với một đất nước thì được thể hiện ở quyền độc lập dân tộc, quyền bình đẳng giữa các dân tộc…

       Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ rằng, trong lịch sử của nhân loại từ khi tồn tại nhà nước thì có nhiều phương pháp thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng nhìn chung 2 loại chính, đó là phương pháp dân chủ và phương pháp phản dân chủ, tương ứng là chế độ dân chủ và chế độ phản dân chủ. Mà chế độ chính trị thực dân Pháp đang thực thi trên đất nước ta chính là chế độ phản dân chủ. Bởi “bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”1, nên có thể gọi là phản dân chủ hoặc là dân chủ giả hiệu.

      Chế độ của thực dân Pháp không cho người dân Việt Nam một chút quyền gì về chính trị, hơn thế nữa, không thực hiện quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, Bác viết, “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. (…) Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”. Như vậy, rõ ràng thực dân Pháp đã triệt tiêu hết những quyền cơ bản của mọi công dân, của nhân dân ta, đó là một chế độ mang tính cưỡng chế, độc tài. Vì vậy, nhân dân ta liên tục vùng lên khởi nghĩa, song bị “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

       Còn chế độ chính trị mà Đảng ta, nhân dân ta lựa chọn và xây dựng đó là chế độ dân chủ. Trong Tuyên ngôn, Người cũng thường xuyên đề cập đến từ dân chủ hoặc nội hàm của dân chủ. Tất cả các cụm từ liên quan đến quá trình giành lại chính quyền, lập nên nhà nước mới và gìn giữ, xây dựng chế độ mới, Người đều đề cao vai trò, vị trí của nhân dân: “Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. (…) Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay…”. Trong cách dùng từ, Hồ Chí Minh đều dùng những cụm từ như dân ta hoặc nhân dân cả nước hoặc toàn dân Việt Nam để muốn nhấn mạnh đó thật sự là một chế độ chính trị do người dân mong muốn, khởi nghĩa giành lại và lập nên. Tức là nhân dân trực tiếp tham gia vào các công việc nhà nước nhằm thực hiện quyền của mình.

       Điều này, Hồ Chủ tịch thể hiện rất rõ trong quá trình xây dựng nhà nước sau này. Người cũng đề cập trong nhiều bài viết của mình, rằng “Đảng cầm quyền” nhưng “nhà nước của ta là nhà nước dân chủ”, “dân là chủ” nên “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Vì vậy, mọi hoạt động nhà nước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phải vì lợi ích của nhân dân lao động: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”[1].

       Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những yếu tố tiến bộ về dân chủ làng xã truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa tư tưởng lý luận dân chủ của phương Tây, nên tư tưởng dân chủ của Người rất thiết thực và có tính nhân văn sâu sắc. Thực hiện và phát huy dân chủ chính là bản chất tốt đẹp, là vấn đề cốt lõi trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.

2. Về quyền con người, quyền dân tộc

       Một trong những nội dung khẳng định tầm cao tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh quyền con người, quyền dân tộc. Khát vọng giải phóng con người gắn liền với giải phóng dân tộc luôn thường trực trong từng con tim, khối óc của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Đặc biệt trong thời điểm lúc bấy giờ, đối với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước thuộc địa thì các quyền đó như một cơn gió mạnh thổi bừng lên ngọn lửa của khát vọng tự do và bình đẳng.

      Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Người đã sống, đã trải nghiệm, đã gặp gỡ, tiếp thu và lĩnh hội được các tư tưởng, học thuyết lớn cả ở phương Đông và phương Tây, của Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên… Và Người nhận ra rằng, “Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”2. Tuyên ngôn độc lập chính là nơi để Người khẳng định khát vọng chảy bỏng vì quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Vì vậy, ngay từ những câu đầu tiên đã làm nức lòng hàng triệu triệu trái tim: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791). “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, nó không chỉ đúng ở Mỹ, ở Pháp hay ở Việt Nam mà đúng ở bất kỳ nước nào trên thế giới.

       Và điều quan trong hơn, Tuyên ngôn độc lập không chỉ là nêu lên quyền con người, mà đã khẳng định nhân dân Việt Nam, cách mạng Việt Nam đảm bảo được quyền con người đó. Khi Bác đề cập đến việc Nhật đảo chính Pháp, dù rằng thực dân Pháp thua chạy song “còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Ngược lại với sự tàn nhẫn và dã man đó, “đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”. Nhân dân Việt Nam đã hành động trên cơ sở của lẽ phải, của truyền thống “thương người như thể thương thân”, đã cứu, đã bảo vệ tính mạng và tài sản cho người Pháp. Đó không chỉ xuất phát từ truyền thống văn hóa nghĩa tình, mà Người ý thức rất rõ về quyền con người và đã chỉ đạo thực hiện quyền con người ngay trong thời điểm hết sức khó khăn, “nước sôi lửa bỏng” như vậy. Điều đó cũng lý giải vì sao ngay cả kẻ thù, khi được tiếp xúc với Bác đều cảm phục, yêu mến Bác.

       Một khía cạnh khác thể hiện tầm cao tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập, đó chính là từ việc đưa ra cơ sở, tiền đề về nhân quyền và dân quyền trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra và kết luận rằng: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. (…) Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Từ việc khẳng định quyền con người, nâng lên thành quyền dân tộc là một sáng tạo, một sự phát triển, một sự đúc kết chân lý thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chân lý này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng như nhiều văn bản pháp lý của quốc tế.

       Thực tế cũng cho chúng ta thấy rằng, quyền con người sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự độc lập, bình đẳng giữa các dân tộc. Độc lập dân tộc chính là cơ sở để thực hiện quyền con người. Đối với dân tộc Việt Nam, ý chí quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc là không hề thay đổi từ xưa đến nay. Kế thừa và phát huy tư tưởng, tinh thần của những áng “thiên cổ hùng văn”, nhất là bài thơ thần Nam quốc sơn hà - được coi là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam: “Sông núi nước Nam, đế Nam ở,/ Rành rành phân định tại sách trời,/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Trong hai câu kết bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lên như có âm hưởng vang vọng của tinh thần, ý chí và khẩu khí bài thơ thần của Lý Thường Kiệt: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dù hai bản tuyên ngôn viết cách nhau tới gần 900 năm, dù cách dùng câu chữ mỗi thời có khác, song cả hai bản tuyên ngôn đều khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền độc lập dân tộc là điều hiển nhiên, “là những lẽ phải không ai chối cãi được”; là lời cảnh báo đanh thép cho bất kỳ thế lực nào có ý định xâm lược; đều khẳng định ý chí sắt đá không lay chuyển của nhân dân Việt Nam quyết giữ vững chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Sau năm 1945, lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và hơn 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã minh chứng điều đó.

       Theo Hồ Chủ tịch, chúng ta cũng cần phải hiểu, độc lập dân tộc chỉ mới là điều kiện cần, bởi muốn đem lại tự do, hạnh phúc cho con người thì phải có một chế độ chính trị thật sự dân chủ, vì nhân dân, vì con người. Như có lần Bác đã nhận định: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”3. Vì vậy, chế độ mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta lựa chọn chính là chế độ xã hội chủ nghĩa. Với sự hiểu biết rộng rãi và trải nghiệm của Người, thì bản chất của chủ nghĩa xã hội rất ưu việt, bởi “không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”4. Theo Bác, cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn với cách mạng xã hội chủ nghĩa thì “mới giành được thắng lợi hoàn toàn”. Đó chính là đích tới của sự giải phóng triệt để con người theo quy luật tiến hóa tự nhiên của lịch sử nhân loại. Đúng như Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng ra khỏi trái đất này”5.

       Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn cuộc đấu tranh giải phóng con người, đem lại tự do, hạnh phúc của con người, của đại đa số nhân dân với việc giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là tư tưởng cốt lõi mà Người đã đúc kết sau suốt quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân… Đó cũng là ước mơ, khát vọng của hơn 25 triệu người Việt Nam và triệu triệu người dân lao động, người dân ở các nước thuộc địa lúc bấy giờ. Vì vậy, bản Tuyên ngôn độc lập cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới.

       Với nghệ thuật viết văn chính luận chặt chẽ, mạch lạc, khúc triết, sắc sảo, lại được cộng hưởng với khí phách ngàn năm của dân tộc, hào khí thắng lợi của Cách mạng tháng Tám vẻ vang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên một bản hùng văn bất hủ. Tuyên ngôn độc lập đã thâu tóm được tinh thần thời đại mới về tư tưởng dân chủ, về quyền con người và quyền dân tộc, coi đó là chân lý phổ quát của nhân loại. Những giá trị lớn lao, những tư tưởng về dân chủ, quyền con người, quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những tư tưởng chủ đạo trên là vũ khí lý luận dẫn đường cho cách mạng Việt Nam đã và đang giành được những thắng lợi to lớn.

       Hiện nay, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng gặp những khó khăn nhất định. Nhưng điều đó không phủ nhận sự lựa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phủ nhận thế giới quan khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường gian nan, đòi hỏi bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sáng suốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức điều này, ngay từ năm 1957, Người đã nhận định: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm… Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”6.

       Muốn thực hiện được điều đó, Đảng ta, Nhà nước ta, nhất là những người lãnh đạo ở Trung ương, ở các cấp, các ngành phải thật sự vì dân, phải thật sự phát huy tinh thần dân chủ, phải thật sự thực hiện tốt quyền con người và quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc. Có như vậy mới được nhân dân tin tưởng, yêu quý. Đó sẽ là cơ sở quyết định để khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ để “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” nhằm đưa nước ta nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ những vận hội mới. Có như vậy dân tộc Việt Nam mới vững vàng trong đấu tranh giữ vững toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, vùng biển, vùng trời. Để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 3, tr. 555 - 557.

2. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Khoa học Xã hội, 1998, tr.185.

3.. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.64.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.610.

5. UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá lớn”, Nxb Khoa học xã hội, H. 1990, tr. 22.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 91-92.

 

ThS. Lưu Thị Tươi

Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 51

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: