Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.814.685
Hôm qua:939
Hôm nay:98

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

C.MÁC VỚI PHƯƠNG ĐÔNG

10:09 | 16/04/2020 983

C.MÁC VỚI PHƯƠNG ĐÔNG

GS.TS Nguyễn Hùng Hậu

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

       (LLCT) - Sinh thời, C.Mác đã có những nghiên cứu rất sâu sắc về đất nước Ấn Độ (một trong những quốc gia tiêu biểu cho phương Đông), thể hiện rõ qua hai tác phẩm nổi tiếng: “Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ” và “Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh tại Ấn Độ”. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng: C.Mác không hề nghiên cứu về phương Đông; học thuyết của Ông chỉ áp dụng được ở phương Tây, chứ không phù hợp với các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Nhận định không đúng đắn này cần bị phê phán, bác bỏ, nhất là khi phục vụ cho ý đồ chính trị muốn xóa bỏ chủ nghĩa Mác ở Việt Nam. Bài viết luận giải những nội dung cốt lõi nghiên cứu của C.Mác ở phương Đông, đặc điểm văn hóa phương Đông làm nền tảng cho sự khẳng định sự phù hợp của chủ nghĩa Mác ở phương Đông.

Trong bài Phê phán sự phê phán thiếu tính khoa học đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (Tạp chí Lý luận chính trị, số 6-2018) và bài Phê phán quan điểm của các thế lực thù địch cho rằng:” Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là đầu thế kỷ XX (Tạp chí Lý luận chính trị Công an nhân dân, số 6-2018), tác giả đã tiến hành phê phán quan điểm cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là đầu thế kỷ XX, ở các nước Tây Âu, chứ không thích hợp với các nước phương Đông lạc hậu như Việt Nam; Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử”, “đã kìm hãm sự phát triển của đất nước”; “Người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu”... Đây là một sự vu khống trắng trợn, phi văn hóa, thiếu tính khoa học của những người phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, một số người trong tầng lớp trí thức “cấp tiến” ở trong và ngoài nước, đã trích dẫn quan điểm của Hồ Chí Minh: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà lịch sử châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(1), từ đó suy diễn rằng, học thuyết của C.Mác chỉ áp dụng được ở phương Tây, chứ không áp dụng được cho các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam; do việc C.Mác không nghiên cứu, không biết gì về phương Đông. Do vậy, chúng ta cần đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái này.

Những người phê phán C.Mác cho rằng, C.Mác chỉ nghiên cứu các nước phương Tây, đặc biệt là Tây Âu; Ông lấy số liệu, dựa trên tư liệu từ phương Tây, đặc biệt là nước Anh để chứng minh cho những quan điểm của mình. C.Mác lấy số liệu, tư liệu chủ yếu từ nước Anh để chứng minh cho chủ thuyết của mình trong bộ Tư bản thì đúng, nhưng cho rằng Ông không hề nghiên cứu phương Đông, không biết gì về phương Đông thì lại hoàn toàn không đúng.

Trong nghiên cứu, C.Mác đã tiến hành chọn ra những mẫu điển hình để tiến hành phân tích, giống như một nhà tự nhiên nghiên cứu tự nhiên. C.Mác cho rằng, nhà vật lý học hoặc giả quan sát các quá trình tự nhiên ở những nơi nào mà các quá trình ấy thể hiện ra dưới một hình thức nổi bật và ít bị che mờ nhất bởi những ảnh hưởng gây nhiễu loạn, hoặc giả nếu như có thể thì tiến hành thực nghiệm trong những điều kiện đảm bảo cho quá trình diễn biến dưới một dạng thuần túy. Trong tác phẩm này (tức trong Tư bản, quyển 1), đối tượng nghiên cứu của C.Mác là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ sản xuất và trao đổi thích ứng với phương thức ấy. Bởi vậy, cho đến nay, theo C.Mác, nước Anh vẫn là nước cổ điển của phương thức sản xuất này. Đó là nguyên nhân vì sao nước đó lại được dùng làm minh họa chủ yếu cho sự trình bày lý luận của C.Mác. Nước phát triển hơn về công nghiệp chỉ nêu lên cho nước kém phát triển cái hình ảnh tương lai của bản thân nước này thôi (Xem Tư bản, Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất, Luân Đôn ngày 25 tháng Bảy năm 1867).

Nhưng để nghiên cứu toàn diện nước Anh, C.Mác đã nghiên cứu cả thuộc địa của nước này, đặc biệt là Ấn Độ. Lý do nghiên cứu này được C.Mác nói khá rõ: “Sự giả dối thậm tệ và tính dã man vốn có của nền văn minh tư sản sẽ lộ ra trần truồng trước mắt chúng ta, khi chúng ta quan sát nền văn minh ấy không phải ngay ở chính quốc, nơi mà nó mang những hình thức đáng kính, mà quan sát nó ở các thuộc địa, nơi mà nó lộ rõ một cách không che đậy”(2). Và khi nghiên cứu về Ấn Độ, C.Mác đã có hai công trình nổi tiếng, đó là Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ (Luân Đôn, ngày 10 tháng Sáu 1853) và Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ (Luân Đôn, ngày 22 tháng Bảy 1853). Như vậy, chỉ trong hai tháng của năm 1853, C.Mác đã có hai tác phẩm nổi tiếng về Ấn Độ, để sáu năm sau, tức tháng Giêng 1859, trong tác phẩm Lời tựa cuốn “Phê phán chính trị kinh tế học”, C.Mác đã đưa ra khái niệm “phương thức sản xuất châu Á”. Những công trình này, chắc những người phê phán C.Mác chưa đọc nên mới có những ý kiến hồ đồ như vậy.

Chúng ta hãy phân tích xem C.Mác đã có những tư tưởng gì về phương Đông, về châu Á nói chung và Ấn Độ nói riêng. Trước hết, khi phân tích trên các khía cạnh như: quy mô địa lý, núi non, đồng bằng, biển đảo, thổ sản, cơ cấu chính trị, ...của Ấn Độ, Ông cho rằng, Ấn Độ là nước Ý của phương Đông; còn về mặt xã hội thì Ấn Độ là Airơlen của phương Đông. Ông cho rằng, Ấn Độ là sự kết hợp lạ lùng của nước Ý và nước Airơlen, của thế giới khoái lạc và thế giới đau buồn, đã được báo trước trong những truyền thống cổ xưa của tôn giáo Ấn Độ. “Tôn giáo này vừa là một tôn giáo của những sự túng dục vô độ, vừa là tôn giáo của sự tu hành khắc khổ,... là tôn giáo của nhà sư lại vừa là tôn giáo của vũ nữ”(3). Đây là phát hiện thứ nhất của C. Mác.

Khi phân tích xã hội Ấn Độ, C.Mác đã đi đến phát hiện, điều mà bản thân các nhà Đông phương học còn không thấy, đó là tính chất ít thay đổi, bất di bất dịch của xã hội Ấn Độ. Ông viết: “Những cuộc nội chiến, xâm lăng, những cuộc chính biến, chinh phục, những năm đói kém, - tất cả những tai họa nối tiếp nhau ấy, dù tác động của chúng với Hin-du-stan có vô cùng phức tạp, mạnh mẽ và tàn phá như thế nào đi nữa, thì cũng chỉ động chạm đến bề mặt Hin-đu-xtan mà thôi”(4). “Dù những thay đổi về chính trị trong quá khứ của Ấn Độ có lớn lao đến như thế nào chăng nữa thì những điều kiện xã hội của Ấn Độ vẫn không hề thay đổi từ thời cổ đại hết sức xa xôi cho đến mười năm đầu tiên của thế kỷ XIX”(5). Những phân tích này không chỉ đúng với Ấn Độ mà còn đối với các nước phương Đông, nơi mà chế độ phong kiến ra đời khá sớm, nhưng lại kéo dài quá lâu. Đây là phát hiện thứ hai của C.Mác.

Nhưng điều phát hiện quan trọng hơn của C.Mác là: “Từ thuở xa xưa, ở châu Á thường thường chỉ có ba ngành quản lý: Bộ tài chính, hay là bộ cướp bóc nhân dân chính nước mình, Bộ chiến tranh, hay là bộ cướp bóc nhân dân các nước khác; và cuối cùng là Bộ công trình công cộng”(6). Ông cho rằng, chức năng tổ chức các công trình công cộng, do điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội, là chức năng kinh tế bắt buộc của các chính phủ châu Á. Chính đặc điểm này quy định tính đặc thù của các nhà nước phương Đông. Điều này thì những người phương Đông cũng không nhìn ra. Đây là phát hiện thứ ba của C.Mác.

Nhưng điều cực kỳ quan trọng mà C.Mác phát hiện ra khi nghiên cứu Ấn Độ, đó là công xã nông thôn. Ông viết: “dân cư Ấn Độ, rải rác ở khắp lãnh thổ của đất nước, sống tập trung trong những trung tâm nhỏ nhờ vào mối liên hệ có tính chất gia trưởng giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công nghiệp,- cả hai tình hình, từ những thời kỳ xa xưa nhất, đã đẻ ra một chế độ xã hội đặc biệt gọi là chế độ công xã nông thôn, chế độ này đã đem lại cho mỗi một đơn vị bé nhỏ ấy cái tổ chức độc lập và cuộc sống biệt lập của nó”(7).

Những người trong công xã, họ thờ ơ, không quan tâm đến những người láng giềng. Theo báo cáo của Hạ viện Anh được C.Mác trích dẫn thì dân cư của những làng Ấn Độ không hề lo lắng đến việc diệt vong và phân chia của cả một loạt các vương quốc; khi làng mạc của họ vẫn nguyên vẹn và không bị thiệt hại thì dù có bị rơi vào quyền lực của một cường quốc nào, hay phải phục tùng một ông vua nào đi nữa, họ cũng ít quan tâm đến, bởi vì đời sống kinh tế trong nội bộ của họ vẫn không thay đổi. “Những công xã tổ chức theo lối gia đình này dựa trên cơ sở công nghiệp gia đình, trên sự kết hợp đặc biệt giữa nghề dệt vải bằng tay, nghề kéo sợi bằng tay và phương thức canh tác ruộng bằng tay,- sự kết hợp đó làm cho những cái đó có tính chất tự cấp tự túc”(8). C.Mác viết: “chúng ta cũng không được quên rằng những công xã nông thôn thơ mộng ấy, dù cho chúng có vẻ vô hại như thế nào chăng nữa, bao giờ cũng là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông, rằng những công xã ấy đã hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất làm cho nó trở thành một công cụ ngoan ngoãn của mê tín, trói buộc nó bằng những xiềng xích nô lệ của cái quy tắc cổ truyền, tước đoạt nó mọi sự vĩ đại, mọi tính chủ động lịch sử. Chúng ta không được quên lòng ích kỷ của những con người man rợ, họ đã tập trung mọi lợi ích của mình trên một mảnh đất nhỏ bé đáng thương, bình thản nhìn những đế quốc lớn sụp đổ, nhìn những hành động tàn bạo không thể tưởng tượng được xảy ra, nhìn dân cư của những thành phố lớn bị tàn sát,- họ đã bình thản nhìn tất cả những cái đó mà chẳng hề suy nghĩ gì hơn là nhìn những hiện tượng của tự nhiên, và bản thân họ đã trở thành miếng mồi yếu đuối của bất cứ một kẻ đi xâm chiếm nào khi kẻ ấy đoái nhìn đến họ. Chúng ta không được quên rằng cuộc sống thiếu phẩm cách, đình đốn, giống như cuộc sống của cây cỏ đó, hình thức tồn tại thụ động ấy, một mặt, đã gây ra những lực lượng tàn phá dã man, mù quáng, không gì kìm nổi, và thậm chí đã biến sự giết người thành một nghi thức tôn giáo ở Hin-đu-xtan. Chúng ta không được quên rằng những công xã nhỏ bé ấy mang dấu ấn của những sự phân biệt đẳng cấp và của chế độ nô lệ, rằng những công xã ấy làm cho con người phải phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài, chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy, rằng những công xã ấy đã biến trạng thái tự động phát triển của xã hội thành một số phận bất di bất dịch do thiên nhiên quyết định trước, và do đó đã tạo ra sự sùng bái thiên nhiên một cách thô lỗ, mà sự thoái hóa thể hiện đặc biệt ở chỗ con người, kẻ làm chủ thiên nhiên, lại phải thành kính quỳ gối trước con khỉ Ha-nu-man và trước con bò Sáp-ba-la”(9). Theo C.Mác, các công xã nông thôn là những nguyên tử đồng nhất không gắn kết với nhau; chúng “không thể hiện một sự mong muốn nào đối với sự tiến bộ xã hội và không hề có một sự cố gắng cần thiết nào để đạt tới sự tiến bộ đó”(10). Có thể nói, đây là những đoạn phân tích rất sâu sắc về công xã nông thôn mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và không phải nhà tư tưởng phương Đông nào cũng nhìn ra. Theo C.Mác, đặc điểm của công xã nông thôn là độc lập, biệt lập, khép kín, không quan tâm đối với bên ngoài (hướng nội), tự cấp, tự túc, là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông, làm hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất, công cụ ngoan ngoãn của mê tín, bị trói buộc bằng những xiềng xích nô lệ của các quy tắc cổ truyền, làm cho nó mất hết mọi sự vĩ đại, mọi tính chủ động của lịch sử; tạo nên cuộc sống ít thay đổi, cuộc sống thiếu phẩm cách, đình đốn, giống như cuộc sống của cây cỏ, là phương thức sinh sống thụ động; làm cho con người phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy; một số phận bất biến do thiên nhiên quy định trước; không thể hiện một sự mong muốn nào đối với sự tiến bộ xã hội và không hề có một sự cố gắng cần thiết nào để đạt tới sự tiến bộ đó;... Đây là một trong những đặc trưng quan trọng của cái gọi là phương thức sản xuất châu Á. Nhìn lại những đặc điểm của làng xã Việt Nam trước kia, mới thấy đây là những tư tưởng thiên tài, mặc dù C.Mác không sống một ngày nào ở phương Đông. Đây là phát hiện thứ tư của C.Mác.

Khi nghiên cứu về Ấn Độ, C.Mác đã phát hiện ra rằng, đây là một đất nước vĩ đại, con người cao thượng trầm tĩnh, dũng cảm, tinh tế hơn và khéo léo hơn người Ý, “một đất nước vốn là chiếc nôi của các ngôn ngữ, các tôn giáo của chúng ta, một nước mà nhìn vào bộ lạc Giát, chúng ta có thể thấy kiểu người Đức cổ đại, còn nhìn vào người Bà-la-môn thì chúng ta có thể thấy kiểu người Hy-Lạp cổ đại”(11); còn lịch sử Ấn Độ nói riêng và phương Đông nói chung mang hình thức lịch sử của những tôn giáo. Đây là phát hiện thứ năm của C.Mác.

Như vậy, khi nghiên cứu về Ấn Độ, C.Mác đã có 5 phát hiện quan trọng, và những phát hiện, phát minh như vậy đối với C.Mác thì nhiều vô kể trải dài trên khắp các lĩnh vực mà ông nghiên cứu. Ph.Ăngghen cho rằng, C.Mác đã nghiên cứu nhiều lĩnh vực, nhưng không một lĩnh vực nào ông nghiên cứu hời hợt cả. Con người của khoa học là như vậy đó. Những người phê phán làm sao hiểu Ông khi không đọc, không nghiên cứu về Ông, nhưng lại nói bừa về Ông. Thật là một thái độ không trung thực, thiếu tính khoa học.

Từ những nghiên cứu về Ấn Độ, trong tác phẩm: “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” năm 1859, C.Mác viết: “Về đại thể có thể coi các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội” (12). Như vậy, cho đến năm 1859, theo C.Mác, từ trước cho đến nay, xã hội loài người đã trải qua bốn giai đoạn, bốn hình thái kinh tế - xã hội, đó là phương thức sản xuất châu Á, phương thức sản xuất cổ đại, phương thức sản xuất phong kiến và phương thức sản xuất tư bản hiện đại. Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa Mác - Lênin đưa ra bốn hình thái kinh tế - xã hội, đó là cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến và tư bản. Vậy, bốn hình thái kinh tế - xã hội do C.Mác nêu ra và của chủ nghĩa Mác - Lênin có trùng với nhau không? Nếu không trùng thì khác nhau ở điểm nào?

Ta thấy rằng, hai hình thái kinh tế - xã hội phong kiến và tư bản thì ở hai quan điểm trên là như nhau, chỉ khác nhau ở hai giai đoạn đầu (phương thức sản xuất châu Á, cổ đại). Giai đoạn cổ đại xảy ra trước phong kiến, phải chăng nó là giai đoạn chiếm hữu nô lệ? Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra ba hình thức sở hữu, bao gồm ba hình thức theo sự phát triển của lịch sử, là sở hữu bộ lạc, sở hữu công xã (nhà nước), sở hữu phong kiến (dĩ nhiên hình thức sở hữu thứ tư là sở hữu tư bản, nhưng hai ông không nói tới). Hình thức cộng đồng bộ lạc vẫn thuộc vào giai đoạn cộng sản nguyên thủy, còn sở hữu công xã - nét đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á thì không thuộc vào giai đoạn chiếm hữu nô lệ. Nhưng có những công xã được Ph.Ăngghen xếp vào thị tộc, bộ lạc. Phương thức sản xuất châu Á không thuộc giai đoạn cộng sản nguyên thủy, không thuộc vào giai đoạn chiếm hữu nô lệ; như vậy, phải chăng nó nằm giữa cộng sản nguyên thủy và nô lệ, nó có dính cuống nhau của mình với chế độ cộng sản nguyên thủy?

Chín năm sau khi xuất hiện khái niệm phương thức sản xuất châu Á, trong thư gửi Ph.Ăngghen ngày 14-3-1868, C.Mác cho rằng, những hình thức sở hữu châu Á hay Ấn Độ là những hình thức ban đầu ở khắp nơi trên châu Âu. Như vậy, cả châu Á lẫn châu Âu đều trải qua hình thức sở hữu châu Á - hình thức sở hữu ban đầu theo đúng nghĩa, hình thức sở hữu công xã hay nhà nước, bởi lẽ ở chế độ cộng sản nguyên thủy chưa có sở hữu, mọi cái đều là của chung; còn chế độ nô lệ, sở hữu thuộc về giai cấp thống trị - chủ nô. Nếu vậy thì châu Á và châu Âu đều trải qua cái gọi là phương thức sản xuất châu Á. Ở châu Âu, đây là giai đoạn quá độ từ cộng sản nguyên thủy sang nô lệ. Điều này được khẳng định qua thư của C.Mác gửi V.Dátxulích năm 1881, khi ông cho rằng giai đoạn công xã nông thôn là giai đoạn quá độ từ sở hữu công cộng sang sở hữu tư nhân, tức quá độ sang chế độ nô lệ. Đến đây, ta thấy phương thức sản xuất châu Á không phải là một phương thức sản xuất độc lập như những phương thức sản xuất khác, mà nó chỉ là giai đoạn quá độ từ cộng sản nguyên thủy sang nô lệ. Nếu vậy thì châu Á và châu Âu khác nhau ở chỗ nào? Điểm khác nhau căn bản chỉ là ở chỗ, nếu ở châu Âu, giai đoạn quá độ này diễn ra tương đối ngắn (so với châu Á), sau đó nó hầu như biến mất trong xã hội nô lệ, phong kiến, thì ở châu Á ảnh hưởng của nó lại hết sức lâu dài, dai dẳng đến tận những năm đầu của thế kỷ XIX (C.Mác), thậm chí cho đến thế kỷ XX - tác giả, từ đó tạo nên những điểm đặc trưng của châu Á khác với châu Âu, phương Đông khác với phương Tây, đặc biệt trên khía cạnh kinh tế, và từ khía cạnh này kéo theo nhiều khía cạnh khác về văn hóa, xã hội.

Do sở hữu công xã, sở hữu nhà nước, nên người sở hữu thực tế, chân chính là công xã, nhà nước; sở hữu chỉ tồn tại với tư cách là sở hữu tập thể về ruộng đất, bởi vậy, không có sở hữu tư nhân (không có chế độ tư hữu) về ruộng đất, và đó là cơ sở của tất cả các hiện tượng ở phương Đông (C.Mác, Thư gửi Ph.Ăngghen, ngày 2-6-1853), là chiếc chìa khóa để hiểu toàn bộ phương Đông (Ph.Ăngghen, Thư gửi C.Mác, ngày 6-6-1853). “Ngay các chế độ da-min-đa-ri và rai-át-va-ri, dù có xấu xa đến thế nào chăng nữa, cũng là hai hình thức tư hữu về ruộng đất, nghĩa là cái mà xã hội châu Á đang rất khát khao”(13). Phát hiện này lại không phải do người châu Á phát hiện ra, mà lại do C.Mác phát hiện ra. Qua đó ta thấy, những người phê phán cho rằng, học thuyết của C.Mác chỉ áp dụng được ở phương Tây, chứ không áp dụng được cho các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam; do Mác không nghiên cứu về phương Đông, không hề biết gì về phương Đông là một sự vu khống trắng trợn nhằm phục vụ cho mục đích chính trị là hạ bệ chủ nghĩa Mác ở Việt Nam. Còn luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn ở trên là nhằm phát triển chủ nghĩa Mác, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, chứ tuyệt nhiên không phải bác bỏ, xét lại chủ nghĩa Mác như những kẻ phê phán C.Mác xuyên tạc. Thực tiễn đã chứng minh, một số nước phương Đông, như Việt Nam với cơ sở nền tảng là chủ nghĩa Mác, đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng có ý nghĩa lịch sử, là những bằng chứng đanh thép nhất để bác bỏ những quan điểm sai lầm trên.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.509-510.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (13) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.9. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, tr. 291-292, 171, 172, 174, 172, 175, 176, 177-178, 289, 291, 287.

(12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội 1971, tr.440.

(Người sưu tầm: Nguyễn Nữ Đoàn Vy)

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: