Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.791.308
Hôm qua:1.268
Hôm nay:37

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

NHỮNG KHÓ KHĂN PHỔ BIẾN NHẤT KHI TIẾN HÀNH MỘT GIỜ THẢO LUẬN TRÊN LỚP

14:02 | 09/10/2019 2194

NHỮNG KHÓ KHĂN PHỔ BIẾN NHẤT KHI TIẾN HÀNH MỘT GIỜ THẢO LUẬN TRÊN LỚP

  1. Tâm lý e ngại, thụ động của một bộ phận học viên trước và trong giờ thảo luận

Thảo luận là một hình thức tổ chức học tập trên lớp, yêu cầu tối thiểu trong một giờ học thảo luận buộc người học viên phải có sự tham gia vào quá trình thảo luận, tranh luận, làm việc nhóm cùng nhau. Điều này tạo nên sự sôi nổi cần thiết cho giờ thảo luận, từ đó mới kích phát được các ý tưởng độc đáo, nhấn mạnh và khẳng định lại các kiến thức đã học, mở rộng phạm vi vấn đề đã học ở thực tiễn phong phú. Nếu giờ thảo luận chỉ diễn ra một chiều hay chỉ một vài người thực sự tham gia thì những mục tiêu kể trên là không đạt được, cũng sẽ là sự thất bại của giờ thảo luận.

Để đạt được yêu cầu tối thiểu đó, hiện nay các giờ thảo luận ở trường ta vướng phải hai vấn đề chủ yếu:  

Một là sự thụ động của một bộ phận học viên trong việc chuẩn bị trước các nội dung sẽ thảo luận tại nhà. Thứ nhất là vì họ khá bận rộn với các công việc cơ quan và gia dình  nhưng lý do quan trọng hơn là họ chưa hình thành được thói quen chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Thứ hai là vì tâm lý ỷ lại, chỉ muốn lên lớp tham gia ở mức độ tối thiểu, dựa dẫm việc chuẩn bị nội dung cũng như nhiệm vụ thuyết trình trên lớp lại cho một vài thành viên tích cực trong nhóm nhỏ hoặc trong tập thể lớp. Vậy là nếu giảng viên không có phương pháp phù hợp, giờ thảo luận sẽ chỉ xoay quanh một vài gương mặt, cá nhân quen thuộc mà không có được sự tham gia của toàn thể lớp học.

Hai là sự thụ động của một bộ phận học viên trong giờ thảo luận. Có rất nhiều trường hợp học viên ngại phát biểu, không đưa ra ý kiến hoặc chỉ tham gia khi được chỉ định. Thứ nhất là vì tâm lý ỷ lại, dựa dẫm đã nêu trên. Thứ hai là họ không có được sự tự tin cần thiết, lý do có thể là vì không chuẩn bị trước nội dung ở nhà hoặc vì rụt rè, ít nói nên ngại nói trước đám đông. Sự thụ động này có thể làm không khí giờ thảo luận bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, làm triệt tiêu động lực của những thành viên khác - muốn chia sẻ tham gia nhưng khi nhìn xung quanh không ai tham gia thì lại e ngại theo

  1. Khả năng bao quát lớp, điều hành thảo luận của một số giảng viên còn hạn chế

Khả năng bao quát lớp, điều hành thảo luận của giảng viên là rất quan trọng, đặc biệt trong hai trường hợp sau:

Một là khi lớp khá thụ động, rụt rè, buổi thảo luận chỉ diễn ra một chiều, ít có sự tham gia của các thành viên trong lớp. Khi đó, vai trò điều hành, cầm chịch của người giảng viên là rất cần thiết. Trong trường hợp này, một số giảng viên do thiếu kỹ năng nên vẫn không có sự thay đổi cần thiết. Kết quả là giờ thảo luận diễn ra tẻ nhạt, hình thức, gây mệt mỏi lê thê cho tất cả các thành viên tham gia.

Hai là diễn biến ở chiều ngược lại, khi lớp học thảo luận quá sôi nổi, có một hoặc nhiều vấn đề nóng mang tính thời sự được nêu ra, các thành viên tranh nhau phát biểu với cảm xúc ngày càng được đẩy lên cao, thậm chí xuất hiện nhiều tư tưởng thái quá, bắt đầu chệch hướng trong quá trình phản biện, lớp học dần rơi ra khỏi sự kiểm soát của giảng viên. Nếu giảng viên thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm, trong trường hợp này sẽ bị “cướp diễn đàn”, đánh mất vai trò, làm cho buổi thảo luận trở nên rất mất trật tự, đi chệch các định hướng ban đầu, dễ phát sinh các sự cố không mong muốn trong quá trình thảo luận tranh biện.

  1. Chưa có cơ chế phù hợp để nâng cao trách nhiệm của người học viên đối với giờ thảo luận

Từ trước đến nay, giờ thảo luận được tính như một buổi học, nhưng không hề có sự kiểm tra đánh giá nào về mặt điểm số, kết quả đối với việc tham gia vào giờ thảo luận của người học viên. Ví dụ như mức độ tham gia (thuyết trình, phản biện, góp ý xây dựng…); tinh thần và ý thức khi tham gia thảo luận; (tự giác tham gia, tham gia nhiều vấn đề); có được những ý kiến hay, xuất sắc, độc đáo…

Cá nhân tôi cho rằng, nếu không có được một cơ chế đủ mạnh (về điểm số, về đánh giá rèn luyện, về điều kiện thi…) để vừa kiểm tra ràng buộc, vừa khuyến khích cho học viên thì rất khó để kêu gọi họ tham gia ở mức độ cao vào các giờ thảo luận, bởi thực trạng học viên hiện nay, sức ỳ trong tâm lý khi tham gia học vẫn còn rất lớn, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

  1. Kết luận

Dù chỉ ra nhiều khó khăn sẽ diễn ra khi tiến hành giờ thảo luận, cá nhân tôi vẫn khẳng định giờ thảo luận là rất quan trọng và cần thiết trong chương trình Trung cấp lý luận Chính trị, với đặc thù cần gắn kết thật nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, những giờ thảo luận sẽ là sự bổ sung tốt đối với yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo hiện nay của chúng ta.

Từ thực tế đó, cần thiết tiến hành được một buổi thảo luận đúng nghĩa với đầy đủ sự bổ ích của nó, trong đó các thành viên được hệ thống, đối chiếu bài mình vừa học với những vấn đề thực tiễn, mở rộng các vấn đề đã học theo những hướng mà mình quan tâm, tranh luận phản biện để ra vấn đề, hiểu vấn đề và thêm tin tưởng vào những gì mình đã học.

Do vậy, nếu không giải quyết hết được những khó khăn nêu trên, sẽ rất dễ dẫn đến xu hướng “hình thức hóa” giờ thảo luận, từ đó đánh mất đi tính bổ ích và ý nghĩa rất quan trọng ban đầu của một giờ thảo luận.

Đoàn Trấn Vũ – Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: