Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.747.738
Hôm qua:752
Hôm nay:705

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ và yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị hiện nay

16:59 | 07/12/2017 2760

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ và yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị hiện nay

Th.S Lưu Thị Tươi
Khoa Nhà nước và Pháp luật

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác đào tạo cán bộ. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong sách Sửa đổi lối làm việc, rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (1). Bởi muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng thì phải có đội ngũ cán bộ làm nòng cốt, mà muốn có đội ngũ cán bộ tốt, ngoài năng lực tự thân, quá trình rèn luyện qua thực tiễn, thì một yêu cầu rất quan trọng là việc đào tạo, bồi dưỡng họ. Vì vậy, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ và yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị hiện nay là hết sức quan trọng.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Là lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đến việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Sau hơn 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngay khi Nguyễn Ái Quốc xác định được con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, Người đã xác định nhiệm vụ lúc này là huấn luyện, trang bị lý luận cho cán bộ. Người đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, các bài giảng của Người cho các học viên sau này được tập hợp lại thành tập sách Đường Cách mệnh. Bên cạnh đó, Người còn lựa chọn, cử những những thanh niên ưu tú trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội sang học tập tại trường Đại học Phương Đông do Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Liên Xô. Những hoạt động đó đã đào tạo ra nhiều lớp cán bộ từ thanh niên trẻ tuổi làm đội ngũ cán bộ tương lai cho Ðảng ta sau này khi Ðảng ra đời. Nhờ vậy, những thế hệ cách mạng đầu tiên của Việt Nam có được tri thức cách mạng khá vững vàng, có đường lối cách mạng đúng đắn, đã lãnh đạo và tổ chức thành công các phong trào cách mạng.

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ đảng viên. Trong rất nhiều bài nói và bài viết của mình, Người thường xuyên khẳng định phải học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, phải dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận là những việc cần kíp của Đảng (2). Để đào tạo được một cán bộ giỏi không phải là công việc dễ dàng mà rất công phu, vì vậy “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây trồng quí báu” (3). Đến tận cuối cuộc đời, trong Di chúc của mình, Người một lần nữa nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, vì vậy, “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” (4). Tư tưởng ấy thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng “lo hôm nay và lo cho muôn đời sau”. Với sự quan tâm sâu sắc của Người, Đảng ta đã mở rất nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của cách mạng.

Đặc biệt, Đảng ta đã thành lập hệ thống trường Đảng để đào tạo lý luận cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”. Trong huấn luyện cán bộ, Người luôn nhắc nhở: học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Người nói “Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích; làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạm, vừa hay vấp váp”. Người dạy cán bộ phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy “Học, học nữa, học mãi” của Lênin, phải nâng cao trình độ về mọi mặt của người cán bộ mới đáp ứng được những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi cả về chuyên môn, không hiểu biết, không giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì người cán bộ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tóm lại, những quan điểm cơ bản của tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ là những di sản quý giá, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nước ta. Giai đoạn hiện nay, Đảng ta cũng khẳng định, trước những biến động phức tạp của tình hình chính trị thế giới, những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường thì công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa quan trọng.

2. Yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị hiện nay

Sau hơn 30 năm đổi mới, công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay là khá toàn diện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống trường chính trị từ Trung ương xuống địa phương được xây dựng khá bài bản, khang trang. Công tác giáo dục lý luận chính trị đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, năng lực điều hành, quản lý của chính quyền và các đoàn thể; giúp cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, đạo đức lối sống và năng lực công tác. Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, đưa đất nước ta đạt những thành tựu quang trọng, có ý nghĩa lịch sử.

Tuy nhiên, chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị nhìn chung chưa cao, còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số “khuyết điểm trong sự huấn luyện” cán bộ được Bác Hồ nêu trong sách Sửa đổi lối làm việc từ năm 1947 đến nay dường như vẫn còn hiện hữu. Đó là việc đào tạo ít gắn với công việc chuyên môn; “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”; “lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng” (5) … Đảng ta cũng đã nhận định trong văn kiện Đại hội XII: "Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ" (6). Vì vậy, yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị hiện nay là hết sức cần thiết.

Có không ít quan điểm cho rằng dạy lý luận chính trị thường khô khan, rất khó để giảng cho hay, cho hấp dẫn. Điều đó nói lên sự khó khăn của người giảng viên trường chính trị. Làm một giảng viên đạt đủ tiêu chuẩn đã khó, làm một giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tốt lại càng khó khăn hơn, bởi đây là lĩnh vực đào tạo đặc thù. Muốn nâng cao được chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, người giảng viên phải thật sự tâm huyết, say mê với nghề, đòi hỏi phải có sự đầu tư xứng đáng. Giảng viên tự thân phải có sự cố gắng cả về nghiên cứu khoa học, kiến thức chuyên môn, về phẩm chất đạo đức, về nghệ thuật sư phạm và còn phải biết gắn lý luận với thực tiễn…

Mỗi thầy cô có một cách tiếp cận, phương pháp giảng dạy riêng của mình. Theo tôi, để nâng cao được chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, người giảng viên phải làm chủ được kiến thức chuyên môn, chuẩn bị kỹ bài giảng, có khả năng thuyết trình, khả năng xử lý tình huống, nắm bắt được những vấn đề mang tính thời sự của đất nước, của địa phương để liên hệ. Bên cạnh đó, họ còn phải hiểu đối tượng mình dạy là ai, nên truyền đạt những nội dung gì là trọng tâm với phương pháp, phương tiện gì là phù hợp… Nếu người giảng dạy lý luận chính trị nắm vững các yêu cầu đó, có sự quan tâm, đầu tư cho từng buổi giảng của mình, họ sẽ làm cho bài giảng chính trị trở nên sinh động, sát với thực tế và đối tượng học viên. Qua đó họ sẽ thuyết phục được học viên, được học viên tôn trọng vì thấy bài học có ích đối với bản thân, cơ quan và địa phương mình.

Người giảng dạy lý luận chính trị không chỉ chuyên tâm nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về kiến thức chuyên môn, mà phải luôn cập nhật tri thức, tình hình thời sự thế giới, trong nước cũng như của địa phương. Họ không chỉ ngồi trong phòng đọc báo, tài liệu mà phải thường xuyên sâu sát ở địa phương, tăng cường đi cơ sở, tìm kiếm tư liệu từ thực tế làm tư liệu cho bài giảng của mình. Nói chung, bài giảng phải bám sát thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước, phải mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh được các vấn đề từ thực tiễn. Tuy nhiên, là người giảng dạy lý luận chính trị, họ không chỉ phản ánh sự kiện, mà họ còn phải biết phân tích sự kiện, tìm ra hiện tượng và bản chất của vấn đề để định hướng đúng - sai theo quan điểm của Đảng, để phê phán hoặc khen ngợi, định hướng dư luận…

Trong giảng dạy chính trị, đành rằng phương pháp thuyết trình vẫn có vai trò quan trọng, song các giảng viên cũng cần phải đổi mới, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, để lôi cuốn người học, coi “người học là trung tâm”. Nếu đơn giản áp dụng phương pháp thuyết trình thì buổi học sẽ dễ đơn điệu, nhàm chán. Các giảng viên cần có phương pháp lôi cuốn học viên vào bài giảng nhằm phát huy khả năng của học viên, cùng chia sẻ, bàn luận, trao đổi nội dung bài học… thì buổi học sẽ sinh động và mới đạt hiệu quả cao hơn. Nhất là đối tượng học viên của chúng ta phần lớn là những cán bộ, đảng viên giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, có thâm niên, kinh nghiệm trong công tác… Vì vậy, ta có thể áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực cho người lớn như phương pháp hỏi - đáp, phương pháp làm việc theo nhóm, phương pháp đóng vai, phương pháp nghiên cứu tình huống… để người học rèn luyện tư duy, khả năng nói trước đám đông, kỹ năng làm việc tập thể, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, giảng viên cũng phải ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào quá trình giảng dạy, sử dụng trình chiếu, lồng ghép âm thanh, hình ảnh nhằm giúp cho bài giảng sinh động, phát huy tối đa khả năng nhận thức, ghi nhớ, sáng tạo của người học.

Ngoài ra, muốn nâng cao được chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giảng viên, còn đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ cả về nội dung chương trình, về phương pháp tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, về quy mô lớp học, về thời gian học, về kinh phí đào tạo, về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ với các cơ sở đào tạo...

Nói chung, khi chúng ta thực hiện thành công việc nâng cao được chất lượng giảng dạy lý luận chính trị sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, là giảng viên trường chính trị, chúng ta phải xây dựng thói quen “học tập suốt đời” để luôn có ý thức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt mới đáp ứng được những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước. Nhất là trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại khoa học - công nghệ phát triển nhanh như vũ bão hiện nay, yêu cầu đó càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết./.

Chú thích:

1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H, 2000, tập 5, tr 269

2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H, 2000, tập 6, tr 167

3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H, 2000, tập 5, tr 273

4) Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969 http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=347008

5) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG, H. 2000, t.5, tr.269-270.

6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều