Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.797.296
Hôm qua:1.174
Hôm nay:1.127

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Nhìn lại sự kiện lịch sử 5-6-1911: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

21:53 | 29/09/2017 3336

 NHÌN LẠI SỰ KIỆN LỊCH SỬ 5-6-1911: BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC

105 năm đã qua đi nhưng đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đã trở thành một sự kiện không thể nào quên, bởi cũng từ ngày ấy một thời đại mới của dân tộc được mở ra: thời đại độc lập, tự do! Hành trang mang theo của Người không có gì ngoài lòng yêu nước và khát khao độc lập cho dân tộc; chính điều đó đã cho Người vượt qua tất cả những khó khăn để tìm đường cho cách mạng Việt Nam. Hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, cùng cuộc gặp “định mệnh” với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam; tìm được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản; đưa đất nước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

LÊ THỊ CẨM NHUNG
Khoa lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

Có lẽ, đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày 5-6-1911 đã trở thành sự kiện in sâu trong tâm thức, trở thành một niềm tự hào - tự hào về một người con vĩ đại của dân tộc. Người con ấy đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, mang trong mình lý tưởng: “ Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đây là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”. Đó là chuyến đi lịch sử, mở ra thời đại mới của dân tộc; và câu chuyện thế kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bắt đầu từ đây.

Lịch sử Việt Nam trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại gắn liền với công lao của các vị anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi…Điểm chung mà ta bắt gặp ở họ đó là sự khát khao tự do và lòng yêu nước, chính điều đó giúp họ trở thành bất tử trong dòng lịch sử dân tộc. Người đã từng nói: “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Trở lại với tình hình thế giới và Việt Nam giữa thế kỷ XIX, với “trào lưu thực dân” chủ nghĩa đế quốc phương Tây bành trướng xâm lược phương Đông; năm 1858 Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, nhân dân Việt Nam với lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc đã anh dũng chống trả quyết liệt bọn xâm lược nhằm giải phóng dân tộc với tinh thần: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”. Nhưng triều đình phong kiến thì bạc nhược, khiếp sợ không ủng hộ những tư tưởng tiến bộ trong đấu tranh của nhân dân nên nước ta rơi vào tay giặc.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuy có nhiều chuyển biến về tình hình kinh tế, xã hội, tư tưởng nhưng phong trào giải phóng dân tộc vẫn bế tắc, không có đường ra. Con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng tỏ ra bất lực. Nhân dân Việt Nam trước sau vẫn một lòng nồng nàn yêu nước và khát vọng giành độc lập, nhưng những người cầm đầu phong trào không phát huy được sức mạnh yêu nước của nhân dân, không đáp ứng được nguyện vọng bức thiết sâu xa của quần chúng; vì thế phong trào giải phóng dân tộc vẫn đi vào ngõ cụt.

Khi cả dân tộc đang đắm chìm trong đêm dài nô lệ, chưa tìm được lối ra cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thì Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911, tại bến cảng Nhà Rồng là thời gian đánh dấu cho sự kiện đó. Hành trang của Người là tấm lòng yêu nước, thương dân, hoài bão cứu nước, cứu dân. Tình cảm và khát vọng đó đã được nảy nở và hình thành từ một thanh niên có tư chất thông minh, sớm hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ. Thầy Vương Thúc Quý - người thầy đầu tiên của Người lúc còn tuổi niên thiếu đã khen những vế đối của Nguyễn Tất Thành “thể hiện được ý chí và hoài bão lớn”; Người cũng sớm bị cuốn hút bởi những vần thơ dậy sóng của Phan Bội Châu khuyên các sĩ phu từ bỏ con đường văn chương thi cử lỗi thời để lo nghĩ việc cứu nước, cứu nhà.

Vào trạc tuổi 13, khi theo học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở Thành phố Vinh, lần đầu tiên Người được biết khẩu hiệu “ Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã bộc lộ những suy nghĩ khác thường. Người kể lạị “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái…Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những chữ ấy”[1]. Và có lẽ ý định xuất dương cũng bắt đầu từ đây! Sau này, khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông về ý định xuất dương, Người nói rõ hơn: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[2]

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới; đặc biệt là từ ngày được theo cha đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau, biết bao điều mới mẻ, được nghe những buổi bình đọc “tâm thư”, những cuộc trao đổi, bàn luận của ông cha về con đường cứu dân, cứu nước thì Người đã “ngày đêm trăn trở, suy nghĩ về những điều mà các bậc sĩ phu đang bàn luận”. Những điều đó “thôi thúc mạnh mẽ ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào của cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung”[3].

Rất khâm phục những người đi trước, bởi đó là những tấm gương về nhiệt huyết chống giặc cứu nước, song chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Theo Người, “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Đó là một sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng cách làm còn nặng cốt cách phong kiến”. Việc Nguyễn Tât Thành từ chối lời mời của Phan Bội Châu đưa Anh sang Nhật là một minh chứng cho sự hiểu biết và phân tích khoa học về con đường cần đi. Và theo Trần Dân Tiên, “Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi”.

Người thiếu niên 15 tuổi ấy đã nung nấu một lòng yêu nước, đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, không chịu thu mình trong luỹ tre làng, không muốn dựa dẫm vào những một cái gì đó có sẵn, mà muốn giao lưu, hội nhập, phóng tầm mắt ra thế giới. Chế độ thực dân phong kiến - như Người đã nhận xét - đã biến Việt Nam thành một địa ngục. Chúng ta không những mất độc lập, và vì mất độc lập mà không có một chút tự do, dân chủ, bình đẳng nào. Nhân quyền, nhân phẩm bị chà đạp. Những khái niệm Tự do, Bình đẳng, Bác ái hoàn toàn xa lạ với phương Đông, và nó cũng trái ngược với những gì thực tế đang diễn ra hàng ngày dưới mũi súng và gót giày của thực dân. Đó cũng là lý do vì sao Người muốn làm quen với các nền văn minh, mà trước hết là văn minh Pháp; muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy. Và điều quan trọng hơn là Người muốn đến tận nơi; xem cho rõ. Ở Việt Nam, cũng là một thực tế rồi; “Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ”. Nhưng như Người nhận xét: Người Pháp ở Pháp khác người Pháp ở Việt Nam. Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương.

Mang trong mình những trăn trở về nỗi đau của dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết rằng: Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải sang Pháp, học chữ Pháp. Và ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, đã nhổ neo rời cảng Sài Gòn, cũng là bắt đầu thời điểm của chuyến đi thế kỷ, chuyến đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyến đi kéo dài đúng 40 ngày trên biển, là một bước nhảy táo bạo vào một thế giới chưa hề quen biết, cũng là sự bắt đầu một chặng đường kéo dài 30 năm của một người con mất nước sống lưu vong.

Sau 7 năm sống lưu vong ở nước ngoài, Người đã đi làm thuê bằng nhiều nghề để tìm cơ hội học tập, tìm hiểu nền chính trị xã hội và thực sự bắt đầu cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh đã trải qua hàng loạt nghề để kiếm sống: bồi tàu, quét tuyết, đầu bếp khách sạn, sửa ảnh, chụp ảnh, viết báo…Và cũng trong thời gian này Người đã có cuộc “gặp gỡ” định mệnh với Lê nin ở Paris qua “Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp tục hoạt động không mệt mỏi, vừa nghiên cứu lý luận vừa hoạt động thực tiễn, xây dựng học thuyết giải phóng dân tộc để truyền vào Việt Nam, chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức cho ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giành độc lập, tự do.

Từ năm 1921 trở đi, trong khoảng 10 năm, Nguyễn Ái Quốc thiết kế hai lộ tuyến để chuyển tải tư tưởng khoa học và cách mạng vào Việt Nam. Lộ tuyến thứ nhất từ phía Bắc xuống, gồm ba địa bàn chủ yếu: Pháp (1921-1923); Liên Xô (1923-1924); Trung Quốc (1924-1927), trong đó địa bàn Trung Quốc có ý nghĩa trực tiếp chuẩn bị đầy đủ các mặt về lý luận, cán bộ, phương pháp tổ chức cho sự ra đời của Đảng. Lộ tuyến thứ hai từ phía Tây sang với địa bàn Xiêm (1928-1929). Tại đây, Người đào tạo, huấn luyện cán bộ, vận động, tuyên truyền, tổ chức quần chúng, đưa lý luận giải phóng dân tộc vào Việt Nam. Với cách làm khoa học, chu đáo, học thuyết giải phóng dân tộc mang dấu ấn, tư duy Hồ Chí Minh được thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, dẫn tới sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản ở ba kỳ trong vòng sáu tháng từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930. Sự ra đời các tổ chức cộng sản là một đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Vấn đề đặt ra là phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức duy nhất để tạo sức mạnh về tư tưởng và tổ chức. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ đó một cách xuất sắc, hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu 1930. Sự kiện này chứng tỏ giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Phong trào giải phóng dân tộc từ đây chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của đảng, cách mạng Việt Nam chuyển sang một bước ngoặt mới, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

Từ năm 1930 trở đi, Nguyễn Ái Quốc cùng Đảng ta dẫn dắt dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Tiếp đó, liên tiếp đánh đế quốc xâm lược, đưa cả nước quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội.

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ năm 1986 đến nay, cả dân tộc thực hiện thắng lợi từng bước công cuộc đổi mới, phấn đấu tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Có thể khẳng định rằng đó là những thắng lợi vĩ đại bắt nguồn từ sự kiện lịch sử cách đây 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Như vậy, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Nguyễn Ái Quốc đã tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba, tìm được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Sự kiện ngày 5-6-1911 mang ý nghĩa lịch sử lớn lao, cùng với việc tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Đảng của giai cấp công nhân đồng thời của dân tộc Việt Nam. Đó là một Đảng theo học thuyết  Mác - Lênin, mang đặc điểm Việt Nam và dấu ấn Hồ Chí Minh. Đảng đó cùng với trí tuệ, bản lĩnh và phương pháp Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từng bước sánh vai cùng thời đại.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, tr.477

[2] Học viện Chính  trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính  trị quốc gia, HN, 2006, t.1, tr.41

[3] Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng uỷ Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, HN, 1985, tr. 35

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: