Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.815.332
Hôm qua:939
Hôm nay:757

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

"Đội quân tóc dài" với Cách mạng miền Nam

16:28 | 22/04/2015 2150

Hai mươi mốt năm chống Mỹ 1954-1975, “đội quân tóc dài” đã từng đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh chính trị, đã từng chiến đấu anh dũng ngoan cường trên mặt trận quân sự. Vai trò to lớn của người phụ nữ đã được Đảng ta đánh giá một cách xứng đáng. Trong kháng chiến chống Pháp, phụ nữ chủ yếu hoạt động trong phong trào du kích ở địa phương và cũng có mặt trong lực lượng vũ trang chính quy nhưng tập trung chủ yếu trong các ngành hậu cần và thông tin. Đến kháng chiến chống Mỹ họ có mặt đủ trong các thứ quân. Nói như anh hùng Nguyễn Thị Út (Trà Vinh): “Họ có thể làm tất cả mọi việc trong xã hội như nam giới vậy”. Ngay từ ngày đầu chống Mỹ, phụ nữ đã chiếm vị trí quan trọng trong lực lượng tự vệ và du kích ở các xã, ấp. Có nơi chiếm tới 2/3 quân số du kích và tự vệ vũ trang. Tính đến năm 1961 toàn miền Nam đã có 28.000 nữ du kích. Phụ nữ miền Nam còn gia nhập quân chủ lực. Cuối năm 1964 đầu năm 1965 miền Tây Nam bộ có 4.620 chị tòng quân vào quân giải phóng miền Nam, có 197 chị làm công tác đặc công, trinh sát. Riêng 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 1964 đã có 1.747 chị em nhập ngũ. Nhiều địa phương như Rạch Giá, Bến Tre, Long An…và cả Sài Gòn đã thành lập các đơn vị nữ pháo binh.

Phụ nữ là lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng làng xã chiến đấu. Từ năm 1961-1965, toàn miền Nam có 1.860.000 phụ nữ tham gia xây dựng làng xã chiến đấu. Chỉ tính riêng năm 1964 phụ nữ Tây Nam bộ đã vót 9.987.706 cây chông các loại, đào 65.947m kênh làm tuyến chiến đấu. Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, phụ nữ các vùng nông thôn đã tham gia tích cực vào phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, biến ý định “lập vành đai trắng” của Mỹ thành những “vành đai diệt Mỹ”. Nhiều trung đội nữ du kích đã lập nên những chiến công rực rỡ như: Trung đội nữ du kích Củ Chi “đất thép thành đồng” liên tục chiến đấu ác liệt với kẻ thù, ngày nào cũng diệt được Mỹ, người nào cũng diệt được Mỹ, toàn đơn vị đều được bầu là “dũng sĩ diệt Mỹ”. Trung đội nữ du kích Trảng Bàng có lần đánh địch phản kích suốt cả ngày diệt được một trung đội Mỹ, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng. Trung đội nữ anh hùng của Tô Thị Huỳnh (Trà Vinh) chiến đấu không mệt mỏi, đánh trên 250 trận, kiên quyết không cho địch đóng quân trên địa bàn.

Phong trào đặc biệt sôi nổi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Tính chung toàn miền Nam có hơn 2 triệu phụ nữ vũ trang nổi dậy bao vây, tiêu diệt, bức rút bức hàng hơn 500 đồn bốt địch, làm rã ngũ hàng vạn binh lính ngụy. Riêng trong đội nữ du kích của Tô Thị Huỳnh trong đợt tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đã chiến đấu 29 trận, diệt 6 đồn địch. Trên mặt trận chống phá bình định ở nông thôn, nữ du kích cũng hoạt động rất tích cực. Chỉ 3 tháng Xuân Hè 1972, phụ nữ Cà Mau đã tham gia tiến công, bao vây, bức hàng và vận động binh lính ngụy làm binh biến, khởi nghĩa ở 107 đồn, giải phóng 12 xã ấp với 13 vạn dân. Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1972, lực lượng phụ nữ Bến Tre bằng 3 mũi giáp công đã bức rút, bức hàng 95 đồn bốt địch. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi các binh đoàn chủ lực từ nhiều mũi tiến công vào Sài Gòn, phụ nữ các địa phương trên toàn miền Nam cũng đã phát huy sở trường của mình, tiếp tục tấn công địch bằng 3 mũi giáp công, chiếm đồn bốt địch ở cơ sở và tiến lên khởi nghĩa chiếm chi khu, tiểu khu, thực hiện khẩu hiệu “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Theo tư tưởng “vũ trang toàn dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ miền Nam đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Phụ nữ An Định, Minh Đức (Bến Tre) đánh địch bằng Ong vò vẽ. Đội nữ du kích Phú Châu (An Giang) diệt địch bằng súng ngựa trời. Các đội nữ du kích Hoà Phú, An Tịnh (Tây Ninh), Bình Đức (Mỹ Tho), Đức Hoà, Mộc Hoá (Long An), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)…đã sử dụng súng cối 60 ly, 81 ly để diệt xe tăng Mỹ. Nhiều đơn vị nữ pháo binh đối mặt với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch mà không chịu thua kém. Trung đội nữ pháo binh Rạch Giá đã bắn chìm và bắn hỏng 7 thuyền chiến, diệt 1 xe bọc thép, 7 lô cốt và hơn 100 tên địch. Đơn vị nữ pháo binh Trương Thị Quân (Sài Gòn) trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đã đấu pháo với địch buộc chúng phải câm họng.

Từ trong cuộc kháng chiến ác liệt ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, nhiều thế hệ anh hùng. Nổi bật nhất phụ nữ miền Nam là hình ảnh những người mẹ, người chị, người em của mảnh đất Bến Tre kiên trung, bất khuất. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn tỉnh có trên 2.800 “bà mẹ ưu tú”, hàng ngàn chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ. “Đội quân tóc dài” Bến Tre đã trở thành một lực lượng cách mạng có tổ chức, có nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo như một đội quân thường trực. Đội quân này tấn công địch ở mọi nơi, mọi chỗ, không phân chiến tuyến. Vũ khí của các chị là tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, là đường lối chính nghĩa của cách mạng. Và họ cũng sẳn sàng cầm súng, sử dụng vũ khí thô sơ để chiến đấu tự vệ và phối hợp với các lực lượng vũ trang tiêu diệt địch ở những thời điểm cao trào cách mạng như trong tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Trong mùa Xuân lịch sử này, 15 vạn phụ nữ Bến Tre được tổ chức thành 50 tiểu đoàn khởi nghĩa, xông vào nội ô thị xã phá đồn Bình Nguyên. Riêng mặt trận Chợ Lách, bà con đã gỡ 40 đồn, thu 500 súng, bắt sống 300 tù binh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn tỉnh đã huy động trên 30 vạn phụ nữ, tấn công 716 đồn bốt cùng các lực lượng vũ trang giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trên đây là vai trò của phụ nữ trên mặt trận quân sự. Phụ nữ còn là lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị và binh vận, với mũi giáp công chính trị trực diện và các hình thức vận động binh lính địch rất phong phú và độc đáo, hỗ trợ đắc lực cho mũi đấu tranh vũ trang.

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, truyền thống lâu đời đó của dân tộc đã được chị em phụ nữ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kế thừa và phát huy gấp bội lần với những nội dung và chất lượng mới. Chị em phụ nữ miền Nam hoàn toàn xứng đáng với những lời ngợi khen của bạn bè năm châu. Như lời tâm sự của một phụ nữ Mỹ khi sang thăm Việt Nam, rằng: “trước đây không bao giờ tự hào rằng mình là phụ nữ, nay nhờ phụ nữ Việt Nam mà thấy tự hào”. Còn nữ văn sĩ Mianma Đô-a-ma trân trọng đánh giá: “phương thức tham gia chiến tranh nhân dân của phụ nữ miền Nam xứng đáng được toàn thế giới ca ngợi và khâm phục”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc “mỗi người dân là một chiến sĩ”, bên cạnh những chàng “trai thời chiến”, phái nữ cũng đóng góp xứng đáng không kém.

Trong những tên tuổi của người phụ nữ nổi tiếng về chí anh hùng, lòng dũng cảm thời đánh Mỹ, Phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định mà đồng đội quen gọi chị Ba Định một cách thân thương trìu mến, là một gương mặt nổi trội. Cuộc đời hoạt động của chị Ba Định bắt đầu rất sớm và khí phách của chị cũng bộc lộ rất sớm. Chị tham gia phong trào Đông Dương hội từ năm 1936, tháng 10 năm 1938 được kết nạp vào Đảng Cộng sản, năm 1940 bị địch bắt đày đi Bà Rá. Chị làm cách mạng từ lúc 16 tuổi. Lúc ấy nhiều chàng trai ngấp nghé, chị nói với mẹ về tiêu chuẩn của đấng lang quân tương lai: nếu con lấy chồng thì anh ấy cũng phải là người cách mạng thì con mới ưng. Khi sinh con được 3 ngày, chồng chị bị mật thám bắt đày đi Côn Đảo và không bao giờ chị còn được gặp lại người chồng thương yêu của mình nữa. Con đầy 7 tháng tuổi, đến lượt chị đi tù.

Chị Ba Định nổi tiếng về tài chỉ huy đội quân tóc dài độc đáo có một không hai trong lịch sử chiến tranh. Đấy cũng là điểm mốc quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của chị. Chị nhận lãnh trọng trách Phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam năm 1965 vào lúc cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta đứng trước thách thức hết sức nặng nề: Mỹ đổ quân vào miền Nam trực tiếp chiến đấu và chiến tranh phá hoại bằng không quân ra hậu phương lớn miền Bắc. Ở cương vị mới chị hoạt động năng nổ xông xáo. Chỉ khi họp chuẩn bị hoặc tổng kết chiến dịch chị mới có mặt ở Bộ chỉ huy. Còn thường thì chị đi ngang dọc suốt từ núi Bà Rá đến núi Bà Đen kiểm tra bộ đội, chia sẻ gian khổ với họ, tìm hiểu tâm tư động viên chiến sĩ các đơn vị giữ vững ý chí chiến đấu trước mọi thử thách ác liệt. Chị là một vị tướng giàu lòng nhân ái. Năm 1966 khi các đơn vị lớn của ta hành quân vượt Trường Sơn thì cũng là lúc giặc Mỹ tàn phá Trường Sơn, chị luôn đi sát các đơn vị, thấy cảnh bộ đội quá thiếu thốn, gian khổ, nhiều phụ nữ ngã xuống vì kiệt sức chị đã không cầm nổi nước mắt. Chị là người phụ nữ Việt Nam được nhiều viên tướng lỗi lạc của Mỹ phải kính phục. Trường đại học của chị là cuộc đời, cuộc đời đắng cay tủi nhục đã hun đúc nên chí lớn, tài cao và bản lĩnh cách mạng của chị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về chị: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng gái như vậy, thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Chị được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974.

Trong bài tham luận của đồng chí Đặng Trần Thi, Trưởng đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III, ngày 11/2/1974, có đoạn viết: “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn những bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời, bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh hiện nay cũng là thời kỳ phụ nữ nước ta vùng dậy mạnh mẽ và oanh liệt hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử dân tộc”.

Có lẽ đó là một trong những sự đánh giá toàn diện, sâu sắc nhất công trạng của phụ nữ miền Nam, của “đội quân tóc dài” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975.

ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: