Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.795.565
Hôm qua:1.174
Hôm nay:161

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Vai trò của căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

16:45 | 11/05/2015 5509

TS.  Trần Thúy Hiền
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

1. Căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng là nơi đứng chân và hoạt động của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy kháng chiến của Khu V và địa phương trên địa bàn

“ Để tiến hành khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân, chúng ta không những phải có mục đích chính trị đúng đắn, phải xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn phải giải quyết vấn đề xây dựng chỗ đứng chân, vấn đề tiềm lực.”[1]

Trong kháng chiến chống Mỹ, các căn cứ địa ở Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành nơi đóng trú của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo các cấp. Ở cấp Khu, từ năm 1955, ngay khi bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên khu ủy đã chuyển cơ quan từ phía Tây Thừa Thiên vào đứng chân ở vùng Bến Hiên, Bến Giằng thuộc tỉnh Quảng Nam. Trong những năm 1959-1960, Khu ủy xây dựng căn cứ Nước Oa, Nước Là tại huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Từ 1973 đến 1975, cơ quan Khu ủy V chuyển về Căn cứ Phước Trà (thuộc xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Tại căn cứ của Khu, các cơ quan chuyên môn: Ban tổ chức, Ban tuyên huấn, Ban quân sự, Ban kinh tài, Ban dân vận... từng bước được củng cố hoàn thiện về tổ chức, chất lượng hoạt động, tham gia có hiệu quả vào quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến ở địa phương và trên địa bàn khu V.

Ở cấp tỉnh, cuối năm 1962, sau thắng lợi của chiến dịch “vượt sông Tiên” Tỉnh ủy Quảng Nam về đóng cơ quan tại Căn cứ Sơn – Cẩm – Hà thuộc huyện Tiên Phước. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến (1973-1975), Tỉnh ủy Quảng Nam xây dựng chiến khu tại Tiên Sơn (Tiên Phước). Ở cấp thành phố, trong kháng chiến cơ quan Thành ủy Đà Nẵng đóng ở Khu Sông Đà và Căn cứ K20. Căn cứ Hòn Tàu là nơi đóng cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà trong những năm 1967-1975. Cấp huyện có một số căn cứ tiêu biểu như: “căn cứ lõm” Bầu Bính, Quế Tiên... là nơi đứng chân của Huyện ủy các huyện: Thăng Bình, Quế Tiên.

Với vai trò là địa bàn đóng trú của các cơ quan đầu não kháng chiến, căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng cũng là nơi diễn ra nhiều hội nghị đề ra những chủ trương, quyết định quan trọng của cuộc kháng chiến. Tại Căn cứ Nước Là, Liên Khu ủy V đã đề ra những biện pháp triển khai Nghị quyết 15 của BCHTƯ Đảng. Nơi đây là địa điểm tập kết của nhiều cán bộ, LLVT từ miền Bắc vào trước khi được điều động về tham gia chiến đấu ở các địa phương. Hội nghị Liên khu ủy mở rộng tháng 4-1960 và Hội nghị Quân Khu ủy tháng 7-1961 được tổ chức tại Nước Là đã đề ra các chủ trương: phát động quần chúng ở miền núi chống càn quét, đẩy mạnh xây dựng LLVT ở cả 3 vùng chiến lược và đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng căn cứ địa, xây dựng các cơ quan: quân y, quân giới, các đơn vị sản xuất. Căn cứ Nước Oa là nơi diễn ra Đại hội Khu ủy V lần thứ III. Tại đây, Khu uỷ và BTL Quân khu V tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ các trung đoàn, sư đoàn, cán bộ các tỉnh trong toàn Khu về học tập nghị quyết của Đảng; đồng thời đề ra những nghị quyết quan trọng chỉ đạo hoạt động quân sự trong năm 1971-1972, quyết định mở các chiến dịch, các trận đánh của LLVT Quân khu V. Tháng 12-1973, tại Căn cứ Phước Trà, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết 21 của BCHTƯ Đảng “nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”[2], Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ III đã thảo luận và ra nghị quyết mở các chiến dịch lớn diệt địch, mở rộng vùng giải phóng trên các chiến trường từ Tây Nguyên đến đồng bằng, tạo thời cơ thuận lợi tiến đến giải phóng các tỉnh trong toàn Khu V.

Với thế trận lòng dân vững chắc và sự linh hoạt trong hoạt động tổ chức xây dựng căn cứ địa ở cả ba vùng chiến lược, các căn cứ địa ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã trở thành nơi đóng trú an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến của khu V và địa phương. Đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã huy động lực lượng thiện chiến nhất cùng các phương tiện chiến tranh và thủ đoạn tàn bạo nhất nhưng không thể nào thực hiện được mục tiêu xóa bỏ các căn cứ địa, tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến. Trong chiến dịch “Bình Châu” tấn công vào Căn cứ Sơn – Cẩm – Hà kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10-1963, địch huy động lực lượng lực cao nhất lên đến gần 16 tiểu đoàn, có xe tăng và máy bay yểm trợ nhưng cuối cùng trước các mũi đấu tranh của LLVT và quần chúng, chiến dịch này đã bị phá sản hoàn toàn, Căn cứ địa Sơn – Cẩm – Hà vẫn được bảo vệ vững chắc.

2. Căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng là hậu phương tại chỗ, trực tiếp bảo đảm cung cấp sức người, sức của cho các lực lượng kháng chiến; nơi nhân dân gửi gắm niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng

Muốn tiến hành chiến tranh một cách thật sự, phải có một hậu phương được tổ chức vững chắc” [3]. Trong kháng chiến chống Mỹ, các căn cứ địa ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã trở thành hậu phương chiến tranh nhân dân tại chỗ, cung cấp một phần đáng kể nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, một bộ phận LLVT và dân công ở các căn cứ địa tham gia diệt ác phá kìm, tiến công các đồn bốt, cứ điểm quân sự, sở chỉ huy và các cơ quan đầu não của địch. Thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy và BTL Quân khu V, một tháng trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cùng với nhiều địa phương ở Khu V, các cơ quan, ban, ngành trong các căn cứ địa của tỉnh huy động hơn một nửa số cán bộ, nhân viên cùng hàng nghìn đồng bào các dân tộc tham gia chiến dịch vận chuyển vũ khí [4]. Phần lớn căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành hậu phương trực tiếp phục vụ chiến trường và là bàn đạp để các LLVT thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Chi bộ Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở căn cứ địa vận động thanh niên tòng quân nhập ngũ, nhân dân tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí, phục vụ LLVT đánh địch ở phía trước.

Tại Khu Sông Đà (Đà Nẵng), các tổ chức cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng tham gia vận chuyển và cất giấu vũ khí ở những nơi bí mật an toàn. Nhiều ngư dân ở Lỗ Sài, Hóa Sơn, Cầm Chánh, Trung Lương huy động ghe thuyền phục vụ đưa bộ đội tiến vào thành phố Đà Nẵng. Trong đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, khi LLVT thành phố tấn công vào các sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng... mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tại Quảng Đà, ngư dân Sông Đà phối hợp với đồng bào các xã Hòa Hải, Hòa Xuân, Hòa Cường chuẩn bị 100 chiếc thuyền, 3 ca nô đưa bộ đội vào thành phố.

Cùng với Khu Sông Đà, Căn cứ K20 cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc họp và đề ra những quyết định quan trọng của Quận ủy quận Ba trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. K20 chính là nơi tập kết vũ khí và lực lượng của ta với “hàng chục ký thuốc nổ, hàng trăm mét dây cháy chậm, kíp hẹn giờ và súng AK, K54, lựu đạn, băng cờ, truyền đơn” [5]. Nhân dân K20 tổ chức tốt công tác hậu cần: thu dọn chiến trường, cứu chữa thương binh, phục vụ bộ đội tấn công sân bay Nước Mặn.

Với khẩu hiệu “đóng cửa nhà, trẻ già vận chuyển”, nhân dân căn cứ địa miền núi huyện Đông Giang và Tây Giang [6] (Quảng Đà) hăng hái tham gia tiếp lương, tải đạn ra phía trước. Đội thiếu niên xã A Vương gần 100 em nêu cao tinh thần “tuổi nhỏ chí lớn làm việc anh hùng” vận chuyển 3,5 tấn hàng hóa phục vụ chiến trường. Bhúôch, một thanh niên mù hai mắt song vẫn tích cực tham gia suốt 5 tháng, cả ban ngày và đêm và mỗi chuyến anh chuyển được 46 kg hàng [7]. Trong 4 tháng, Căn cứ Nam Giang huy động 790 người đi dân công phục vụ từ 3 đến 4 tháng, tham gia tham gia vận chuyển 300 tấn vũ khí cho mặt trận Quảng Đà [8].

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, vai trò hậu phương tại chỗ tiếp tục được phát huy cao độ ở nhiều căn cứ. Để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử này, từ cuối năm 1974 đầu năm 1975, Đảng bộ và nhân dân Căn cứ địa Hiên đã mở con đường Thắng Lợi chạy từ Prao (nối với đường Hồ Chí Minh) xuống đến Dốc Kiềng để đưa xe, đưa pháo và một cánh quân lớn của ta tiến công vào Đà Nẵng. Suốt đợt tổng tiến công và nổi dậy, hầu hết cán bộ, nhân dân huyện Hiên đều sẵn sàng chờ Đảng gọi lên đường tham gia chiến đấu. LLVT huyện hoàn thành xuất sắc việc vận chuyển tên lửa từ Prao xuống Dốc Kiềng. Du kích các xã trực chiến trên các núi đồi quan trọng đề phòng địch có thể phản kích lại khi quân ta tiến công vào Đà Nẵng. Nhân dân Căn cứ Quế Tiên (Quảng Nam) cùng với Trung đoàn 803 công binh Quân Khu V tiến hành sửa chữa và làm mới hai tuyến đường dài, một tuyến từ An Tráng qua các xã Phước Hà, Phước Cẩm lên điểm cao 228 (Núi Vú Em) và một tuyến từ Núi Ngang qua Phước Sơn lên Chà Vu. Bên cạnh đó, còn làm mới các tuyến đường ngắn Hiệp Đức – An Tráng – Thôn 1, Phước Cẩm – Hiệp Đức – Trà My – Diên Yên. Được sự động viên của Huyện ủy và chính quyền, ngư dân các vạn chài tự nguyện đem hàng trăm ghe thuyền để chuyển hàng ra phía trước phục vụ chiến dịch. Đến cuối tháng 2-1975, đã có 179 tấn đạn, 136 tấn lương thực, thực phẩm được nhân dân Căn cứ Quế Tiên phối hợp cùng các huyện bạn và bộ đội Quân khu V đưa ra tuyến trước [9] .

Đi đôi với việc cung cấp nhân tài, vật lực cho kháng chiến, các căn cứ địa ở Quảng Nam – Đà Nẵng còn thực hiện tốt công tác binh địch vận. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đêm trước ngày thành phố hoàn toàn giải phóng, chi bộ K20 đã vận động làm tan rã hàng trăm lính thủy quân lục chiến Sài Gòn tại xóm Đồng và xóm Cát. Thắng lợi này đã tạo điều kiện cho lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng đánh chiếm sân bay Nước Mặn không phải tốn một viên đạn, không phải đổ một giọt máu. Ở Khu Sông Đà, lực lượng khởi nghĩa đã nhanh chóng chiếm Đài phát thanh, kho An Đồn...vận động phần lớn lính ngụy trên địa bàn Quận tự động ra ngũ, góp phần giải phóng hoàn toàn thành phố vào ngày 29.3.1975.

Bên cạnh những đóng góp về nhân lực, vật lực cho kháng chiến, căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng còn là điểm tựa tinh thần, là nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Căn cứ địa cách mạng trở thành biểu tượng cho ý chí, sức mạnh của chiến tranh cách mạng, của tinh thần yêu nước, chống xâm lược của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Căn cứ địa cách mạng là chỗ dựa về chính trị, tinh thần, là nơi để đồng bào các dân tộc hướng về Đảng, Bác Hồ, củng cố niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tích cực tham gia kháng chiến.

3. Căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng là bàn đạp xuất phát tiến công của các LLVT tổ chức các chiến dịch, trận đánh tiêu hao sinh lực địch

Để tổ chức các chiến dịch, trận đánh lớn tấn công vào sào huyệt của địch, các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến và LLVT cần phải có đất đứng chân an toàn. Nơi đó chính là căn cứ địa cách mạng. Căn cứ là địa bàn chuẩn bị về hậu cần và LLVT cho các trận đánh tiến công quân địch ở bên ngoài.

Trên cơ sở sự chuẩn bị về hậu cần và LLVT, căn cứ địa trở thành bàn đạp xuất phát tiến công của các LLVT, tổ chức các chiến dịch, trận đánh tiêu hao sinh lực địch và phát triển chiến tranh du kích. Từ căn cứ, LLVT tiến công vào các cứ điểm, đồn bốt của địch. Đêm ngày 26, rạng ngày 27-3-1965, xuất phát từ Khu Sông Đà, một đơn vị đặc công đánh thủy tổ chức đánh chiếc tàu US.LST550 của Mỹ trên sông Hàn ngay khi địch chưa kịp bốc dỡ hàng hóa. Trận đánh đã làm cho “toàn bộ phương tiện chiến tranh và lính trên tàu đều bị tiêu diệt, trong đó có 70 chiếc xe jeep và hàng trăm súng đại liên 12,8 ly” đồng thời còn “gây rúng động bọn thủy thủ Mỹ đang làm nhiệm vụ chở vũ khí, phương tiện chiến tranh vào cảng Đà Nẵng và bọn ngụy quyền ở Đà Nẵng ” [10].  Tháng 10-1965, trong trận tập kích vào sân bay Nước Mặn, Căn cứ K20 trở thành điểm ém quân và xuất phát an toàn của Tiểu đoàn đặc công 489. Từ trung tuần tháng 11-1965, Căn cứ Sơn – Cẩm – Hà đóng vai trò bàn đạp để Sư đoàn 2 thuộc LLVT Quân khu V mở trận tấn công chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Trong những năm sau này, Sư đoàn 2 cũng luôn lấy Sơn – Cẩm – Hà làm bàn đạp để mở các chiến dịch tiến công hoặc những đợt hoạt động hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng ở các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước. Hơn thế nữa, Sơn – Cẩm – Hà còn là căn cứ địa, hậu phương và bàn đạp cho các tiểu đoàn tập trung của tỉnh Quảng Nam trong hoạt động chiến đấu suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, mọi công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy từ việc chuẩn bị lực lượng chính trị, LLVT, cho đến việc vận chuyển vũ khí, tài liệu, truyền đạt mệnh lệnh tổng tiến công và nổi dậy, phân công các đồng chí Quận ủy viên dẫn đường cho LLVT đều được chuẩn bị tại Căn cứ K20.

Để thực hiện chiến dịch Thu năm 1972, các tiểu đoàn 70, 72, 74 và Sở chỉ huy tiền phương của tỉnh Quảng Nam đã tập kết lực lượng tại “Căn cứ lõm” Bầu Bính, sau đó tiến công tiêu diệt các chốt điểm của địch ở Mù U, Cù Đồi, giải phóng xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Tháng 3-1975, nhân dân và LLVT tại các căn cứ địa tích cực phối hợp cùng các đơn vị chủ lực tiến về giải phóng nhiều thành phố, thị xã.  Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, từ Căn cứ K20, chi bộ cùng Ban khởi nghĩa ở K20 đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân và 2 trung đội tự vệ kéo về sân bay Nước Mặn phối hợp với Trung đoàn 97 nhanh chóng làm chủ sân bay góp phần giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng vào ngày 29.3.1975. Xuất phát từ Căn cứ Hòn Tàu, đêm ngày 28.3.1975, các cánh quân của LLVT cách mạng đã bí mật tiến về giải phóng thành phố Đà Nẵng, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân của toàn dân tộc. Cũng xuất phát từ Căn cứ huyện Quế Tiên, các đơn vị V45, V11 và lực lượng du kích các xã trực tiếp tham gia chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực của Khu, LLVT tỉnh bao vây, tấn công và tiêu diệt các cứ điểm Núi Vú, Chóp Chài, cầu Ông Triệu, Bình Định, Bình Lãnh. Tại Căn cứ Tiên Sơn, tháng 3-1975, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực đập tan Chi khu quận lỵ Tiên Phước – Phước Lâm, từ đó tiến về giải phóng thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Tín, tạo thế bao vây cô lập thành phố Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các căn cứ còn là địa bàn để lực lượng kháng chiến phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích. Để đối phó với những cuộc càn quét của địch, bảo vệ căn cứ địa, lực lượng du kích phối hợp cùng LLVT sử dụng hầm chông, bẫy đá… tổ chức mai phục, đánh và tiêu hao nhiều bộ phận sinh lực địch. Điển hình là các cuộc tấn công quy mô lớn của địch vào các căn cứ: Nước Là, K20, Sơn – Cẩm – Hà... trong những năm 1961-1965, … đều bị lực lượng du kích và bộ đội chủ lực bẻ gãy, hàng chục máy bay địch bị bắn rơi.

4. Căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng là nơi tiếp nhận sự chi viện bằng đường bộ, đường biển cho chiến trường Khu V

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một số căn cứ địa cách mạng Quảng Nam – Đà Nẵng Bộ được xây dựng nằm trên tuyến hành lang chiến lược Bắc – Nam, nơi các tuyến giao thông chi viện cả bằng đường bộ và đường biển đi qua, nơi tiếp nhận và vận chuyển nguồn hàng chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào. Tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ dài trên 400 km nối liền các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc đi qua căn cứ huyện Hiên (Quảng Nam). Tuyến vận chuyển Bắc – Nam trên biển đi qua Khu Sông Đà (Đà Nẵng). Vì vậy, ngoài nhiệm vụ hậu phương tại chỗ cho cuộc kháng chiến tại địa phương, các căn cứ địa cách mạng còn là nơi tiếp nhận và nơi trung chuyển nguồn chi viện của Trung ương cho những tỉnh bạn. Một khối lượng lớn hàng hóa, vũ khí, cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ được chuyển qua các tuyến đường vận chuyển của Quảng Nam – Đà Nẵng. Vì vậy, hoạt động tiếp nhận sự chi viện hàng hóa từ miền Bắc do các căn cứ địa đảm nhiệm được thực hiện từ rất sớm. Ngay từ chuyến đi đầu tiên vào cuối năm 1955, Tập đoàn đánh cá Sông Đà đã mang vào Khu V một số tài liệu của Trung ương để chỉ đạo phong trào cách mạng cùng với 200.000 đồng tiền VNCH, 2 chiếc máy chữ, nhiều thuốc men, vải vóc…[11]. Sau khi Nghị quyết 15 của BCHTƯ Đảng ra đời, ngoài nhiệm vụ vận chuyển người, tài liệu, các thuyền của Tập đoàn đánh cá Sông Đà còn chuyên chở vũ khí, đạn dược cho các chiến trường từ những căn cứ ở ven biển Khu  V vào đến Đông Nam Bộ.

Bên cạnh Khu Sông Đà, căn cứ địa miền núi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng còn là nơi có nhiều kho tàng thực hiện nhiệm vụ bảo quản, trung chuyển vũ khí, hàng hóa cho các địa phương ở Khu V. Điều này góp phần tăng cường thực lực cho các căn cứ, hỗ trợ phong trào cách mạng ở các địa phương.

Tóm lại, các căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng, với những hoạt động của nó, đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó góp phần thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến của quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng  nói riêng, của quân dân miền Nam nói chúng đi tới thắng lợi. Lịch sử xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của các căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng cũng để lại những bài học quan trọng. Đó là bài học về phát huy thế trận lòng dân, về thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của các căn cứ, về nghệ thuật tổ chức chiến đấu ở các căn cứ... Những bài học quý giá này sẽ tiếp tục được vận dụng và phát triển sáng tạo với điều kiện mới của đất nước, trong công cuộc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước.

[1] Võ Nguyên Giáp (1974), Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng, Viện khoa học Quân sự, HN, tr. 215.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 34 (1973), Nxb Chính trị Quốc gia, HN, tr. 232.

[3] V.I. Lênin (1976), Toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ, Mát – xcơ – va, tr. 497.

[4] Bộ Tổng tham mưu (2001), Tổng kết chiến tranh nhân dân tại địa phương – Chuyên đề: Xây dựng và bảo vệ hệ thống căn cứ địa phương trên chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954- 1975), Nxb Quân đội nhân dân, HN, tr.110.

[5] Đảng Cộng Sản Việt Nam - Đảng bộ hai phường Mỹ An và Khuê Mỹ, Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng đảng bộ phường Bắc Mỹ An (1930-2005),Đà Nẵng, 2010, tr.135.

[6] Tháng 3-1963, Tỉnh ủy Quảng Đà giải thể huyện Thống Nhất để thành lập 3 huyện mới: Huyện Nam Giang gồm phần đất huyện Bến Giằng; huyện Đông Giang và Tây Giang gồm phần đất Bến Hiên và khu B1 (tức miền Tây Hòa Vang và vùng Trhy trước kia).

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Hiên (1986), Những sự kiện lịch sử Đảng bộ huyện Hiên (1945-1975), Nxb Đà Nẵng, tr. 142.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Giằng (1989), Những sự kiện lịch sử huyện Giằng (1885-1975), Nxb Đà Nẵng, tr. 324.

[9] Đảng bộ huyện Hiệp Đức (1999), Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hiệp Đức (1930-1999), Đảng bộ huyện Hiệp Đức ấn hành, tr.150.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Lịch sử Đảng bộ quận Sơn Trà (1930-1975), Nxb Đà Nẵng, tr. 247.

[11] Tỉnh ủy Quảng Nam – Thành ủy Đà Nẵng (1997), Những ngày giữ lửa. Khởi đầu cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng (1954-1959), Nxb Đà Nẵng, tr. 258.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: