Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.795.688
Hôm qua:1.174
Hôm nay:285

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

GIÁ TRỊ HỌC THUYẾT ĐẤU TRANH GIAI CẤP CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

16:30 | 19/09/2022 5973

Thạc sĩ: Nguyễn Thị Kim Oanh

                                                                Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Tóm tắt: Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời tính đến nay đã hơn 170 năm nhưng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho các Đảng Cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành sự nghiệp đổi mới thành công. Một trong những nội dung quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết về đấu tranh giai cấp. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu một cách nghiêm túc, vận dụng khéo léo, nhuần nhuyễn, sáng tạo học thuyết đấu tranh giai cấp vào hoàn cảnh lịch sử đất nước, đạt được những thắng lợi to lớn, nhất là trong xu thế hội nhập với thế giới ngày nay.

Từ khóa: Đấu tranh giai cấp, giai cấp vô sản, đổi mới, kiên định.

1. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về đấu tranh giai cấp.

1.1. Những vấn đề cơ bản của đấu tranh giai cấp.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm kinh điển của C.Mác và Ph.Ăngghen. Cụ thể là tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, “Nội chiến ở Pháp”, đặc biệt là trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Hai ông đã khẳng định: đấu tranh giai cấp là đấu tranh giữa các giai cấp có lợi ích cơ bản đối lập nhau, trực tiếp nhất là lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị; đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giữa giai cấp bị thống trị (đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ) với giai cấp thống trị (đại diện cho quan hệ sản xuất lạc hậu); đấu tranh giai cấp bao giờ cũng dẫn đến cách mạng xã hội nhằm cải tạo xã hội cũ, đồng thời xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn.

Khi V.I.Lênin đưa ra định nghĩa đấu tranh giai cấp, điều kiện hoàn cảnh lịch sử đã khác so với thời kỳ của C.Mác và Ăngghen. Đó là thời kỳ chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản phát triển đến cực độ do cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị, trực tiếp nhất là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Trong giai đoạn của V.I.Lênin, những tư tưởng về đấu tranh giai cấp mà C.Mác và Ph.Ăngghen nêu trước đây đã bị xuyên tạc rất nhiều, đại biểu là Mi-khai-lốp-xki: phủ nhận vai trò cách mạng và lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản. Trước hoàn cảnh lịch sử đó, để bảo vệ tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, đồng thời thức tỉnh giai cấp vô sản nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa về đấu tranh giai cấp. Ở định nghĩa này, V.I.Lênin đã chỉ rõ:

Thứ nhất, đấu tranh giai cấp là đấu tranh giữa những giai cấp có lợi ích cơ bản đối lập không thể dung hòa (lợi ích kinh tế);

Thứ hai, trong đấu tranh giai cấp phải đứng vững trên lập trường của giai cấp mình đối lập với kẻ thù của mình;

Thứ ba, đấu tranh giai cấp với đầy đủ ý nghĩa của nó thì phải lật đổ nền thống trị của giai cấp thống trị, xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ, xác lập quan hệ sản xuất mới phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, tức cuộc đấu tranh đó phải dẫn đến cách mạng xã hội;

Thứ tư, trong đấu tranh giai cấp, bao giờ cũng có liên minh giai cấp, đây được xem là vấn đề cốt tử, là nguyên tắc tối cao của cách mạng vô sản.

Học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã khẳng định đấu tranh giai cấp là động lực trực tiếp của sự phát triển xã hội trong xã hội có đối kháng giai cấp. Chính C.Mác đã nói: không có đối kháng giai cấp thì không có tiến bộ xã hội. Về sau, V.I.Lênin cũng khẳng định lại một lần nữa: đấu tranh giai cấp là động lực thực sự của sự thật lịch sử. Tuy nhiên chủ nghĩa Mác - Lênin không coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất của sự phát triển xã hội.

2.2. Ý nghĩa của học thuyết đấu tranh giai cấp.

Cống hiến to lớn nhất, vĩ đại nhất về học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin là đã chỉ ra vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, khẳng định: giai cấp vô sản là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lịch sử lật đổ chủ nghĩa tư bản, đưa xã hội loài người tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Học thuyết này chỉ ra rằng: giai cấp vô sản là giai cấp triệt để nhất, cách mạng nhất trong xã hội tư bản, là giai cấp bị bần cùng hóa nhất. Giai cấp vô sản là con đẻ của nền đại công nghiệp, vì vậy họ có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Chính địa vị của giai cấp vô sản trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã quyết định họ là người đại biểu cho phương thức sản xuất sau này: phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Giai cấp vô sản là giai cấp có lợi ích gắn với lợi ích của quần chúng nhân dân lao động, họ chỉ giải phóng được họ khi họ giải phóng tất cả giai cấp cần lao khỏi áp bức, bóc lột. Mặt khác, để giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng: giai cấp vô sản phải thành lập ra chính đảng của mình (Đảng Cộng sản) - đội tiên phong của giai cấp vô sản, là người tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản, là người quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng vô sản. Trong tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, C.Mác đã giải thích rất rõ mối quan hệ cơ bản giữa Đảng Cộng sản và giai cấp vô sản. Đảng Cộng sản là bộ phận không tách rời với giai cấp vô sản vì có cùng chung mục đích. Tuy nhiên giữa Đảng Cộng sản và giai cấp vô sản vẫn có sự khác nhau. Về mặt thực tế, người cộng sản là bộ phận tiên tiến của giai cấp vô sản. Về lý luận, người cộng sản hiểu rõ hơn ai hết về điều kiện, tiến trình của cách mạng vô sản.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản vẫn còn tiếp tục, và đó là một tất yếu khách quan của lịch sử.

Có thể thấy, sự ra đời của học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp là kết quả tất nhiên của quan niệm duy vật lịch sử. Học thuyết này là một trong những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp là sợi dây dẫn đường giúp chúng ta tìm ra quy luật vận động của xã hội từ khi xã hội có phân chia giai cấp; trang bị cho chúng ta lập trường quan điểm duy vật, phương pháp biện chứng mácxít khi xem xét lịch sử xã hội; là cơ sở lý luận cho đường lối chiến lược, sách lược của các Đảng Cộng sản và công nhân trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lý luận này góp phần chống lại các quan điểm duy tâm, siêu hình về vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp. Ngày nay, lý luận này vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta xem xét, nhận thức những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

2. Vấn đề đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay.

2.1. Bối cảnh và đặc điểm đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay

Cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam diễn ra giữa một bên là nền sản xuất nhỏ với một bên là nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, cuộc đấu tranh đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở nước ta nó không tách rời cuộc đấu tranh giai cấp; không tách rời với cuộc đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy thực chất đấu tranh giai cấp ở nước ta là đấu tranh giữa 2 con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; đấu tranh để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống lại nghèo nàn, lạc hậu, áp bức và bất công. Cho nên chúng ta không thể rập khuôn máy móc đấu tranh giai cấp ở những nước có hoàn cảnh khác với nước ta. Cùng một lúc chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội với thực trạng nền kinh tế kém phát triển và những thế lực cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ VI đã xác định: đổi mới đất nước không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà để thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội có hiệu quả hơn. Để bảo vệ những thành quả to lớn và đáng tự hào sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới đất nước, hơn lúc nào hết chúng ta xác định rõ đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay là cuộc đấu tranh của toàn thể nhân dân lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chống lại các thế lực thù địch với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng và lợi ích của quần chúng nhân dân.

2.2. Quan điểm của Đảng về nội dung đấu tranh giai cấp ở Việt Nam.

Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII cho đến nay, Đảng đã xác định Việt Nam đang phải đối mặt với 4 nguy cơ, đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, do điểm xuất phát thấp; nguy cơ sai lầm đường lối, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí; nguy cơ “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp ở nước ta là: thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển; thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, sai trái; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Đây là kết luận mới về lý luận mà Đảng ta đã rút ra trên cơ sở phân tích những đặc điểm đấu tranh giai cấp và từ thực tiễn cách mạng nước ta. Những nội dung đấu tranh giai cấp nói trên được Đảng ta khái quát trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, trong đó trước hết và chủ yếu là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển.

Thực hiện đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực kinh tế thực chất là để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát triển mọi tiềm năng của đất nước để chuẩn bị cơ sở vật chất - kinh tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trên lĩnh vực chính trị, giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động đấu tranh với các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Trên lĩnh vực tư tưởng, nhấn mạnh việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm xuyên tạc, xét lại, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng học thuyết này đã lỗi thời cần phải bác bỏ.

Trên lĩnh vực văn hóa, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, để văn hóa và con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

2.3. Triển vọng phát triển đất nước trong xu thế hội nhập.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn đáng tự hào, có ý nghĩa lịch sử. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tuy nhiên đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách và hạn chế.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhận định: bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1 năm 1994) chỉ ra thì những năm vừa qua Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, hiện nay các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có thể còn có một số mặt diễn biến phức tạp hơn.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, đồng thời là nền tảng vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Đảng ta cũng đã xác định rõ: động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để đảm đương nhiệm vụ./.

          TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C.Mác, Ph.Ăngghen (1974), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

         5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

         6. GS, TS Trần Văn Phòng, PGS, TS Đặng Quang Định: Triết học Mác - Lênin - Hỏi và đáp, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội 2017.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: