Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.816.628
Hôm qua:939
Hôm nay:892

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

VẬN DỤNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG .....

14:37 | 06/12/2021 1614

VẬN DỤNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CHUYÊN ĐỀ “QUAN ĐIỂM CỦA TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN VỀ CON NGƯỜI” TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

 

                                                               ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

                                                          Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Diễn văn bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày đã nhấn mạnh: “Thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi đề nghị: Ngay sau Đại hội, tất cả các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội;… sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế”1.

  Quán triệt tinh thần của Đại hội, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, tác giả đã nghiên cứu, vận dụng Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống và quá trình công tác bằng nhiều giải pháp thích hợp. Trong phạm vi bài viết này, xin chia sẻ sự vận dụng cụ thể nội dung Văn kiện vào giảng dạy Chuyên đề: “Quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người” thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị; đó cũng là một trong những giải pháp thiết thực góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

1. Giới thiệu khái quát về chuyên đề “Quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị

Chuyên đề “Quan điểm của triết học Mác - Lênin về con người” là Bài 10 môn Triết học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị. Đây là chuyên đề hoàn toàn mới và được đưa vào giảng dạy theo giáo trình Trung cấp lý luận chính trị xuất bản Quý III năm 2021 (chuyên đề này không có trong giáo trình trước đó).

Về thời lượng, chuyên đề có 8 tiết (mỗi tiết 45 phút).

Về kết cấu, chuyên đề “Quan điểm của triết học Mác - Lênin về con người” gồm 2 nội dung lớn: 1- Sự hình thành và bản chất con người; 2- Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

2. Vận dụng nội dung Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào giảng dạy chuyên đề “Quan điểm của triết học Mác - Lênin về con người” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị

Chuyên đề “Quan điểm của triết học Mác - Lênin về con người” có vai trò quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, rèn luyện kỹ năng và cung cấp kiến thức cho học viên. Về kiến thức: cung cấp cho người học kiến thức cơ bản của triết học mác xít về nguồn gốc, bản chất con người; về kỹ năng: góp phần giúp người học biết vận dụng kiến thức đã học để quán triệt đúng đắn những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội; về tư tưởng: củng cố niềm tin khoa học, đứng vững trên lập trường mácxít trong việc xây dựng môi trường kinh tế - xã hội để xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ vai trò của chuyên đề, khi lên lớp giảng dạy, nhiệm vụ của giảng viên không chỉ dừng lại ở việc phân tích và làm rõ những nội dung lý luận trong giáo trình mà còn phải mở rộng kiến thức, liên hệ thực tế bằng những ví dụ cụ thể. Đặc biệt, giảng viên cần trích dẫn những luận điểm của Đảng, Nhà nước một cách linh hoạt để minh chứng cho nội dung bài học, giúp học viên liên hệ được quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người và sự cụ thể hóa ở Việt Nam; từ đó thấy được giá trị của học thuyết Mác – Lênin và sự vận dụng của Đảng, Nhà nước ta, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Trong những văn bản trích dẫn, giảng viên nhấn mạnh Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa và tính thời sự cao, thể hiện rõ quan điểm đúng đắn của Đảng ta về vấn đề con người, về việc giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Muốn vận dụng hiệu quả Văn kiện vào bài giảng, đòi hỏi giảng viên dẫn dắt vấn đề và trích dẫn, phân tích các luận điểm cụ thể phù hợp với từng đơn vị kiến thức của chuyên đề.

Thứ nhất, sau khi giảng xong nội dung 1- Sự hình thành và bản chất con người, giảng viên rút ra ý nghĩa phương pháp luận, nhấn mạnh tính cách mạng, khoa học của triết học Mác – Lênin về bản chất con người; đồng thời khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quán triệt, vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Từ việc dẫn dắt như trên, giảng viên sẽ trích dẫn, nêu lên một số quan điểm cơ bản thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng về vấn đề con người. Cụ thể là, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”2; “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”3.

Sau khi trích dẫn luận điểm trên của Văn kiện, giảng viên một lần nữa kết luận: Có thể nói, xuyên suốt toàn bộ quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược phát triển, Đảng đều đặt con người, quần chúng nhân dân ở trung tâm của sự phát triển. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung mối quan hệ giữa lấy con người làm trung tâm - bảo đảm quyền con người - phát triển con người toàn diện gắn bó khăng khít với mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, pháp quyền nhằm giữ gìn pháp chế, kỷ cương xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây chính là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm các kỳ đại hội trước; là nhận thức đúng đắn của Đảng về bản chất con người và hướng tới mục tiêu giải phóng con người.

Thứ hai, trong nội dung 2.3- Quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở Việt Nam, giảng viên cần làm cho học viên hiểu được rằng: Vận dụng những tư tưởng khoa học và cách mạng của triết học Mác - Lênin vào Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, việc xây dựng một quan hệ xã hội tiến bộ, lành mạnh, dân chủ, công bằng, khắc phục những tha hóa bản chất người của xã hội cũ, tạo điều kiện để giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người là mục tiêu cao nhất trong đường lối chính trị.

Cụ thể, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta quán triệt thực hiện giải pháp: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức, trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”4, đồng thời với đó phải: “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội... Từng bước vươn lên khắc phục hạn chế của con người Việt Nam”5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định rõ cần thiết phải: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”6.

Thứ ba, cùng với Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, giảng viên cần nêu thêm một số luận điểm trong các văn bản khác để thấy được quan điểm đúng đắn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề con người, về sự vận dụng quan điểm của triết học Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Chẳng hạn:

- Giảng viên có thể khẳng định rằng, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được mở rộng, thể hiện trong Hiến pháp và pháp luật, cụ thể là: nếu trong Hiến pháp 1992 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có Điều 50 đề cập đến quyền con người thì đến Hiến pháp năm 2013 đã có tới 35 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49).

- Giảng viên dẫn dắt bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó nhấn mạnh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người… Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”7.

Như vậy, thông qua việc trích dẫn và vận dụng một số luận điểm như trên, giảng viên đã tạo nên sự thuyết phục từ dẫn chứng cụ thể để khẳng định vấn đề cốt lõi: Tính cách mạng, khoa học và đúng đắn của triết học Mác – Lênin; Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người và luôn nhất quán quan điểm lấy con người làm trung tâm để hướng tới xây dựng một xã hội mới với sự phát triển toàn diện của con người và tiến bộ xã hội. Thiết nghĩ, đây vừa là giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng, vừa là giải pháp thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống và góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay./.

----------------------------------

 Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr 351-352.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr 96-97.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr 144-145.

4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136-137.

5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

7 VTV Báo Điện tử (16/5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II.

[3]. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Trung cấp lý luận Chính trị: Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin,  Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.

[4]. Quốc hội (2013), Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[5]. VTV Báo Điện tử (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

[6]. Viện nghiên cứu con người, Hồ Sĩ Quý (chủ biên) (2003): Con người và phát triển con người trong quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: