Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.814.175
Hôm qua:986
Hôm nay:939

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

10:46 | 27/10/2021 1892

Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt quan trọng, là hạt nhân của đất nước. Vì vậy, Đảng ta luôn quan tâm phát huy những giá trị bền vững và to lớn của gia đình Việt Nam. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định “giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”. Nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng gia đình nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: gia đình là hạt nhân của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải xây dựng hạt nhân cho tốt. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan niệm nền văn hóa Việt Nam gồm ba trụ cột là văn hóa gia đình, văn hóa làng và văn hóa nước. Qua đó cho thấy, giá trị to lớn của văn hóa gia đình trong xây dựng, phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, trong, Báo cáo chính trị của Đại hội XIII xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[2]. Đây là lần đầu tiên chúng ta “đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam”[3].

Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư một lần nữa khẳng định: “gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

Đánh giá thực trạng sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị 06 khẳng định những kết quả quan trọng như: Việc chăm lo, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình trở thành giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới; các giá trị đạo đức trong hôn nhân và gia đình như chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng luôn được coi trọng… Những kết quả đó trong công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam…

Bên cạnh những kết quả, Chỉ thị 06-CT/TW cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong xây dựng gia đình như: một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình; các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình chưa thật sự hiệu quả; sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ còn hạn chế…

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 06-CT/TW nêu ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các địa phương, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước; là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình. Các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, quan tâm đến trẻ em, người cao tuổi. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Sớm nghiên cứu xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp cận các nguồn lực xã hội…

Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống trong gia đình; chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam. Nâng cao hiệu quả trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là cơ sở để vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Cần nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ. Có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Thực hiện được điều đó sẽ là nền tảng để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nhằm khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Chú thích:

[1] Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, tr.143.

[3] Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, tr.167-168.

ThS. Lưu Thị Tươi

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: