Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.380
Hôm qua:705
Hôm nay:116

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ: SỰ CHUẨN BỊ CẦN THIẾT

09:26 | 22/03/2021 1138

                                                                            Trần Hữu Minh

Khoa Nhà Nước Pháp Luật

Khi mở cửa thị trường, hội nhập vào nền kinh tế quốc tế và khu vực, Việt Nam đã chủ động trong việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bộ luật dân sự năm 1995 đã dành hẳn một chương quy định về Sở hữu trí tuệ. Để phù hợp với đòi hỏi nội tại của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới thì việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách về Sở hữu trí tuệ là một đòi hỏi cấp bách. Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã thông qua luật Sở hữu trí tuệ. Tiếp đó, Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi năm 2009) cùng với 17 nghị định quy định chi tiết, 19 thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành góp phần đưa các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn của các điều ước quốc tế mà còn tiến gần hơn đến hệ thống sở hữu trí tuệ của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

Có thể thấy, về cơ bản các quy định hiện hành của pháp luật nước ta về quyền Sở hữu trí tuệ đã thống nhất với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới về Sở hữu trí tuệ. Việt Nam có thể thực hiện ngay các quy định của Tổ chức thương mại thế giới về nghĩa vụ thành viên của tổ chức thương mại thế giới trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Qua đó, chúng ta thấy nhà nước rất quan tâm tới việc tạo ra hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện về vấn đề bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ không những đáp ứng nhu cầu đăng ký và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong nước mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam khi là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, Việt Nam đang dần hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ngày 28/5/2020, Quốc hội đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA). Cơ hội hội nhập và phát triển càng rõ nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam phải trau dồi thêm kiến thức về xây dựng hình ảnh thương hiệu, tăng “sức đề kháng” để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Quyền sở hữu trí tuệ ngày càng có vị trí quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nước ta xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài thì việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất dễ xảy ra. Nhiều câu chuyện cho thấy quyền sở hữu trí tuệ xảy ra quyết liệt ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp thì chúng ta mới nhận ra quyền sở hữu trí tuệ là tài sản có giá trị lớn, là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp.

Việc tích cực đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là công cụ hữu hiệu giúp bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng độc quyền nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước, mà còn là cơ sở quan trọng nhất để giúp giải quyết một cách thỏa đáng những tranh chấp thương mại xảy ra liên quan đến vi phạm bản quyền, quyền sở hữu, từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tình trạng phổ biến ở các quốc gia đang phát triển mà còn xảy ra ở các nước phát triển. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ có nhiều rủi ro xảy ra nếu không thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài khi có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, rủi ro lớn nhất là nhãn hiệu có thể bị pháp nhân khác đăng ký trước tại nước nhập khẩu, trực tiếp cản trở việc sử dụng và đăng ký của chủ sở hữu đích thực, từ đó gây ảnh hưởng tới mục tiêu mở rộng thị trường của doanh nghiệp đó. Câu chuyện những tài sản trí tuệ của Việt Nam như Cà-phê Trung Nguyên, cà-phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc,… bị mất là bài học nóng hổi cho các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác tại thị trường EU. Và tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan cũng như tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và tin giả là những vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu của các doanh nghiệp.

Việt Nam chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhưng vấn đề thực thi vẫn còn là điểm yếu cần phải khắc phục. Về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và mức độ phức tạp nghiêm trọng của tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Những người có quyền hưởng sở hữu trí tuệ chỉ tạo ra sản phẩm, nhưng chưa thật sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền của mình thông qua cách đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỉ khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì các doanh nghiệp mới ý thức được cần phải đăng ký bảo hộ loại tài sản vô hình này. Các thiết chế hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự vào cuộc. Nhiều tổ chức hiệp hội chưa nhận thức được sự cần thiết phải đứng ra bảo vệ quyền lợi của các thành viên.

Xuất phát từ các thực trạng trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và giới doanh nhân có thể thực hiện một số giải pháp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ, trong đó cần rút ngắn thời gian đăng ký cấp văn bằng bảo hộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đề thực hiện điều này thì các thủ tục giải quyết các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cần phải quy định một cách chi tiết, cụ thể để thuận lợi trong việc bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ.

Hệ thống các quy định về thi hành luật sở hữu trí tuệ cũng phải quy định rõ ràng các biện pháp chế tài về hình sự, dân sự, hành chính đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể như:

Đối với biện pháp dân sự: cần hoàn thiện các quy định về việc xác định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao vai trò của tòa án dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách kịp thời và có hiệu quả. Xác định rõ thẩm quyền vụ việc của tòa án trong việc xét xử các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần gây ra do các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với chế tài hành chính: Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp, nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ thay thế các nghị định đã hết hiệu lực pháp luật. Quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho tòa án. Tuy nhiên cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn riêng về thủ tục tố tụng và những vấn đề cụ thể, riêng biệt cần được áp dụng trong quá trình giải quyết các khiếu kiện hành chính về sở hữu trí tuệ.

Đối với chế tài hình sự: cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật hình sự liên quan đến việc xét xử các vụ án hình sự về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hai là, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phối kết hợp với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm để có kế hoạch điều tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, việc phối hợp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quyền sở trí tuệ sẽ góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra.

Ba là, cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh cho người dân nói chung và giới doanh nhân nói riêng, giúp đỡ họ tạo lập, bảo hộ và khai thác các tài sản trí tuệ. Cần chỉ rõ cho mọi người thấy được những lợi ích từ việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là rất lớn, căn bản và lâu dài. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn phải là sự tham gia của các Hiệp hội có liên quan.

Bốn là, các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cần chủ động rà soát, kiểm tra tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hóa dự kiến sản xuất và kinh doanh để có kế hoạch đăng ký bảo hộ kịp thời các đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tránh các vi phạm quyền của chủ văn bằng khác. Đối với các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa phải tự kiểm tra tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp trước khi ký kết hợp đồng, để đảm bảo sản phẩm hàng hóa của đơn vị không vi phạm quyền của chủ thể khác trong nước và nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư (kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) phải chủ động kiểm tra tính hợp pháp của các đối tượng sở hữu công nghiệp có liên quan nhất là nhãn hiệu hàng hóa và tên thương mại.

Năm là, Các doanh nghiệp cũng cần phải thành lập một bộ phận pháp chế với những nhân viên là luật sư hoặc những người có trình độ về pháp luật để có thể chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc Hội. 2005. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005

2. Thủ tướng Chính phủ. 2005. Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Hà Nội.

3. Thủ tướng Chính phủ. 2016. Quyết định số 1062/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Hà Nội.

4. Cục Sở hữu trí tuệ. 2017. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ.

5. Cục Sở hữu trí tuệ. 2018. Báo cáo thường niên hoạt động Sở hữu trí tuệ năm 2018

 

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều