Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.794.460
Hôm qua:1.221
Hôm nay:738

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

09:07 | 03/02/2021 1624

ThS. Trần Ngọc Tú

Khoa Xây dựng Đảng

       Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ qua đó góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của Thành phố luôn là mục tiêu được đặt lên hàng đầu của Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng. Để hiện thực hoá mục tiêu quan trọng này, bên cạnh việc chú trọng đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thì việc nâng cao hiệu hoạt động của tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

       Hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống trường chính trị là sự xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật, các quy chế, quy định trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Có thể thấy rõ, đây là hoạt động có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị hiện nay. Đặc biệt, đối với Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu xây dựng Trường Chính trị chuẩn quốc gia giai đoạn 2020-2025 cần chú trọng đến việc xây dựng quy trình, chương trình thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng nề nếp, khoa học và đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

Trong những năm vừa qua, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng đã quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, trong đó Đảng uỷ, lãnh đạo Nhà trường rất chú trọng đến việc tổ chức, kiện toàn Ban thanh tra giáo dục - hiện nay là Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng bởi lẽ hoạt động thanh tra, kiểm tra trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Từ năm 2016, Trường đã thành lập Ban Thanh tra giáo dục - đào tạo gồm 03 đồng chí, do đồng chí Phó Hiệu trưởng làm Trưởng ban và 02 đồng chí uỷ viên bao gồm Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị và Phó Trưởng phòng Đào tạo hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và theo Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đến năm 2019, thực hiện Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng đã thành lập Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng theo Quyết định số 160-QĐ/TCT ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng gồm 05 đồng chí do đồng chí Phó Hiệu trưởng làm tổ trưởng và 04 thành viên là trưởng, phó, giảng viên các phòng, khoa. Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy chế tổ chức và hoạt động của tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua hơn 5 năm hoạt động, Ban thanh tra giáo dục (trước đây) và hiện nay là Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng đã từng bước kiện toàn bộ máy; phân công công việc cụ thể, xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng năm học; xây dựng nội dung hoạt động bám sát các yêu cầu của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện nội quy, quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tham mưu chấn chỉnh, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong thời gian vừa qua, từ đó đưa hoạt động dạy – học đi vào nề nếp, khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong thời gian vừa qua, công tác thanh tra đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn những tồn tại nhất định.

Thứ nhất, việc xây dựng quy chế thanh tra, chương trình hoạt động, xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát cụ thể trong từng năm học và các đối tượng thanh tra chưa được tiến hành cụ thể, chi tiết; các hoạt động thanh tra chưa bám sát chương trình, kế hoạch và thời gian đề ra.

Thứ hai, chưa chú trọng đến việc xây dựng quy trình kiểm tra, chế độ kiểm tra (định kỳ và đột xuất), quy trình lưu biên bản kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo sau kiểm tra. Việc xây dựng quy trình, công khai quy trình kiểm tra và thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất các hoạt động giảng dạy, học tập là những nội dung rất quan trọng trong công tác thanh tra, giam sát, tuy nhiên những nội dung này trong thời gian vừa qua chưa được Tổ thanh tra chú trọng, chưa xây dựng được quy trình, chưa mang tính chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các chế độ thanh tra (gần như chưa thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất). Bên cạnh đó, chế độ thông tin, báo cáo kết quả sau khi thanh tra, giám sát chưa được thực hiện đầy đủ.

Thứ ba, chưa chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Trên thực tế, hiện nay tại Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng trong thời gian vừa qua, hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng chưa chú trọng đến một số nội dung quan trọng như: thanh tra xét tuyển đầu vào, quản lý hồ sơ học viên; thanh tra về thực hiện quy chế coi thi, chấm thi hết môn, chấm thi tốt nghiệp; thanh tra công tác ra đề và bảo mật đề thi hết môn, thi tốt nghiệp và một số các nội dung quan trọng khác trong quy trình đào tạo bồi dưỡng.

Thứ tư, một số cuộc thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa đạt được mục đích, ý nghĩa đề ra; việc ra kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm, kết luận còn chung chung, chưa chỉ rõ được những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục, vẫn còn lúng túng trong việc đề xuất xử lý những vi phạm nội quy, quy chế.

Những tồn tại nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, bên cạnh nguyên nhân do lực lượng của Tổ thanh tra còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ trong công tác thanh tra còn hạn chế lại phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, chức vụ khác nhau nên chưa thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình thì còn có nguyên nhân từ phía Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường trong thời gian qua chưa thường xuyên chú trọng đến công tác thanh tra đào tạo, bồi dưỡng, ngoài ra khi triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng trên thực tế phát sinh nhiều vấn đề và diễn biến mới ngoài sự điều chỉnh của các văn bản và quy chế của Học viện dẫn đến việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra còn nhiều bất cập, lúng túng. Trong thời gian đến để củng cố và nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức Nhà trường về tầm quan trọng của công tác thanh tra. Với việc nhận thức đúng về vấn đề này, Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường sẽ lựa chọn được tổ thanh tra có năng lực, trách nhiệm và có những chỉ đạo kịp thời, sâu sát với hoạt động này. Đối với cán bộ, giảng viên, viên chức Nhà trường, với việc hiểu được ý nghĩa, mục đích, chức năng và vai trò của hoạt động thanh tra để có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động, có sự đồng thuận, xem việc thanh tra là hoạt động chuyên môn thường xuyên liên tục, bỏ đi tâm lý nặng nề, né tránh hay tâm lý đối phó mà luôn chủ động, hoàn thiện bản thân, chỉn chu và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Việc nâng cao nhận thức này sẽ giúp cho hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng ngày càng hiệu quả, thực chất đồng thời giúp cho Nhà trường xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên viên có tác phong làm việc nề nếp, khoa học và chuyên nghiệp.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện Quy chế thanh tra đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng quy trình thanh tra, phân công trách nhiệm và chú trọng đến xây dựng kế hoạch thanh tra theo từng quý và từng năm học. Việc xây dựng và hoàn thiện Quy chế thanh tra đào tạo, bồi dưỡng là yêu cầu cần thiết, trên cơ sở các văn bản, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà trường sẽ xây dựng và từng bước hoàn chỉnh Quy chế thanh tra phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ cụ thể tại đơn vị. Bên cạnh đó, Tổ thanh tra cần chú trọng đến việc xây dựng quy trình thanh tra và phân công trách nhiệm hợp lý đối với các thành viên; chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch thanh tra theo từng tháng, từng quý, từng năm học và kiểm tra, giám sát theo chuyên đề; có sự kiểm tra, giám sát thực hiện theo kế hoạch đề ra; tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra “đột xuất”; tăng cường kiểm tra các lớp học mở tại địa phương, đơn vị ngoài trường, chú trọng đến các nội dung kiểm tra quan trọng trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng.

Ba là, trong việc thành lập các Hội đồng chuyên môn quan trọng, Ban giám hiệu nhà trường cần xem xét bổ sung thêm thành viên của Tổ thanh tra làm uỷ viên để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng như: Hội đồng tuyển sinh; Hội đồng kiểm tra điều kiện dự thi (hết môn và tốt nghiệp); Hội đồng thi Tốt nghiệp; Hội đồng chấm thi Tốt nghiệp…

Bốn là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, phương pháp công tác cho cán bộ, giảng viên được cử làm thành viên trong Tổ thanh gia đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, kinh phí, thời gian và phương tiện để Tổ thanh tra hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên đây là một số giải pháp cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, với việc đưa hoạt động thanh tra đi vào thực chất và toàn diện sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong những năm học sắp đến./.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: