Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.751.268
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Ý CHÍ VÀ NGHỊ LỰC HỒ CHÍ MINH

08:52 | 12/06/2018 2222

 

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

          Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam tự hào về Bác bởi Bác chính là sự kết tinh của những giá trị truyền thống của dân tộc. Sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước là minh chứng hùng hồn rằng có lý tưởng và có ý chí quyết tâm thì khó khăn, gian khổ đến mấy chúng ta đều có thể vượt qua và thành công. Nhân kỷ niệm 107 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, tôi xin bày tỏ cảm nghĩ của mình về cuộc hành trình vĩ đại này.

          Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Đây là một cuộc hành trình vĩ đại để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.

          Vâng, đã 107 năm kể từ sự kiện lịch sử đó nhưng những bài học về lòng yêu nước, thương dân, về ý chí, nghị lực kiên cường vẫn còn nguyên giá trị đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung và đối với thế hệ trẻ nói riêng.

          Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, trước tình cảnh đó, nhiều phong trào yêu nước đã diễn ra như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân… nhưng tất cả đều bị thực dân Pháp dìm trong bể máu vì đường lối cứu nước của các cuộc khởi nghĩa đó không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc đã trở thành hệ thống thế giới.

         Là một người dân sống trong cảnh nước mất, nhà tan, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ mới 21 tuổi đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau này, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những dòng thơ vô cùng xúc động khi hồi tưởng lại cuộc hành trình vĩ đại của Bác:

“Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương”

(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)

         Hành trang mang theo là 2 bàn tay trắng với quyết tâm “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”[1] và khát vọng cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu”[2]. Điều này đủ để cho chúng ta thấy rằng, Bác là một người rất dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách và hơn tất cả, Bác có một tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc và chính lòng yêu nước bao la đó đã thôi thúc Bác quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Lao động đối với Bác là phương tiện để sống, để đi, quan sát, học tập và tìm tòi chân lí. Bác bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Nhưng hai bàn tay của Bác đã làm nên tất cả, bất chấp mọi gian nguy và khổ cực ở phía trước.

         Con đường Bác chọn đó là sang phương Tây, cụ thể đó là sang Pháp để “xem họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta”[3]. Đây không phải là hành động ngẫu nhiên mà sự lựa chọn trăn trở, một ý chí quyết tâm vô cùng mạnh mẽ, sự lựa chọn này xuất phát từ dự cảm chính trị thiên tài và sự phân tích đúng đắn tình hình Đất nước, về các phong trào cách mạng lúc bấy giờ, bởi theo Bác thì muốn đánh đuổi kẻ thù thì trước hết phải hiểu rõ kẻ thù, sự lựa chọn này thể hiện bản lĩnh độc lập và tư duy sáng tạo của Bác.

          Từ ngày 5 tháng 6 năm 1911 ấy, Bác đã trải qua bao gian nan, cực khổ. Con người nhỏ bé nhưng nhân cách vĩ đại ấy đã sẵn sàng làm đủ mọi nghề để mưu sinh, từ dọn tuyết, đốt lò, làm bánh, bồi bàn, phụ bếp trong quán ăn… để có tiền sinh sống:

                                       “Từ đó Người đi những bước đầu

                                       Lênh đênh 4 biển một con tàu

                                       Cuộc đời sóng gió trong than bụi

                                       Tay đốt lò, lau chảo, thái rau”

                                                                   (Theo chân Bác - Tố Hữu)

         Những năm tháng ấy Bác phải đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn, thời gian  làm việc trên tàu Latutso Terovin với điều kiện vô cùng khắc nghiệt từ 4 giờ sáng đến tối, do chưa quen lao động chân tay nặng nhọc và môi trường lênh đênh trên sóng biển, nhiều lúc tưởng chừng như Bác không thể vượt qua. Thế nhưng, tất cả những khó khăn ấy hình như bị lu mờ trước nghị lực phi thường và lòng dũng cảm không cùng của Bác, với ý chí và nghị lực kiên cường, càng gian khổ, sức chịu đựng của Bác càng bền bĩ. Và chính cuộc sống lao động thực sự với nhiều nghề khác nhau, đã giúp Bác đã thấu hiểu nỗi đau và nỗi tủi nhục của những người lao động làm thuê cho những kẻ bóc lột trong xã hội.

         Trong cuộc hành trình viễn du đó, Bác đến nhiều nước và trải qua những tháng ngày lao động gian khổ để kiếm sống và nuôi chí lớn tìm con đường cứu nước. Mùa đông nơi xứ người, phải hứng chịu cái rét cắt da, cắt thịt:

                                  “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê

                     Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”

                                                    (Người đi tìm hình của Nước - Chế Lan Viên)

         Những ngày ấy, buổi sáng trước khi đi làm, Bác để một viên gạch cạnh bếp lò, chiều về, Bác lấy viên gạch ra, bọc vào tờ báo cũ lót xuống giường nằm cho đỡ lạnh. Không chỉ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống mà trong suốt cuộc hành trình ấy, Bác luôn bị kẻ thù rình rập, theo dõi, giám sát. Nhiều lần bị bắt, bị giam cầm, kẻ địch đã đối xử hết sức tàn bạo với Bác, có những lúc cái chết cận kề nhưng Bác vẫn bình tĩnh tự tin vào lý tưởng và con đường cứu nước, cứu dân mà mình đã chọn. Một lần nữa, sức mạnh của ý chí và nghị lực đã giúp Bác đạp mọi hiểm nguy để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.

         Khi nói đến ý chí và nghị lực phi thường của Bác, một tờ báo Ấn Độ đã từng viết: “Đằng sau cái cốt cách dịu dàng của cụ Hồ là một ý chí sắt thép. Dưới cái bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi, anh hùng không gì uy hiếp nổi”[4]. Vâng, quả đúng là như vậy. Khó khăn, hiểm nguy là thế nhưng ý chí, quyết tâm và lòng tin của Bác về con đường giải phóng dân tộc luôn trước sau như một, chưa một phút giây nào Bác thôi nghĩ về vận mệnh của đất nước, đời sống của đồng bào:

                            “Đêm mơ Nước, ngày thấy hình của Nước

                            Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

                            Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

                            Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”

                                               (Người đi tìm hình của Nước - Chế Lan Viên)

          Mặc dù lao động cực nhọc, thiếu thốn, khó khăn trăm bề nhưng hễ có thời gian rỗi là Bác học tập, nghiên cứu. Bác tự học tiếng nước ngoài, Bác học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, Bác viết vào cánh tay 10 từ, tập viết ngắn, viết dài, tập viết, tập đọc, tập nghe; Bác tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi; học bạn bè cùng đi trên tàu, cô sen, học anh thợ nấu bếp, thủy thủ trên tàu, học giáo sư người Anh… Mặc dù tự học như vậy nhưng Bác thạo và biết 29 tiếng nước ngoài…. Với vốn ngoại ngữ quí giá, đã giúp Bác tích lũy hiểu biết về các nước, các dân tộc, hòa hợp trong mình tất cả những tinh hoa của thế giới và của thời đại. Rồi Bác nghiên cứu sách báo nước ngoài, tích cực đi tìm hiểu thực tế cuộc sống những nơi mình đã đi qua, tham gia các hoạt động, phong trào ở đó.

Vượt qua bao khó khăn gian khổ, đến năm 1920, sau 10 năm kể từ ngày rời quê hương tìm đường cứu nước, thông qua Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên tờ báo Nhân đạo của Pháp, Bác đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam và vạch rõ để giải phóng dân tộc chỉ có thể bằng cách thực hiện cách mạng vô sản. Nhiều năm sau đó, Bác tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước, chuẩn bị những nhân tố đảm bảo cho cách mạng Việt Nam. Đến ngày 28 tháng 01 năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác đã về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam làm nên thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nước ta trở thành một quốc gia độc lập. Và Bác tiếp tục lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cho đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác vẫn đau đáu một điều rằng: “Tôi tiếc là không còn được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[5].

         Bác đã phải hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc, Bác đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Và quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác với bao gian khổ, hiểm nguy nhưng vẫn không làm Bác chùn bước đã cho thế hệ trẻ như chúng tôi thấy rằng cần phải có ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn, gian khổ.

         Với những người trẻ như chúng tôi, có ý chí, nghị lực phi thường vì vận mệnh quốc gia, dân tộc thì có lẽ cao siêu quá và do đó, thông điệp tôi muốn gửi đến đội ngũ giảng viên trẻ chúng tôi là mình có ước mơ, hoài bão thì hãy cố gắng, nỗ lực vượt qua những khó khăn để thực hiện ước mơ của mình. Và ước mơ tôi muốn nói ở đây cũng không có gì lớn lao ngoài việc học tập nâng cao trình độ để trở thành một giảng viên giảng thật tốt góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của Trường, đồng thời khẳng định giá trị bản thân mình. Con đường thực hiện ước mơ đó chắc chắn không chỉ bằng phẳng mà còn có những đoạn ghập ghềnh, nhưng với ý chí phấn đấu và sự nỗ lực của chính mình, chúng ta rồi sẽ vượt qua.

         Hơn một thế kỷ trôi qua kể từ sự kiện lịch sử quan trọng đó, nhưng lúc này đây, mỗi chúng ta đều không thể quên được hình ảnh một người thanh niên mới 21 tuổi rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Bài học to lớn Bác để lại cho chúng ta đó là lòng yêu nước thương dân, khát vọng dành độc lập, tự do cho dân tộc và một ý chí nghị lực phi thường, như Bác đã từng nói:

                                    “Không có việc gì khó

                                     Chỉ sợ lòng không bền

                                     Đào núi và lấp biển

                                     Quyết chí ắt làm nên”

                                                         (Hồ Chí Minh)

 


[1]. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Trẻ, 2005.

[2]Mai Chí Thọ, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1985, tr.65.

[3]. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Trẻ, 2005.

[4] Trần Văn Giàu, Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 288.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.501.

Người viết: Nguyễn Nữ Đoàn Vy

 Phó Trưởng Khoa LL Mác-Lênin, TT HCM

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều