Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.749.205
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả của người học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học viên các trường Chính trị

10:51 | 10/04/2018 2394

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học là khâu quyết định chất lượng quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Có kiểm tra, đánh giá đúng mới có cơ sở để tiến hành tốt các khâu khác từ tuyển đầu vào, tổ chức hoạt động dạy và học (biên soạn nội dung- chương trình, thi đua, khen thưởng,…) và các công tác khác nhằm đạt tới mục tiêu giáo dục. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả của người học được bao quát ở cả 2 phương diện: học tập và rèn luyện trên nhiều lĩnh vực cụ thể. Trong học tập, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất là để đo lường các mặt về  năng lực, sở trường của người học. Trong đó, quan trọng nhất là năng lực chuyên môn bao gồm khả năng tư duy, kiến thức nền, năng lực thực hành (phương pháp), năng lực xã hội,…của học viên. Năng lực chuyên môn lại có liên quan rất mật thiết đến ý thức, thái độ, tinh thần trách nhiệm,… của mỗi người. Vì vậy, phương diện thứ hai của kiểm tra, đánh giá là xem xét việc rèn luyện các phẩm chất, đức tính: kiên trì, chịu khó, tích cực, nỗ lực của người học trong suốt quá trình học tập. Trong môi trường giáo dục lý luận chính trị, với đối tượng là cán bộ, đảng viên, nhằm đào tạo cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, thì việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập càng hết sức cần thiết phải xem xét trên cả hai mặt: học tập và rèn luyện.

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, tình trạng ngại hoc tập, lười nghiên cứu lý luận như nhận định của Đảng ta trong Nghị quyết trung ương 4 khóa XII khi nhận diện 27 biểu hiện, phải thấy có nguyên nhân từ rất trước đến nay là công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên của chúng ta còn rất bất cập:

Thứ nhất, trong  nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả sau một quá trình học tập:

 - Chưa cân đối giữa hai phần học lực và rèn luyện vốn có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại nhau. Trong kết quả kiểm tra, đánh giá học lực, chỉ mới tập trung chủ yếu vào so sánh điểm số các môn học. Bởi để đạt tới điểm số thực chất trong học tập, đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân rất lớn.

- Nội dung bài kiểm tra, thi chưa đánh giá đầy đủ các năng lực của học viên, thiên về kiểm tra trí nhớ (số liệu, tên, nội dung các nghị quyết, chính sách,…), hoặc mô tả kiến thức hơn là phát hiện năng lực tư duy, khả năng liên kết, óc sáng tạo,…Thiếu hẳn phần phát huy tư duy sáng tạo, ý tưởng, đề xuất, nhận định, đánh giá có tính chất phản biện, kể cả phản biện chủ trương chính sách.

Thứ hai, về phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả sau một quá trình học tập:

- Còn thiên về định lượng, sự kết hợp hài hòa giữa định tính và định lượng chưa thực sự hiệu quả. Trên thực tế, ở một số khâu cụ thể, việc áp dụng quy chế, quy định trong quản lý đào tạo- bồi dưỡng còn cứng nhắc, đôi khi khiêng cưỡng. Ví dụ trong kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy chế học tập, có quy định học lại toàn bộ số tiết của môn học nếu số buổi vắng vượt 20% tổng thời lượng môn học. Với đối tượng học viên trường chính trị, thường là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nếu trong khuôn khổ thời gian giới hạn với môn học dài và có nhiều môn học, việc áp dụng rập khuôn quy định trên sẽ rất khó để họ có thể hoàn thành cùng một lúc nhiệm vụ học tập và công tác.

- Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ở trường chính trị nhìn chung thiếu linh hoạt. Có thể thấy kết quả đánh giá quá trình học tập của học viên chỉ phụ thuộc vào bài kiểm tra, thi hết môn và cuối khóa. Quá trình học tập trên lớp, những giờ thảo luận, phát biểu xây dựng bài chỉ mới được ghi nhận ở mặt hình thức (tinh thần, thái độ học tập,…), chưa có quy định đánh giá các ý kiến đóng góp của học viên trong xây dung nội dung bài học. Đây chính là đánh giá quá trình lĩnh hội kiến thức của học viên, mà từ đó có biện pháp khơi dậy các mầm mống ý tưởng mới. Sứ mệnh của giáo dục- đào tạo không chỉ là dạy dỗ mà còn là phát hiện, ươm trồng những nhân tố mới. Làm tốt điều này góp phần rất lớn trong nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị của học viên ở trường Chính trị hiện nay.

- Hình thức bài kiểm tra, thi nhìn chung, ít có sự đổi mới, đa số các đề/ câu hỏi thi yêu cầu minh họa chính sách (chứng minh) và thuyết minh chính sách (phân tích) nhiều hơn là yêu cầu học viên đưa ra các căn cứ, lập luận làm rõ tính tất yếu của chính sách (giải thích). Do vậy không phát huy được ở học viên năng lực tranh luận, tìm tòi từ đó nắm chắc các căn cứ lý luận nào, thực tiễn nào của một quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có như vậy, họ mới làm tốt được công tác thuyết phục, vận động người dân thực hiện chính sách, pháp luật.

Như vậy, từ những bất cập nói trên cũng như thực tế chất lượng đào tạo- bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay, để đạt tới mục tiêu giáo dục lý luận chính trị theo quan điểm chủ trương của Đảng, điều cần thiết hiện nay phải đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên.

Từ trước đến nay, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học đã được quy định rất rõ ràng, đã quy trình hóa, thành công thức cụ thể trong Luật giáo dục cũng như các Thông tư, Nghị định,… về giáo dục- đào tạo nói chung, bắt buộc phải thực hiện trước, trong và sau một quá trình đào tạo. Quy chế về đánh giá kết quả học tập của học viên do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành kèm Quyết định 1855 QĐ/HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện có quy định chi tiết về đánh giá kết quả học tập của học viên. Tuy nhiên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu hiện nay, trước hết cần đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính tích cực của học viên, cần tập trung vào mấy vấn đề sau:

Một là, về mục tiêu công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập: chuyển từ một mục tiêu sang nhiều mục tiêu: học tập và rèn luyện; từ một mục tiêu là xếp loại làm cơ sở thi đua, khen thưởng mở rộng sang các mục tiêu khác như: phát hiện nhân tố mới, ươm mầm tài năng, kích thích tư duy sáng tạo,…Xuất phát từ các mục tiêu đa dạng như thế, để thiết kế nội dung- chương trình đào tạo, cách thức giảng dạy phù hợp, linh hoạt.

Hai là, nội dung công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cần hết sức đa dạng, phong phú: kiểm tra, đánh giá trình độ tư duy, năng lực chuyên môn, năng lực lựa chọn sử dụng phương pháp cho từng vấn đề, năng lực xử lý tình huống,…Từ nhiều nội dung kiểm tra, đánh giá như thế để xây dựng kết cấu câu hỏi, đề thi theo hướng vừa kiểm tra tư duy, trí nhớ, kiến thức, vừa kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn,…của người học.

Ba là, Kết hợp nhiều hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, cụ thể là: đánh giá dựa trên điểm số các môn học với các cột điểm trình bày (thuyết trình, phát biểu miệng) trong giờ học hoặc giờ thảo luận. Kết quả môn học được đánh giá trên nhiều hình thức: Ngoài bài thi, tùy đặc điểm, tính chất từng môn học, giáo viên tự xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức kiểm tra đầu giờ, cuối giờ, bài tập ngoại khóa,…Như vậy, sẽ tạo điều kiện phát huy tối đa sở trường của học viên để đánh giá đúng năng lực, trình độ của họ. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm tạo hứng thú, kích thích tính tích cực học tập của học viên.

Bốn là, chủ thể công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong nhà trường là là giáo viên, là Hội đồng sư phạm nhà trường, có vai trò quan trọng, thậm chí quyết định chất lượng công tác kiểm tra, đánh giá. Cho nên rất cần thiết phải đổi mới, trước hết là đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên đối với hoạt động giảng dạy của bản thân mình cũng như cả quá trình giáo dục của nhà trường. Đối với Nhà trường, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên cần được người giáo viên, Hội đồng sư phạm nhận thức và làm đúng. Xem việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập không chỉ là điểm kết thúc cho một phần học, một khóa đào tạo, mà là chỗ bắt đầu của các quá trình khác, như: Thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng giảng dạy; chất lượng nghiên cứu khoa học; chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ- giảng viên nhà trường;…Nếu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên bị làm dối, làm kém hoặc không thực chất, thì ở đây chứ không nơi nào khác, chân giá trị bị đảo lộn, đạo đức của người cán bộ đảng viên bị tha hóa, lũng đoạn cả quá trình giáo dục- đào tạo. Hậu quả của những sai trái này là vô cùng to lớn, bởi nó phá nát niềm tin vào hệ tư tưởng chúng ta đang truyền giảng.

Năm là, đối tượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là học viên cũng cần được đổi mới. Nhà trường có biện pháp để thúc đẩy tính chủ động của học viên trong việc học tập và rèn luyện để đạt tới kết quả tốt nhất, chứ không thụ động, học đối phó nhằm hợp thức hóa bổ nhiệm, chỉ quan tâm điểm số để xếp loại, bỏ quên nhiều mục tiêu khác của học tập là thay đổi nhận thức để đạt tới giá trị cốt lõi là thay đổi bản thân ngày càng tiến bộ. Trong khóa học, tùy đặc điểm tình hình, Nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học viên (thuyết trình sách hay, mới tại; câu lạc bộ học viên với sinh hoạt lý luận, nghiên cứu thực tế,…), các phong trào, cuộc thi (học viên giỏi lý luận, thi tuyên truyền chỉ thị 05 về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,…) với nội dung chủ đề gắn với những vấn đề lý luận được học cũng như những tình huống thực tiễn nảy sinh. Qua các hoạt động này, học viên được bổ sung sự đánh giá kết quả học tập và rèn luyện từ nhiều nội dung, hoạt động. Kết quả được kiểm tra, đánh giá từ nhiều hoạt động, của nhiều chủ thể kiểm tra đánh giá (giảng viên trực tiếp đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm, phòng Đào tạo, Hội đồng sư phạm Nhà trường, kể cả học viên trong toàn trường,…) sẽ đảm bảo tính toàn diện, khách quan. Đến lượt học viên, qua kết quả học tập tốt thực sự của mình, họ tham dự vào quá trình đào tạo của Nhà trường, không phải chỉ với tư cách người đi học mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng viên, chất lượng đào tạo- bồi dưỡng.

Giáo dục lý luận chính trị không chỉ đạt tới mục tiêu tri thức mà còn qua đó nhằm củng cố, xây dựng niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa Cộng sản. Điều này chỉ có thể đạt được khi chất lượng đào tạo- bồi dưỡng lý luận chính trị thực sự được nâng cao. Muốn vậy, trước hết phải đảm bảo chất lượng công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị hiện nay.

ThS. Phan Thị Mỹ Dung

Trưởng phòng Đào tạo trường Chính trị TP Đà Nẵng

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều