Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.452
Hôm qua:705
Hôm nay:188

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Xây dựng Tổ chức và Đào tạo cán bộ trong hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh

21:27 | 31/08/2017 3429

XÂY DỰNG TỔ CHỨC VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ TRONG HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC

CỦA HỒ CHÍ MINH

Ths. Nguyễn Phước Phúc

Trong bối cảnh nhân dân sống lầm than dưới ách thuộc địa của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can… đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại. Qua khảo nghiệm thực tiễn, được tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước, Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) thấy rằng phải tìm con đường giải phóng dân tộc bằng con đường mới, bằng hướng khác. Đây là nhận thức ban đầu, rất quan trọng đối với Nguyễn Tất Thành trong việc tìm đường cứu nước. Giáo sư Đặng Xuân Kỳ đã viết: “Anh ra đi không phải vì mình hay cho mình. Động cơ ra đi của Anh chỉ có một, đó là lòng yêu nước thương dân. Mục đích ra đi của Anh chỉ duy nhất là tìm cho được con đường cứu dân, cứu nước[1].

Hành trang của Nguyễn Tất Thành lúc đó là: “Truyền thống lịch sử 4000 năm với sức sống mãnh liệt của một dân tộc; truyền thống đoàn kết đấu tranh dựng nước và giữ nước, không ngừng vun đắp sức mạnh của cộng đồng, một lòng tương thân tương ái...Cùng với truyền thống tư tưởng và bản sắc văn hoá Việt Nam, trong hành trang của Nguyễn Tất Thành lúc rời Việt Nam ra đi còn có những thành quả tư tưởng phương Đông, nhất là của hai nền văn hoá lớn Trung Quốc và Ấn Độ, qua nhiều thế kỷ giao lưu phần nào đã hội nhập vào văn hoá Việt Nam, và được Nguyễn Tất Thành tiếp thu qua giáo dục của gia đình, của nhà trường và cuộc sống xã hội” [2].

Nguyễn Tất Thành đã len lỏi trong quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ, đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn, Pari, Thái Lan, Trung Quốc… để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia phong trào công nhân Pháp. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập và là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp. Người còn thành lập và điều hành tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa, chính qua những tổ chức đầu tiên này, Nguyễn Ái Quốc đã học được cách tổ chức những phong trào, thấu hiểu yêu cầu và nguyện vọng của các dân tộc bị áp bức và sức mạnh to lớn khi họ được đoàn kết lại.

Đến giữa năm 1923, Người rời nước Pháp sang Liên Xô trực tiếp tìm hiểu và hoạt động tại quê hương Lênin vĩ đại. Ở đây, Người có những điều kiện thuận lợi để tiếp thu đầy đủ chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười, quan sát trực tiếp nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời và tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Khi tìm được con đường đấu tranh cứu nước đúng đắn từ lý luận của Mác, từ quan điểm về vấn đề dân tộc thuộc địa của Lênin và từ tấm gương của Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đi theo con đường cách mạng của Lênin, của QTCS. Đó là sự kiện có tính bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Người đã suy nghĩ về vấn đề tổ chức phong trào cách mạng và xây dựng Đảng cách mạng ở Việt Nam. Trước khi rời Paris, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập[3].

Đồng tình với quan điểm của V.I Lênin : “sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức. Không tổ chức quần chúng thì giai cấp vô sản không là cái gì hết. Được tổ chức, giai cấp vô sản sẽ là tất cả”, “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mạng muốn thắng lợi bắt buộc phải có tổ chức lãnh đạo. Vấn đề tổ chức và cán bộ được Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh cùng với việc xác định đúng đắn con đường đấu tranh cách mạng.

Khoảng tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời khỏi nước Pháp để đi Nga. Tại Mátxcơva, Người làm việc ở Ban Phương Đông, QTCS. Vấn đề mà Người quan tâm trước tiên là gây dựng lực lượng và đào tạo cán bộ cho cách mạng. Nguyễn Ái Quốc “đề nghị QTCS hãy chú ý đến việc đào tạo cán bộ cho cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới. Theo Người, đây là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài[4]. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc khẩn thiết đề nghị QTCS “cần tuyển lựa đảng viên và đào tạo cán bộ cách mạng là người thuộc địa, bằng cách gửi họ sang học ở Trường đại học Phương Đông tại Mạc Tư Khoa. Được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, nhiều thanh niên Việt Nam đã sang học tại trường này, trong số đó, có người trở thành cán bộ xuất sắc của Đảng” [5].

Tháng 9 năm 1924, QTCS đã ra quyết định điều động Nguyễn Ái Quốc đi Quảng Châu đúng theo nguyện vọng của Người. Nguyễn Ái Quốc chọn Quảng Châu làm nơi “ngọa ngoại chiêu hiền”, tổ chức đường dây, đưa thanh niên trong nước ra, huấn luyện họ làm cách mạng rồi đưa về nước hoạt động, giác ngộ đồng bào, gây dựng phong trào đấu tranh giải phóng.

Từ những thành viên xuất sắc, hạt nhân của tổ chức Tâm Tâm Xã ở Quảng Châu khi đó, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập một Nhóm bí mật có hạt nhân là Cộng sản Đoàn với những cá nhân tiêu biểu như: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lưu Quốc Long, Trương Văn Lĩnh, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ… Trên cơ sở lấy Nhóm bí mật làm nòng cốt, tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản như chủ đích mà Người gửi gắm ở tổ chức này: “Nó là quả trứng, mà từ đó nở ra con chim non cộng sản”. Để có tiếng nói rộng rãi trong quần chúng nhân dân, Nguyễn Ái Quốc còn tổ chức cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội, với tôn chỉ đoàn kết hết thảy những người yêu nước Việt Nam đứng lên làm nhiệm vụ cứu nước, giác ngộ tinh thần cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.

Đầu năm 1925, Người chính thức bắt đầu mở lớp huấn luyện chính trị. Những học viên theo học lớp huấn luyện chính trị là những thanh niên yêu nước lúc bấy giờ ở Quảng Châu và những thanh niên trong nước sang. Trong Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi QTCS ngày 03/6/1926, Người viết: “Tổ chức một trường tuyên truyền. Sau một tháng rưỡi học tập họ trở về nước. Khóa thứ nhất được 10 học viên. Khóa thứ hai sẽ mở vào tháng 07 tới, sẽ có khoảng 30 người[6].

Chương trình học tập khá phong phú, gồm các vấn đề: cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam, phương pháp vận động cách mạng. Các chủ nghĩa: Chủ nghĩa Tam dân, Chủ nghĩa Cộng sản,… Trong đó phương pháp vận động quần chúng đấu tranh là một trong những nội dung quan trọng mà Nguyễn Ái Quốc đã truyền đạt cho học viên. Kết thúc khóa học, có học viên được giữ lại ở nước ngoài để công tác, có người được cử đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), có người vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Còn phần đông được cử về nước hoạt động, gây dựng và phát triển tổ chức.

Như vậy, kể từ cuối năm 1924 khi đặt chân đến Quảng Châu đến lúc phải rời Quảng Châu vào năm 1927, Nguyễn Ái Quốc mới chỉ mở được 3 lớp huấn luyện với 75 học viên, nhưng ở buổi đầu mới nhen nhóm với nhiều khó khăn thử thách về trường lớp, tài liệu, quản lý, tuyển chọn và tài chính, đó là một con số đầy ý nghĩa. Những “hạt giống đỏ” được đích thân Nguyễn Ái Quốc gieo trồng, chăm bón ấy phần lớn đã trưởng thành và có những đóng góp to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc. Có thể khẳng định, Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo được đội ngũ cán bộ, đảng viên đầu tiên cho cách mạng Việt Nam và từ họ, lớp lớp thanh niên cách mạng sẽ kế tiếp xuất hiện trên toàn đất nước Việt Nam. Thời kỳ này đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc, thời kỳ trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập.

 Nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng đã được Nguyễn Ái Quốc luận định sáng rõ trong tác phẩm Đường cách mệnh khi trả lời câu hỏi do Người nêu ra: “Cách mạng trước hết phải có cái gì?” “Trước hết phải có Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi” [7].

Trải qua quá trình chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức, khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 03-02-1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến.

Tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (cuối năm 1939), Nguyễn Ái Quốc thường xuyên chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ cách mạng cho các đồng chí hoạt động ở đây: “ban ngày Bác đi khảo sát tình hình, ban đêm Bác tranh thủ mở lớp huấn luyện. Mỗi lớp chỉ có 5-7 người, thậm chí chỉ có 3-4 người. Thời gian học cũng chỉ vào buổi tối. Cứ như thế, những hạt giống cách mạng được Bác gieo trồng ngày càng phát triển[8]. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo xuất sắc tiêu biểu được Người đào tạo, đó cũng là lớp nhân tài đầu tiên của dân tộc như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và rất nhiều đồng chí khác. Các đồng chí đó không những là những nhà lãnh đạo xuất sắc mà còn là những nhà lý luận của Đảng đóng góp quan trọng vào sự phát triển lý luận của cách mạng Việt Nam nhằm giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Tháng 2/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Người  tiếp tục sự nghiệp đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nhân tài cho cách mạng. Công việc mà Người thực hiện đầu tiên là tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ của Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và cán bộ ở miền xuôi lên. Mục đích của lớp đào tạo cán bộ này là nhằm chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền, nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự được Người liên tiếp mở ra thu hút rất nhiều cán bộ ta. Chủ trương của Người đó là “đào tạo, huấn luyện anh em rồi trả họ về cơ sở, rèn luyện họ trong thực tiễn cách mạng. Đối với Bác, một hạt giống tốt không thể để tự nó lớn lên và chết dần mà phải làm cho nó nảy nở ra trăm ngàn hạt giống khác” [9].

 Từ đó, có thể khái quát rằng, từ khi ra đi tìm đường cứu nước (1911) cho đến khi tìm thấy chủ nghĩa Lênin – con đường giải phóng cho toàn thể dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhận thấy vấn đề quan trọng nhất, khâu đột phá và sự chuẩn bị chiến lược tốt nhất cho cách mạng Việt Nam chính là vấn đề đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức. Chính Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã biến nhận thức đó thành hiện thực thông qua việc tổ chức và đào tạo lớp cán bộ đầu tiên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây chính là điểm khác biệt, điều mà trước đó chưa lãnh tụ yêu nước nào, chưa từng có tổ chức cách mạng nào đặt ra. Đồng thời thể hiện phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trên cơ sở vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin.

Chú thích:

[1]. Đặng Xuân Kỳ (1990), Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, tr.9-10.

[2]. Phạm Văn Đồng (1998), Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

[3]. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.192-289.

[4], [5]. Đức Vượng (2010), Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.80; tr.84.

[6]. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.223.

[7]. [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2002, t2, tr.267.

[8]. Nguyễn Văn Khoan (2005), Bác Hồ ở Hoa Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr.77.

[9]. Bùi Kim Hồng (2009), Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tổ chức, cán bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.121.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều