Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.749.835
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những nhân tố làm nên thương hiệu Đà Nẵng

17:34 | 19/08/2017 2295

ĐỘT PHÁ VỀ NGUỐN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO – MỘT TRONG NHỮNG NHÂN TỐ LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU ĐÀ NẴNG

Th.s Nguyễn Phước Phúc

Trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, lợi thế so sánh của sự phát triển kinh tế đang chuyển từ yếu tố giàu tài nguyên, nhiều tiền vốn, giá nhân công rẻ sang lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC). Nhận thức được điều này, Ðảng ta luôn chú trọng chiến lược phát triển con người nói chung, phát triển nguồn nhân lực nói riêng, trong đó phát triển NNLCLC là một trong ba đột phá chiến lược nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Đối với Đà Nẵng, mốc son đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của thành phố thể hiện rõ rệt sau ngày 1-1-1997, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố cân nhắc kỹ càng, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bên cạnh các khâu đột phá về phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và thương mại; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; thì phát triển nhanh NNLCLC là một trong 5 khâu đột phá mà thành phố ưu tiên tập trung phát triển.

Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm xây dựng và phát triển NNLCLC, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Từ đó, thành phố đã triển khai đồng bộ chiến lược NNLCLC, bao gồm 3 nguồn chính. Thứ nhất, tạo nguồn NNLCLC từ bậc THPT từ sớm, cụ thể là xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo định hướng chất lượng cao với đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên giỏi và chế độ ưu đãi cho giáo viên – học sinh. Thứ hai, thu hút NNLCLC đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố. Thứ ba, từ nguồn đào tạo nhân lực theo đề án Phát triển NNLCLC của thành phố (Đề án 922).

Từ năm 1998 đến nay, qua từng giai đoạn, thành phố không ngừng đổi mới và hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách ưu đãi thông thoáng, phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài chế độ đãi ngộ vật chất ban đầu, hỗ trợ hằng tháng, bố trí nhà ở cho các đối tượng theo chính sách thu hút nguồn nhân lực, thành phố còn ưu tiên cho họ trong việc thi tuyển công chức, viên chức, cử đi đào tạo bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng tiền công vụ hoặc đi đào tạo sau đại học v.v..

Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ thành phố khoá XX tại Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã khẳng định: “Việc thực hiện đột phá về phát triển NNLCLC đạt kết quả tích cực cả về thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, nhất là trong khu vực công[1]. Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đến tháng 4/2015, đã cử đi đào tạo 623 trường hợp (20 tiến sĩ, 87 thạc sĩ, 397 bậc đại học, 119 sinh viên tham gia đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú); có 343/393 lượt học viên tốt nghiệp được bố trí công tác. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ đã thu hút 508 cán bộ có trình độ đại học khá, giỏi trở lên (08 tiến sĩ, 102 thạc sĩ, 398 tốt nghiệp đại học); hằng năm có 4.000 – 4.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, cập nhật kiến thức. Nhiều cán bộ có chiều hướng phát triển tốt, sau thời gian công tác tại Đà Nẵng, 297 người (28,4%) đã trở thành Đảng viên, 206 (19,75%) được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên (trong đó có 0,8% cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý). Số liệu về thu hút và đào tạo, bồi dưỡng NNLCLC:

Năm

Tổng số

Tiến sĩ

Thạc sĩ

Đại học

Bác sĩ, Bác sĩ nội trú

I. Thu hút nguồn nhân lực

2010

119

3

24

92

 

2011

110

1

22

87

 

2012

103

2

23

78

 

2013

69

1

11

57

 

2014

105

1

22

82

 

Đầu năm

2015

2

 

 

2

 

Tổng cộng

508

8

102

398

 

II. Cử đi đào tạo theo Đề án 922

 

623

20

87

397

119

Số đã tốt nghiệp

 

393

17

77

223

76

Số đã bố trí công tác

 

343

13

76

188

66

[Nguồn: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, tr.106]

Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố trong gần 20 năm qua, chính là ưu tiên phát triển NNLCLC. Đây cũng là một trong 3 hướng đột phá phát triển từ nay đến năm 2020. Cấp uỷ, lãnh đạo thành phố cho rằng, phát triển NNLCLC là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của thành phố. Đến nay, công tác phát triển NNLCLC đã góp phần trẻ hóa và làm chuyển biến về chất đội ngũ cán bộ công chức viên chức; bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, dám nghĩ, dám làm và có khả năng đảm đương dần những trọng trách trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng chí Đặng Công Ngữ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, chính sách thu hút NNLCLC đã và đang tạo nên thương hiệu riêng cho thành phố, được dư luận đồng tình và đánh giá cao, mang lại hiệu quả nhiều mặt, nhất là định hướng được bước đột phá về cách làm để góp phần tạo ra năng lực mới cho xã hội. Đánh giá tổng kết sau hơn 15 năm triển khai công tác phát triển NNLCLC, Đồng chí Trần Thọ - Nguyên Bí thư Thành uỷ đã khẳng định: “Chúng ta đầu tư gần 600 tỷ đồng để phát triển NNLCLC trong những năm qua là rất thích đáng. Nếu so sánh, 600 tỷ đồng bằng đầu tư xây dựng nửa chiếc cầu. Nhưng quan trọng là lực lượng này nếu biết phát huy, khơi dậy năng lực chuyên môn thì họ có thể làm ra rất nhiều chiếc cầu lớn cho thành phố”; “Đầu tư như thế là đúng hướng, mang tính chiến lược. Hiệu quả của công tác này có thể nhìn thấy rõ nét hơn sau 5, 10 năm nữa. Xác định đột phá thì phải đầu tư theo kiểu đột phá, anh đầu tư như thế nào sẽ gặt hái được kết quả như thế đó”[2].

Nói về hiệu quả của công tác thu hút, đào tạo NNLCLC, ông Lâm Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cho biết, những cán bộ được tiếp nhận về làm việc tại đơn vị đã thể hiện rất rõ năng lực công tác. Nhất là năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định để xúc tiến các dự án mà thành phố thu hút được các cán bộ thu hút và đào tạo thể hiện rất hiệu quả. Chúng tôi có cán bộ tốt nghiệp lĩnh vực Tài chính quốc tế, đối với những dự án cần được thẩm định, phân tích năng lực tài chính thì nhiệm vụ này được thực hiện hiệu quả.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Bởi suy cho cùng, mọi chủ trương, đường lối phát triển thành phố nhanh hay chậm, dừng lại hay đi lên đều xuất phát từ công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, thành phố Đà Nẵng luôn dành sự quan tâm đúng mức đến công tác cán bộ, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tạo bước chuyển biến đột phá trong công tác cán bộ và đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, năng động, minh bạch và hiệu quả.

Và một lần nữa trong Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra 3 mục tiêu đột phá về phát triển kinh tế xã hội, trong đó mục tiêu đột phá thứ ba là, “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nhận thức một cách sâu sắc, thấm nhuần để biến thành hành động cụ thể, hiệu quả. Việc hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá này sẽ tạo sức bật mới, mạnh mẽ để kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững hơn, hướng đến xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Đồng thời, giữ vững được thương hiệu riêng cho thành phố mà Đà Nẵng đã và đang thực hiện, được dự luận đồng tình và đánh giá cao trong thời gian qua./.

Chú thích:

[1]. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, tr.27.

[2]. Việt Dũng: Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định, http://baodanang.vn/channel/5399/201403/nguon-nhan-luc-la-nhan-to-quyet-dinh-2313652/].

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều