Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.709
Hôm qua:705
Hôm nay:444

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Phương pháp giải quyết mâu thuẫn trong Cách mạng miền Nam 1954-1975 của Đảng

16:40 | 28/04/2017 12962

Giải quyết mâu thuẫn trong cách mạng miền Nam 1954-1975 là một vấn đề có nội dung rộng lớn, bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến sự thành bại của cách mạng.

1. Việc xác lập mâu thuẫn của cách mạng miền Nam 1954-1975.

Trong chiến tranh cách mạng, nhận diện đúng kẻ thù luôn luôn là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho phong trào cách mạng giành thắng lợi. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ thường nhắc tới câu nói của Tôn Tử - một nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại: “biết địch biết ta, trăm trận đánh trăm trận thắng”. Bước vào cuộc chiến đấu mới ở miền Nam sau tháng 7-1954, Đảng ta đã được rèn giũa, cọ xát trong đấu tranh cách mạng, đã phần nào hiểu rõ bản chất của các thế lực thực dân và đế quốc. Việc xác định đúng tính chất xã hội miền Nam vào thời điểm ấy có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Sau hai năm trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai độc tài, tài liệu “Đề cương đường lối cách mạng miền Nam” của do đồng chí Lê Duẩn biên soạn đã ra đời. Đề cương khẳng định: một cuộc xung đột đấu tranh gay gắt giữa các tầng lớp nhân dân với chính quyền Mỹ - Diệm không thể không xảy ra. Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn là nỗi lo âu, trăn trở của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Cảnh đầu rơi máu chảy diễn ra hàng ngày và mức độ ngày càng ác liệt hơn. Trong bối cảnh sôi động và phức tạp như vậy, tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 15 (khóa II) khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Sau khi phân tích tình hình cách mạng Việt Nam, Hội nghị chỉ rõ hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc đó phải giải quyết là:

- Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc xâm lược đứng đầu là đế quốc Mỹ, giai cấp địa chủ phong kiến và bọn tư sản mại bản quan liêu đang thống trị ở miền Nam với dân tộc Việt Nam;

- Mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa với con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc.

Đó là hai mâu thuẫn có tính chất khác nhau nhưng liên hệ biện chứng với nhau và có tác động thúc đẩy lẫn nhau. Hai mâu thuẫn này thể hiện sự đối kháng gay gắt giữa một bên là lực lượng của dân tộc ta mong muốn hòa bình, thống nhất với một bên là các thế lực đế quốc và tay sai, cụ thể là Mỹ - Diệm nuôi dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta. Cùng lúc chúng ta phải đồng thời thực hiện 2 chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược này tuy tính chất khác nhau nhưng có mục tiêu chung là giữ gìn hòa bình, giải phóng miền Nam thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có thể xem đây là một mẫu mực của chủ trương “đưa thực tiễn cuộc sống chiến trường vào nghị quyết”.

Hội nghị khẳng định bản chất của xã hội miền Nam: vẫn là thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. mặc dù chúng không đặt bộ máy cai trị như thực dân Pháp trước đây mà dùng chính quyền tay sai, cho chính quyền ấy đội lốt “quốc gia độc lập” để làm công cụ thực hiện chính sách nô dịch. Là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới, chính quyền Ngô Đình Diệm luôn cấu kết, bám chặt vào Mỹ phản bội lại lợi ích của dân tộc. Cách mạng miền Nam lúc này cần phải giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản: Một là, mâu thuẫn giữa nhân dân ta ở miền Nam với bọn đế quốc xâm lược, chủ yếu là đế quốc Mỹ. Hai là, mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến.

Hội nghị xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Có thể khẳng định rằng: trong chiến tranh cách mạng việc xác định đúng đắn những mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu và trước mắt đã là một thành công lớn. Song vấn đề đặt ra là, để cho cách mạng nổ ra và thắng lợi trọn vẹn thì việc chọn phương  pháp nào để giải quyết những mâu thuẫn, mà những phương pháp đó có lợi cho cách mạng nhất, ít trả giá nhất trở thành vấn đề quan tâm của chủ thể giải quyết mâu thuẫn. Trong cách mạng miền Nam ròng rã 21 năm, Đảng ta luôn tìm tòi các phương pháp giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở bám sát thực tiễn sinh động của diễn biến ở chiến trường.

2. Về phương pháp giải quyết mâu thuẫn trong cách mạng miền Nam 1954-1975.

Trên cơ sở quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh  cách mạng đồng thời vận dụng quan điểm toàn diện của phép biện chứng duy vật vào việc giải quyết mâu thuẫn, Đảng ta khẳng định chiến tranh ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn diện với phương châm: hai chân, ba mũi, ba vùng.

Về lực lượng: Đảng đã huy động mọi tầng lớp nhân dân, mọi giai tầng xã hội, mọi cá nhân yêu nước, thực hiện thêm bạn bớt thù, không bỏ sót một khả năng, một lực lượng nào. Trước quyền lợi sống còn của dân tộc, trước nguy cơ nước mất nhà tan, sinh mạng bị đe dọa, của cải bị cướp phá, Đảng khẳng định 14 triệu đồng bào ở miền Nam không phân biệt già trẻ gái trai, dân tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị đều tham gia chiến đấu. Đảng chủ trương xây dựng và phát huy sức mạnh của ba tầng mặt trận: Mặt trận thống nhất chống Mỹ ở miền Nam; Mặt trận thống nhất chống Mỹ của các dân tộc Đông Dương; Mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ.

Sự ủng hộ của nhân dân thế giới thể hiện rõ nét nhất ở việc thành lập Tòa án quốc tế xét xử hành động xâm lược miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ. Trong lịch sử nhân loại, chưa có cuộc chiến tranh cách mạng nào lại giành được sự ủng hộ to lớn, mạnh mẽ về nhiều mặt của nhân dân thế giới như cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam đã biến thành lương tri và sự nghiệp của cả loài người tiến bộ. Đảng biết khai thác và phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết quốc tế chống và sức mạnh đoàn kết dân tộc để đánh thắng giặc Mỹ. Đây là bài học hết sức quan trọng, một sự tổng kết có ý nghĩa phương pháp luận cơ bản.

Về hình thức đấu tranh: Trên chiến trường miền Nam, Đảng luôn chỉ đạo quân và dân ta tiến công địch bằng nhiều hình thức phong phú, thực hiện ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận.

Thực tế cách mạng miền Nam từ 1954-1960 chủ yếu thiên về đấu tranh chính trị. Nhưng từ năm 1960 trở đi, Đảng luôn coi đấu tranh quân sự là một hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng quyết định trực tiếp trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự địch. Trên mũi tiến công binh vận, Đảng chủ trương: không coi binh sĩ trong quân đội Sài Gòn là địch, mà là “quần chúng đặc biệt”, quần chúng nông dân lao động bị địch bắt buộc cầm súng cho chúng. Phong trào toàn dân làm công tác binh vận được mở ra và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Kể từ ngày 13/5/1968 trở đi, Đảng mở thêm mặt trận đấu tranh ngoại giao. Đây là mốc đánh dấu cuộc nói chuyện chính thức giữa các đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Mỹ tại Pari. Cục diện mới “Nam đánh Bắc đàm” được mở ra. Dựa trên lập trường chính nghĩa, chúng ta tích cực đấu tranh vạch trần bản chất xâm lược của kẻ thù.

Địa bàn của cuộc chiến tranh: Được thực hiện trên cả 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Bằng sự kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận trên cả 3 vùng chiến lược, chúng ta đã mở rộng được địa bàn tiến công, phát huy được quyền chủ động trên chiến trường. Đánh địch với không gian rộng như vậy buộc địch phải phân tán lực lượng.

Vận dụng quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm phát triển vào việc giải quyết mâu thuẫn trong cách mạng miền Nam, Đảng thường xuyên theo sát tình hình thực tiễn thế giới và trong nước, diễn biến ở chiến trường, kịp thời có những quyết định chính xác về đường lối đấu tranh. Thời kỳ 1957-1959 là thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam. Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (1/1959) ra đời, tuy có hơi muộn nhưng đã soi sáng con đường cách mạng miền Nam, kịp thời phát động đông đảo quần chúng đấu tranh dẫn tới cao trào đồng khởi toàn miền Nam. Cao trào đồng khởi 1959-1960 đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thì ta đã chủ động cả về tư tưởng, tổ chức, lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân. Bị thất bại liên tiếp trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, bị nhân dân thế giới lên án, trong nước thì bị khủng hoảng và phân hóa xã hội sâu sắc buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và đi dần vào chiều hướng kết thúc nội chiến, chịu ngồi đàm phán theo điều kiện của ta ở Hội nghị Pari. Năm 1969, chiến lược toàn cầu mới của Mỹ ra đời mang tên “Học thuyết Níchxơn”. Ngay sau khi ra đời, học thuyết này đã được ứng dụng vào Việt Nam với tên gọi “Việt Nam hóa chiến tranh”. Để làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, Đảng chủ trương: đoàn kết chặt chẽ toàn dân Việt Nam, ra sức đấu tranh dưới mọi hình thức. Đảng xác định, lúc này tiến công ngoại giao là một mặt trận tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Cuộc đàm phán Pari là đỉnh cao của việc phối hợp ngoại giao, quân sự, chính trị; là kết hợp nhân tố chiến trường, bàn đàm phán và tình hình quốc tế; cũng là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Đảng nhận định: ở miền Nam vẫn chưa có hòa bình. Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 (7/1973) ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Đây là một trong những Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nếu như Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (12/1965) khẳng định quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ và xác định những vấn đề cơ bản để thực hiện bước thứ nhất “đánh cho Mỹ cút” thì Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng. Đó là những vấn đề chiến lược cơ bản để hoàn thành bước thứ hai “đánh cho ngụy nhào” kết thúc cuộc kháng chiến. Ngày nay nhìn lại lịch sử, có thể có nhiều phương án chiến lược đi tới kết thúc chiến tranh, nhưng phương án “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” là phương án hay nhất, rất khoa học và cách mạng.

3. Bài học từ việc giải quyết mâu thuẫn trong cách mạng miền Nam 1954-1975.

Bài học thứ nhất: trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin.

Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng Cộng sản Việt nam đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng lý luận. Song Đảng đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta. Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam. Điều này chưa có tiền lệ trong lịch sử. Đối với cách mạng miền Nam, suốt 21 năm kháng chiến trường kỳ, cứ mỗi bước leo thang của Mỹ, Đảng ta đã biết tùy từng nơi từng lúc, tùy tình hình lực lượng mà xác định mục tiêu, phương hướng đấu tranh thích hợp. Đảng luôn theo sát diễn biến tình hình, giải quyết triệt để các mâu thuẫn, không cho địch làm chủ chiến trường. Việc đánh bại các bước leo thang chiến tranh của Mỹ đã đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng và là câu trả lời chính xác của đường lối cách mạng của Đảng.

Bài học thứ hai: kiên trì đường lối cách mạng độc lập, tự chủ.

Sang xâm lược nước ta, Mỹ đã huy động một bộ máy chiến tranh khổng lồ với quy mô lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn 48 vạn lính viễn chinh Mỹ tham gia trực tiếp trên chiến trường miền Nam, cùng với 57.800 quân đồng minh của Mỹ, hơn 1 triệu quân ngụy. Mỹ chi phí hơn 676 tỉ đôla cho cuộc chiến, huy động hơn 70% lục quân, 60% không quân, 40% hải quân, 60% lực lượng lính thủy đánh bộ toàn nước Mỹ. Mỹ đã 2 lần thay đổi chiến lược toàn cầu, 4 lần thay đổi chiến lược quân sự, trải qua 5 đời tổng thống, 4 lần đổi tướng Tổng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ xâm lược Việt Nam.

Trong hoàn cảnh đó, đối với nước ta những thử thách hiểm nghèo không chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu mà xuất hiện bất cứ lúc nào, nhất là trước hoặc sau những bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Vì vậy có thể coi những thử thách hiểm nghèo trong chiến tranh là điều kiện để một dân tộc anh hùng thể hiện bản lĩnh kiên cường và dũng cảm, nêu cao tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do. Trong những năm khói lửa chiến tranh, Đảng ta luôn kiên trì đường lối độc lập, tự chủ. Chính đường lối này đã làm nên bản lĩnh cách mạng tuyệt vời, phát huy cao độ tinh thần quyết chiến của dân tộc Việt Nam, tổng hợp được sức mạnh dân tộc và thời đại, đưa đất nước vượt qua những thử thách cam go, giành thắng lợi tuyệt đối.

Bài học thứ ba: Nắm vững bản chất và linh hồn của phép biện chứng.

Hiện nay, mặc dù chủ nghĩa tư bản đã có những thay đổi, điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới nhưng bản chất của nó vẫn không hề thay đổi. Chủ nghĩa tư bản tuy không phải là thiên đường của nhân loại nhưng nó vẫn có sức sống không thể sụp đổ toàn diện và nhanh chóng. Trước mắt, chủ nghĩa tư bản còn có thể phát triển nhưng chính sự phát triển đó lại làm cho những mâu thuẫn trong lòng xã hội đó càng trở nên gay gắt.

Trong đấu tranh đối ngoại, Đảng ta nhất thiết phải kiên trì phép biện chứng, tránh tư tưởng siêu hình. Quan hệ với các nước tư bản chủ nghĩa, phải xử lý tốt, toàn diện mối quan hệ phức tạp: vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa tranh thủ vừa cạnh tranh, vừa phối hợp vừa va chạm. Ngày nay đứng trước xu thế và cơ hội toàn cầu hóa, người mácxít quyết không thể mang mãi quan niệm: chủ nghĩa tư bản chỉ đem đến rủi ro và tiêu cực. Để không đánh mất cơ hội phát triển mà toàn cầu hóa mang lại, các nước xã hội chủ nghĩa xét về tổng thể, nên và cần giữ thái độ tích cực.

Như vậy, kể từ tháng 7-1954 đến tháng 4-1975, cách mạng Việt Nam mang một nét hết sức độc đáo. Cùng một lúc giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản ở hai miền; hai mâu thuẫn trong lòng xã hội miền Nam. Song tất cả đều giành thắng lợi trọn vẹn. Đó là một điều kỳ diệu trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Đây thực sự là chiến công hiển hách của một dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng dám đánh và chiến thắng một đế quốc hùng mạnh trong thế kỷ XX.

Thạc sĩ: Nguyễn Thị Kim Oanh
Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, TT HCM

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều