Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.747.975
Hôm qua:752
Hôm nay:705

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước

16:28 | 18/05/2017 2179

Trong buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 9/9/1969 tại Quảng trường Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đọc Điếu văn tiễn biệt Người. Điếu văn có đoạn nhắc lại cuộc đời của Hồ Chí Minh: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho tới phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”.

Đúng vậy! Cuộc đời Hồ Chí Minh từ tuổi thiếu niên cho tới phút giây cuối cùng đều cống hiến trọn vẹn cho dân tộc Việt Nam và cách mạng thế giới. Quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn gắn liền với sự trưởng thành, sự phát triển về nhận thức, tư tưởng của Người. Trong đó, hành trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh được coi là giai đoạn hình thành và phát triển cơ bản hệ thống tư tưởng của Người. Đây là giai đoạn hoạt động sôi nổi nhất, chứa đựng nhiều nhất những khó khăn, thử thách và hi sinh đồng thời cũng là giai đoạn đánh dấu những cống hiến to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam. Hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh cho muôn người học tập, noi theo, đặc biệt là lớp lớp thế hệ trẻ.

Thứ nhất, xét về chiều dài thời gian, hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh kéo dài 34 năm. Nó được tính từ thời điểm anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba, theo hành trình của con tàu Amiral Latuse Tơrevin rời bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911, đến lúc Người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và tiếp tục hoạt động để thực hiện thắng lợi con đường đã lựa chọn, đánh dấu bằng sự kiện Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945.

34 năm! Hơn nửa cuộc đời của một con người (với tuổi thọ trung bình lúc đó). 34 năm để theo đuổi và thực hiện thành công con đường, lý tưởng đã lựa chọn của một con người quả là đáng khâm phục và cũng đủ để chúng ta học tập ý chí bền bỉ, bản lĩnh tuyệt vời trong việc theo đuổi và thực hiện bằng được mục đích, lý tưởng của mình.

Thứ hai, hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh rơi vào quãng đời tuổi trẻ sung sức nhất, đẹp nhất: 21 tuổi -55 tuổi. Người đã hi sinh cả tuổi xuân, sức trẻ của mình cho lý tưởng cách mạng, quên đi cả những điều chính đáng nhất của một con người như tình yêu đôi lứa, lập gia đình và tận hưởng hạnh phúc cá nhân. Khi tuổi đã về già, Người vẫn không màng đến hạnh phúc riêng tư, vẫn toàn tâm toàn ý cống hiến trọn vẹn cho dân cho nước. Phút giây cuối cùng của đời mình Bác cũng chỉ ân hận, luyến tiếc duy nhất một điều là “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Thứ ba, trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh của Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động, sâu sắc qua việc vượt lên mọi khó khăn, thử thách và những việc Người đã làm được trong suốt hành trình tìm đường cứu nước của mình.

Có thể nói rằng, những khó khăn, thử thách trong hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh rất lớn và quá nhiều. Nếu không có đủ trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh thì cuộc hành trình không tiếp diễn và thắng lợi. Nhưng với nghị lực phi thường, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức cách mạng sáng ngời và bản lĩnh tuyệt vời, Hồ Chí Minh đã vượt qua tất cả mọi khó khăn.

Một người thanh niên không một đồng xu dính túi, bằng sức lao động và nhiệt huyết yêu nước thương dân đã dám ra đi tìm đường cứu nước. Dám nghĩ, dám ra đi theo đuổi lý tưởng đã khó, thực hiện thành công càng khó khăn hơn, bản lĩnh hơn, thiên tài hơn.  Hồ Chí Minh đã làm được điều này!

Con đường cứu nước không ai vạch sẵn, Hồ Chí Minh nhận thức rằng, phải đi về phương Tây, đi đến cái nơi trực tiếp đô hộ dân tộc để tìm lời giải cho cách mạng. Sau này trong hành trình của mình, bằng những khảo nghiệm thực tiễn, đúc rút lý luận; xuất phát từ bối cảnh lịch sử, từ đòi hỏi bức thiết của dân tộc Việt Nam và xu thế của thời đại, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn: con đường cách mạng vô sản, gắn liền độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng, Hồ Chí Minh với trí tuệ thiên tài, nhãn quan chính trị tuyệt vời đã vượt lên những hạn chế của các nhà yêu nước tiền bối, đương thời để giữa muôn vàn học thuyết, Người lựa chọn chủ nghĩa Mác-Lênin; giữa nhiều con đường cách mạng, Người lựa chọn hướng đi đúng đắn cho dân tộc.

Trước những khó khăn như bị địch dụ dỗ, theo dõi, bắt bớ tù đày hay âm mưu thủ tiêu, Hồ Chí Minh luôn kiên định với con đường, lý tưởng đã lựa chọn là “giành độc lập cho Tổ quốc, đưa lại hạnh phúc, ấm no, tự do cho nhân dân”. Quả đúng như lời Người bộc bạch sau này: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội cũng chính vì mục đích ấy”.

Khi bị tổ chức hiểu lầm, Hồ Chí Minh dù rất khổ tâm nhưng vẫn tuyệt đối trung thành với cách mạng, phục tùng tổ chức; không hề có suy nghĩ, hành động trách móc, làm trái đường lối của tổ chức. Người vẫn bền bỉ học tập, kiên trì chờ đợi cơ hội để được giao việc, được hoạt động cách mạng và thực hiện lý tưởng của mình.

Vượt qua mọi khó khăn, trong hành trình tìm đường cứu nước của mình, Người đã làm được nhiều điều kỳ diệu: Dám ra đi tìm đường cứu nước cứu dân khi tuổi đời còn rất trẻ, không có ai giúp đỡ; Lựa chọn đúng hướng đi và cách đi của cuộc hành trình cứu nước; Hành trình của Người phải xa Tổ Quốc 30 năm, phải bôn ba qua 28 nước, 4 châu lục, 3 đại đương; làm nhiều nghề khác nhau; tự học và thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Từ một thanh niên bản xứ, bằng tất cả những gì mình có: trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, Hồ Chí Minh đã dần khẳng định vị thế quan trọng. Năm 1919, với cái tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt những người An Nam yêu nước gửi Bản yêu sách 8 điểm lên Hội nghị Vécxây đòi những quyền cơ bản cho dân tộc. Rõ ràng, phải có trí tuệ và bản lĩnh thật lớn mới dám làm và làm được như vậy. Bản yêu sách của Nguyễn Ái Quốc dù không được chấp thuận nhưng đã gây tiếng vang lớn. Một chính trị gia của chính quyền thực dân lúc đó đã nhận định rằng: “Nguyễn Ái Quốc chính là người sẽ cắm cây thập tự lên mồ quân viễn chinh Pháp”.

Một người thanh niên bản xứ đã trở thành Đảng viên Đảng xã hội Pháp và là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, quả thật quá tự hào!

Hồ Chí Minh cũng là chủ bút của nhiều tờ báo danh tiếng trên lãnh thổ chính quốc như  “Nhân đạo”, “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”… Dùng ngòi bút sắc sảo của mình làm vũ khí đấu tranh, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng về cả trong nước. Người còn là Đại biểu tham dự nhiều cuộc họp quan trọng của quốc tế Cộng sản. Trong các buổi họp bao giờ Người cũng có những bài tham luận độc đáo, sâu sắc thu hút sự chú ý và ủng hộ của các đại biểu khác. Hồ Chí Minh cũng là người sáng lập nhiều tổ chức chính trị trong nước và thế giới: “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức”, “Hội cách mạng thanh niên”, “Đảng Cộng sản Việt Nam”…

Khi đã lựa chọn được con đường cứu nước đúng đắn, với nhận thức “phải dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài”, Hồ Chí Minh đã từng bước hiện thực hoá con đường ấy bằng những hoạt động thực tiễn: chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản; đào tạo cán bộ lãnh đạo cách mạng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin dưới nhiều hình thức để giác ngộ cách mạng; xây dựng và tập hợp lực lượng cách mạng rộng lớn; gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế…

Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã làm được những điều phi thường. Qua đây cũng thấy được hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là quãng thời gian hoạt động cách mạng sôi nổi, oanh liệt, chứa đựng nhiều gian khổ, hi sinh nhất của Bác. Những điều Người đã làm chính là những cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Hồ Chí Minh quả là “Huyền thoại ngay từ khi còn sống”, đúng như lời phát biểu của Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Hội thảo vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới”: “Chỉ có rất ít nhân vật đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống, và rõ ràng hồ Chí Minh là một trong số đó, Người sẽ được ghi nhớ không chỉ là người đã giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là nhà hiền triết vĩ đại đã mở ra một hy vọng và viễn cảnh mới cho những người đang đấu tranh không mệt mỏi để loại bỏ bất công, bất  bình đẳng khỏi trái đất này”.

Như vậy, hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh của một con người. Hành trình ấy đã trở thành tấm gương cho muôn người. Nghiên cứu tư tưởng, cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh nói chung, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người nói riêng, chúng ta thấy được sự hi sinh và công lao to lớn của vị lãnh tụ đối với dân tộc. Đặc biệt, rút ra được bài học sâu sắc từ hành trình tìm đường cứu nước của Người, đó là: phải có bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức; dám nghĩ, dám làm; kiên trì bền bỉ theo đuổi lý tưởng đến cùng; tự học hỏi, rèn luyện để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và phải hoạt động thực tiễn sôi nổi để biến lý luận thành thực tiễn, biến nhận thức thành hành động. Tuổi xuân, sức trẻ của Bác đã trải qua những tháng ngày bôn ba, khó khăn và hoạt động cách mạng cực kỳ sôi nổi để đem đến độc lập cho dân tộc,  hạnh phúc cho đồng bào và quần chúng lao khổ trên thế giới. Điều này đặt ra cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay những suy nghĩ: làm thế nào sống thật ý nghĩa và làm việc hiệu quả, chất lượng để không phụ lòng những hi sinh, cống hiến của chủ tịch Hồ Chí Minh và biết bao con người ưu tú, anh hùng./.

Nguyễn Thị Ngọc Lan
Khoa Lý luận Mác-Lênin, TT HCM

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều