Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.547
Hôm qua:705
Hôm nay:283

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bảo vệ nền tảng tư tưởng

PHÁT HUY VAI TRÒ GIẢNG VIÊN TRẺ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

10:13 | 25/10/2021 710

TS. Nguyễn Đình Thuận - Hiệu trưởng[1]

 

Tóm tắt

Qua gần hai năm thực hiện Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đội ngũ giảng viên các trường chính trị, trong đó có giảng viên trẻ đã tiếp cận và phát huy được một số năng lực của mình. Để góp phần làm rõ những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện công tác này, ngoài các dữ liệu thứ cấp, tác giả tiến hành phương pháp điều tra bằng bảng hỏi đối với 57 giảng viên trẻ công tác tại 16 trường chính trị trong cả nước. Từ đó, tác giả mạnh dạn đưa ra 04 kiến nghị với Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và 03 kiến nghị với các trường chính trị nhằm thực sự phát huy vai trò tích cực của của giảng viên trẻ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, giảng viên trẻ, trường chính trị.

 

Đặt vấn đề

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành  Kế hoạch số 10- KH/HVCTQG ngày 27-7-2019 và Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT ngày 24-9-2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này tới với hệ thống học viện và các trường đảng trong cả nước. Theo đó, đội ngũ giảng viên trường chính trị phải thực hiện hai nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, kết hợp giảng dạy lý luận với giáo dục về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và thù địch và phát huy trách nhiệm của học viên tham gia vào công tác này.

Thứ hai, nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch theo kế hoạch nghiên cứu khoa học hằng năm của Trường. Trong đó, giảng viên được khuyến khích tham gia nghiên cứu, bảo vệ phát triển chủ nghĩa Mác Lênin trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và trên mạng xã hội.

Có thể thấy, hai nhiệm vụ này đều xuất phát từ chức năng của trường chính trị và nhiệm vụ của đội ngũ giảng viên. Các trường chính trị cấp tỉnh vừa là nơi cung cấp tri thức khoa học, cách mạng vừa là môi trường định hướng tư tưởng, củng cố lòng tin nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở. Đối với giảng viên lý luận chính trị, việc lên lớp cũng chính là thực hiện nhiệm vụ lập luận, phân tích, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch có liên quan ở từng môn học, từng chuyên đề, qua đó giúp cho cán bộ đảng viên nhận thức rõ vấn đề, đề kháng với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch [3].

Bối cảnh đất nước và mỗi địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu ngày càng lớn đối với giảng viên trường chính trị. Giảng viên phải được đào tạo, bồi dưỡng thành nguồn nhân lực có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề [2]. Ngoài việc nắm chắc về lý luận chính trị, đường lối chính sách của đảng và nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, giảng viên trường chính trị còn phải được trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tốt tác tính huống xảy ra trong công tác. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của với Nghị quyết số 35/NQ-TW, giảng viên trường chính trị phải nhận rõ các quan điểm sai trái, lệch lạc từ đó sự giải thích, phân biệt, đánh giá, nhận định trên cơ sở khoa học để “đả thông tư tưởng” cho người học thắc mắc, hồ nghi, thậm chí dao động [10].

Thực trạng đội ngũ và hoạt động của giảng viên trường chính trị hiện nay

Theo thống kê của vụ các Trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2020, 63 trường chính trị có tổng số 3075 viên chức. Trong đó, có tổng số 1992 giảng viên gồm 1229 giảng viên và 763 giảng viên chính. Về chuyên ngành đào tạo, hiện nay chưa có cập nhật đầy đủ về chuyên ngành đào tạo của tổng số giảng viên các trường chính trị. Theo kết quả khảo sát theo bảng hỏi của tác giả, trong số 57 phiếu trả lời của các giảng viên trẻ đến từ 16 trường chính trị, có đến đến 92,9% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở nên. Mặc dù có trình độ khá cao, song chuyên môn đào tạo của giảng viên khá đa dạng, không tập trung vào các ngành đặc thù rất cần thiết đối với giảng dạy lý luận chính trị. Kết quả trả lời từ 57 phiếu cho thấy, giảng viên không chỉ được đào tạo từ các ngành như Triết học, Chủ nghĩa xã hội, Xây dựng đảng và chính quyền, mà còn từ các ngành khác như Hành chính công, Pháp luật, các ngành khoa học xã hội khác, thậm chí có số ít giảng viên còn được đào tạo từ ngành khoa học tự nhiên. Việc tuyển dụng giảng viên có nhiều chuyên ngành khác nhau sẽ dẫn đến khó khăn cho phân công giảng dạy, nhất là các môn lý luận chính trị quan trọng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị mà trường chính trị đang đảm nhận như Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối của Đảng và nhà nước Việt Nam về một số lĩnh vực của đời sống xã hội,…. Điều này đặt ra những nhiệm vụ rất khó khăn cho hệ thống các trường Đảng trong việc đào tạo lại và bồi đắp kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ giảng viên không có chuyên môn sát với môn, chuyên đề giảng dạy.

Về công tác giảng dạy, theo đánh giá từ của đội ngũ lãnh đạo đối, đa số giảng viên trường chính trị có nhiệt huyết và tận tâm với nghề. Hầu hết các trường chính trị đã đảm nhiệm được toàn bộ chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và đã mở rộng sang các hoạt động bồi dưỡng khác đối với cán bộ, quản lý cấp cơ sở. Tuy vậy, qua các kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội thảo cấp bộ do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức về “Xây dựng trường chính trị quân đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay” (2019), không ít lãnh đạo các trường chính trị còn chưa hài lòng với chất lượng đội ngũ giảng viên. Theo đó, đội ngũ giảng viên của các trường còn khó khăn, hạn chế nhất định về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn còn hạn chế, đội ngũ kế cận thiếu hụt, phương pháp giảng dạy còn bất cập [7, tr. 374, 415, 418, 427]. Điều này cũng trùng với nhận định trong nhiều công bố về chất lượng giảng viên các trường chính trị trước đó, như: một bộ phận giảng viên vẫn giáo điều, máy móc, dập khuôn khi thực hiện tiết giảng, bài giảng, thiếu liên hệ thực tiễn lý luận sống động đang diễn ra và thay đổi hằng ngày khiến bài giảng khô khan, thuyết phục và thiếu sức sống; không ít giảng viên thường bám sát tài liệu cho sẵn, cố chuyển tải cho hết kiến thức trong sách theo phương pháp thuyết giảng dập khuôn, ít lồng ghép các ví dụ thực tiễn sinh động [10, tr.7; 9, tr.67-75].

Về công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học của giảng viên, cho dù đã có những đánh giá rất tích cực, đội ngũ quản lý các trường chính trị cũng nhận định đây nhiệm vụ khó khăn và chưa đạt chất lượng. Nguyên nhân chính là thu nhập của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ quá thấp, phải tăng cường giảng dạy nên không thể dành nhiều tâm sức để nghiên cứu khoa học, còn tình trạng đối phó trong nghiên cứu khoa học; công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học có khi chạy theo chỉ tiêu, chưa đi vào chiều sâu, còn rất nhiều trường chưa vươn được đến đề tài, đề án cấp tỉnh [7, tr.284, 301,318, 323,330-33].

Các khó khăn trong thực hiện hai nhiệm vụ của giảng viên trường chính trị đã đặt ra nhiều vấn đề về nâng cao chất lượng của đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu sắp đến, đặc biệt là khi phải thực hiện thêm nhiệm vụ kết hợp nội dung giảng dạy và nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo Nghị quyết số 35/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Thực hiện Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT, đa số các trường chính trị đã quan triệt đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết số 35/NQ-TW của Bộ Chính trị và nhất là xây dựng kế hoạch bài bản, phân công đội ngũ giảng viên thực hiện các nội dung theo Hướng dẫn và có sự kiểm tra đôn đốc. Nhờ đó, nhiều trường đã đạt được một số kết quả nhất định và kết quả đó cũng được phản ánh phần nào trong trả lời bảng hỏi.

Để thực hiện nhiệm vụ thứ nhất, kết hợp nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào các bài giảng trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, có 35/57 giảng viên cho biết thực hiện ở mức độ thường xuyên, 21/57 trả lời ở mức độ có nhưng không thường xuyên. Tuy vậy, khi thực hiện nhiệm vụ này, có 47% giảng viên coi khó khăn lớn nhất khi thực hiện là chưa khơi gợi được sự hứng thú của học viên tham gia, tương tác về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đáng lưu ý, có 22% giảng viên cho rằng chuyên đề giảng dạy có tính đặc thù, khó lồng ghép. Theo chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính trước đây và Chương trình mới chuẩn bị được thực hiện, các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thường được giảng viên tiếp thu và thể hiện đậm nét ở các môn học như: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam. Đối với các môn học khác có tính chất nghiệp vụ như Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở, Nghiệp vụ công tác công tác Mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở hay Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở hoặc Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, dường như việc đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng vào còn nhiều khó khăn.

Nhiều giảng viên cũng nhận định việc ban hành các kế hoạch của một số trường còn ở mức độ huy động, khuyến khích, chưa phân công rõ ràng. Trong số 57 giảng viên được hỏi, có 57,8% giảng viên khẳng định không được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể để thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, một số trường chỉ nhắc nhở chung như: các giảng viên được có nhiệm vụ lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tưởng của Đảng vào bài giảng; khuyến khích giảng viên viết bài phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; yêu cầu giảng viên cẩn trọng khi tiếp nhận và sử dụng thông tin trên mạng xã hội; không đưa tin sai sự thật về các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước,…. Rõ ràng là, không phân công cụ thể và nhất là không có cơ chế kiểm tra thực hiện thì rất khó đánh giá giảng viên đã thực hiện như thế nào trên giảng đường.

Xây dựng môi trường để giảng viên trẻ phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ

Để có thể phát huy được năng lực của giảng viên, một trong những điều kiện quan trọng nhất là xây dựng được cơ chế và môi trường thuận lợi. Song vấn đề này thực sự không đơn giản ở các trường chính trị. Khảo sát ban đầu cho thấy việc chủ động tiếp cận và tìm hiểu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phần nhiều xuất phát từ nhu cầu tự thân của giảng viên. Trả lời cho câu hỏi về mức độ tham dự hoặc nghe báo cáo chuyên đề hoặc đọc bài viết liên quan đến công tác này từ đầu năm 2020 đến nay (tính đến tháng 7/2021), 31% giảng viên trả lời thường xuyên, 50,8% giảng viên trả lời có nhưng không thường xuyên và 15,7% trả lời hiếm khi. Tương tự như vậy, 89.4% giảng viên thường xuyên đọc các bài viết, nghiên cứu trên các tạp chí xuất bản trong nước có nội dung phản bác quan điểm sai trái thù địch. Nguồn tài liệu được giảng viên đưa ra khá đa dạng, từ Tạp chí Cộng sản, các tạp chí của các Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo, Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí lý luận chính trị,... 75,5% giảng viên tìm được ở các tạp chí trên các thông tin về về những quan điểm sai trái, thù địch với nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để nắm vững và toàn diện hơn về nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như nhận định rõ về sự chống phá của các thế lực thù địch, ngoài việc tìm đọc tài liệu thì tạo dựng môi trường trao đổi, thảo luận dân chủ là một trong những phương thức quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy vậy, đây lại là một hạn chế hiện nay ở các trường chính trị. Có đến 43.9% giảng viên khẳng định khó khăn lớn nhất trong việc nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là chưa có đủ môi trường học thuật để thường xuyên thông tin, trao đổi, thảo luận về nền tảng tư tưởng của Đảng. Không có môi trường để trao đổi, thảo luận thường xuyên, kiến thức thu nhận một chiều sẽ trở nên xơ cứng và đơn điệu. Điều này một phần đã dẫn đến hậu quả là giảng viên không khơi gợi sự hứng thú của học viên như trình bày ở trên.

Ngoài việc chưa có đầy đủ môi trường để trao đổi, thảo luận về nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp nhận diện rõ các quan điểm sai trái, thù địch, đội ngũ giảng viên trẻ còn gặp khó khăn ở trong nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng và trang bị phương pháp, kỹ năng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhìn nhận được vấn đề này, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng rất nhiều cơ chế như đề nghị các tỉnh, thành ủy tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên được học tập cao cấp lý luận chính trị. Học viện cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều lớp bồi dưỡng rất có ý nghĩa với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy vậy, số lượng giảng viên, nhất là giảng viên trẻ tham gia các lớp này còn thấp. Theo thống kê của Vụ các trường chính trị, tính đến hết năm 2020, vẫn còn 1022/tổng số1992 giảng viên (chiếm 51,3%) chưa được bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài một số trường mở riêng được lớp này như Trường chính trị Tôn Đức Thắng-An Giang, Trần Phú-Hà Tĩnh, Đắc Lắk, Lai Châu, Lào Cai, Phú Yên, Bình Dương, Nghệ An, còn khá nhiều trường rất mong muốn song chưa thể mở lớp hoặc cử giảng viên theo học. Cá biệt, có một số trường chỉ có 01 đến 02 giảng viên có được cử đi học và được cấp chứng chỉ như các trường chính trị: Tô Hiệu -Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bắc Ninh,… Không tách rời với việc củng cố nắm vững kiến thức về nền tảng tư tưởng của Đảng, giảng viên các trường chính trị rất cần được bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 84,2% giảng viên được hỏi trả lời chưa từng được tham gia lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng nào liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng trong các năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.

Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ song chúng ta vẫn nhận thấy được ý thức nghề nghiệp và ý thức chính trị của đội giảng viên trẻ rất cao. Có 61,4% giảng viên thể hiện sự sẵn sàng và 24,6% tỏ ra rất sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cụ thể như viết bài (có chủ đề cụ thể phù hợp với chuyên môn) phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để đăng trên tập thông tin lý luận và thực tiễn (của Trường), báo địa phương hoặc một mạng xã hội. Ý thức của giảng viên còn được thể hiện cao hơn nữa khi có đến 84,2% thống nhất cần phải được giao thêm nhiệm vụ cụ thể về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và thù địch với nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong số các nhiệm vụ cụ thể, 50% giảng viên đồng ý nhận nhiệm vụ xây dựng những nội dung cốt lõi của nền tảng tư tưởng của Đảng theo chuyên môn giảng dạy. Số ít đồng ý nhận nhiệm vụ hệ thống hóa các quan điểm sai trái, thù địch đối với nền tảng tư tưởng của Đảng để từ đó xây dựng phương pháp, đối sách lập luận bác bỏ.

Một số kiến nghị nhằm phát huy vai trò của giảng viên trẻ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và thù địch trong tình hình mới

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nội dung hệ trọng của công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tư tưởng của Đảng nói riêng. Đại hội Đại biểu Đảng lần thứ XIII đã xác định trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chuyển trọng tâm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận từ hình thức truyền thống là chủ yếu sáng đấu tranh trên internet và mạng xã hội [4]. Để tăng cường và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác này, cần nhận diện rõ bối cảnh mới, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó đề ra định hướng, giải pháp phù hợp [11]. Trên cơ sở các chủ trương mới của Đảng và hướng dẫn của Học viện, xuất phát từ thực trạng thực hiện nhiệm vụ này tại các trường chính trị và trong đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, xin gửi đến các cơ quan quản lý một số kiến nghị cụ thể như sau:

Kiến nghị đối với Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ chuẩn hóa đội ngũ giảng viên qua cơ chế đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc. Đã có một thời gian khá dài, nhiều trường chính trị chưa xây dựng được các tiêu chí khi tuyển dụng giảng viên hoặc tiếp nhận giảng viên cho nên dẫn đến tình trạng giảng viên “đứng nhầm giảng đường”. Khắc phục điều này, nhiều trường hoặc giảng viên tìm cách hợp lý hóa chuyên môn bằng cách cử giảng viên đi học hoặc giảng viên xin học thạc sĩ “phù hợp với chuyên môn giảng dạy” [6, tr.3]. Song, có thể thấy, kiến thức từ quá trình đào tạo thạc sỹ chưa thể bù đắp đủ vào nền tảng kiến thức cần có của giảng viên. Chính vì vậy, trên cơ sở Đề án 587 của Chính phủ, đề nghị Học viên ban hành quy định đào tạo lại bắt buộc đối với giảng viên trường chính trị không có chuyên ngành đào tạo đại học đúng theo quy định. Trước mắt thực hiện chương trình đào tạo tập trung tại Học viện trung tâm hoặc các học viện khu vực đối với giảng viên giảng không có chuyên ngành tại các khoa Lý luận cơ sở và Xây dựng Đảng.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện việc sát hạch chất lượng giảng dạy của giảng viên trường chính trị để có thể đánh giá được tổng quát năng lực thực sự của đội ngũ này. Qua tìm hiểu và trao đổi với nhiều hiệu trưởng các trường chính trị, có thể thấy, không ít giảng viên thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ. Cá biệt, có giảng viên không đủ năng lực và trình độ lên giảng bài nhưng vẫn giữ ngạch giảng viên. Để khắc phục tình trạng này và tạo động sự phấn đấu liên tục của giảng viên, kính đề nghị Học viện xem xét xây dựng cơ chế sát hạch chất lượng giảng viên trường chính trị hằng năm. Trong nội dung sát hạch, ngoài các kiến thức chuyên môn và chuyên ngành, cần bổ sung các nội dung có liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và thù địch. Từ việc đánh giá chính xác về chất lương giảng viên, các Trường Chính trị sẽ có cơ sở đó phát huy năng lực của người giỏi, chọn ra người xuất sắc, điều chỉnh nhắc nhở các giảng viên bình thường và nhất là loại ra khỏi trường những giảng viên kém cỏi.

Thứ ba, mở rộng hoạt động bồi dưỡng theo chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trọng tâm là hai lớp: Bồi dưỡng kiến thức kinh điển của chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và bồi dưỡng kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Kiến nghị này xuất phát từ nhu cầu học Lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh rất lớn như phân tích ở trên. Còn đối với Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức và kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng, theo kết quả khảo sát, có đến 54% giảng viên khẳng định đây là cơ chế có tính khả thi và phù hợp nhất giúp nâng cao năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong bối cảnh thực hiện đạt mục tiêu chuẩn hóa trường chính trị theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 15-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sẽ có khả năng xuất hiện tình trạng “chạy đua” giữa các trường để mở các loại hình bồi dưỡng này. Chính vì vậy, kính đề nghị Học viện chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tổng thể, có sự điều tiết để được mục tiêu chung của Học viện đồng thời đáp ứng nhu cầu của các Trường.

Thứ tư, chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh chóng hiện nay khiến cho việc giao lưu, trao đổi học thuật phổ biến hơn. Ngày càng nhiều trường chính trị kết nối với Học viện qua hệ thống nghe nhìn trực tuyến. Với nền tảng rất tốt như vậy, kính đề nghị Học viện nghiên cứu xây dựng một Đề án kết nối học thuật giữa đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, nhà khoa học của Học viện với giảng viên các trường chính. Theo đó, Học viện sẽ tổ chức các chương trình trực tuyến, thiệu tác phẩm mới, các công trình mới nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây sẽ là diễn đàn mà giảng viên trường chính trị có cơ hội được tiếp nhận, được trình bày và được giải đáp các khó khăn trong công tác chuyên môn để từ đó nắm thêm vững, củng cố thêm niềm tin vào chế độ và sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Kiến nghị đối với ban giám hiệu các trường chính trị

Thứ nhất, tiếp tục làm sâu sắc thêm kế hoạch thực hiện hướng dẫn số của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Các trường cần chủ động lồng ghép, tích hợp có hiệu quả nội dung đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào công tác giảng dạy, đảm bảo phù hợp với từng loại hình lớp học, từng khóa đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Các Trường cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng giảng viên, nhất là giảng viên trẻ trong công tác giảng dạy, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học, đi đôi với đó là sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Coi đó như một trong những nhiệm vụ thi đua của viên chức trong năm.

Thứ hai, để thực hiện kế hoạch trên, các trường cần xây dựng cơ chế để giảng viên có thể chủ động tham gia theo kế hoạch hằng năm. Ví dụ, như xây dựng chủ đề hội thảo cấp trường có chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và thù địch, mở các chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên trang thông tin điện tử, nội san lý luận và thực tiễn của Trường. Đặc biệt, có thể nghiên cứu thành lập mô hình câu lạc bộ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện sinh hoạt định kỳ theo chuyên đề được xác định trước hoặc mời chuyên gia tới báo cáo, thảo luận. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra môi trường trao đổi sinh hoạt cởi mở, dân chủ trong trường, giúp giảng viên ngày càng củng cố kiến thức về lý luận và thực tiễn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước mắt, có thể thực hiện một số nội dung như: phân công giảng viên tham gia các diễn đàn, mạng xã hội do các cơ quan đảng, chính quyền đoàn thể của địa hương thành lập để cùng với lực lượng của ta tiến hành đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch nói chung và làm rõ chủ trương đường lối chính sách của nhà nước và địa phương nói riêng; giới thiệu cho Ban chỉ đạo 35 của địa phương các giảng viên có năng lực viết bài tham gia chế độ cộng tác viên cho các chuyên đề chính luận của báo, trang thông tin điện tử của địa phương; tiến cử các giảng viên có năng lực báo cáo tốt cho các chính quyền cấp sở để tham gia nói chuyện chuyên đề, báo cáo theo chủ đề trong đó có chủ đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đphát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu của các trường chính trị là nâng cao chất lượng giảng viên. Trong đó, cần xây dựng các “cơ chế mềm” và “cơ chế cứng” trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Một bài giảng hay, lôi cuốn và truyền cảm hứng tới học viên, một bài viết có sức thuyết phục nhiều tầng lớp người học không thể có được chỉ bằng nỗ lực tự thân của của mỗi giảng viên. Việc Học viện và các trường xây dựng các cơ chế dài hạn và ngắn hạn trong đào tạo bồi dưỡng kết hợp với xây dựng môi trường công tác thuận lợi và tích cực sẽ là giải pháp tốt nhất để tạo động lực khuyến khích giảng viên lý luận chính trị không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy và nâng cao tính tích cực, tính tự giác của giảng viên lý luận chính trị thực việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn này.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Chính trị (Khóa XII), Nghị quyết số số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới,
  2. Bộ Chính trị (Khóa XI) (2014), Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/ 5/2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
  3. Nguyễn Thái Bình,  Lê Thị Tình (2021), Vai trò của trường chính trị cấp tỉnh trong nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Tạp chí Nhà nước bản điện tử, từ www.tapchinhanuoc.vn.
  4. Lê Thị Chiên (2021), “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng” Tạp chí Lý luận chính trị, trg. 20-24. Số 5-2021, H.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T2, Nxb Chính trị  quốc gia - Sự thật, H.
  6. Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 2/5/2019.Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW.
  7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Thanh Hóa (2019), Xây dựng Trường Chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp bộ. Nxb Lý luận chính trị. H.
  8. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
  9. Nguyễn Bích Ngọc (2020) nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ các trường chính trị đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Phát triển nhân lực, số 3(68).
  10. Nguyễn Bình Minh (2010), Cách mạng Công nghiệp 4.0 và vai trò, năng lực của giảng viên trường chính trị trong tương lai, Tạp chí khoa học giáo dục Việt Nam, số 34.
  11. Nguyễn Xuân Thắng (2021), Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Tạp chí Cộng sản, số 962.

     

----

 

[1] Hiệu trường Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng

 

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều